“Kinh lược Hải dương”: Khái niệm chiến lược mới của Tập Cận Bình

china-navy_2300875b

Nguồn: Ryan Martinson, “Jinglue Haiyang: The Naval Implications of Xi Jinping’s New Strategic Concept“, China Brief, Volume 15, Issue, 1, 9/1/2015.

Biên dịch: Quang Vũ | Hiệu đính: Kim Minh

Khi nghiên cứu về sự bành trướng của Trung Quốc tại các vùng biển gần ở Đông Á, người ta hầu như bỏ qua hoàn toàn khái niệm kinh lược hải dương (jinglue haiyang), khái niệm mà gần đây đã được Đảng-Nhà nước xác nhận là một khía cạnh đặc biệt trong chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc. Kinh lược (Jinglue) không phải là một thuật ngữ thông dụng; cụ thể, hầu hết các từ điển đều không định nghĩa cụm từ này. Đây là một động từ được cấu thành bởi từ kinh (jing), nghĩa là quản lý hay quản trị, với từ lược (lue), nghĩa là chiến lược hay mưu lược. Theo Từ điển Từ Hải (Cihai) ấn bản năm 1979, thuật ngữ này có nghĩa là “giải quyết vấn đề trên cơ sở lên kế hoạch từ trước”. Chúng ta có thể tạm dịch cụm từ này là “quản lý chiến lược”, và cụm từ kinh lược hải dươngsẽ được dịch là “quản lý chiến lược vùng biển”.

Các nguồn chính thống và gần như chính thống của Trung Quốc, cụ thể là các ấn phẩm của hải quân, hiện tại thường xuyên trích dẫn khái niệm mới này, họ xem đây là một hòn đá tảng trong tư duy chiến lược của Chủ tịch Tập Cận Bình, người đồng thời là Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Đây là một thuật ngữ đáng để chúng ta đào sâu tìm hiểu bởi nó là một thuật ngữ khá mới mẻ cũng như có ý nghĩa quan trọng nếu muốn hiểu rõ chính sách biển của Trung Quốc. Nghiên cứu một cách kĩ càng các văn bản Trung Quốc, chúng ta thấy khái niệm này ủng hộ cho một quan điểm rộng mở về việc sử dụng sức mạnh trên biển trong thời bình, từ đó có lẽ sẽ làm sáng tỏ tại sao nhà lãnh đạo hiện tại lại muốn theo đuổi tham vọng thống trị biển một cách có hệ thống và chủ động hơn, đặc biệt là tại Biển Đông.

Con đường dẫn đến sự phê chuẩn của khái niệm mới

Khái niệm quản lý chiến lược vùng biển trên thực tế không phải là một cái gì đó quá mới mẻ.Trong một bài báo đăng trên Học báo Thái Bình Dương (Taipingyang Xuebao) năm 1996, La Ngọc Như, một Đại úy đã nghỉ hưu của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) và nguyên là Cục trưởng Cục Hải dương Quốc gia (SOA), chủ trương đưa khái niệm này trở thành cốt lõi trong chiến lược biển Trung Quốc. Định nghĩa của ông La về thuật ngữ này, sau gần 20 năm, vẫn còn giá trị:

Kinh lược hải dương nằm trong phạm vi của chiến lược quốc gia. Về cơ bản, thuật ngữ này có nghĩa là sử dụng các công cụ chính trị, công nghệ và ngoại giao để tham gia vào hoạt động quản lý ở mức độ cao và toàn diện các lợi ích và an ninh quốc gia trong lĩnh vực biển, và áp dụng các biện pháp quyết liệt để đẩy nhanh việc phát triển và khai thác biển, tăng cường quản lý toàn diện vùng biển, và bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia trên tất cả các phương diện.[1]

Từ giữa những năm 1990, các nhà bình luận của Trung Quốc thường xuyên kêu gọi nước này thực thi một chính sách quản lý chiến lược vùng biển. Các kiến nghị có thể khác nhau, nhưng cách hiểu về thuật ngữ này là giống nhau. Khái niệm này bao hàm một chiến lược quốc gia tổng thể được xây dựng và giám sát bởi các cấp cao nhất của chính phủ. Khái niệm này gắn liền với nỗ lực của nhiều cơ quan, bộ, ban ngành khác nhau. Khái niệm này cũng hàm ý việc chủ động theo đuổi các mục tiêu đã-được-xác-định-rõ-ràng. Mặc dù phát triển kinh tế vẫn luôn được xem là mục tiêu cốt lõi, nhưng an ninh biển và “bảo vệ các quyền” cũng đã trở thành những mối lo ngại đáng kể. Vì vậy, các công cụ thực thi sức mạnh trên biển – cụ thể là Hải quân PLA – nhiều khả năng sẽ đóng những vai trò quan trọng trong việc quản lý chiến lược vùng biển.

Mặc dù đôi khi xuất hiện trên các ấn phẩm chính thống, nhưng khái niệm này không phải là một chính sách chính thức. Ra đời vào cuối tháng 4/2013, Quy hoạch Phát triển Hải dương 5 năm lần thứ 12 không đề cập gì tới khái niệm này. Quản lý chiến lược cũng không xuất hiện trong Sách Trắngtháng 4/2013 về “Đa dạng hóa Hoạt động của Lực lượng Vũ trang Trung Quốc” (Xinhua, ngày 16/4/2013).

Tất cả đã thay đổi đột ngột chỉ 3 tháng sau đó. Ngày 30/7, các thành viên của Bộ Chính trị, Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) nhóm họp tại một buổi thảo luận về chủ đề đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc biển. Tại cuộc họp này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có một bài phát biểumà sau đó đã được truyền thông Trung Quốc tóm tắt. Phần mở đầu của bản tóm tắt chính thức bao gồm đoạn văn sau, cũng đồng thời là tiêu đề cho bài phát biểu của ông Tập: “Chúng ta cần hành động nhiều hơn nữa để khai thác các lợi ích trên biển, hiểu rõ về biển, và quản lý chiến lược vùng biển, và tiếp tục hành động nhiều hơn nữa để thúc đẩy các nỗ lực nhằm đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc biển” (People’s Daily, ngày 1/8/2013).[2]

Mặc dù đây chỉ là một bản tóm tắt ngắn gọn bài phát biểu của ông Tập, nhưng chúng ta có thể rút ra một vài kết luận, và một trong những kết luận quan trọng nhất đó là “quản lý chiến lược vùng biển” hiện đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc. Đây là một thuật ngữ bao trùmcho các hoạt động nhằm khai thác lợi ích biển và hiểu rõ hơn về biển. Các thành tố chính của chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc được đề ra tại Đại hội 18 của Đảng – bảo vệ các quyền/lợi ích trên biển, bảo vệ môi trường, tăng cường năng lực khai thác tài nguyên biển và phát triển kinh tế biển – hoàn toàn đồng nhất với những quan niệm trước đó về kinh lược hải dương. Với chỉ 4 từ, khái niệm “quản lý chiến lược” đã phác họa được bản chất trong các mục tiêu của Trung Quốc.

Quản lý chiến lược với vai trò là một chính sách

Rõ ràng, quản lý chiến lược vùng biển là một khái niệm có tác động tới tất cả các bộ, ban, ngành có trách nhiệm về các vấn đề trên biển. Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của khái niệm này đối với Hải quân PLA, chúng ta nên kiểm chứng xem đơn vị này đã diễn giải và sử dụng thuật ngữ này như thế nào. Việc nghiên cứu sâu những thông tin trên tờ báo chính thức của hải quân, tờ People’s Navy, đem lại những thông tin hữu ích. Bảng dưới đây mô tả tần suất của việc sử dụng thuật ngữ “kinh lược” từ năm 2010.

Việc sử dụng thuật ngữ “quản lý chiến lược” trên tờ People’s Navy từ năm 2010

Năm Số bài báo
2010 0
2011 0
2012 5
2013 13
2014 21*

*Chưa tính tháng 11 và tháng 12.

Việc phân tích nội dung của những bài báo này cho phép đi đến những đánh giá sau:

  1. Thuật ngữ “quản lý chiến lược” lần đầu xuất hiện vào tháng 10/2012. Từ thời điểm đó, thuật ngữ này đã được sử dụng trong 39 bài báo, xuất hiện với tần suất tăng dần theo thời gian.
  2. Thuật ngữ này hầu như, nhưng không phải là tuyệt đối, đề cập tới nhiệm vụ chiến lược của Hải quân PLA tại các vùng biển gần tại Đông Á.
  3. Biển Đông là vùng biển duy nhất được liên hệ cụ thể với khái niệm quản lý chiến lược.
  4. Thuật ngữ này thường xuyên xuất hiện song song với cụm từ “bảo vệ các quyền và lợi ích biển.”

Việc khái niệm này bắt đầu xuất hiện thường xuyên trong nửa cuối năm 2012 cho thấy nó đã được chấp thuận trong nội bộ một thời gian khá dài trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình ghi nhậnkhái niệm này như là một chính sách. Trong bài phát biểu tại một nhóm thảo luận ở Đại hội Đảng lần thứ 18, được tờ People’s Navy ấn bản ngày 13/11/2012, Phó Đô đốc Hải quân Tưởng Vĩ Liệt nêu bật 4 lĩnh vực phát triển trong tương lai cho hải quân. Trong điểm thứ ba, ông Tưởng nói rằng, “Chúng ta cần hành động nhiều hơn nữa trong việc thực thi chiến lược ‘quản lý chiến lược’ Biển Đông. Hạm đội là một lực lượng có vai trò chiến lược quan trọng tại Biển Đông. Lực lượng này giúp đảm bảo an ninh của các tuyến đường giao thương trên biển quan trọng và giúp bảo vệ có hiệu quả chủ quyền quốc gia và các quyền và lợi ích trên biển. Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa để cải thiện hoạt động nghiên cứu lý thuyết về quản lý chiến lược tại Biển Đông; chủ động kết hợp [các hành động nhằm] bảo vệ các quyền và [các hành động nhằm] duy trì sự ổn định; tăng cường toàn diện sự kiểm soát chiến lược Biển Đông; và bảo vệ, xây dựng một cách toàn diện và quản lý chiến lược Biển Đông.”[3]

Việc sử dụng thuật ngữ này trở nên thường xuyên hơn trong quý đầu của năm 2014 liên quan đến chiến dịch truyền bá tư tưởng của ông Tập cho lực lượng hải quân. Vào ngày 19/3, 16 sĩ quan hải quân cấp cao đã đưa ra các bài báo bày tỏ ngưỡng mộ dành cho sự uyên thâm chiến lược của ông Tập. Những văn bản với độ dài 800 từ này cung cấp một góc nhìn thú vị về bản chất tư tưởng của ông Tập trong vấn đề sức mạnh trên biển của Trung Quốc. Khái niệm quản lý chiến lược vùng biển đã được nhắc đến nhiều lần.

Bài viết của Phó Đô đốc Vương Triệu Hải là đặc biệt đáng chú ý, bởi vị trí phó chỉ huy Hạm đội Nam Hải của ông. Trong bài báo của mình, ông Vương viết rằng, “Trong cả hai chuyến thăm Hạm đội Nam hải, ông Tập Cận Bình đều nhấn mạnh tới vấn đề bảo vệ các quyền trên Biển Đông. Ông chỉ ra rằng hải quân cần phải nhìn nhận vấn đề từ góc độ an ninh quốc gia và chiến lược phát triển, rằng hải quân cần phải hoàn thành mục tiêu quan trọng đó là quản lý chiến lược Biển Đông.”[4]

Để làm điều này, ông Vương viết trong bài báo của mình, Hải quân PLA cần phải tăng cường hợp tác với lực lượng chấp pháp trên biểnbởi cơ quan này đang theo đuổi việc “kiểm soát hành chính” (guankong) – một khái niệm đang ngày càng được chú ý trong những năm qua – đối với Biển Đông (The National Interest, ngày 1/10/2014). Cụ thể, điều này có nghĩa là tăng cường tần suất và chất lượng các cuộc diễn tập chung, thiết lập một cơ cấu chỉ huy chung và chia sẻ thông tin tình báo. Ông Vương viết tiếp, “Chúng ta cần phải… thực thi toàn diện chính sách, từ đó đảm bảo rằng chúng ta sẽ có được sự kiểm soát hành chính và thực hiện hoạt động chấp pháp bảo vệ các quyền trên Biển Đông một cách có hiệu quả.” Với mục tiêu đó, Hải quân PLA đóng vai trò hỗ trợ cho hoạt động cho các lực lượng chấp pháp – cơ quan có vai trò như là công cụ chính trong chiến lược bảo vệ các quyền của Trung Quốc.

Một vài bài báo nêu bật tầm quan trọng của các đảo và các thực thể đất liền khác trong nỗ lực nhằm có được sự quản lý chiến lược Biển Đông. Ví dụ, trong một chuyến đi thị sát tới Đảo Phú Lâm vào tháng 10/2012, người khi đó là Phó Chính ủy hải quân, Phó Đô đốc Trương Triệu Ngân, chỉ ra rằng “quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa), và Trung Sa (Bãi Macclesfield) là những cơ sở có nguồn tài nguyên chiến lược phục vụ cho phát triển của Trung Quốc trong dài hạn. Những quần đảo này là những trọng điểm chiến lược quan trọng cho Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển. Chúng có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc quản lý chiến lược Biển Đông…”[5]

Khái niệm quản lý chiến lược hiện giờ đã được lồng ghép thường xuyên hơn vào trong các phát biểu công khai của các quan chức cấp cao. Tháng 8/2014, hải quân có tổ chức một hội thảo nhân dịp 120 năm Chiến tranh Trung-Nhật nổ ra. Trong phát biểu của mình, Đô đốc Ngô Thắng Lợi có nói: “Đối mặt với môi trường chiến lược quốc tế đang thay đổi một cách sâu sắc và ngày càng phức tạp, cùng với các nguy cơ hết sức đáng lo ngại trên biển, chúng ta cần phải thực hiện triệt để các ý tưởng lớn của Chủ tịch Tập Cận Bình liên quan đến quản trị chiến lược vùng biển, bảo vệ các quyền trên biển và xây dựng hải quân.”[6] Việc những ngôn từ này được nhắc tới trong bài phát biểu của người đứng đầu hải quân Trung Quốc và cũng là một thành viên của Quân ủy Trung ương cho thấy rằng việc quản lý chiến lược vùng biển giờ đây đã trở thành một khái niệm có vai trò trung tâm cho chiến lược hải quân trong thời bình.

Kết luận

Các lãnh đạo Trung Quốc đã chấp nhận khái niệm quản lý chiến lược vùng biển. Tuy nhiên, các văn bản công khai có thể tiếp cận của chính phủ Trung Quốc không đưa ra một định nghĩa thỏa đáng cho khái niệm này, hay khái niệm này sẽ được triển khai thực hiện như thế nào. Điều có thể rút ra đó là khái niệm này bao gồm một chiến lược toàn diện trong thời bình nhằm khai thác vùng biển cho mục tiêu kinh tế, bảo vệ môi trường biển, bảo vệ biên giới biển và bảo vệ đất liền khỏi các nguy cơ tới từ đường biển. Nói ngắn gọn, khái niệm này đại diện cho các nhân tố giúp vận hành “chiến lược cường quốc biển” của Trung Quốc.

Việc nghiên cứu sâu tờ báo của Hải quân PLA cho thấy khái niệm này, trong bối cảnh quản lý chiến lược quốc phòng, hàm ý việc tiến tới sự thống trị trên biển một cách đồng bộ.Hay cụ thể hơn đó là kết hợp khả năng nhận biết các vấn đề trên biển ở mức độ cao, năng lực ngăn chặn các hành vi xâm phạm từ bên ngoài, và năng lực đáp trả mạnh mẽ đối với các thách thức và các động thái khiêu khích nếu như chúng xảy ra. Điều đó đồng nghĩa với việc chủ động áp đặt trật tự hay “kiểm soát hành chính” trên vùng biển yêu sách chủ quyền và quyền tài phán. Các lực lượng chấp pháp Trung Quốc sẽ duy trì trật tự này, với sự hỗ trợ của Hải quân PLA, cơ quan có nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động và ngăn cản sự can thiệp của quân đội nước ngoài.

Rất nhiều các sáng kiến trên biển đã được đưa ra kể từ sau bài phát biểu ở phiên thảo luận tại Bộ Chính trị của ông Tập; những động thái sau đó cho thấy rõ rằng chính phủ đang hành động dựa trên một khái niệm chiến lược mới. Tuy nhiên, sẽ là quá vội vàng khi khẳng định rằng hai diễn biến này có mối liên hệ với nhau nếu không có thêm các bằng chứng trên thực tế. Điều chúng ta có thể tạm khẳng định đó là các chương trình cải tạo đảo trong thời gian gần đây – giả định rằng hoạt động này dẫn đến việc tăng cường sự hiện diện của PLA tại các đảo tranh chấp – và việc Hải quân PLA có động thái hỗ trợ Cảnh sát Biển trong hoạt động bảo vệ giàn khoan HYSY 981 đều nằm hoàn toàn trong mục tiêu quản lý chiến lược vùng biển, như đã đề cập ở trên. Ít nhất, sự xuất hiện của thuật ngữ này trong các văn bản của chính phủ và các tài liệu chính thống khác đáng để chúng ta theo dõi trong những năm mà ông Tập còn nắm quyền.

Tác giả Ryan Martinson là một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Hải chiến Mỹ tại Newport, Rhode Island. Quan điểm trong bài viết là của riêng tác giả, không phản ánh quan điểm của chính phủ hay hải quân Mỹ.

———

[1]Luo Ruyu, “Jinglue Haiyang Ying Zuowei Guojia De Yi Xiang Jiben Guoce,” Taiping Yang Xuebao, 1996/02, tr. 18.

[2]Kể từ năm 1949, Trung Quốc đã thông qua một loạt “chiến lược hải quân”. Những chiến lược này bao gồm “phòng thủ tại bờ biển gần”, “chủ động phòng thủ tại các vùng biển gần” và “hoạt động tại vùng biển xa”. Những chiến lược này cấu thành nên chính sách để đánh bại đối thủ trong thời chiến, không giống với jinglue haiyang, một khái niệm chiến lược biển trong thời bình (với sự tham gia của tất cả cá cơ quan liên quan đến biển). Xem Nan Li, “The Evolution of China’s Naval Strategy and Capabilities: From ‘Near Coast’ and ‘Near Seas’ to ‘Far Seas,’” Asian Security, vol. 5, no. 3, 2009.

[3]Jiang Weilie, “Xianqi Xuexi Guanche De Rechao, Tigao Lvxing Shiming Nengli, Quanmian Tuijin Budui Jianshe Kexue Fazhan Anquan Fazhan,” Renmin Haijun, ngày 13/11/2012, tr. 2.

[4]Zhang Zhaoyin, “Qieshi Youxiao Weihu Nanhai Haiyang Quanyi,” Renmin Haijun, ngày 19/3/2014, tr. 3.

[5]Zhao Zhiwei, “Zhongguo Gongchengyuan Yuanshi Fu Xisha Jinxing Diaoyan,” Renmin Haijun, ngày 23/10/ 2012, tr. 1.

[6]Cai Nianchi, Yuan Zhenjun, and Deng Ranzi, “Jiawu Zhanzheng 120 Zhounian Yantaohui He Jidian Yishi Longzhong Juxing,” Renmin Haijun, ngày 28/8/2014, tr. 1.

Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông