Triển vọng chiến tranh và hòa bình năm 2015

iraq-30.si

Nguồn: Rajni Bakshi & Sameer Patil, ”War and Peace”, Eurasiareview, 9/1/2015.

Biên dịch: Trần Quốc Nam | Hiệu đính: Phạm Trang Nhung

Hành vi bạo lực của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tràn ngập các tiêu đề tin tức năm 2014, làm lu mờ các sáng kiến phi bạo lực quan trọng trên thế giới. Song, những nỗ lực cho các giải pháp hòa bình đang phát triển mạnh. Và Ấn Độ, với di sản đấu tranh bất bạo động vì tự do, phải đóng góp vào quá trình này như một đối trọng chống lại những kẻ ủng hộ bạo lực.

Năm 2014, những hình ảnh bạo lực hung ác nổi bật trên truyền thông và trong ký ức của công chúng, thật trớ trêu khi đây là năm đánh dấu một thế kỷ kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ nhất tưởng như được thực hiện để chấm dứt các cuộc xung đột toàn cầu.

Sự gia tăng bạo lực cũng đặt ra câu hỏi về khả năng của Liên Hợp Quốc, vốn sẽ tròn 70 tuổi vào năm 2015, trong việc đáp ứng nhiệm vụ làm dịu các tranh chấp trên toàn thế giới. Liên Hợp Quốc vẫn chưa được cải tổ để giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay.

Ngay cả khi các cuộc chiến giữa các quốc gia tiếp tục, thế kỷ trước cũng đã dạy cho thế giới nhiều điều về hòa bình, chủ yếu thông qua quá trình chuyển tiếp phi bạo động thành công từ các chế độ độc tài sang dân chủ ở Đông Âu, Mỹ Latinh, và châu Á.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các phương pháp tương tự dường như trở nên ít hiệu quả hơn. Ví dụ, ở khu vực Tây Á, các cuộc nội chiến tàn khốc đã thay thế ‘Mùa xuân Arab’. Tình trạng hỗn loạn đã phức tạp hơn bởi sự nổi lên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo như một hệ quả trực tiếp của việc Mỹ xâm lược Iraq, và sự can thiệp triền miên của các cường quốc khác như Anh, Pháp, Ả Rập Saudi và Nga vào khu vực này. Trong khi đó, bi kịch Charlie Hebdo ở Paris tuần này cho thấy al-Qaeda đã quay trở lại, một phần do sự cạnh tranh với tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Nhiều nước châu Phi, gồm Nam Sudan, Nigeria và Cộng hòa Dân chủ Congo, đang vật lộn với nội chiến đẫm máu và quá trình chuyển đổi chính trị bất định.

Tại châu Âu, người ta đã chú ý tới ngoại giao hơn do việc quân sự hóa chính sách đối ngoại của Mỹ, điều này được thể hiện rõ trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa phương Tây và Nga tại Ukraine.

Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng của mình thông qua các chương trình cơ sở hạ tầng và viện trợ cho các nước nhỏ hơn ở châu Phi và châu Á. Nhưng nước này cũng khơi lại các bất đồng cũ và đôi khi không có thực. Và khi phản ứng lại các tuyên bố yêu sách mâu thuẫn về các đảo với các nước láng giềng ở châu Á, họ ngày càng sử dụng nhiều sức mạnh quân sự hơn.

Tại Pakistan, các nhóm khủng bố và tôn giáo cực đoan tiếp tục tiến hành chiến tranh phi đối xứng chống lại Ấn Độ. Các lực lượng này nay là một phần của cấu trúc xã hội Pakistan và đe dọa sự tồn tại của nước này trong vai trò một nhà nước hiện đại hoạt động hiệu quả. Quá trình chuyển tiếp chính trị và an ninh mong manh của Afghanistan đang bị đe dọa bởi sự trỗi dậy đầy bạo lực của Taliban.

Khi chúng ta bước vào năm 2015, điều quan trọng là nhận thức rõ rằng bạo lực không phải là không thể tránh khỏi. Nhiều phong trào bất bạo động trên toàn thế giới đang ngày càng thành công; chúng có ảnh hưởng lớn và truyền thông xã hội cho phép những người có quan điểm khác nhau xích lại gần nhau.

Tại Philippines, Ba Lan, Chile, Nam Phi và Bolivia, trong ba thập niên qua, các phong trào bất bạo động đã dẫn tới sự chuyển đổi từ chế độ độc tài sang nền dân chủ. Từ năm 1900 đến 2006, trong số 25 phong trào phản kháng lớn chống các chế độ đàn áp thì có 20 phong trào phi bạo lực, và 70% trong số này đã thành công.

Ví dụ, năm 2014 bắt đầu với một thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro và chính phủ Philippines kết thúc gần 40 năm xung đột. Một cuộc nổi dậy của người Hồi giáo đã được một nhà nước với đa số người Thiên Chúa giáo tiếp nhận thông qua thương thuyết hòa giải chứ không phải bị triệt tiêu.

Tương tự, Colombia đang đàm phán với lực lượng nổi dậy FARC (Lực lượng vũ trang cách mạng Columbia) nhằm chấm dứt 50 năm xung đột. Sáng kiến này được tiếp sức bởi các nhóm tại địa phương ủng hộ quan điểm bất bạo động của Gandhi ở nước này và ở các nước Mỹ Latinh khác.

Ngay cạnh chúng ta, Nepal đã chuyển đổi hòa bình từ một cuộc nổi dậy Mao-ít chống chế độ quân chủ sang một nền dân chủ dân cử. Mặc dù đối mặt với đủ thứ bất đồng khi soạn thảo Hiến pháp của đất nước nhưng quá trình hòa giải chính trị liên quan đến những người Mao-ít đã không sụp đổ.

Ngoại giao và đối thoại đến nay cũng ngăn chặn được một xung đột lớn trong khu vực liên quan đến vấn đề chương trình hạt nhân của Iran. Mặc dù vẫn chưa đạt được một thỏa thuận đầy đủ trong khung thời gian đã định, nhóm P5+1 và Iran đã không từ bỏ các cuộc đàm phán.

Thỏa thuận Mỹ-Nga tháng Chín năm 2013 về việc loại bỏ vũ khí hóa học ở Syria là thành tích không nhỏ. Phần lớn các hạn định đặt ra đã được thực hiện, nhưng xung đột nội bộ vẫn tiếp tục với những hậu quả khủng khiếp khi một nửa dân số đã phải rời khỏi nơi ở.

Rõ ràng, xung lực toàn cầu cho hòa bình vẫn còn mạnh mẽ. Với di sản của một cuộc đấu tranh bất bạo động vì tự do, Ấn Độ có thể đóng góp ra sao vào quá trình này trong năm 2015?

Trong bài phát biểu tại Liên Hiệp Quốc vào tháng Chín năm 2014, Thủ tướng Narendra Modi đã đưa ra khái niệm vasudhaiv kutumbakam – một gia đình thế giới. Lý tưởng này là trọng tâm trong quan điểm của Mahatma Gandhi về không chỉ là một Ấn Độ tự do, mà còn là một thế giới không có bất kỳ hình thức thống trị và bóc lột nào – đây là nền tảng phi bạo lực chân chính.

Thách thức đối với ông Modi là phải hiện thực hóa lý tưởng này, cả trong và ngoài Ấn Độ.

Có thể đạt được điều này nếu Ấn Độ trân trọng và tái khẳng định sự đa dạng về văn hóa và sắc tộc vốn có của mình, và củng cố một quốc gia không phân biệt đối xử. Bằng cách này, Ấn Độ có thể trở thành một đối trọng mạnh hơn để chống lại những kẻ ủng hộ bạo lực và sự xung đột của các nền văn minh.

Trong khi công tác ngoại giao và đàm phán phải tiếp tục giải quyết các điểm nóng chiến tranh biên giới, sự trỗi dậy ghê gớm Nhà nước Hồi giáo đã chứng tỏ rằng cuộc chiến thực sự không phải là giữa các tôn giáo mà là trong nội bộ, khi những người ôn hòa vật lộn với những tín đồ chính thống trong quá trình đương đầu với những thách thức sinh ra từ tính hiện đại và toàn cầu hóa. Sự cách biệt nằm giữa dân chủ dựa trên sự tôn trọng thực sự đối với tự do và tính đa dạng, đối lập với trào lưu chính thống độc đoán.

Chúng ta bước vào năm 2015 với niềm hy vọng rằng thành công lâu dài của phương pháp bất bạo động trong việc vượt qua những bất đồng chính trị và giải quyết các tranh chấp sẽ mở rộng và lan tỏa trên phạm vi toàn cầu.

Rajni Bakshi là thành viên Peace Gandhi tại Gateway House.  Sameer Patil là thành viên nhóm An ninh quốc gia, Xung đột sắc tộc và khủng bố tại Gateway House.