Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (17/2/2015)

china-asks-us-to-protect-its-huge-investments_071013062947

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Thông tin gây chú ý nhiều nhất trong tuần vừa qua có lẽ là bản báo cáo của RAND với tựa đề “Bước chuyển mình quân sự chưa hoàn thiện của Trung Quốc: đánh giá những điểm yếu của Giải phóng quân nhân dân (PLA)”. Chỉ cần nhìn tựa đề là có thể đoán được nội dung chính của bản báo cáo này. Được bảo trợ bởi Uỷ ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung (USCC), các chuyên gia của RAND cho rằng việc tìm hiểu những điểm yếu và thiếu sót của PLA cũng quan trọng không kém việc nghiên cứu những điểm mạnh của tổ chức này, xét về mặt chiến lược.

Bản báo cáo, dựa trên hơn 300 ấn phẩm nghiên cứu viết bằng tiếng Trung Quốc được xuất bản ở trong nước, đã rút ra được hai điểm yếu căn bản liên quan tới PLA: thể chế (institutional shortcoming) và năng lực chiến đấu (combat capability shortcoming). Về mặt thể chế, PLA phải đối mặt với một cấu trúc chỉ huy lỗi thời, chất lượng quân nhân chưa tốt, mức độ chuyên nghiệp chưa cao và tham nhũng. Về mặt năng lực chiến đấu, PLA còn thiếu khả năng hậu cần, khả năng không vận chiến lược, số lượng máy bay chuyên nhiệm còn hạn chế, cũng như sự thiếu vắng khả năng phòng không và tác chiến chống ngầm cho hạm đội. Theo bản báo cáo, mục tiêu của PLA là trở thành một quân đội với mức độ tin học hoá cao có khả năng chiến thắng các cuộc chiến tranh ở tầm khu vực và thực thi “nhiệm vụ lịch sử” của mình. Tuy nhiên cho tới hiện tại, PLA vẫn chưa đạt được mục tiêu đó.

Một điểm thú vị nữa tới từ bản báo cáo chính là việc nó đã nêu được chi tiết những hạn chế về mặt thể chế mà những nhà nghiên cứu nước ngoài khó có thể nhận biết. Ở đây là sự bất đồng giữa chính phủ và quân đội trong những sự kiện quan trọng, ví dụ như các đụng độ trên biển giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, vụ thử tên lửa chống vệ tinh năm 2007 hay bất đồng trong cứu trợ động đất Tứ Xuyên năm 2008. Bên cạnh đó còn là vấn nạn tham nhũng tràn lan trong quân đội. Những chi tiết về mặt năng lực cũng được nêu lên, khi quân đội nước này thiếu khí tài huấn luyện cũng như gặp khó khăn trong quá trình kết hợp các loại vũ khí cũ và mới.

Đây là một báo cáo hết sức thú vị mà những ai quan tâm tới quân đội Trung Quốc, hay chiến lược phát triển quốc phòng của nước này nên đọc.

Một điểm yếu khác của Hải quân Trung Quốc cũng được các nhà phân tích phương Tây khai khác mạnh mẽ: tàu sân bay. Các tranh luận gần đây trên The Diplomat đã đưa ra quan điểm: các tàu sân bay của Trung Quốc không thể khiến Hoa Kỳ và các nước xung quanh phải quá lo lắng. Thậm chí như Harry Kazianis đã thẳng thừng tuyên bố rằng “đừng mất công để ý đến tàu sân bay Trung Quốc làm gì vì chúng chả tạo ra bất cứ mối đe doạ nào trong tương lai gần”. Các tàu sân bay này hoặc là hoán cải từ những tàu sân bay cũ của Liên Xô, hoặc là được đóng bởi công nghệ “copy” thuộc hàng “đỉnh cao” của Trung Quốc. Những công nghệ này đã lỗi thời cả hàng chục năm, và thường thiếu độ tin cậy và ổn định. Trung Quốc mất khoảng thời gian là 27 năm kể từ khi mua tàu sân bay cũ HMS Melbourne của Australia (để tập luyện và làm quen) cho tới khi hoàn thành “làm mới” Liêu Ninh. Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc thậm chí được đánh giá là chưa chuẩn bị đầy đủ cho tác chiến thật sự trên biển trước những đối thủ dày dạn kinh nghiệm như Hoa Kỳ hay Nhật Bản.

Greg Austin đưa ra thêm một số lý do khác, về mặt chiến lược và kinh tế. Việc Trung Quốc chế tạo tàu sân bay là nhằm “thể hiện vai trò của Trung Quốc như là một cường quốc toàn cầu” (đã là cường quốc thì phải có tàu sân bay). Vai trò của tàu sân bay đối với Đài Loan là rất thấp do hòn đảo này nằm gọn trong tầm kiểm soát của các sân bay trên đất liền. Việc sử dụng tàu sân bay cho các mục tiêu viễn dương giúp bảo vệ lợi thế chiến lược quốc gia tại các cuộc khủng hoảng ở nước ngoài cũng nên được đặt câu hỏi. Trung Quốc hiện tại vẫn chưa có (hoặc đang phát triển) một học thuyết nào tương tự như Hoa Kỳ hay Liên Xô trước đây trong vấn đề này. Austin cũng cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ ưu tiên cho những dự án nhằm đảm bảo an ninh nội địa và phục vụ cho chiến lược “biển gần” hơn là viễn dương. Điều này là kết quả của quá trình tăng trưởng kinh tế bị chậm lại, cũng như mối đe doạ khủng bố ở trong nước ngày càng gia tăng. Trung Quốc sẽ ưu tiên cho các dự án vũ trụ hay an ninh mạng, phát triển rô-bốt hay máy bay không người lái.

Nói về chiến lược quân sự, không nơi nào nổ ra nhiều tranh luận như tại Hoa Kỳ. Hai cuộc tranh luận gần đây cũng rất đáng chú ý: một là về vai trò của tàu ngầm trong tác chiến hiện đại, và hai là về khái niệm “chiến tranh lai” (tạm dịch từ “hybrid war”). Quá trình phát triển của khoa học công nghệ, cũng như sự trỗi dậy của Nga hay Trung Quốc đã khiến cho ưu thế về tàu ngầm của Hoa Kỳ bị suy giảm. Trong những năm tới, theo dự báo, khoảng cách công nghệ giữa Hoa Kỳ và các quốc gia khác sẽ thu hẹp. Điều này buộc Washington phải xem xét lại vai trò của tàu ngầm có người lái truyền thống cũng như ưu tiên đổi mới trong tác chiến dưới mặt biển. Ưu tiên đổi mới công nghệ là yêu cầu sống còn cho sự tồn tại của các loại tàu ngầm tấn công, với việc phát triển các hệ thống định vị tân tiến hơn cũng như các loại nhiên liệu thế hệ mới. Bên cạnh đó là tập trung phát triển các loại tàu ngầm không người lái (UUV).

Về khái niệm chiến tranh lai đây là một khái niệm có thể không mới với nhiều người, nhưng bản thân khái niệm này cũng đang biến đổi cho phù hợp với tình hình mới. Về mặt định nghĩa, có thể coi chiến tranh lai là “sự kết hợp giữa các phương thức tác chiến thông thường, phi truyền thống và bất đối xứng, bao gồm thúc đẩy các xung đột về mặt giá trị hay chính trị, có sự tham gia của lực lượng đặc biệt hay thông thường; tình báo; việc lợi dụng khiêu khích chính trị (provocateur); đại diện truyền thông; sử dụng tác động kinh tế; tấn công mạng; xung đột uỷ nhiệm; các lực lượng bán quân sự; khủng bố hay các yếu tố tội phạm khác”. Trọng tâm của chiến lược này là nhằm tác động vào dân số của một quốc gia. Một ví dụ rõ nét của chiến lược này có thể thấy rõ ở xung đột miền đông Ukraine hiện tại, hay chiến tranh Li-băng vào năm 2006.

Khái niệm về chiến tranh lai là một khái niệm vẫn đang trong quá trình hình thành, và cần thiết phải được nghiên cứu và theo dõi thêm. Sự phát triển của một chiến lược quân sự cần phải trải qua ba giai đoạn: (1) phôi thai: định hình và thử nghiệm; (2) phát triển: áp dụng và có một số thành công quyết định và; (3) hoàn thiện: chiến lược được áp dụng rộng khắp và tạo nên một hình thái chiến tranh mới. Hiện nay chiến tranh lai mới trong giai đoạn đầu tiên, cần nhiều đổi mới, thử nghiệm và điều chỉnh. Hiện tại, ngoài NATO và Hoa Kỳ, chưa có một quốc gia nào có thể tiến hành chiến tranh tổng lực hoàn chỉnh. Chìa khoá chính là khả năng tác chiến liên kết (interoperatability) cùng với nỗ lực mang tính tổng lực ở cấp chính phủ.