Tại sao Mỹ mắc kẹt với Ảrập Saudi?

Print Friendly, PDF & Email

saudi-us

Nguồn: Matt Schiavenza, “Why the US is stuck with Saudi Arabia”, The Atlantic, 24/01/2015.

Biên dịch: Phạm Thủy Tiên | Biên tập: Bùi Thu Thảo

Sự ra đi của Đức Vua Ảrập Saudi Abdullah (ngày 23/1/2015) do biến chứng nhiễm trùng phổi đã khơi dậy một làn sóng những lời ca tụng hoa mỹ từ các nhà lãnh đạo Mỹ. Trong bài phát biểu chính thức của mình, Tổng thống Obama đã ngợi ca “sự đóng góp không ngừng nghỉ của Đức Vua trong công cuộc tìm kiếm hòa bình” tại Trung Đông. Ngoại trưởng John Kerry thì gọi ông là “con người của sự thông tuệ và tầm nhìn”. Trong khi đó, Phó tổng thống Biden tuyên bố ông sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Mỹ đến Ảrập Saudi để trực tiếp viếng Đức Vua.

Những lời ca tụng nồng nhiệt dành cho Đức Vua Abdullah 90 tuổi không gây nhiều ngạc nhiên. Ảrập Saudi và Mỹ đã là đồng minh thân cận trong nhiều thập niên. Nhưng phản ứng có phần thái quá trước sự ra đi của Đức Vua đã hé lộ một sự thật không mấy dễ chịu về mối quan hệ giữa ông và Washington.

Bất chấp hồ sơ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Riyadh, vai trò mờ nhạt trong an ninh khu vực, và những tiến bộ của Mỹ trong việc sản xuất dầu đá phiến, Mỹ vẫn cần Ảrập Saudi hơn bao giờ hết.

Nhưng đầu tiên, nên xem xét kỹ lưỡng vì sao mối quan hệ của người Mỹ với Ảrập Saudi lại có nhiều vấn đề như vậy. Người anh em cùng cha khác mẹ của Đức Vua Abdullah, Salman, sẽ lên ngôi thay anh trai mình. Ông Salman tuyên thệ sẽ tiếp tục chính sách “đúng đắn” của người tiền nhiệm. Đối với những người bất đồng chính kiến, các nhóm tôn giáo thiểu số và phụ nữ, đây quả là một tin xấu. Ảrập Saudi có một nền quân chủ chuyên chế, không chấp nhận một ý kiến trái chiều nào với Hoàng gia trị vì. Những ai đủ can đảm kêu gọi đa nguyên tôn giáo đều bị kết án phạt tù lâu năm hoặc phải chịu sự đàn áp bằng bạo lực của nhà nước. Cách đây 2 tuần, có một trường hợp đã làm dấy lên sự phản đối của cộng đồng quốc tế, khi chính phủ Ảrập Saudi phạt đánh 50 roi với một blogger người nước này tên là Raif Badawi sau khi anh ta dám bảo vệ thuyết vô thần. Badawi đã bị tuyên sẽ phải chịu thêm 950 roi nữa và án tù 10 năm cho hành động này.

Phụ nữ, chiếm 42,5% dân số của vương quốc này, lại bị đối xử gần như trẻ em. Hệ thống “bảo hộ” của Ảrập Saudi yêu cầu họ phải được phép của đàn ông mới có thể đi du lịch, làm việc hoặc thậm chí là rời khỏi nhà; họ còn không được phép lái xe. Đức Vua Abdullah đã từng nhận lời khen ngợi của người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế  Christine Lagarde vì sự tiến bộ “thận trọng” trong đời sống phụ nữ ở đất nước ông: hiện đã có nhiều phụ nữ hơn đàn ông được học đại học, và nhiều người trong số đó còn nhận được các học bổng du học. Tuy nhiên sự phân biệt đối xử của ông với nữ giới còn áp dụng thậm chí cho cả những người mang nhiều đặc quyền nhất. Bốn trong số 15 người con gái của Đức Vua đã bị quản thúc trong nhà suốt 13 năm sau khi công khai phản đối chính sách đối với phụ nữ của nước này. Hai người trong số họ cho biết họ còn không được ăn uống đầy đủ.

Trái với phát biểu của Tổng thống Obama, vai trò của Ảrập Saudi trong việc làm trung gian hòa bình tại Trung Đông không mấy hữu dụng. Vua Abdullah phản đối gay gắt sự ủng hộ của Washington đối với những người biểu tình vì dân chủ tại Ai Cập, và hối thúc Tổng thống Obama sử dụng vũ lực để bảo vệ chế độ độc tài của ông Hosni Mubarak. Kể từ khi Tướng Abdel Fattah al­Sisi lên điều hành Ai Cập vào năm 2013, Riyadh đã hỗ trợ tài chính cho những cuộc đàn áp tàn bạo do ông ta tiến hành tại đất nước Hồi giáo anh em của mình. Ảrập Saudi cũng đã trấn áp sự trỗi dậy của các phong trào Shia trong khu vực vì lo ngại rằng Iran, đối thủ chính của nước này, sẽ gia tăng ảnh hưởng. Khi những người biểu tình dòng Shia đe dọa đến chế độ độc tài của nước láng giềng Bahrain, Ảrập Saudi đã phái quân đội đến giúp dập tắt cuộc nổi dậy. Sự ủng hộ của Riyadh dành cho những phiến quân Syria cũng phản tác dụng: những chiến binh của Nhà nước Hồi giáo đã được hưởng lợi từ tiền bạc và vũ khí của Ảrập Saudi.

Vậy tại sao Mỹ lại phải chịu đựng Ảrập Saudi? Cách giải thích đơn giản nhất, dĩ nhiên, là dầu mỏ. Quốc gia này là nhà sản xuất dầu lớn nhất và quan trọng nhất của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), tổ chức chiếm khoảng 40% trữ lượng dầu toàn thế giới. Vì Mỹ đến gần đây vẫn là nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, nên việc liên minh với Ảrập Saudi có thể được giải thích bằng nguyên nhân địa chính trị này.

Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ về dầu đá phiến tại Mỹ thời gian gần đây đã khiến Washington hy vọng rằng mối quan hệ đồng minh với Ảrập Saudi chẳng bao lâu sẽ không còn cần thiết nữa. Hiện Mỹ bơm được hơn 9 triệu thùng dầu mỗi ngày, gần bằng với sản lượng của Ảrập Saudi. Những nhà quan sát dự đoán trong vòng 5 năm nữa, Mỹ sẽ có được 80% lượng dầu cần thiết từ khu vực Bắc và Nam Mỹ và có thể tự cung tự cấp vào năm 2035. Quyết định không cắt giảm nguồn cung của OPEC như một phản ứng trước việc giá dầu giảm là một tín hiệu cho thấy: sự bùng nổ (dầu đá phiến) mạnh mẽ ở Bắc Mỹ đã thay đổi tận gốc logic toàn cầu của loại hàng hóa cơ bản này.

Ảrập Saudi có một vị thế tốt để vẫn có thể sống sót sau cơn giảm giá dầu liên tiếp, hiện ở mức 48,71 đô la/ thùng. Riyadh nhìn chung cần dầu được bán với giá 80 đô la/ thùng để cân bằng ngân sách. Nhưng với khối dự trữ ngoại tệ 750 tỷ đô la, vương quốc này hiện không có quá nhiều áp lực trong việc cắt giảm nguồn cung và nâng giá dầu. Thêm vào đó, Ảrập Saudi và các thành viên OPEC khác như Kuwait và Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất có trữ lượng dầu lửa đã được chứng minh là 460 tỷ thùng. Ngược lại, Mỹ chỉ có 10 tỷ thùng, và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự báo phải đến năm 2020 thì sản xuất dầu đá phiến của nước này mới đạt trạng thái ổn định.

Nếu xét đến sức khỏe hiện thời của Vua Salman, người đã 79 tuổi và được cho là mắc chứng mất trí, có thể thấy chính phủ Mỹ không lâu nữa cũng sẽ lại gửi lời chia buồn đến Ảrập Saudi về sự ra đi của một nhà lãnh đạo. Và khi điều đó xảy ra, chúng ta không nên trông chờ một lời chia buồn ít thống thiết hơn (so với trường hợp vua Abdullah qua đời).