Những thách thức của Hoa Kỳ ở Trung Đông

Print Friendly, PDF & Email

movahedian20120713160853420

Nguồn: Chirstopher R. Hill, “America’s Middle East Challenges”, Project Syndicate, 29/11/2014.

Biên dịch: Nguyễn Diệu Hương | Hiệu đính: Lương Khánh Ninh

Trong tháng 11 này, những lợi ích tiềm tàng của việc chuyển hướng chính sách đối ngoại Mỹ sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã trở nên rõ ràng. Tiếp sau chuyến đi tham dự Diễn đàn APEC thành công tại Trung Quốc, Tổng thống Barack Obama đã gặt hái nhiều thành quả trong chuyến dừng chân tại Myanmar với mục đích thúc đẩy quá trình chuyển đổi chính trị tại quốc gia này trước khi kết thúc chuyến công du bằng một cuộc họp đặc biệt hiệu quả của G-20 tại Brisbane.

Tuy nhiên, Mỹ đã không gặp suôn sẻ tại Trung Đông, nơi mà những rủi ro dường như đang tăng lên hàng tuần. Thật vậy, dường như không có sự đồng thuận trong việc xác định hướng đi tiếp theo.

Hãy cùng xem xét trường hợp cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran, vốn đã được gia hạn thêm đến tháng 6 năm 2015. Việc kéo dài hạn chót cho một thỏa thuận cuối cùng là một kết quả tốt đẹp, và những nỗ lực cho đến nay của các nhà đàm phán có lẽ không phải là vô ích. Hơn nữa, nhờ vào thỏa thuận tạm thời đạt được gần một năm trước, một số giới hạn áp đặt lên chương trình hạt nhân của Iran vẫn đang được bảo toàn (đổi lại, Iran sẽ được nới lỏng trừng phạt).

Tất cả các bên đều thừa nhận những tiến bộ trong quá trình hướng tới việc triệt tiêu năng lực hạt nhân của Iran để nước này không đạt được bước “đột phá” cho phép họ sản xuất vũ khí hạt nhân trong vòng một năm. Mục tiêu ngăn chặn sự đột phá này, vốn phụ thuộc phần lớn vào các tính toán khoa học, kỹ thuật và chính trị, có vẻ sẽ đạt được.

Tuy nhiên, Washington dường như không nhiệt tình với việc tiến tới một đồng thuận với Iran. Không phải lần đầu tiên trong ngoại giao quốc tế, những gì người trong cuộc đàm phán cho là cần thiết và khả thi lại không giống như những gì mà nhà cầm quyền nghĩ. Trong trường hợp đàm phán về vấn đề Iran, có ba lý do dẫn đến điều này:

Thứ nhất, ngăn chặn đột phá hạt nhân của Iran, mặc dù là một mục tiêu đáng để đạt được nhưng lại không phải điều các chính trị gia và các nhà bình luận nhất thiết phải coi là một thắng lợi rõ ràng. Ngược lại, Iran có thể đã nắm được cách thức chế tạo bom. Trừ khi gom các nhà khoa học của nước này lại và đày họ đến một hoang đảo thì sẽ không hề dễ dàng gì để thương lượng được các điều kiện mà theo đó một quốc gia ở vị trí như Iran lại không thể (trái ngược với việc sẽ không) sản xuất ra một quả bom (hạt nhân).

Lý do thứ hai là khuynh hướng cường điệu hóa thành công và lợi ích của các lệnh trừng phạt. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỉ lệ thành công của lệnh trừng phạt là có phần hạn chế. Ngày nay người ta biết rằng thậm chí lệnh trừng phạt chống lại chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi có thể đã gây cản trở quá trình hướng tới sự cai trị của số đông. Bởi vì việc các công ty đa quốc gia thoái vốn thường dẫn tới việc bán tháo các cơ sở công nghiệp cho các tay chân thân tín của chế độ, việc trừng phạt có thể đã làm gia tăng sức mạnh và làm giàu các phần tử phản động hơn là xúc tác cho các thay đổi xã hội.

Ngày nay, nhiều quan chức Hoa Kỳ tin rằng việc người dân bầu ra một chính phủ Iran mới với trọng trách thoát khỏi lệnh trừng phạt của phương Tây là bằng chứng cho thấy hiệu quả của các lệnh trừng phạt (mà không buồn bận tâm rằng sự thiếu căn cứ có thể dẫn đến việc kêu gọi áp dụng nhiều lệnh trừng phạt hơn).

Trên thực tế, các lệnh trừng phạt có nhiều tác động khác nhau. Như cuộc chiến tranh Balkan những năm 1990 đã chỉ ra, việc trừng phạt thường dẫn đến kết quả là nhiều hoạt động thương mại hợp pháp đã chuyển thành bất hợp pháp. Tại Balkan, nó đã làm gia tăng sức mạnh của các phần tử tội phạm và đôi khi hòa lẫn chúng vào các đảng phái và tổ chức chính trị. Tại Iran cũng diễn ra mẫu hình tương tự: lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo cùng các hoạt động kinh tế mờ ám của họ phải vào vai các tội phạm có tổ chức.

Những người dân Iran, đa số đều mong muốn lệnh trừng phạt chấm dứt, dường như phải hứng chịu các hậu quả thay vì trở nên giàu có hơn từ các lệnh này. Thế nhưng, họ không chỉ phải hứng chịu tình hình kinh tế khó khăn; sự cô lập tạo ra bởi lệnh trừng phạt đã làm lợi cho những thành phần ít được khai sáng nhất của đất nước. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo cũng không buồn lo lắng liệu họ có được cộng đồng quốc tế tôn trọng hay không.

Lý do thứ ba cho sự bế tắc trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Đông xuất phát từ nền chính trị ngày càng mang nặng tính bè phái trong khu vực. Gần đây có nhiều người nói về sự hòa hợp lợi ích của Mỹ và Iran tại khu vực Trung Đông rộng lớn hơn. Xét cho cùng, chính người Iran là những người mong muốn sự ổn định và thịnh vượng ở Iraq thời kỳ hậu Saddam và họ luôn ủng hộ một chế độ không do Taliban lãnh đạo tại đây. Và cũng chính những người Iran đã bày tỏ sự ủng hộ đối với một cuộc đối thoại nhằm chia sẻ quyền lực trong hòa bình tại Syria.

Tuy nhiên, Iran cũng đã “đổ thêm dầu” vào khuynh hướng bè phái ở khu vực. Bằng việc hỗ trợ lực lượng quân sự người Shia bên ngoài lãnh thổ Iran, đặc biệt là lực lượng Hezbollah ở Lebanon và giáo phái thiểu số Alawite của tổng thống Syria Bashar al-Assad, cũng như một số lực lượng phiến quân Shia tồi tệ nhất ở Iraq, Iran đã khiến thế giới Ả Rập chống lại họ và họ đã tiếp thêm sức mạnh cho nhóm Hồi giáo cực đoan Ả Rập dòng Sunni. Rõ ràng là tay người Iran đã vấy máu của cả người Sunni và người Mỹ. Một cách liều lĩnh, Iran đã cạnh tranh với các quốc gia Ả Rập dòng Sunni trong canh bạc chống lại Israel.

Nước Mỹ đã nhận ra tầm quan trọng hàng đầu của vấn đề và đang tìm cách xử lý thông qua các cuộc đàm phán khác. Tuy nhiên chiến lược khoanh vùng đòi hỏi sự tập trung và dũng cảm của các nhà hoạch định chính sách. Nhiệm vụ này sẽ không hề dễ dàng. Có lẽ bước ngoặt thành công ở khu vực Đông Á của ông Obama sẽ là một nguồn cảm hứng.

Chirstopher R. Hill là cựu Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách khu vực Đông Á, Đại sứ Hoa Kỳ tại Iraq, Hàn Quốc, Macedonia và Ba Lan, đặc phái viên Hoa Kỳ ở Kosovo, đàm phán viên Hiệp định Dayton, và là trưởng đoàn đàm phán Hoa Kỳ với Triều Tiên từ năm 2005 đến năm 2009. Hiện nay, ông là Hiệu trưởng trường Nghiên cứu Quốc tế Korbel, Đại học Denver, và là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản “Outpost”.