Bài học đạo đức từ Hy Lạp

eu_greece_crisis

Nguồn: Joseph E. Stiglitz, “A Greek Morality Tale”, Project Syndicate, 03/02/2015.

Biên dịch: Bế Minh Nhật | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Khi cuộc khủng hoảng khu vực đồng Euro bắt đầu nửa thập niên trước, các nhà kinh tế học trường phái Keynes đã dự đoán rằng chính sách thắt chặt chi tiêu (hay thắt lưng buộc bụng – NHĐ) được áp đặt lên Hy Lạp và các nước đang lâm vào khủng hoảng khác sẽ thất bại. Nó sẽ làm kiềm chế tăng trưởng kinh tế và làm tăng tỉ lệ thất nghiệp – và thậm chí còn không thể làm giảm tỉ lệ nợ trên GDP nữa. Các nhà nghiên cứu khác – trong Uỷ ban Châu Âu, Ngân hàng Trung ương Châu Âu, và một vài trường đại học – đã nói về sự thu hẹp kinh tế đang lan rộng. Nhưng ngay cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng cho rằng, sự thu hẹp kinh tế, ví dụ như sự cắt giảm chi tiêu chính phủ, không có nhiều tác động tiêu cực.

Chúng ta hầu như không cần một phép thử nào nữa. Chính sách thắt chặt chi tiêu đã liên tục thất bại, từ khi nó được sử dụng rất sớm dưới thời Tổng thống Mỹ Herbert Hoover, khiến cho thị trường chứng khoán sụp đổ và rơi vào Đại Khủng hoảng, cho tới các “chương trình” mà IMF áp đặt lên Đông Á và các nước Mỹ Latinh trong những thập niên gần đây. Ấy vậy mà khi Hy Lạp gặp vấn đề, chính sách này lại được mang ra thử nghiệm tiếp.

Hy Lạp đã khá thành công trong việc tuân theo các điều kiện đặt ra bởi nhóm “bộ ba” (Uỷ ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu, và IMF): nước này đã chuyển thâm hụt ngân sách cơ  bản sang thành thặng dư ngân sách cơ bản. Nhưng những hậu quả của sự thắt chặt chi tiêu chính phủ có thể dự đoán được là khủng khiếp: tỉ lệ thất nghiệp 25%, GDP giảm 22% kể từ năm 2009, và tỉ lệ nợ trên GDP tăng 35%. Và giờ đây, thông qua chiến thắng áp đảo của đảng phản đối thắt chặt chi tiêu Syriza, người dân Hy Lạp tuyên bố rằng họ đã chịu đựng đủ rồi.

Vậy, chúng ta cần phải làm gì? Đầu tiên, chúng ta cần phải rõ ràng: Hy Lạp có thể bị đổ lỗi cho những vấn đề này nếu nó là quốc gia duy nhất nơi mà các liều thuốc của nhóm “bộ ba” thất bại thảm hại. Nhưng Tây Ban Nha cũng đã có thặng dư ngân sách và một tỉ lệ nợ thấp trước cuộc khủng hoảng, nhưng nay nước này cũng đang lâm vào tình trạng suy thoái. Điều cần thiết không phải là một cuộc tái cơ cấu trong nội bộ hai nước Hy Lạp và Tây Ban Nha, mà là một cuộc tái cơ cấu trong thiết kế của khu vực đồng euro và sự suy xét lại một cách căn bản về những khung chính sách đã khiến cho liên minh tiền tệ này hoạt động kém hiệu quả đến vậy.

Hy Lạp đã một lần nữa nhắc nhở chúng ta về việc thế giới đang cần một khuôn khổ cho việc tái cơ cấu nợ đến mức nào. Nợ lớn không chỉ gây ra cuộc khủng hoảng 2008, mà còn cả cuộc khủng hoảng Đông Á những năm 1990 và khủng hoảng tại châu Mỹ Latinh vào những năm 1980. Nó vẫn đang tiếp tục gây ra những thiệt hại chưa được kể đến ở Mỹ, nơi hàng triệu gia đình mất nhà, và giờ đang đang đe doạ nhiều triệu gia đình khác nữa ở Ba Lan, và những nơi khác nếu họ từng vay các khoản tiền bằng đồng franc Thuỵ Sỹ (do gần đây Thụy Sỹ bỏ neo tỉ giá đồng franc Thụy Sỹ với đồng Euro – NHĐ).

Nếu xét áp lực gây ra từ các khoản nợ khổng lồ, người ta có thể đặt câu hỏi tại sao các cá nhân và quốc gia liên tục đặt bản thân họ vào tình huống như vậy. Suy cho cùng, những khoản nợ đó là các hợp đồng – có nghĩa là các thỏa thuận mang tính tự nguyện – vì thế mà chủ nợ cũng có trách nhiệm giống như các con nợ đối với bản hợp đồng này. Trên thực tế, các chủ nợ thường được cho là có trách nhiệm hơn: thông thường, chủ nợ là các tổ chức tài chính tinh vi, trong khi người vay thường không có nhiều hiểu biết đối với các biến động của thị trường và rủi ro gắn với những thoả thuận hợp đồng khác nhau. Trên thực tế, chúng ta biết rằng các ngân hàng Mỹ vẫn đang thực sự coi người vay như những con mồi, và lợi dụng sự thiếu hiểu biết về tài chính của họ.

Các quốc gia (phát triển) đều nhận ra rằng để làm cho chủ nghĩa tư bản hoạt động các cá nhân cần phải có một sự khởi đầu mới. Những nhà tù dành cho các con nợ ở thế kỷ 19 là một sự thất bại – vô nhân đạo và chính xác là cũng không giúp đảm bảo việc trả các khoản vay. Việc thiết thực là phải cung cấp các động cơ tích cực cho hành vi cho vay tốt, bằng việc khiến cho chủ nợ có trách nhiệm hơn đối với các hậu quả từ quyết định của mình.

Ở cấp độ quốc tế, chúng ta vẫn chưa tạo ra được một quy trình đúng đắn để cho các quốc gia có một sự khởi đầu mới. Ngay từ trước cuộc khủng hoảng năm 2008, Liên Hợp Quốc, với sự ủng hộ của hầu hết các nước đang phát triển và các nước mới nổi, đã tìm cách tạo ra một khuôn khổ như vậy. Nhưng Hoa Kỳ đã phản đối quyết liệt, có lẽ nước này muốn tái lập các nhà tù cho các con nợ dành cho quan chức các quốc gia mắc nợ lớn (và nếu vậy, nhà tù đó có thể được mở ở vịnh Guantanamo).

Ý tưởng tái lập các nhà tù dành cho con nợ có thể xa vời, nhưng nó cộng hưởng với những thảo luận gần đây về rủi ro đạo đức và trách nhiệm giải trình. Người ta lo sợ rằng nếu Hy Lạp được phép tái cơ cấu các khoản nợ của mình, nó sẽ dễ dàng mắc phải các vấn đề này lần nữa, và các quốc gia khác cũng vậy.

Điều này hoàn toàn không có ý nghĩa. Liệu có ai với đầu óc bình thường nghĩ rằng sẽ có quốc gia nào đó sẵn sàng đặt mình vào những gì mà Hy Lạp đã trải qua, chỉ để được hưởng lợi từ các chủ nợ của mình? Nếu  có rủi ro đạo đức, thì đó là từ phía những người cho vay – đặc biệt trong khu vực tư nhân – những người thường xuyên được giải cứu. Nếu Châu Âu đã cho phép các khoản nợ này được di chuyển từ khu vực tư nhân sang khu vực công – một mẫu hình đã được xác lập rõ ràng trong suốt nửa thế kỷ qua – thì chính Châu Âu, chứ không phải Hy Lạp, phải gánh chịu hậu quả. Trên thực tế, hoàn cảnh hiện tại của Hy Lạp, bao gồm cả sự tăng lên nhanh chóng về tỉ lệ nợ, chủ yếu là do lỗi của các chương trình hướng dẫn sai của nhóm “bộ ba” áp đặt lên đất nước này.

Vì vậy, không phải việc tái cơ cấu nợ mà là việc thiếu vắng một chương trình tái cơ cấu nợ mới là điều “thiếu đạo đức”. Chẳng có gì là đặc biệt trong thế tiến thoái lưỡng nan mà Hy Lạp đang phải đối mặt ngày hôm nay; rất nhiều quốc gia khác đã từng ở trong hoàn cảnh đó. Nhưng điều khiến cho các vấn đề ở Hy Lạp trở nên khó khăn hơn là cấu trúc của khu vực đồng euro: liên minh tiền tệ có nghĩa là các quốc gia thành viên không thể phá giá đồng tiền để thoát khỏi rắc rối, thế nhưng lại không có một chút đoàn kết nào giữa các nước châu Âu để bù đắp cho sự thiếu tính linh hoạt về mặt chính sách này.

Bảy mươi năm trước, vào cuối Thế Chiến II, các nước Đồng minh nhận ra rằng Đức cần có một sự khởi đầu mới. Họ đã hiểu rằng sự trỗi dậy của Hitler liên quan nhiều tới nạn thất nghiệp (không phải lạm phát) được gây nên từ việc áp đặt nhiều khoản nợ lên quốc gia này vào cuối Thế Chiến I. Phe Đồng minh đã không ngu ngốc nói về và các khoản nợ chồng chất hay nói đến các chi phí mà Đức đã gây nên cho các quốc gia khác. Thay vào đó, ngoài việc bỏ qua các khoản nợ, thậm chí họ còn cung cấp các khoản viện trợ cho Đức, và quân đội của phe Đồng minh đóng tại Đức cũng đã mang lại sự kích thích về tài khóa (do chính phủ phải chi tiêu để duy trì sự hiện diện này – NHĐ).

Khi các công ty phá sản, việc đổi nợ thành cổ phần cho chủ nợ là một giải pháp công bằng và hiệu quả. Cách tiếp cận tương tự với Hy Lạp là đổi các trái phiếu hiện tại của nước này thành các trái phiếu gắn với GDP. Nếu Hy Lạp tăng trưởng tốt, chủ nợ của họ sẽ nhận được nhiều tiền hơn; và nếu không, họ sẽ nhận ít hơn. Cả hai phía sẽ đều sẽ có động lực mạnh mẽ để theo đuổi các chính sách thúc đẩy tăng trưởng.

Hiếm khi các cuộc bầu cử dân chủ lại đưa ra một thông điệp rõ ràng đến vậy như ở Hy Lạp. Nếu châu Âu không đồng ý với yêu cầu của cử tri Hy Lạp về việc thay đổi phương hướng, điều đó có nghĩa là dân chủ không còn quan trọng, ít nhất là khi bàn về các vấn đề kinh tế. Vậy tại sao không từ bỏ chế độ dân chủ, như khu vực tự trị Newfoundlad cơ bản đã làm khi trao lại quyền quản lý cho nước Anh trước Thế Chiến II?[1]

Người ta hi vọng rằng những ai hiểu biết kinh tế học về nợ và chế độ chi tiêu hà khắc, cũng như những người tin vào chế độ dân chủ và các giá trị nhân văn, sẽ thắng thế. Liệu điều đó có thực sự xảy ra không chúng  ta vẫn còn phải chờ xem.

Joseph E. Stiglitz từng nhận giải Nobel về kinh tế học và là Giáo sư giảng dạy tại Đại học Columbia. Ông từng là Chủ tịch Hội đồng tư vấn về kinh tế dưới thời Tổng thống Bill Clinton, là cựu Phó Chủ tịch và kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới. Cuốn sách mới nhất của ông, với đồng tác giả là Bruce Greenwalk, có tựa đề “Tạo dựng một Xã hội Học tập: một cách tiếp cận mới về Tăng trưởng, Phát triển, và Tiến bộ xã hội” (Creating a Learning Society: A New Approach to Growth, Development, and Social Progress.)

————–

[1] Newfoundland (nằm ở Đông Bắc Canada ngày nay) là một khu vực tự trị thuộc Anh. Đến năm 1932, do bị vỡ nợ chính phủ, Newfoundland tự nguyện từ bỏ quyền tự trị để Anh tiếp quản và cai trị trực tiếp. Tình trạng này tiếp diễn đến năm 1949 khi Newfoundland sáp nhập vào Canada và trở thành tỉnh thứ 10 của nước này (NHĐ).