Di sản quý nhất của Lý Quang Diệu: Đảng Hành động Nhân dân

 15321544e

Tác giả: Hồ Anh Hải

Sử gia nổi tiếng Lord Acton từng nói: Quyền lực thì có xu hướng suy đồi; quyền lực tuyệt đối thì suy đồi tuyệt đối. Danh ngôn bất hủ này được lịch sử chứng minh là có tính quy luật phổ biến trên toàn cầu và đúng với hầu hết các trường hợp. Sự kiện Đảng Cộng sản và nhà nước xã hội chủ nghĩa của siêu cường Liên Xô tan rã là một thí dụ điển hình về sự suy đồi của quyền lực, cho dù Đảng và nhà nước này được vũ trang bằng hệ tư tưởng được coi là tiên tiến nhất và trên thực tế cũng từng giành được những thắng lợi vĩ đại trong cách mạng, trong chiến tranh chống xâm lược và trong xây dựng đất nước.

Singapore là một trường hợp không tuân theo quy luật lịch sử mà Lord Acton đã tổng kết. Đảng Hành động nhân dân tại đây liên tục sử dụng quyền lực tuyệt đối để lãnh đạo đất nước Singapore trong suốt hơn nửa thế kỷ qua mà không xảy ra suy thoái, tham nhũng biến chất. Trường hợp hi hữu này rất đáng để các nước nghiên cứu học tập.

Hơn thế nữa, Đảng Hành động nhân dân còn được coi là chính đảng cầm quyền thành công nhất thế giới: chỉ sau vài chục năm, Đảng đã biến Singapore từ một xứ sở nghèo khổ lạc hậu trở thành một nước phát triển giàu có và văn minh hàng đầu thế giới, một trong những trung tâm kinh tế tài chính toàn cầu. Hiện nay thu nhập đầu người Singapore cao gần gấp đôi nước Anh, cường quốc thực dân từng đô hộ Singapore. Năm 1973 Tổng thống Mỹ Nixon ca ngợi: “Singapore là quốc gia được quản lý tốt nhất thế giới”.

Đảng Hành động nhân dân (viết tắt Đảng HĐND, People’s Action Party, PAP; 新加坡人民行动党) thành lập ngày 21/11/1954, thành phần ban đầu là những trí thức Singapore từng học ở Anh Quốc về. Một trong số ba người sáng lập Đảng là luật sư Lý Quang Diệu (sinh 1923) được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên. Mới đầu Đảng có xu hướng cực tả, liên minh với các nghiệp đoàn theo chủ nghĩa cộng sản nhưng về sau PAP dần dần coi nhẹ vấn đề hệ tư tưởng, chuyển sang theo quan điểm thực dụng, chủ yếu xét hiệu quả hành động là chính và chủ trương Đảng “đại diện lợi ích của nhiều bên trong nước”. Điều lệ Đảng sửa đổi năm 1982 không nói Đảng theo chủ nghĩa gì; người vào Đảng không cần nói mình theo hệ tư tưởng nào.

Trong thời gian học tại Anh, Lý Quang Diệu chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng chủ nghĩa xã hội dân chủ của nhà lý luận mác-xít người Anh Laski (1893-1950), một trong ba nhà tư tưởng lớn của Anh Quốc thế kỷ XX. Tuy vậy Lý Quang Diệu trọng thực dụng, không câu nệ vấn đề ý thức hệ mà chỉ quan tâm hành động, hiệu quả, ít bàn lý luận. Ông chủ trương kết hợp các giá trị phương Đông với các giá trị phương Tây, kết hợp chủ nghĩa xã hội dân chủ với chủ nghĩa tư bản. Ông từng nói: Không có một bức trường thành giữa chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa xã hội. Lưu Minh Phúc, tác giả sách Giấc mơ Trung Quốc nói thành công của Singapore là kết quả của sự bổ khuyết và hoàn thiện lẫn nhau giữa chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản.  Do chịu ảnh hưởng của ông, sau này Đặng Tiểu Bình đề ra thuyết “Mèo trắng mèo đen” dẫn dắt thành công sự nghiệp cải cách mở cửa ở Trung Quốc.

Có thể tóm tắt đường lối chính trị của Lý Quang Diệu là kết hợp các ưu điểm của chủ nghĩa tư bản với các ưu điểm của chủ nghĩa xã hội, kinh tế thị trường tự do với kinh tế kế hoạch tập trung; thực hiện dân chủ có hạn chế (limited democracy), từng bước mở rộng dân chủ, kết hợp nhân trị (đức trị) của phương Đông với pháp trị của phương Tây. Ông áp dụng đường lối đối ngoại khôn ngoan tận dụng được sự ủng hộ của các cường quốc.

Với quan điểm nhân tài trị quốc, ông cho rằng khi dân trí còn rất thấp thì trong một số trường hợp, các phần tử tinh hoa cầm quyền có thể tự quyết định các chính sách hệ trọng cho dù dân chúng vì chưa hiểu mà phản đối (thí dụ chính sách nhập cư lao động nước ngoài để bổ sung tình trạng thiếu nhân công hiện nay ở Singapore). Với đầu óc thực dụng, tuy chủ trương đánh đuổi thực dân Anh nhưng ông giữ lại hệ thống pháp trị của người Anh cũng như giữ lại tiếng Anh làm ngôn ngữ hành chính. Do hiểu được tầm quan trọng của pháp trị, ông cực kỳ coi trọng việc giữ trật tự an ninh công cộng trong xã hội, tới mức chịu mang tiếng là độc tài. Thí dụ chế độ phạt tiền nặng tệ vứt rác, nhổ bậy, đánh roi người vẽ/viết bậy nơi công cộng (từng có một thiếu niên Mỹ bị phạt roi). Quy định lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ hành chính nhà nước cũng bị một số người phê phán là độc đoán, là “giết chết” văn hóa dân tộc.

Năm 1959, trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau khi Singapore được thực dân Anh cho hưởng chế độ bang tự trị, Đảng HĐND thắng lớn và do đó được quyền tổ chức Chính phủ, Tổng Bí thư Đảng Lý Quang Diệu được Đảng cử làm Thủ tướng liên tục cho tới ngày thôi chức. Tháng 8/1965, Singapore tách ra khỏi Liên bang Malaysia thành một nước độc lập, suốt từ đó tới nay Đảng HĐND đều thắng tuyệt đối trong 12 kỳ tổng tuyển cử và do đó độc quyền lãnh đạo nước này, cho dù Singapore theo chế độ dân chủ đa đảng.

Vì sao Đảng HĐND giành được tín nhiệm tuyệt đối của nhân dân Singapore?

Nguyên nhân chủ yếu là do đảng  đường lối lãnh đạo đúng đắn, có chiến lược phát triển kinh tế-xã hội thích hợp nhất và tổ chức thực hiện tốt nhất đường lối, chiến lược đó, chỉ sau vài chục năm đã biến Singapore từ một nước nghèo khổ lạc hậu trở thành giàu có văn minh hàng đầu thế giới. Một nguyên nhân nữa là Đảng HĐND luôn luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, một lòng phục vụ nhân dân, thực sự là đội ngũ tiên tiến nhất ưu tú nhất trong xã hội, tuyệt đối không quan liêu, tham nhũng suy thoái.

Trong thời gian 1960-2014, GDP Singapore tăng từ 0,7 tỷ USD lên tới 307,86 tỷ USD, tức tăng gần 440 lần; GDP đầu người từ 428 tăng lên tới 56.264 USD (số liệu của Singapore Department of Statistics). Năm 2013, GDP đầu người tính theo sức mua bằng 62.400 USD, cao nhất châu Á, thứ 7 thế giới (so sánh: Mỹ 52.800; Anh 37.300; Nhật 37.100; Trung Quốc 9.800; Việt Nam 4.000 USD. Số liệu lấy từ CIA World Factbook).

Đời sống xã hội hài hòa ổn định, tỷ lệ thất nghiệp thấp; hơn ba chục năm nay hầu như không có biểu tình, bãi công. Mức sống được nâng cao rất nhiều, toàn dân được hưởng những dịch vụ tốt hàng đầu về nhà ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, môi trường. Singapore là nước đầu tiên trên thế giới thực hiện 80% hộ gia đình đều có nhà ở mua bằng tiền của mình.

Các thành tựu về khoa học kỹ thuật, giáo dục, y tế, bảo vệ môi sinh vào hàng tiên tiến nhất châu Á. Xã hội Singapore có trình độ văn minh hàng đầu thế giới, sánh ngang các nước Bắc Âu đi trước cả thế kỷ: đứng thứ nhất về chỉ tiêu quốc gia liêm khiết (9,3 điểm; so sánh: Việt Nam 2,7 điểm, thứ 116 trong 178 nước được xét), thứ nhì về chỉ tiêu năng lực cạnh tranh toàn cầu (Việt Nam thứ 65); thứ 26 về chỉ tiêu phát triển con người HDI (0,866 điểm thuộc nhóm HDI cao; Việt Nam 0,593 thuộc nhóm trung bình)…

Những thành tựu đó đạt được tại một quốc đảo nhỏ bé diện tích 714 km2, có 5,47 triệu dân, đa sắc tộc, hầu như không có tài nguyên gì, thiếu cả nước sinh hoạt, phải nhập khẩu toàn bộ lương thực thực phẩm.

Cho tới nay chưa quốc gia nào đạt được sự tiến bộ nhanh chóng toàn diện như vậy. Điều đó chứng tỏ Đảng HĐND là chính đảng có năng lực cầm quyền rất tốt.

Lý Quang Diệu nói “Không có Đảng HĐND thì không có Singapore ngày nay”.  Vì thế tìm hiểu Đảng HĐND Singapore là điều hữu ích đối với các chính đảng cầm quyền, nhất là những đảng đang có nguy cơ suy thoái biến chất.

Tổ chức và hoạt động của Đảng Hành động nhân dân Singapore

Đảng HĐND được tổ chức khá chặt chẽ tương tự đảng Cộng sản kiểu Lê-nin-nít, song có nhiều điểm rất độc đáo.

Cơ quan lãnh đạo cao nhất là Ban Chấp hành Trung ương gồm 12 thành viên, do đại hội đảng viên-cán bộ (hai năm họp một lần) bầu ra. Vì là đảng cầm quyền nên các Ủy viên Trung ương đều là đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng. Đảng có Chủ tịch (Chairperson), Tổng Bí thư và phó Tổng Bí thư. Tổng Bí thư đồng thời làm Thủ tướng đứng đầu chính phủ, tức người lãnh đạo cao nhất của chính quyền. Lý Quang Diệu là Thủ tướng đầu tiên thời gian 1959-1990, rồi đến Goh Chok Tong (1990-2004), Lý Hiển Long (2004 tới nay).

Tổ chức cơ sở đảng là các chi bộ (branch), mỗi khu vực (ta gọi là đơn vị) bầu cử có một chi bộ, khu vực lớn thì có tổng chi bộ; cả nước có 84 chi bộ. Không có tổ chức Đảng ở các cơ quan, xí nghiệp, khu dân cư, đơn vị quân đội v.v…Đảng viên không công khai. Chỉ khi bầu Quốc hội thì các đảng viên ứng cử mới công khai tư cách đảng viên.

Quy mô Đảng HĐND không lớn và bình thường không công bố số lượng đảng viên. Năm 1999 nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng, Tổng Bí thư Goh Chok Tong cho biết có khoảng 15 nghìn đảng viên, chiếm 0,2% số dân.

Đảng chú trọng chất lượng đảng viên, không mù quáng phát triển số lượng. Đảng không tự đào tạo đảng viên mà chọn những người đặc biệt xuất sắc trong xã hội và đã thành đạt trên một lĩnh vực nào đấy, đồng thời hay phê bình Đảng HĐND với thái độ xây dựng để mời họ vào Đảng, giao cho họ cương vị cao mà không cần xét tới thâm niên đảng. Có người qua mười mấy năm vận động, thuyết phục mới đồng ý vào Đảng, sau đó được đưa ra ứng cử vào Quốc hội rồi đề bạt làm Bộ trưởng. Cách làm này của Đảng HĐND đã thu hút hầu hết nhân tài trong xã hội, khiến cho các đảng đối lập không có được mấy người tài giỏi và do đó giành được ít phiếu bầu của cử tri. Thí dụ thập niên 70 đã thu hút Goh Chok Tong và Tony Tan vào Đảng HĐND, về sau trở thành Thủ tướng và Phó Thủ tướng (Tony Tan nay là Tổng thống và đã ra đảng theo quy định của Hiến pháp). Thập niên 1980 và 1990 Đảng lại hấp thu Lý Hiển Long và Wong Kan Seng, về sau cũng là Thủ tướng và Phó Thủ tướng. Trước khi vào Đảng họ đều đã nổi tiếng thành đạt trong sự nghiệp của mình và thường lên tiếng phê phán Đảng.

Kỷ luật nội bộ Đảng HĐND rất nghiêm. Đảng viên phải là người tự giác giữ gìn đạo đức, trật tự kỷ cương pháp luật, gương mẫu trong mọi hành vi, đạo đức trong sáng liêm khiết, được quần chúng tín nhiệm.

Các thế hệ lãnh đạo Đảng đều học ở nước ngoài về, có trình độ học vấn cao. Lý Quang Diệu là luật sư tốt nghiệp trường đại học danh tiếng Cambridge của Anh lúc mới 26 tuổi; Goh Chok Tong tốt nghiệp thạc sĩ ngành kinh tế học phát triển trường Williams College (Mỹ). Lý Hiển Long cũng tốt nghiệp ngành toán-vi tính Đại học Cambridge, và ngành Hành chính công Đại học Harvard. Hai người này đều trải qua các chức vụ lãnh đạo từ thấp đến cao và đã chứng tỏ có năng lực lãnh đạo xuất sắc ở các chức vụ đó. Trình độ học vấn cao của họ giúp Đảng tránh được những sai lầm trong việc hoạch định chiến lược phát triển đất nước thời hiện đại, một hậu quả thường thấy ở các đảng cầm quyền có tệ nạn đề bạt cán bộ dựa vào tuổi đảng “sống lâu lên lão làng” hoặc dựa lý lịch.

Đảng viên chia hai loại: đảng viên thường và đảng viên-cán bộ, mỗi loại đều có thời gian dự bị. Ai muốn vào Đảng đều phải làm đơn xin gia nhập và phải có người giới thiệu; phải qua điều tra của tổ chức đảng; sau khi Ban Chấp hành trung ương bỏ phiếu thông qua thì trở thành đảng viên dự bị. Khoảng 10% đảng viên trở thành đảng viên-cán bộ. Muốn vậy họ phải trải qua quá trình phấn đấu ít nhất hai năm và phải có cống hiến đặc biệt cho Đảng, phải được một Ủy viên trung ương giới thiệu, cuối cùng được Trung ương Đảng bỏ phiếu thông qua. Thời gian dự bị của đảng viên-cán bộ là một năm, sau đó mới trở thành đảng viên-cán bộ chính thức. Cách lựa chọn đảng viên nghiêm ngặt như vậy đã ngăn chặn được các phần tử cơ hội chui vào Đảng.

Cớ chế Ban Chấp hành Trung ương Đảng xét duyệt đảng viên-cán bộ, sau đó đảng viên-cán bộ lại được quyền bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới – chế độ này bị dư luận phương Tây cho là bắt chước đạo Thiên chúa (Giáo hoàng bổ nhiệm các Tổng giám mục rồi họ lại bầu Giáo hoàng mới), tức kém dân chủ. Các đại biểu Quốc hội là đảng viên-cán bộ lại được quyền bầu ra Thủ tướng và các Bộ trưởng trong chính phủ.

Đảng lãnh đạo nhà nước thông qua việc cử đảng viên là đại biểu Quốc hội đảm nhiệm các chức vụ Thủ tướng, Bộ và Thứ trưởng của tất cả các Bộ trong chính phủ.

Hoạt động chính trị của Đảng HĐND rất đặc biệt:

  • Hình thức hoạt động rất khiêm tốn, không tuyên truyền về Đảng, về vai trò của Đảng; trên các phương tiện truyền thông cũng như trong phát biểu của lãnh đạo hầu như không nhắc tới Đảng, không nhắc tới chức vụ đảng của bất cứ người lãnh đạo nào mà chỉ nhắc tới cương vị chính quyền của họ (chẳng hạn chỉ nói Thủ tướng mà không nói kèm chức Tổng Bí thư Đảng HĐND). Đảng không sử dụng bộ máy quyền lực nhà nước, không yêu cầu Quốc hội, Chính phủ hoặc bất cứ ai phải chấp hành đường lối chính sách, nghị quyết của Đảng. Hiến pháp Singapore không nhắc tới tên bất cứ chính đảng nào.People's_Action_Party_Headquarters
  • Không tổ chức bộ máy của Đảng song song với bộ máy nhà nước. Trụ sở Trung ương Đảng chỉ là một nửa của một tòa nhà bốn tầng nằm trong một khu nhà ở tập thể bình thường, chung nhà với trụ sở Quỹ Cộng đồng (xem ảnh: nửa nhà bên phải là trụ sở Đảng), quy mô tòa nhà rất nhỏ so với trụ sở chính phủ, chỉ có 9 cán bộ làm việc.

Vì thế có người nói Đảng HĐND là một đảng “vô hình”, tuy các đảng viên luôn dẫn đầu trong mọi hoạt động xã hội. Theo giải thích, đó là do Đảng đã hòa mình vào xã hội, cơ chế Đảng đã hòa mình với cơ chế chính quyền, toàn bộ lãnh đạo Đảng phải là đại biểu Quốc hội, hầu hết người lãnh đạo chính quyền cấp cao phải là cán bộ đảng. Vì Đảng HĐND lãnh đạo mọi hoạt động của xã hội, của chính quyền, Quốc hội, cho nên Đảng không cần ra mặt lãnh đạo, không cần có bộ máy riêng do đó rất tiết kiệm kinh phí.

Vai trò của Đảng chỉ được nhắc tới mỗi khi sắp có bầu cử Quốc hội; khi ấy công tác tuyên truyền vận động cử tri dồn phiếu cho Đảng HĐND được tiến hành rất rầm rộ. Các ứng viên phải tới từng khu dân cư, thậm chí từng gia đình dân để tự vận động cho mình. Nhưng trong thời gian giữa hai kỳ bầu cử, Đảng HĐND ở vào trạng thái “ngủ đông”.

Xã hội Singapore dường như chỉ biết tới chính quyền chứ không cảm thấy sự hiện diện của đảng cầm quyền. Báo đài không nhắc tới tên Đảng HĐND, tuy người dân vẫn hiểu rằng mọi chủ trương chính sách đều do đảng này đưa ra. Đảng lãnh đạo xã hội thông qua sự điều hành của chính quyền chứ không qua hệ thống riêng của Đảng.

Đảng HĐND chủ trương thực hiện nguyên tắc: nhân viên công vụ (công chức nhà nước) trung lập về chính trị, tức không tham gia đảng phái nào. Lý lịch viên chức không có mục khai đảng phái. Không có quy định bằng văn bản hoặc quy định bất thành văn nào nói về việc ưu tiên sử dụng hoặc đề bạt đảng viên Đảng HĐND.

Lực lượng giám sát và chế ước đảng cầm quyền là các đảng đối lập và nhân dân. Cử tri dùng lá phiếu bầu cử của mình để quyết định chọn đảng nào được cầm quyền. Vai trò của các đảng đối lập không đáng kể, vì cho tới nay các đảng này có quy mô rất nhỏ, hiếm người tài giỏi, không đưa ra được các chủ trương chính sách nào nổi trội và không có ảnh hưởng lớn trên chính trường. Đảng nào giành được đa số phiếu bầu của cử tri thì được quyền lập chính phủ và cử đảng viên của mình lãnh đạo chính quyền các cấp.

Trong 12 kỳ bầu Quốc hội, Đảng HĐND đều giành được trên 50% tổng số phiếu. Kỳ bầu Quốc hội khóa XII (5/2011), lần đầu tiên Đảng HĐND chỉ thu được có hơn 60% tổng số phiếu, giành 81 ghế trong số 87 ghế đại biểu Quốc hội, là một thất bại, chứng tỏ một bộ phận dân có bất mãn với sự lãnh đạo của Đảng. Thậm chí đương kim Bộ trưởng Ngoại giao ứng viên của Đảng HĐND cũng thất cử. Lần đầu tiên một đảng đối lập là đảng Công nhân giành được 6 ghế trong Quốc hội. Mới đây đảng này cũng giành thắng lợi trong kỳ bầu bổ sung một đại biểu Quốc hội (thay cho đại biểu người của Đảng HĐND bị bãi chức).

Singapore là quốc gia có nhiều sắc tộc và tôn giáo, quan niệm giá trị đa dạng và phức tạp, cho nên đoàn kết toàn dân, ngưng tụ lòng người là nhiệm vụ quan trọng nhất của đảng lãnh đạo. Đảng HĐND đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, bình thường không ra mặt lãnh đạo, không có biểu hiện tranh giành vai trò này mà đề xuất quan niệm giá trị “Quốc gia tối thượng; xã hội trước hết; gia đình là nền tảng; xã hội là gốc rễ; quan tâm xã hội; tôn trọng cá nhân; bàn bạc đồng thuận; tránh va chạm; khoan dung sắc tộc; tôn giáo hòa hợp nhau”. Đảng tìm ra con đường trung gian giữa giữ gìn tính nhất trí xã hội (tính tập thể) với giữ gìn mức độ tự do nhất định của cá tính (tính cá nhân); đường lối này có tính bao dung và tính linh hoạt rất lớn, do đó được đông đảo dân ủng hộ và có hiệu quả rõ rệt.

Đảng HĐND không đề cao một chủ nghĩa nào, tuy thời gian đầu từng giương ngọn cờ chủ nghĩa xã hội dân chủ nhưng về sau đã không cố gắng kiên trì bất cứ giáo điều nào về ý thức hệ. Đảng vận dụng linh hoạt, kết hợp hữu cơ mục tiêu của chủ nghĩa xã hội với biện pháp của chủ nghĩa tư bản; một mặt đi con đường kinh tế thị trường tự do cạnh tranh và cởi mở, phát huy năng lực các cá nhân, một mặt tăng cường năng lực điều hành vĩ mô của nhà nước đối với đời sống kinh tế của xã hội.

Nền tảng dân chủ của Đảng được hình thành từ thời kỳ trước ngày Singapore độc lập, Đảng chủ trương xây dựng chế độ chính trị Quốc hội một viện (không có Thượng viện) và tam quyền phân lập, thực hành đa đảng cạnh tranh và dân chủ nghị viện; đồng thời kết hợp nền dân chủ phương Tây với truyền thống văn hóa của cộng đồng người Hoa, Đảng đẩy mạnh thực thi chiến lược người tài trị quốc; phát hiện và đề bạt nhân tài đưa ra ứng cử Quốc hội sau đó tổ chức một chính phủ làm việc hiệu suất cao đồng thời tập trung quyền quyết định đường lối vào lãnh tụ.

Sử dụng cơ chế từng công dân trực tiếp bầu Quốc hội để chính đảng nào giành đa số phiếu thì được quyền tổ chức chính phủ và do đó lãnh đạo đất nước đã tạo ra tính chính danh, tính hợp pháp cho đảng cầm quyền. Đảng giành quyền lãnh đạo bằng hành động thực tế của mình làm lợi cho dân cho nước một cách tốt nhất chứ không dùng quyền lực.

Chính quyền trong tay một đảng thì không xảy ra lục đục nội bộ như chính quyền liên hợp nhiều đảng. Hơn nửa thế kỷ qua, Singapore do một Đảng HĐND cầm quyền, vì thế các chủ trương chính sách của Đảng được kế tục trong thời gian dài, đã phát huy hiệu quả đưa đất nước tiến nhanh lên hiện đại hóa, đồng thời Đảng có uy quyền rất cao trong dân chúng. Tính bao dung của Đảng HĐND được thể hiện ở quy định của Hiến Pháp: trong Quốc hội tối thiểu phải có 18 ghế không thuộc đảng cầm quyền; cho dù các đảng đối lập không giành được ghế nào trong Quốc hội, nhưng một số lãnh tụ của họ vẫn được chỉ định làm đại biểu Quốc hội (gọi là đại biểu không bầu, hiện có 9 ghế).

Từ năm 1993 Singapore bắt đầu thực hiện để cử tri trực tiếp bầu Tổng thống. Chức vụ này nặng tính nghi lễ, nhưng có quyền giám sát Thủ tướng và chính phủ; sau khi được bầu, Tổng thống phải rời bỏ chính đảng cũ, trở thành không đảng phái; như vậy tiện cho việc giám sát, thậm chí khởi tố mọi nhân vật chính phủ phạm luật, kể cả Thủ tướng. Hiến pháp quy định Tổng thống và Quốc hội thuộc vào cơ quan lập pháp.

Do có nền tảng vững chắc trong dân chúng nên Đảng HĐND giữ được quan hệ tốt với các đảng đối lập chứ không có sự xung đột lợi ích. Đảng cũng có quan hệ nhất trí với Tổng Công đoàn Quốc gia và các tổ chức sắc tộc, thương mại và công nghiệp. Do đa số công nhân cho rằng Đảng HĐND bênh vực lợi ích của họ nên nhiều tổ chức công đoàn mong muốn được hoạt động dưới sự kiểm soát của Đảng và chính phủ.

Đảng HĐND lập ra một số đoàn thể quần chúng của Đảng, như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hiệp hội Nhân dân nhằm chuyển hóa các chủ trương chính sách của Đảng thành hành động của dân chúng.

Khẩu hiệu của Đảng là “Chân thành đoàn kết, nhất chí hành động”. Dưới tôn chỉ “Xúc tiến phúc lợi nhà nước và hạnh phúc của nhân dân”, Đảng HĐND áp dụng một loạt biện pháp nâng cao mức sống vật chất văn hóa của nhân dân, cung cấp thông tin đích thực cho nhân dân.

Vì sao Đảng Hành động nhân dân không có tham nhũng, suy thoái ?

Đảng HĐND vừa thực hiện quyền lực tập trung vừa thực hiện quyền lực trong sạch, không có tham nhũng biến chất. Đây là một đặc điểm độc đáo có lẽ chỉ thấy ở Đảng này.

Để làm được điều đó, điều quan trọng nhất là Đảng HĐND luôn tiếp nhận sự giám sát chế ước quyền lực từ các đảng đối lập (lúc nhiều nhất có 24 đảng đăng ký hợp pháp) và đặc biệt là nhân dân, những người dùng lá phiếu của mình để lựa chọn đảng nào được cầm quyền. Đây là một thách thức đòi hỏi Đảng HĐND tự nhiên phải luôn luôn giữ mình trong sạch liêm khiết; nếu không Đảng sẽ mất quyền lãnh đạo.

Điểm này khác với đảng Cộng sản Trung Quốc, vì Hiến pháp Trung Quốc quy định nước này do giai cấp công nhân lãnh đạo – được hiểu là đảng của giai cấp đó lãnh đạo. Hiến pháp Singapore không nhắc tới tên bất cứ chính đảng nào, cũng không dành cho Đảng HĐND đặc quyền nào. Vì thế Đảng phải tự phấn đấu để giành tín nhiệm của nhân dân, qua đó giành quyền lãnh đạo đất nước. Đây là một sức ép rất lớn tự nó buộc mọi đảng viên Đảng HĐND phải trong sạch, gương mẫu.

Đảng HĐND quy định mọi thành viên chính phủ phải tiếp nhận sự giám sát từ bên ngoài. Tổng Bí thư kiêm Thủ tướng là người có quyền lực cao nhất nhưng phải chịu trách nhiệm tiếp nhận sự giám sát của Quốc hội. Toàn thể đảng viên phải gắn bó với nhân dân. Đảng quy định các đại biểu Quốc hội của Đảng phải dùng thời gian ngoài giờ làm việc và bỏ tiền túi lo việc tiếp xúc với cử tri trong khu vực bầu cử của mình mỗi tuần một buổi tối, cá nhân tiếp riêng từng người dân chứ không tiếp tập thể, như vậy quần chúng có thể nói thẳng ý kiến của họ mà không chịu sức ép nào. Cách tiếp dân này có hiệu quả thực tế giúp Đảng thực sự hiểu dân, tránh được bệnh hình thức.

Nhà nước thành lập cơ quan chống tham nhũng và đưa ra Luật phòng chống tham nhũng. Cục Điều tra tham nhũng có quyền bắt người, quyền điều tra, khám xét, quyền lấy thông tin về tài sản, quyền điều tra tài sản bất minh của bất cứ nghi can nào. Lý Quang Diệu nói: Thành tựu lớn nhất của Đảng HĐND là “bảo đảm sức sống và sự liêm khiết của Đảng chứ không phải là trở thành một chính đảng suy thoái và tham nhũng”.

Đồng thời Đảng HĐND chủ trương trả lương cao cho các chức vụ lãnh đạo để họ yên tâm làm việc mà không phải lo tìm thêm nguồn thu nhập. Thí dụ lương của cấp Bộ trưởng tương đương với thu nhập trung bình của người lãnh đạo công ty lớn trong nước. Lương Thủ tướng Singapore cao hơn gấp đôi lương Tổng thống Mỹ, nhưng không có các chế độ ưu đãi như Tổng thống Mỹ (nhà ở trong thời gian tại nhiệm, phương tiện đi lại v.v…).

Đảng HĐND luôn bảo đảm người nắm quyền lực phải là người trong sạch, tài đức ưu tú của xã hội; không đề bạt người lãnh đạo theo bất kỳ tiêu chuẩn nào khác.

Đảng HĐND tận dụng quyền lực nắm được để thực hiện mọi ý tưởng, mục tiêu của mình, trong đó có ý tưởng loại trừ tham nhũng. Và họ đã làm được điều đó, trong khi đảng cầm quyền ở nhiều nước khác không làm được.

Giữ đảng trong sạch liêm khiết suốt hơn nửa thế kỷ qua là một thành tích góp phần quyết định số phận Đảng HĐND được nhân dân chọn làm đảng lãnh đạo nước này. Ngay từ ngày mới thành lập Đảng đã xác định phòng chống tham nhũng là công tác quan trọng số một, đưa ra ý tưởng “Vì sinh tồn phải liêm khiết; vì phát triển phải chống tham nhũng”. Huy hiệu Đảng HĐND là một vòng tròn màu lam trên nền trắng, có một tia chớp đỏ cắm xuống chính giữa vòng tròn. Màu trắng tượng trưng sự trong sạch liêm khiết, vòng xanh tượng trưng sự đoàn kết và hòa hợp sắc tộc; tia chớp tượng trưng hành động dũng mãnh hiệu quả.

Ban lãnh đạo Đảng với hạt nhân là Lý Quang Diệu luôn ôm ấp lý tưởng cao xa phấn đấu vì một nước Singapore độc lập và giàu mạnh chứ không phải vì mưu lợi cho cá nhân mình. Tuy phần lớn đảng viên là người Hoa, vốn có truyền thống Nho giáo trọng người lãnh đạo (ngày xưa là trọng vua quan) nhưng Đảng HĐND lại hoàn toàn không tự cho mình quyền được hưởng bất cứ đặc quyền đặc lợi nào khác với nhân dân. Cho tới nay Lý Quang Diệu vẫn ở tòa nhà cũ của cha ông để lại; tòa nhà chính phủ dành cho ông thì dùng để làm các hoạt động ngoại giao. Ông đi làm bằng xe cá nhân, tự chịu tiền xăng và sửa xe. Thập niên 1970, trong đợt tăng lương cho các bộ trưởng, Thủ tướng Lý Quang Diệu không tăng lương cho mình. Cho tới nay toàn thể đại biểu Quốc hội (kể cả Thủ tướng, Bộ trưởng) hàng tuần đều phải tiếp dân bằng tiền túi. Đại biểu Quốc hội là đảng viên phải nộp đảng phí bằng 10-15% tiền lương. Con các cán bộ từ Bộ trưởng trở lên khi học phổ thông chỉ được học trường công, không được học trường tư. Không có bệnh viện riêng hoặc chế độ khám chữa riêng cho cán bộ lãnh đạo, từ Lý Quang Diệu trở xuống đều phải khám chữa bệnh ở bệnh viện công, khi khám chữa bệnh không được chọn bác sĩ.

Một học giả người Hoa cho rằng Đảng HĐND là đảng của những người thuộc tầng lớp tinh hoa dân tộc, không có thành phần khác pha tạp làm hạ thấp tính tiên tiến của đảng. Sinh thời Lê-nin luôn yêu cầu đảng Cộng sản phải là bộ phận tiên tiến nhất của xã hội. Nếu đảng viên không còn là tinh hoa của dân tộc mà trở thành một nhóm lợi ích thoát ly xã hội, chỉ biết tranh giành quyền lợi cho đảng viên thì đó là lúc đảng đã ở vào nguy cơ suy thoái, kết cục là đảng tự đào thải ra khỏi tiến trình phát triển của xã hội. Đảng HĐND Singapore đã luôn luôn cảnh giác trước mọi nguy cơ làm cho Đảng biến chất, tham nhũng, suy thoái. Trên thực tế họ đã làm được như vậy.

***

Thành công của Đảng HĐND và của Singrapore gắn liền với vai trò tổ chức, lãnh đạo khôn ngoan sáng suốt, kiên quyết của cá nhân ông Lý Quang Diệu. Có thể nói không có Lý Quang Diệu thì không có Singapore giàu mạnh, tiên tiến ngày nay.

Trong hơn nửa thế kỷ lãnh đạo Đảng HĐND, Lý Quang Diệu đã biến tư tưởng của ông thành tư tưởng của Đảng, trở thành lãnh tụ tinh thần suốt đời của của Đảng HĐND và người cha của nước Cộng hòa Singapore, được dư luận quốc tế coi là nhà chính trị thành công nhất châu Á.

Tổng thống Nixon từng so sánh Lý Quang Diệu với các chính khách thần kỳ như Bismarck, Disraeli, Churchill. Tổng thống Obama ca ngợi “ Lý Quang Diệu là một trong những nhân vật huyền thoại của châu Á thế kỷ XX và XXI ”. Nguyên Thủ tướng Anh Tony Blair nói ông là “nhà lãnh đạo thông minh nhất tôi từng gặp”. Nguyên Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nói chưa một nhà lãnh đạo thế giới nào “từng dạy tôi nhiều hơn ông”.

Cổ nhân có câu “Cái quan định luận”, nghĩa là chỉ có thể đánh giá đúng một người sau khi người ấy đã chết.

Lý Quang Diệu qua đời hôm 23/3 vừa qua, nhân dân Singapore và cả thế giới tiếc thương. Lãnh đạo và dư luận các nước đều đánh giá cao về ông.

Tổng thống Obama phát biểu: “Ông ấy là một người khổng lồ thực sự của lịch sử, sẽ được nhiều thế hệ nhớ tới với tư cách là người cha sáng lập đất nước Singapore hiện đại và là một trong những chiến lược gia vĩ đại nhất của châu Á”. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon mô tả: “Lý Quang Diệu là nhân vật huyền thoại ở châu Á, được tôn kính bởi phẩm chất lãnh đạo mạnh mẽ”. Chủ tịch Tập Cận Bình viết trong điện chia buồn:  Lý Quang Diệu là nhà sáng lập nước Cộng hòa Singapore, cũng là nhà chiến lược và nhà chính trị được cộng đồng quốc tế tôn trọng; ông là bạn cũ của nhân dân Trung Quốc. Thủ tướng Anh Cameron nói Lý Quang Diệu là một trong những “nhà chính trị vĩ đại nhất”, và nhắc lại lời của cố Thủ tướng Thatcher: “Ngoài Lý Quang Diệu ra, trên thế giới không có bất cứ lãnh tụ nước nào được bà khâm phục như vậy.” Báo Washington Post viết: ông ấy “là nhà độc tài được thế giới dân chủ ưa thích”.

Có thể tin chắc rằng Đảng HĐND sẽ tiếp tục dẫn dắt nhân dân Singapore đi theo con đường của Lý Quang Diệu, tiến tới một tương lai tươi sáng hơn nữa.