Nguồn: “Dalai Lama begins exile,” History.com (truy cập ngày 30/03/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng.
Vào ngày này năm 1959, Đức Dalai Lama, trong khi đào thoát khỏi sự đàn áp của Trung Quốc đối với cuộc Nổi dậy Tây Tạng, đã vượt biên giới sang Ấn Độ, nơi ngài được cấp tị nạn chính trị.
Sinh ra tại làng Taktser, Trung Quốc, Dalai Lama, vốn mang tên tiếng Tạng là Tenzin Gyatso (Đăng-châu Gia-mục-thố), được chỉ định làm Đức Dalai Lama thứ 14 vào năm 1940, một vị trí khiến ngài cuối cùng trở thành vị lãnh đạo tôn giáo và chính trị của Tây Tạng. Vào đầu thế kỷ 20, Tây Tạng ngày càng nằm dưới tầm kiểm soát của Trung Quốc, và đến năm 1950, Trung Quốc tiến hành “giải phóng hòa bình” Tây Tạng. Một năm sau, thỏa thuận Tây Tạng – Trung Quốc được ký, theo đó Tây Tạng trở thành “khu tự trị” của Trung Quốc, dưới danh nghĩa là nằm dưới sự cai quản truyền thống của Dalai Lama, nhưng trên thực tế là nằm dưới sự kiểm soát của một ủy ban cộng sản của Trung Quốc. Những người theo một hệ phái Phật giáo riêng biệt ở Tây Tạng bị đàn áp dưới những đạo luật chống tôn giáo của Trung Quốc.
Sau nhiều năm biểu tình rải rác, một cuộc khởi nghĩa toàn diện nổ ra vào tháng 3 năm 1959, và Đức Dalai Lama đã buộc phải đào thoát khi cuộc nổi dậy bị quân đội Trung Quốc nghiền nát. Ngày 31 tháng 3 năm 1959, ngài bắt đầu sống lưu vong ở Ấn Độ, lưu trú ở thị trấn Dharamsala thuộc bang Punjab, nơi ngài thành lập chính phủ Tây Tạng với một Hội đồng Dân cử dựa trên dân chủ. Trong khi đó, Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp đàn áp dã man đối với người dân Tây Tạng, cáo buộc Đức Dalai Lama tội diệt chủng. Cùng sự khởi đầu của Cách mạng Văn hóa, cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với Phật giáo Tây Tạng gia tăng nhanh chóng, việc thực hiện các nghi lễ tôn giáo bị cấm và hàng ngàn tu viện đã bị phá hủy.
Dù lệnh cấm đã được dỡ bỏ năm 1976, các cuộc biểu tình ở Tây Tạng vẫn tiếp diễn, và Đức Dalai Lama đang lưu vong đã giành được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế về các phong trào độc lập Tây Tạng. Năm 1989, Đức Dalai Lama được trao giải Nobel Hòa bình, ghi nhận chiến dịch bất bạo động của ngài nhằm kết thúc sự thống trị của Trung Quốc ở Tây Tạng.