02/07/1964: Tổng thống Johnson ký Đạo luật Quyền Dân sự

Print Friendly, PDF & Email

MEMO-master675

Nguồn:Johnson signs Civil Rights Act,” History.com (truy cập ngày 30/6/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1964, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson đã phê chuẩn Đạo luật Quyền Dân sự lịch sử trong một buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc từ Nhà Trắng.

Trong vụ kiện cột mốc giữa Brown và Hội đồng Giáo dục năm 1954 (Brown v. Board of Education of Topeka), Tối cao Pháp viện Mỹ đã phán quyết rằng sự phân biệt chủng tộc trong các trường học là vi hiến. Mười năm sau đó đã chứng kiến nhiều bước tiến lớn trong phong trào dân quyền của người Mỹ gốc Phi, khi các cuộc biểu tình bất bạo động giành được sự ủng hộ của hàng ngàn người. Những cột mốc đáng nhớ trong cuộc đấu tranh này bao gồm cuộc tẩy chay xe buýt ở Montgomery năm 1955 – nổi lên sau khi một cư dân của Alabama là bà Rosa Parks từ chối nhường ghế cho một người phụ nữ da trắng trên chiếc xe buýt công cộng của thành phố – và bài phát biểu “Tôi có một giấc mơ” nổi tiếng của mục sư Martin Luther King, Jr. trước cuộc biểu tình gồm hàng trăm ngàn người ở Washington, D.C. năm 1963.

Khi phong trào dân quyền ngày càng lớn mạnh, Tổng thống John F. Kennedy đã thông qua một dự luật quyền dân sự mới, một trong những nền tảng cho chiến dịch tranh cử tổng thống thành công của ông năm 1960. Là phó tổng thống của Kennedy, Johnson giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Cơ hội việc làm Bình đẳng của Tổng thống. Sau khi Kennedy bị ám sát năm 1963, Johnson tuyên bố sẽ thực hiện các cải cách dân quyền mà Kennedy từng đề xuất.

Đạo luật Quyền Dân sự đã vấp phải sự phản đối gay gắt trong Hạ viện và trải qua một cuộc tranh luận nóng bỏng kéo dài trong Thượng viện trước khi được phê chuẩn vào tháng 7 năm 1964. Để chuẩn bị cho việc ký đạo luật lịch sử này, Johnson đã mời hàng trăm vị khách đến dự một buổi lễ được truyền hình trực tiếp từ Phòng cánh Đông của Nhà Trắng. Sau khi dùng hơn 75 chiếc bút để ký dự luật này, theo truyền thống, ông đã phân phát chúng như dấu mốc cho một sự kiện lịch sử. Một trong những chiếc bút đầu tiên được gửi tới Martin Luther King, lãnh đạo của Hội nghị lãnh đạo Cơ đốc giáo miền Nam (một tổ chức dân quyền của người Mỹ gốc Phi). Hai chiếc bút khác được Johnson gửi tới hai Thượng nghị sĩ Hubert Humphrey và Everett McKinley Dirksen, hai người ủng hộ cho dự luật ở Thượng viện.

Là đạo luật bao quát nhất về các quyền dân sự được Quốc hội thông qua kể từ thời Tái thiết hậu Nội chiến, Đạo luật Quyền Dân sự 1964 cấm phân biệt chủng tộc trong việc làm và giáo dục, và đặt sự phân biệt chủng tộc ở nơi công cộng, chẳng hạn như ở các trường học, trên xe buýt, và các bể bơi, ngoài vòng pháp luật. Hơn nữa, đạo luật này còn đặt nền móng quan trọng cho nhiều đạo luật khác – trong đó có Đạo luật Quyền Bầu cử 1965, thiết lập nên những nguyên tắc nghiêm ngặt để bảo vệ quyền bầu cử của người Mỹ gốc Phi – được sử dụng để thực thi các quyền bình đẳng của phụ nữ cũng như các nhóm thiểu số trong xã hội.