Tác giả: Nguyễn Thế Phương
Ngày 9 tháng 4, Văn phòng Tình báo Hải quân (ONI) thuộc Hải quân Hoa Kỳ vừa công bố báo cáo dày 49 trang với nhan đề “Hải quân Trung Quốc: Những khả năng và nhiệm vụ mới trong thế kỷ 21”. Bản báo cáo được chia thành 5 phần chính, nhưng chủ yếu tập trung vào 3 nội dung sau:
- Tiến độ đóng tàu nhanh chóng cho phép Hải quân (PLAN) và Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) tăng tốc độ thay thế các tàu chiến cũ bằng những tàu thế hệ mới và hiện đại hơn. Đáng chú ý là sự mở rộng quy mô của lực lượng Cảnh sát biển. Đến cuối năm 2015, lực lượng này sẽ mở rộng quy mô hơn 25% so với năm 2012.
- Trung Quốc có số lượng tàu cảnh sát biển lớn hơn số lượng tàu mà Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, Indonesia và Malaysia gộp lại.
- Bắc Kinh cũng được cho là đang phát triển tên lửa hành trình chống hạm siêu âm (ASCM) với tên gọi YJ – 18. Ẩn số này có thể sẽ gây ra những bất ngờ với lực lượng tàu chiến của Mỹ và đồng minh.
Bản báo cáo cũng nhắc đến những mặt yếu của Hải quân Trung Quốc (PLAN) còn tồn tại đến thời điểm hiện tại.
CCG đang ngày càng trở thành một công cụ hiệu quả của Bắc Kinh trong các vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở các vùng biển gần. Trong nhiều trường hợp gần đây, các tàu của CCG được triển khai cùng với PLAN ở các khu vực nhạy cảm, song các tàu của PLAN thường không hiện diện trực tiếp mà thay vào đó là CCG. Từ sau khi chính thức được thành lập vào năm 2009, CCG đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm từ Bắc Kinh. Từ cuối những năm 1990, lực lượng tiền thân của CCG chỉ nhận được tròm trèm 100 tàu tuần tra cỡ lớn, tàu tuần tra chiến đấu và tàu hỗ trợ. Trong khi đó, ONI tính toán, chỉ trong vòng 3 năm, từ 2012 đến 2015, CCG sẽ nhận được ít nhất hơn 30 tàu tuần tra cỡ lớn và hơn 20 tàu tuần tra chiến đấu. Các tàu này đều có kích thước và sự phức tạp trong công nghệ hơn hẳn các tàu trước đó. Số lượng tàu của CCG vào khoảng 205, không kể đến các tàu tuần tra ven bờ có lượng dãn nước dưới 500 tấn.
Từ sau khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã cho PLAN thử lửa bằng những đợt huấn luyện bất thường về quy mô, thời gian và độ phức tạp. Bởi theo ông Tập, sức mạnh hải quân có tầm quan trọng đối với sự phát triển của đất nước và vị thế cường quốc của Trung Quốc. Thông qua những đợt huấn luyện bất thường, Bắc Kinh hi vọng có thể cải thiện năng lực “phần cứng” của PLAN. Báo cáo của ONI dự đoán, năm 2015 sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều hơn nữa những đợt huấn luyện bất thường như thế. Mục tiêu chủ yếu nhắm vào việc tăng cường năng lực hiệp đồng tác chiến của PLAN.
Hiện PLAN đang có tổng cộng 26 tàu khu trục, 52 khinh hạm, 20 tàu hộ vệ hạng nhẹ, 85 tàu tên lửa, 56 tàu đổ bộ, cùng hàng chục tàu quét mìn, tàu vận tải hỗ trợ khác. Về lực lượng tàu ngầm, Bắc Kinh đang dự định chế tạo thêm 8 tàu ngầm lớp Yuan ngoài 12 chiếc đang có trong trang bị. Trung Quốc cũng sở hữu 3 tàu ứng cứu tàu ngầm lớp Dalao. Theo kế hoạch, ít nhất sẽ có khoảng từ 30 đến 60 tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Jiangdao sẽ được chế tạo. Lớp tàu này có tầm hoạt động khá rộng, từ vùng nước nông đến vùng biển khá xa bờ và thể hiện vai trò tốt hơn hẳn lớp tàu tên lửa Houbei trước đó.
Trong khi các chương trình tên lửa đạn đạo của Trung Quốc – bao gồm cả tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay DF – 21 nhận được sự chú ý của dư luận thì phần nhiều các tên lửa hành trình của nước này lại không nhận được sự quan tâm mà chúng đáng có. Báo cáo của ONI đã nhắc đến một thông tin chưa từng xuất hiện trước đó trong bất kì thông báo hay báo cáo nào của Hoa Kỳ. Đó là sự xuất hiện của tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh YJ – 18. Những hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu khu trục lớp Luyang III đã được kéo về cảng nâng cấp. YJ – 18 có thể sẽ được trang bị trên tàu này cũng như các tàu ngầm lớp Song, Yuan và Shang. Về cơ bản, tính năng của YJ – 18 tương tự như tên lửa SS-N-27/3M54E Klub của Nga mà Trung Quốc đã mua trước đây.
Tuy phát triển nhanh, song Trung Quốc cần phải làm rất nhiều việc trước khi trở thành một lực lượng hải quân biển xanh thật sự. Năng lực chế tạo tàu ngầm của Bắc Kinh là không thể phủ nhận về tốc độ chế tạo, song xét về mặt công nghệ đó là một câu chuyện hoàn toàn ngược lại. Tàu ngầm hạt nhân Type 095 sẽ còn phải cải tiến nhiều trước khi có thể trở thành một mối đe dọa thật sự với tàu mặt nước, đặc biệt là những nước có năng lực chống ngầm mạnh như Nhật Bản và Mỹ. Thêm vào đó, để trở thành một gã khổng lồ trên biển, cần phải có sự kết hợp của không quân, mà cụ thể là tàu sân bay. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn đang loay hoay với chương trình chế tạo tàu sân bay cho chính mình.
Chiến lược hợp tác hải dương vừa công bố của Hoa Kỳ: “A Cooperative Strategy for 21st Century” theo quan điểm từ phía Trung Quốc là kiềm chế sự trỗi dậy của nước này ở châu Á – Thái Bình Dương, nhất là về lực lượng hải quân. Vậy Bắc Kinh có thể làm gì để đối phó lại chiến lược này? Nhận thức được khả năng hạn chế cũng như nguy cơ từ việc bị bao vây và phong tỏa biển, Trung Quốc đã nỗ lực xây dựng một hệ thống phòng thủ dựa trên chiến lược “chống xâm nhâp/chống tiếp cận” (A2/AD). Sự hiện diện của các lực lượng Hoa Kỳ và đồng minh cũng là lý do để Bắc Kinh biện minh cho quá trình hiện đại hóa lực lượng quân sự của mình. Không dừng lại đó, Trung Quốc có thể mở rộng mạng lưới các căn cứ đến những khu vực gần Hoa Kỳ, như Tây Á và châu Phi, bao gồm cả những sáng kiến ở Nam Mỹ và vùng Caribe. Như vậy, Bắc Kinh sẽ có hai cách để đối phó lại chiến lược mới của Washington.
Tại biển Đông, Trung Quốc tiếp tục việc cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong khi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 không hề nhắc đến việc cải tạo đất thì rõ ràng đây là khe hở để Trung Quốc đẩy mạnh hơn việc xây dựng đảo nhân tạo. Thực chất những công trình này là những pháo đài phòng thủ kiên cố hơn là phục vụ cho mục đích dân sinh. Nếu cộng đồng quốc tế tiếp tục im lặng, điều này chẳng khác gì đang vô tình hợp pháp hóa cho các hành động cải tạo của Trung Quốc ở biển Đông và nhiều khu vực khác. Quan trọng hơn nữa, nếu không có một biện pháp xử lý, các quốc gia khác sẽ làm theo Bắc Kinh, cải tạo và xây dựng các đảo nhân tạo. Trừ khi những mơ hồ về mặt pháp lý được làm rõ hoặc có sự can thiệp mang tính thách thức trực tiếp việc cải tạo của Trung Quốc thì mới có thể ngăn các quốc gia khác đi theo con đường tương tự. Có hai cách để làm được điều này, thứ nhất, các nước có thể cùng nhau ký kết, thêm vào UNCLOS một điều cụ thể quy định về việc cải tạo đất ở vùng biển đang tranh chấp hoặc đưa vấn đề này vào phần phụ lục đính kèm. Thứ hai, những quốc gia có liên quan có thể đệ trình đơn lên Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) hoặc Tòa án Công lý Quốc tế hoặc thông qua một khuôn khổ, hiệp định để hủy bỏ việc cải tạo đất. Trong trường hợp không thể nhờ đến Tòa án, nhiều khả năng các bên sẽ đi đến các thỏa thuận song phương hoặc đa phương, giữa các nước ASEAN và Trung Quốc như DOC năm 2002.
Máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của Hoa Kỳ có thể trông giống như một máy bay ném bom tàng hình tầm xa hơn là một tiêm kích chiếm ưu thế trên không. Kết quả trên được đưa ra sau một nghiên cứu sâu rộng tiến hành bởi Trung tâm Phân tích Chiến lược và Ngân sách (CBSA). Tác giả John Stillion đã phân tích cơ sở dữ liệu của hơn 1.450 trận chiến không đối không từ năm 1965 đến nay. Ông đưa ra kết luận, việc một máy bay tìm, gây bất ngờ và tiêu diệt đối phương dựa trên ưu thế về tốc độ và sự cơ động sẽ nhanh chóng đạt đến ngưỡng giới hạn vật lý về tốc độ, phạm vi và tính năng hữu dụng.
Stillion lập luận, khi máy bay đạt đến vận tốc cao, sức nóng có thể tỏa ra từ động cơ, dọc theo mép và bề mặt máy bay. Điều này đồng nghĩa với việc máy bay càng bay nhanh thì càng dễ bị phát hiện bởi Hệ thống theo dõi và tìm kiếm hồng ngoại (Infrared Search and Track Systems – IRST) trong trường hợp Bộ nhớ Điện toán tần số Ra-đi-ô (Digital Radio Frequency Memory – DRFM) bị gây nhiễu. Do đó, Stillion đề nghị Lầu Năm Góc nên xem xét “triệt để” các khái niệm về máy bay chiến đấu truyền thống, từ đó tạo ra một thế hệ máy bay mới. Thế hệ máy bay này được lắp đặt các loại cảm biến tăng cường, các bộ điều khiển tín hiệu, cũng như mạng lưới công nghệ thông tin liên lạc để từ đó có được khả năng “nhận thức tình huống” (SA) cao và sở hữu vũ khí tầm xa nhằm tránh bị phát hiện và theo dõi bởi máy bay kẻ thù.
Lịch sử cho thấy các lãnh đạo Lầu Năm Góc và lực lượng không quân khó lòng chấp nhận ý tưởng sử dụng một máy bay ném bom để làm nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không. Tuy nhiên, các khoản giải ngân cho ngân sách sắp tới và sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể làm sáng lên đôi chút tương lai của ý tưởng này.
Một số tin vắn quốc phòng đáng chú ý:
Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiến hành cải tiến lại tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 J – 31 để thêm vào khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, một chuyên gia quân sự Nga nhận định. Đây là một bước đón đầu khi Bắc Kinh cũng được cho là đang đóng mới hai tàu tấn công đổ bộ đầu tiên của mình. Các con tàu này có thể trở thành tàu sân bay hạng nhẹ, tuy nhiên chỉ dành cho trực thăng và tiêm kích có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng. Tiêm kích F – 35B của Mỹ cũng có khả năng này.
Máy bay cảnh báo sớm KJ – 500 của Trung Quốc vừa được giới thiệu. Loại máy bay này có thể theo dõi đến 60 mục tiêu khác nhau trong phạm vi 400km. KJ – 500 được thiết kế dựa trên khung thân máy bay vận tải Y-9 và sẽ đảm nhiệm vai trò thay thế các máy bay cảnh báo KJ – 200 trước đó. Ngoài Trung Quốc, Pakistan là nước duy nhất sở hữu KJ – 200 với biến thể xuất khẩu có tên gọi ZDK – 03.