Diệt chủng (Genocide)

Rwanda-genocide-atrocities-social-entrepreneurship-kigali-memorial

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Có rất nhiều các học giả cũng như tổ chức khác nhau đưa ra các định nghĩa về “diệt chủng”. Tuy nhiên định nghĩa về “diệt chủng” được thừa nhận và sử dụng rộng rãi nhất chính là định nghĩa được nêu trong Công ước của Liên Hiệp Quốc về Trừng phạt và Ngăn ngừa Tội ác Diệt chủng năm 1948 (bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 12/1/1951). Điều 2 của công ước này định nghĩa “diệt chủng” là những hành động nhằm tiêu diệt toàn bộ hoặc một phần một nhóm người vì lý do quốc tịch, sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo. Theo đó, Công ước đã liệt kê năm hành động sau được coi là hành động diệt chủng:

    • sát hại các thành viên của nhóm người đó;
    • gây nên những tổn hại nghiêm trọng về thể xác và tinh thần đối với các thành viên của nhóm người đó;
    • cố tình buộc nhóm người đó phải chịu những điều kiện sống được tính toán nhằm gây nên sự tiêu vong toàn bộ hoặc một phần nhóm người đó;
    • áp đặt các biện pháp nhằm ngăn chặn việc sinh đẻ trong nhóm người đó;
    • dùng vũ lực chuyển trẻ em trong nhóm người đó sang một nhóm khác.
Nguồn gốc từ “Genocide”       
Từ “diệt chủng” trong tiếng Anh là “genocide” do Raphael Lemkin, một luật gia người Pháp sống tại Mỹ sáng tạo ra vào năm 1944. Từ “genocide” được ghép từ từ “genos” trong tiếng Hy Lạp nghĩa là chủng tộc hoặc bộ lạc, và từ “caedere” trong tiếng Latin nghĩa là giết.

Một điều có thể nhận thấy là khái niệm “diệt chủng” nhiều khi bị lạm dụng, bởi không phải mọi cuộc thảm sát quy mô lớn đều được coi là hành động diệt chủng. Điểm khác biệt đầu tiên giữa hành động diệt chủng và việc giết người trên quy mô lớn là phạm vi của hành động diệt chủng rộng lớn hơn. Diệt chủng không chỉ liên quan đến việc giết người mà còn bao gồm các hành động như thanh lọc sắc tộc, ép buộc triệt sản, hãm hiếp tập thể, tra tấn về thể xác và tinh thần, trục xuất, di dời chỗ ở… Thứ hai, trong khi giết người trên quy mô lớn thường nhằm tiêu diệt các cá nhân nạn nhân thì hành động diệt chủng chỉ xảy ra khi một chính phủ hay bất kỳ một nhóm có tổ chức nào hành động một cách có tính toán nhằm tiêu diệt hoàn toàn một nhóm người hoặc triệt tiêu khả năng tồn tại của nhóm người đó. Chính vì vậy việc Mỹ thả bom nguyên tử xuống các hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật dù gây ra cái chết của hàng trăm nghìn người cùng lúc nhưng không bị coi là hành động diệt chủng.

Trong lịch sử loài người đã từng xảy ra nhiều thảm họa diệt chủng, nhưng có thể nói thế kỷ 20 là khoảng thời gian mà con người đã phải chứng kiến những thảm họa diệt chủng kinh hoàng và tàn bạo nhất. Có hai đặc điểm tiêu biểu của các thảm họa diệt chủng xảy ra trong thời gian này, đó là quy mô diệt chủng lớn chưa từng có và việc thảm sát một cách có hệ thống với việc áp dụng các biện pháp hành quyết mới, đặc biệt là trong thời kỳ Đức Quốc xã thi hành chính sách diệt chủng đối với người Do Thái.

Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Đức Quốc xã đã giết hơn 6 triệu người Do Thái trên toàn châu Âu bằng cách đưa họ vào các trại tập trung, bắt lao động khổ sai cho đến khi kiệt sức mà chết, hoặc hành quyết bằng nhiều cách khác nhau, kể cả bằng bơm khí ga cho nạn nhân chết ngạt trong các thùng xe tải kín. Trong thời kỳ cầm quyền ở Campuchia từ 1975 đến đầu 1979, chính quyền Khmer Đỏ cũng đã tàn sát 1,7 triệu người dân Campuchia vô tội, tức gần ¼ dân số nước này thời kỳ bấy giờ. Tội ác diệt chủng này của chính quyền Khmer Đỏ được sánh ngang với tội ác của chính quyền Đức Quốc xã, tuy nhiên điều đáng nói là trong khi Đức Quốc xã hành quyết những người Do Thái thì những kẻ cầm đầu Khmer Đỏ hành quyết ngay chính những người đồng bào của mình. Những hành động diệt chủng chống lại chính những người dân đồng bào mình như của chính quyền Khmer Đỏ được gọi là hành động tự diệt chủng (autogenocide).

Có một số lý do dẫn tới việc các chính quyền thực thi chính sách diệt chủng, như chủ nghĩa dân tộc sắc tộc, bất đồng giữa các tôn giáo, đối đầu về ý thức hệ, tranh giành quyền lực chính trị, hay tham vọng xây dựng các cộng đồng chính trị “thuần chủng”. Trong nhiều trường hợp, chính sách diệt chủng thường bắt nguồn từ việc các chính quyền cầm quyền cảm thấy bất an trước các nhóm sắc tộc “đối thủ” của mình, từ đó tìm mọi cách tiêu diệt họ. Những cảm giác bất an như vậy càng trở nên mạnh mẽ hơn trong những thời kỳ rối loạn xã hội, như khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, nội chiến, hay xảy ra biến động chính trị. Chính vì vậy, việc những thảm họa diệt chủng thường xảy ra trong các thời kỳ rối loạn xã hội như kể trên là điều dễ hiểu.

Với tính chất dã man, tàn bạo, phi nhân tính, hành động diệt chủng luôn bị cộng đồng quốc tế lên án và thừa nhận là tội ác kinh khủng nhất. Đã có nhiều tòa án quốc tế được thiết lập nhằm xét xử tội ác diệt chủng, như tòa án Nuremberg xét xử những kẻ đứng đầu Đức Quốc xã, hay Tòa án hình sự quốc tế dành cho Nam Tư cũ xét xử Slobodan Milosevic và các lãnh đạo của Nam Tư cũ. Năm 2001, Quốc hội Campuchia cũng đã thông qua một đạo luật cho phép thành lập một tòa án đặc biệt nhằm xét xử các tội ác của Khmer Đỏ trong thời kỳ Campuchia Dân chủ. Phiên tòa đầu tiên của Tòa án này xét xử Duch, kẻ cai ngục khét tiếng của nhà tù Toul Sleng, đã được tiến hành vào tháng 3/2009.

Ngoài ra, Tòa án hình sự quốc tế cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 7/2002.  Mục đích của Tòa án là xét xử các cá nhân phạm các tội ác nghiêm trọng như các tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có các đảm bảo chắc chắn rằng các quốc gia sẽ hợp tác đầy đủ với Tòa án. Nói cách khác, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc các tội ác diệt chủng vẫn chưa được ngăn chặn và xét xử kịp thời chính là vì các quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế chưa đủ ý chí chính trị để hành động. Các thảm họa diệt chủng như đã xảy ra ở Darfur (Sudan – 2003) hay Rwanda (1994) cho thấy trong nhiều trường hợp các tính toán lợi ích của các quốc gia đã gây cản trở đối với các nỗ lực nhằm ngăn ngừa các thảm họa diệt chủng.

Mặt khác, có thể nói khả năng ngăn ngừa và trừng phạt tội ác diệt chủng còn bị hạn chế bới khái niệm chủ quyền quốc gia, một khái niệm được bảo vệ bởi luật pháp quốc tế. Ví dụ, một khi các quốc gia coi các cá nhân hay các hành vi liên quan đến diệt chủng xảy ra bên trong biên giới của mình là công việc nội bộ thuộc chủ quyền quốc gia của mình mà các quốc gia bên ngoài không được phép can thiệp thì rõ ràng các nỗ lực ngăn ngừa và trừng phạt tội ác diệt chủng của cộng đồng quốc tế khó có thể đạt được hiệu quả mong muốn. Vì vậy, một nghịch lý vẫn tồn tại là trong khi luật hình sự quốc tế mong muốn trừng phạt những kẻ phạm tội diệt chủng thì suy cho cùng luật pháp quốc tế lại đang bảo vệ họ thông qua khái niệm chủ quyền quốc gia.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).