Nguồn: Richard Javad Heydarian & Truong-Minh Vu, “South China Sea: Time for US-ASEAN Maritime Cooperation,” RSIS Commentary No. 094, 20/4/2015.
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Trương Minh Huy Vũ
Những hoạt động xây dựng gấp rút của Trung Quốc trên Biển Đông đã tăng cường hơn nữa các tranh chấp hàng hải đang diễn ra giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines và Việt Nam. Không chỉ làm phức tạp thêm bản chất của các tranh chấp đang diễn ra gây phương hại tới các quốc gia khác cũng có tuyên bố chủ quyền, các hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc trên Biển Đông còn báo hiệu cho sự hung hăng ngày càng tăng về mặt quân sự của nước này, khi mà Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang hướng tới “phòng thủ ngoại vi” và củng cố chiều sâu chiến lược của nó trong khu vực.
Những hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc đang củng cố sự hiện diện vốn đã được mở rộng của nó ở các vùng biển tranh chấp, thực hiện đại chiến lược lớn hơn là thống trị các vùng biển gần, đặc biệt là các tuyến giao thông đường biển quan trọng (SLOC) như tại Biển Đông. Các hoạt động xây dựng đang diễn ra rất có thể mở đường cho việc thành lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Trung Quốc trong khu vực, với việc Bắc Kinh đã hoàn thành một mạng lưới bao gồm các đường băng và các đơn vị đồn trú quân sự trên các chuỗi đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa. [Các hoạt động này] có những tác động thực sự tới tự do hàng hải và thương quyền vận tải hàng không trong khu vực.
Lực lượng hải quân đa phương
Ngày càng nhiều lo ngại nổi lên – đặc biệt là ở Manila và Hà Nội – về việc Trung Quốc sẽ can thiệp vào hoạt động của các quốc gia ven biển khác trong các lĩnh vực hải giám và nghiên cứu, các hoạt động khai thác hải sản, cũng như thăm dò và phát triển dầu khí ở Biển Đông. Cơ bản nhất, những hành động của Trung Quốc là một thách thức trực tiếp đối với những tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng, phá hoại khả năng thực thi quyền tài phán đầy đủ, theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của họ.
Vấn đề đang bị đe dọa chính là những lợi ích sống còn của một số quốc gia ASEAN và ưu thế hải quân của Mỹ ở Thái Bình Dương. Tình hình hiện tại đòi hỏi Mỹ phải có một chiến lược mạnh mẽ hơn do năng lực hạn chế của các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong việc kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc đối với những yêu sách của họ.
Nhưng Mỹ không cần thiết phải hành động đơn phương, và nước này cũng không nên phản ứng chủ yếu bằng quân sự. Phương án tốt nhất là một cách tiếp cận hợp tác, theo đó Washington nên tận dụng “sức mạnh tập hợp” độc đáo của mình để thành lập một liên minh các lực lượng nhằm đảm bảo sự ổn định hàng hải trong khu vực.
Trong một cuộc họp với lãnh đạo hải quân các nước ASEAN mới đây, Phó Đô đốc Robert Thomas, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương, đã kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á thành lập một lực lượng hải quân đa phương để tiến hành các cuộc tuần tra hợp tác ở Biển Đông. Đề xuất này cũng tương tự như những hoạt động hiện có trong khu vực như tuần tra chung chống cướp biển ở eo biển Malacca, với sự tham gia của Malaysia, Singapore, Indonesia, và Thái Lan.
Trung tâm hoạt động ở Biển Đông
Ngoài lực lượng tuần tra chung, Mỹ còn đề xuất thành lập một Trung tâm Hoạt động Quốc tế Biển Đông (South China Sea International Operations Centre) ở Indonesia. Đề xuất này được Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM) là Harry B. Harris đưa ra trong một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ cuối năm 2014.
Theo đề xuất, Trung tâm Hoạt động Quốc tế Biển Đông sẽ được thành lập tại Jakarta, thủ đô của lãnh đạo không chính thức của ASEAN, quốc gia không có tuyên bố chủ quyền trực tiếp trên Biển Đông nhưng đã nhiều lần bày tỏ sẵn sàng tham gia hòa giải các tranh chấp giữa Bắc Kinh và các nước ASEAN. Trung tâm này sẽ là yếu tố quan trọng trong những nỗ lực quốc tế lớn hơn nhằm đảm bảo an ninh và tự do hàng hải trên Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Đề xuất nêu trên phản ánh ưu tiên của Washington đối với một chiến lược hợp tác để quản lý các mối đe dọa đang nổi lên đối với an ninh khu vực. Trọng tâm của Mỹ trong hợp tác an ninh và các cách tiếp cận đa phương đã được phản ánh trong một số văn bản chính sách từ năm 2007, cụ thể là Các lực lượng trên biển của Hoa Kỳ (American Sea Services), bao gồm Hải quân, Thủy quân lục chiến, và Cảnh sát biển.
Một chiến lược hợp tác như vậy cần dựa trên hai nguyên tắc: Thứ nhất, tính cần thiết của sự hợp tác toàn diện trong mọi quốc gia có liên quan để quản lý một mối đe dọa cụ thể. Các hoạt động xây dựng đang diễn ra ở Biển Đông là mối đe dọa đối với an ninh khu vực. Thứ hai, sự chú trọng ngày một lớn về về việc chia sẻ gánh nặng và chủ nghĩa đa phương trong tình hình khủng hoảng tài chính và các hạn chế về ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ.
Bảo vệ sự liên quan của ASEAN
Đã đến lúc ASEAN nên cân nhắc các đề xuất của Mỹ nhằm quản lý các xung đột tiềm ẩn ở Biển Đông, do đó, sự liên quan của thể chế khu vực này sẽ trở thành vấn đề. Xét cho cùng, cả ASEAN và Trung Quốc đều gần như không bận tâm nhiều tới Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, vốn chủ yếu chỉ mang tính biểu tượng mà ít quan trọng và không có tính ràng buộc.
Rõ ràng là Trung Quốc muốn giải quyết các tranh chấp thông qua các kênh thuần song phương, như thế nước này có lợi thế lớn hơn. Nhưng Trung Quốc cũng thể hiện rằng nó sẵn sàng duy trì mối quan hệ ổn định với các nước ASEAN và tránh mối quan hệ lạnh nhạt toàn diện với các nước láng giềng Đông Nam Á, minh chứng là Trung Quốc đã quyết định ký DOC năm 2002; nhấn mạnh tầm quan trọng của “ngoại giao ngoại vi” với các nước láng giềng cùng chung biên giới; và chủ trương “khuôn khổ hợp tác 2+7,” theo đó kêu gọi sự đồng thuận chính trị gồm hai điểm liên quan đến Hiệp ước láng giềng tốt, hữu nghị và hợp tác (Treaty of Good Neighbourliness, Friendship and Cooperation) giữa ASEAN và Trung Quốc, và bảy đề nghị hợp tác khác.
Nói ngắn gọn, Trung Quốc sẽ phải tham gia cùng ASEAN trong các vấn đề quan trọng có ảnh hưởng đến mối quan hệ tương hỗ của hai bên. Toàn thể khối ASEAN và/hoặc các quốc gia trọng yếu trong khu vực như Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, và Việt Nam, những nước cùng chia sẻ mối lo ngại về các mối đe dọa tự do hàng hải và về sự quân sự hóa ngày một tăng của các tranh chấp ở Biển Đông, có thể đẩy mạnh các hoạt động tuần tra chung. Ít nhất, họ cũng có thể cùng tận dụng triển vọng về các cuộc tuần tra chung để thuyết phục Trung Quốc xét lại chính sách hiện tại của mình và cân nhắc các cơ chế giảm leo thang cần thiết như tạm ngừng các hoạt động xây dựng trên Biển Đông và đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (CoC).
Điều quan trọng là các quốc gia thành viên ASEAN phải thăm dò mọi lựa chọn đa phương khả dĩ, thứ có thể góp phần quản lý, thậm chí là giải quyết, các tranh chấp trên Biển Đông. Với sự hỗ trợ quốc tế công khai và bền vững, trong đó có Mỹ, ASEAN có thể đạt được quyết tâm tập thể lớn hơn để giải quyết các xu hướng đáng lo ngại ở Biển Đông và tái khẳng định sự liên quan của nó.
Trong gần bảy thập niên qua, Washington đã đóng vai trò là mỏ neo của sự ổn định trong khu vực. Nhưng khi chúng ta tiến tới một trật tự đa cực hơn trong khu vực, Mỹ sẽ không còn giữ được vị trí mà theo đó nó có thể đơn phương quyết định các sự kiện trên thực địa. Đó chính là lí do tại sao phương án tốt nhất trước mắt là thông qua một cách tiếp cận an ninh hợp tác và đa phương, giúp lôi kéo và trao quyền cho ASEAN trở thành động lực của sự hội nhập và quản lý tranh chấp trong khu vực. Biển Đông chính là nơi tốt nhất để bắt đầu.
Richard Javad Heydarian là Trợ lý Giáo sư ngành Khoa học chính trị tại Đại học De La Salle University, Manila, Philippines, và là tác giả của cuốn Asia’s New Battlefield: US, China and the Struggle for the Western Pacific.
Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Thành phố Hồ Chí Minh.