03/05/1946: Tòa án Tội ác Chiến tranh Tokyo bắt đầu xét xử

Print Friendly, PDF & Email

kemp1

Nguồn:Japanese war crimes trial begins,” History.com (truy cập ngày 02/5/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Ngày 3 tháng 5 năm 1946, ở Tokyo, Nhật Bản, Tòa án Quân sự Quốc tế vùng Viễn Đông bắt đầu xét xử 28 quan chức chính phủ và sĩ quan quân đội Nhật Bản bị cáo buộc phạm các tội ác chiến tranh và chống lại loài người trong Thế chiến II.

Phiên tòa kéo dài đến ngày 4 tháng 11 năm 1948, kết quả là 25 trên 28 bị cáo bị tuyên là có tội. Hai trong số ba bị cáo còn lại đã chết trong thời gian phiên tòa diễn ra, một người còn lại được tuyên bố là mất trí. Ngày 12 tháng 11 cùng năm, Tòa án Tội ác Chiến tranh Tokyo thông qua án tử hình đối với 7 người, trong đó có Đại tướng Tōjō Hideki, Thủ tướng Nhật Bản trong thời gian chiến tranh, và một số quan chức cấp cao khác, trong đó có Đại tướng Matsui Iwane, người tổ chức vụ Thảm sát Nam Kinh, và Kimura Heitarō, người tiến hành bạo hành tù binh chiến tranh của quân đội Đồng Minh. 16 người khác bị kết án tù chung thân, 2 người còn lại cũng phải chịu án tù. Ngày 23 tháng 12 năm 1948, Tōjō và 6 người khác bị hành quyết (bằng cách treo cổ) tại Tokyo.

Không giống như Tòa án Nüremberg xét xử các tội phạm chiến tranh của Đức Quốc xã, nơi có bốn công tố viên trưởng, đại diện cho Vương quốc Anh, Pháp, Hoa Kỳ, và Liên Xô, Tòa án Tội ác Chiến tranh Tokyo chỉ bao gồm một công tố viên trưởng người Mỹ là Joseph B. Keenan, cựu trợ lý Tổng chưởng lý Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, cũng tham gia đóng góp cho quá trình tố tụng, và thẩm phán người Úc William Flood Webb làm chủ tọa phiên tòa.

Ngoài Tòa án Quân sự Quốc tế vùng Viễn Đông¸nhiều tòa án khác bên ngoài Nhật Bản cũng tiến hành xét xử khoảng 5.000 người Nhật vi phạm các tội ác chiến tranh, trong đó có hơn 900 người đã bị hành quyết. Một số nhà quan sát cho rằng nên xét xử cả Nhật hoàng Hirohito vì đã ngầm chấp thuận những chính sách của Nhật Bản trong chiến tranh, nhưng chính quyền Mỹ đã bảo vệ Hirohito vì họ coi ông là biểu tượng của sự thống nhất và chủ nghĩa bảo thủ Nhật Bản, hai đặc tính có lợi trong quan điểm hậu thế chiến của Hoa Kỳ.