#253 – Những đối thủ cạnh tranh ngôi vương của đồng đô la Mỹ (P1)

fffeature_3258886k

Nguồn: Alan Wheatley (2013). “Chapter two: The pretenders to the dollar’s crown”, Adelphi Series, 53:439, pp. 45-74.

Biên dịch: Nguyễn Thị Tố Uyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

‘Một số người sinh ra đã vĩ đại, một số người vươn tới sự vĩ đại, còn một số người bị người khác cố gán cho sự vĩ đại’

Shakespeare, Twelfth Night

Đồng euro: một chiến thắng của chính trị trước kinh tế

Đồng tiền chung châu Âu là một ý tưởng chính trị. Khó để lập luận rằng các nền kinh tế đa dạng của khu vực đồng tiền chung châu Âu hình thành nên một khu vực tiền tệ tối ưu phù hợp với một tỉ giá hối đoái thống nhất. Bất chấp những cảnh báo mạnh mẽ rằng điều đó là quá tầm, giới tinh hoa châu Âu vẫn kiên quyết với ý tưởng liên minh tiền tệ, quyết tâm loại bỏ hoàn toàn nỗi ám ánh chiến tranh trên mảnh đất châu Âu. Đồng euro là tầm nhìn được ấp ủ bởi thế hệ các nhà lãnh đạo đã trải qua Thế Chiến II.

Như Thủ Tướng Đức Helmut Kohl đã từng nói rất nhiều lần “Đồng euro là vấn đề về chiến tranh và hòa bình”. Theo Helmut Schmidt người tiền nhiệm của Kohl, Hệ thống tiền tệ châu Âu (EMS) – tiền thân của đồng euro – còn hơn cả một khu vực tiền tệ. Đó là nền tảng cho toàn bộ chiến lược chính sách đối ngoại của Đức.

Tại cuộc họp lịch sử với Hội đồng Ngân hàng Trung ương Đức vào năm 1978, Schmidt đã phải viện đến nỗi xấu hổ về Trại tập trung Auschwitz để giúp ông vượt qua những hoài nghi của ngân hàng này về EMS. Ngân hàng Trương ương Đức lo sợ rằng việc thực hiện nghĩa vụ bán ra không giới hạn đồng mark Đức nhằm bảo vệ các đồng tiền yếu trong EMS sẽ làm suy giảm sự ổn định giá cả và theo đó làm suy yếu đồng tiền của Đức. Nhờ vào việc Ngân hàng Trung ương Đức giữ vững cam kết duy trì mức lạm phát thấp, đồng mark Đức đã dần dần trở thành đồng tiền mạnh, biểu trưng cho thời kỳ phục hưng hậu chiến của Đức.[1] Chính vì vậy mà Schmidt đã ngầm thỏa thuận với Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức Otmar Emminger nhằm miễn trừ cho ngân hàng này khỏi yêu cầu phải bảo vệ các đồng tiền khác trong EMS vào những thời điểm nguy cấp.

Trong một biến cố tiền tệ 14 năm sau đó, Ngân hàng Trung ương Đức đã dùng lá thư của Emminger để bào chữa cho việc ngân hàng này từ chối có thêm bất kỳ can thiệp nào nhằm cứu đồng lira của Ý. Đồng lira bị phá giá và đã gián tiếp châm ngòi cho việc đồng bảng Anh bị bán ra ồ ạt. Cả Ý và Anh đều buộc phải rút khỏi khung tiền tệ của EMS, tạm thời đối với Ý và vĩnh viễn đối với Anh.[2]

Một sản phẩm đang hoàn thiện

Động lực địa chính trị thứ hai để hình thành đồng euro là để gia tăng vị thế của châu Âu trên thế giới và làm suy giảm đặc quyền quá lớn của Mỹ – cái gai trong mắt Pháp trong suốt nhiều năm. Trong một báo cáo năm 1990, Ủy ban Châu Âu đã chỉ ra rằng kinh tế thế giới sẽ hiệu quả hơn với một hệ thống tiền tệ quốc tế “đối xứng hơn” – nói cách khác, một thế giới bớt phụ thuộc vào đồng đô la và bớt chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Mỹ hoặc thông qua IMF.[3] Được bảo hộ bởi đồng tiền chung, châu Âu sẽ ít chịu tổn thất gây ra bởi sự bất ổn của đồng đô la hơn và không còn dễ bị tổn thương trước vũ khí tỉ giá hối đoái của Mỹ.

Với sự ra đời của đồng euro năm 1999, nỗ lực tấn công vào vị trí bá chủ của đồng đô la dường như có thể thực hiện được: qua một đêm một khối tiền tệ chung ra đời với dân số lớn hơn Mỹ, sản lượng kinh tế đạt khoảng ¾ của Mỹ. Dự trữ euro toàn cầu tăng đều đặn lên đến trên 27% vào năm 2009. Tuy nhiên, vào lúc đó cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ không hề có dấu hiệu dừng lại, và đã biến thể thành khủng hoảng nợ công và ngân hàng khi lan sang châu Âu. Ai len, Bồ Đào Nha và Hy Lạp buộc phải nhận các khoản vay cứu trợ từ bộ ba chủ nợ quốc tế gồm Ủy ban Châu Âu, IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu trước khi khủng hoảng lan sang Tây Ban Nha và Ý. Lãi suất áp cho các khoản vay của hai quốc gia này càng tăng vọt lên đến những mức cao ngất ngưởng khi các nhà đầu tư tỏ ra hồ nghi về khả năng thực hiện các yêu cầu cải cách kinh tế và cắt giảm ngân sách của chính họ nhằm tuân thủ nguyên tắc dành cho thành viên khu vực đồng tiền chung euro.

Trong phút chốc khu vực đồng tiền chung châu Âu tưởng chừng sẽ đổ vỡ bởi cả hai quốc gia đều là những nền kinh tế quá lớn để có thể cứu trợ. Những quan ngại về sự sống còn của đồng euro chỉ lắng xuống vào mùa hè năm 2012 khi vị nguyên thủ của cường quốc hàng đầu khu vực đồng tiền chung châu Âu Angela Merkel tuyên bố ủng hộ việc tiếp tục đưa ra các khoản vay khẩn cấp cho Hy Lạp. Bà ủng hộ quyết tâm thực hiện “mọi biện pháp có thể”[4] để duy trì khu vực đồng tiền chung châu Âu của Chủ tịch ECB Mario Draghi, trong đó có lời hứa sẽ mua vào trái phiếu của các chính phủ thuộc khu vực eurozone đang vật lộn với khó khăn.

Thủ tướng Merkel cũng giống như vị cố vấn của mình là Kohl đã đặt ưu tiên nhất thể hóa châu Âu lên trên cả những thiệt hại tiềm ẩn đối với các triển vọng bầu cử của bà khi tìm cách cứu đồng euro. Đây chính là minh chứng cho sức mạnh địa kinh tế cố hữu trong một đồng tiền. Nếu khu vực eurozone đổ vỡ, Đức sẽ gây nguy hại cho một mục tiêu quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình: gắn bó vào cộng đồng châu Âu vì chính ích lợi của nước Đức.[5] Việc Hy Lạp rút ra khỏi khu vực đồng tiền chung có khả năng sẽ mở cửa cho các ảnh hưởng mạnh mẽ hơn từ bên ngoài vào công việc nội bộ của một thành viên khối NATO có vị trí chiến lược bên sườn đông nam của khối đồng minh này. Trong cuốn sách này, Yuriko Koibe cho thấy Trung Quốc đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến các khoản đầu tư lâu dài vào Hy Lạp như thế nào. Bị suy yếu do ảnh hưởng từ Hy Lạp, các ngân hàng của Cộng hòa Síp cũng đã phải nhận các gói cứu trợ với những điều khoản khắc nghiệt.

Sức hút chính trị của đồng euro

Sau khi trải qua những thời khắc “chết đi sống lại” này, triển vọng để đồng euro tạo ra thách thức đối với đồng đô la tỏ ra khá ảm đảm. Nhưng vẫn còn quá sớm để đập tan mọi cơ hội của đồng tiền chung châu Âu. Đầu tiên, quy mô có vai trò quan trọng đối với sức mạnh tiền tệ, và bất chấp những khó khăn của mình thì khu vực đồng euro vẫn nhiều khả năng sẽ mở rộng hơn là thu hẹp. Theo Alexander Stubb, Bộ trưởng phụ trách ngoại thương và các vấn đề Liên minh châu Âu của Hà Lan, số lượng thành viên có thể đạt 25 trong vòng một vài năm.[6]

Đồng euro chiếm hai phần ba giá trị giao dịch xuất khẩu và một nửa giá trị nhập khẩu của khu vực eurozone. Đồng tiền này đặc biệt có sức hút mạnh mẽ đối với các nước trước đây nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng cửa Liên Xô. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 các quốc gia Ban-tích là những người tiên phong từ bỏ khu vực đồng rúp mặc cho đây là những quốc gia hứng chịu thiệt hại nhiều nhất do có nhiều mối ràng buộc thương mại. Rơi vào suy thoái trầm trọng chỉ là một cái giá nhỏ phải trả để thoát khỏi “sự chế ngự của đồng rúp”. Theo Lennart Meri, tổng thổng đầu tiên của Estonia thời kỳ hậu Xô Viết, đồng kroon còn hơn cả một đồng tiền, nó là biểu tượng của sự độc lập về chính trị và kinh tế. Những động lực quan trọng để tiếp tục sử dụng đồng rúp đã không còn thích hợp nữa.[7]

Estonia cuối cùng cũng đã gia nhập khu vực đồng tiền chung euro vào năm 2011. Nước láng giềng Latvia cũng sẽ trở thành thành viên thứ 18 của khu vực này vào ngày 1/1/2014. Chính phủ nước này quyết tâm gia nhập khu vực đồng euro đến mức đã bỏ ngoài tai lời khuyên phá giá đồng tiền của mình lúc khủng hoảng tài chính lên đến đỉnh điểm vào năm 2008, thay vào đó chấp nhận giảm 20% sản lượng để giành lại ưu thế cạnh tranh. Như Thủ Tướng Valdis Dombrovskis nói “Việc gia nhập khu vực đồng euro có ý nghĩa địa chính trị đối với Latvia. Ngay sau khi giành lại độc lập chúng tôi đã xác định rõ ràng mục tiêu gia nhập EU và NATO. Chúng tôi tự nhủ với bản thân rằng chúng tôi thuộc về phương Tây và đó là nơi chúng tôi nên hội nhập.”[8]

Bộ trưởng tài chính của một quốc gia thành viên đến từ Đông Âu khác của Liên minh châu Âu phát biểu rằng ông đã từng cảm thấy lo lắng về việc nước này bị đứng ngoài khu vực đồng euro trong một thời gian dài chỉ bởi vì sự gần gũi với Nga. Khi được hỏi tư cách thành viên của khu vực đồng euro sẽ đem lại những đảm bảo an ninh nào cho đất nước của ông ngoài những điều mà thành viên của Liên minh châu Âu và khối NATO được hưởng, ông giải thích rằng khu vực đồng euro là một “cơ chế khóa kín, một loại thuốc độc”.[9] Bởi vì sự sụp đổ của khu vực euro sẽ là thảm họa cho tất cả, để đạt được sự ổn định, khu vực đồng euro phải hội nhập kinh tế sâu sắc hơn. Điều này đòi hỏi sự hội nhập chính trị sâu sắc hơn và ‘nếu bạn không tham gia vào quá trình đó, bạn không thực sự thuộc về châu Âu’.[10]

Các nước nhỏ hơn thông thường sẽ tìm kiếm chỗ đứng dưới ô dù bảo hộ của một cường quốc tiền tệ. Một vài quốc gia gồm Montenegro và Kosovo đơn phương sử dụng euro làm đồng tiền chính thức – giống trường hợp đô la hóa ở Panama và Ecuador. Bulgaria và Bosnia điều hành các cơ chế tiền tệ dựa vào đồng euro trong khi đó nhiều quốc gia khác neo đồng tiền của nước mình theo đồng euro dưới hình thức này hay hình thức khác.[11] Hầu hết các quốc gia này nằm ở Đông Âu nhưng cũng bao gồm trong đó số đông các thuộc địa cũ của Pháp ở Tây và Trung Phi vốn trước đây là thành viên khu vực đồng franc. Một lần nữa kinh nghiệm của những quốc gia này cho thấy sức mạnh tiền tệ và quân sự củng cố lẫn nhau. Việc neo theo tỷ giá theo đồng franc Pháp, sau đó là đồng euro, là một phần trong gói thỏa thuận bao gồm viện trợ và hỗ trợ thương mại, tài chính và quân sự. Người châu Phi không thể tự chọn và kết hợp theo ý mình: “Cái giá để thoát khỏi mối ràng buộc này ngày càng tăng đối với nhiều chính phủ khi mà nỗi lo sợ bị mất đi viện trợ và các thỏa thuận an ninh luôn thường trực. Hơn nữa (nếu không chấp nhận đồng euro) họ sẽ phải tìm cách để xây dựng đồng tiền của riêng mình.”[12]

Nhiệm vụ chưa hoàn thành

Các đồng tiền thuộc tầng thứ hai

Các khu vực giao dịch

…..

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Doi thu canh tranh ngoi vuong cua dong do la My-P1

(Còn tiếp phần hai nói về đồng Nhân dân tệ, xuất bản ngày 17/5/2015)

———————–

[1] Vào cuối những năm  1980,  đồng mark Đức chiếm  20% dự trữ ở ngân hàng trung ương trên toàn cầu, hơn 80% xuất khẩu và 50% nhập khẩu của Đức được giao dịch bằng đồng mark Đức.  Arthur Kroeber, ‘RMB Rising: Lessons from History’, China Economic Quarterly, tháng Ba 2012, trang 35–36.

[2] David Marsh, The Euro: The Battle for the New Global Currency (New Haven, CT: Yale University Press, 2011), trang 166–69.

[3] Ủy ban các cộng đồng châu Âu ‘One market, one money: An evaluation of the potential benefits and costs of forming an economic and monetary union’, European Economy, sô 44, tháng 10 1990.

[4] Nhận xét của Chủ tịch ECB    Mario Draghi, 26/7/2012, http://www.ecb.int/press/key/date/2012/html/sp120726.en.html.

[5] Jeffrey Frankel, ‘Historical Precedents for Internationalization of  the  RMB’,  Hội đồng Đối ngoại, New   York,  tháng 11 năm  2011, trang 7.

[6] Kati Pohjanpalo, ‘Euro Can Grow to 25 States in Next Years in Finnish Scenario’, Bloomberg, ngày 6 tháng 5 2013

[7] Rawi  Abdelal,  ‘National  Strategy and National Money, Politics and the End of the Ruble Zone 1991–94’, in Jonathan Kirshner (ed.), Monetary Orders: Ambiguous Economics, Ubiquitous Politics (Ithaca, NY: Cornell University Press, 2003), trang 101.

[8] Phỏng vấn với tác giả ở Riga, tháng 3 năm 2013.

[9]  Phỏng vấn với tác giả tại  London, tháng 2 năm 2013.

[10] Như trên.

[11] ‘The International Role of the Euro’, Ngân hàng trung ương châu Âu, tháng 7 năm 2013, trang 68, http://www.ecb.europa.eu/ pub/pdf/other/euro-international-role201307en.pdf.

[12]  David Stasavage, ‘When Do States Abandon    Monetary    Discretion? Lessons from the Evolution of the  CFA Franc Zone’, in Kirshner (ed.), Monetary Orders, trang 80