Nguồn: Christian Neef, “Fortress of Nationalism: Russia Is Losing Its Political Morals,” Spiegel Online, 31/3/2015.
Biên dịch: Thái Khánh Phong | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Vụ sát hại chính trị gia đối lập Boris Nemtsov cho thấy nước Nga đã trở nên xuống cấp về mặt đạo đức. Đất nước này đang biến thành một pháo đài dân tộc chủ nghĩa và những người nắm quyền sẵn sàng phớt lờ những tác động nguy hiểm tiềm tàng.
Trong vòng bốn tuần đã có hai sự kiện diễn ra ở Nga mà thoạt nhìn có vẻ như không có liên hệ với nhau. Nhưng nếu nhìn kỹ thì chúng lại có liên quan chặt chẽ. Sự kiện đầu tiên là cái chết của chính trị gia đối lập Boris Nemtsov; và sự kiện thứ hai là cuộc họp của Diễn đàn Bảo thủ Nga cách đây một tuần vào ngày chủ nhật tại thành phố St. Petersburg. Cả hai sự việc – vụ giết người trắng trợn ngay bên ngoài điện Kremlin và nỗ lực để tạo ra một phong trào Quốc tế dân tộc chủ nghĩa trên đất Nga – đều chứng minh một điều: Nga đã trở nên bất ổn cả về chính trị lẫn đạo đức.
Sự kiện ở thành phố St. Petersburg đã thu hút 150 thành viên của các đảng cực hữu, bao gồm cả Đảng Dân chủ Quốc gia (NPD) cánh hữu cực đoan của Đức, cùng tập hợp để đánh giá các “khuynh hướng chính trị chung” mà họ có thể cùng chia sẻ với giới lãnh đạo Nga. Trong số những người tham gia sự kiện này có cả các chính trị gia công khai đồng cảm với Adolf Hitler.
Những người Nga có tư tưởng tự do hơn – những người ít nhất vẫn còn quan tâm đến các tin tức như vậy – đã cảm thấy thật sự kinh hoàng. Tệ hại hơn cả là việc sự kiện này đánh dấu việc các phần tử tân quốc xã (neo-Nazism) được phép diễu hành qua một thành phố từng chứng kiến hàng trăm ngàn thường dân bị chết đói trên khắp các đường phố trong chiến dịch bao vây Leningrad (St. Petersburg hiện nay) trong Thế chiến II. Nước Đức của Hitler đã gây ra những cái chết đó, một sự kiện khủng khiếp đã biến thành phố này thành một biểu tượng của cuộc kháng chiến anh dũng chống lại Đức Quốc xã. Điều trớ trêu hơn nữa là lễ kỷ niệm lần thứ 70 chiến thắng của Liên Xô trước Hitler sẽ được tổ chức với quy mô lớn vào ngày mùng 9 tháng 5 tới.
Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông không thể bình luận về sự kiện ở St. Petersburg vì nó “không có trong chương trình nghị sự của chúng tôi.” Tuy nhiên, một trong những cơ quan tổ chức sự kiện này là đảng chính trị Nga Rodina (Tổ quốc), đồng sáng lập bởi ông Dmitry Rogozin, Phó Thủ tướng và là một trùm tài phiệt của ngành công nghiệp vũ khí Nga. Thật vậy, ông này đã ngồi cạnh Putin trong một cuộc họp gần đây của Ủy ban Chuẩn bị cho ngày mùng 9 tháng 5 tại điện Kremlin. Nhưng không chỉ có vậy. Cách đây không lâu, đài truyền hình đối lập Dozhd đã hỏi khán giả của mình là liệu có thể sẽ tốt hơn không nếu Leningrad được phép rơi vào tay phát xít Đức trong chiến tranh để cứu sống hàng trăm ngàn mạng người. Điện Kremlin đã phản ứng ngay lập tức, cho thấy lịch sử chiến tranh của St. Petersburg nằm rất rõ trong “chương trình nghị sự” của Kremlin. Đài truyền hình Dozhd đã bị làm cho gần như phá sản.
Tóm lại, rõ ràng là nhóm lãnh đạo thân cận của Putin không chỉ cho phép cuộc họp gần đây của các đối tượng cánh hữu ở châu Âu mà còn thể hiện một mức độ nhân từ đáng kể đối với cuộc họp này.
Những khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa
Vụ việc nói trên cho thấy mức độ rối loạn chính trị ở nước Nga hiện nay. Tờ báo Nezavisimaya Gazeta ở Moskva đã viết rằng giới tinh hoa chính trị Nga đã từ bỏ các bản năng cốt yếu của nó và không còn có thể đánh giá được những gì là chấp nhận được và những gì không một cách đáng tin cậy. Ví dụ như từ “chủ nghĩa phát xít” được điện Kremlin sử dụng trong những ngày này nhiều đến mức mà ít người Nga biết được ý nghĩa của nó là gì nữa. Nhóm “độc tài quân sự” (Junta) ở Kiev cũng như những gì đang xảy ra ở châu Âu vào thời điểm này, theo điện Kremlin, là phát xít. Theo suy diễn như vậy thì tại miền Đông Ukraine, lính tình nguyện Nga cũng đang chiến đấu chống lại bọn phát xít.
Không ai trong số những người của Putin nhận thức được rằng những khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa xuất hiện tại Nga sau việc sáp nhập bán đảo Crimea đã chuẩn bị nền tảng cho một dạng chủ nghĩa cực đoan nguy hiểm tại nước Nga. Tuy nhiên, thực tế đã rõ ràng. Một số người tham chiến ở miền Đông Ukraine đã không ngại ngần khi gán cho Putin danh hiệu kẻ phản bội vì đã đồng ý ký một thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine với phương Tây trong cuộc đàm phán tại Minsk.
Nga đã trở thành một pháo đài. “Chúng ta là người chống lại thế giới”: Quan điểm này đã gần như trở thành một hệ tư tưởng quốc gia. Nga chống Mỹ; cách sống Nga tương phản với nền văn hóa phương Tây thối rữa; nếu bạn không phải là người yêu nước thì bạn là một kẻ phản bội: Tư tưởng ở Nga đã trở nên bị giới hạn trong những dạng tối hậu thư như vậy. Truyền hình Nga tuyên truyền một quan điểm vốn phổ biến trước Cách mạng tháng Mười và tồn tại cả trong thời Xô viết rằng nhân dân Nga là những người được Thiên Chúa tuyển chọn và rằng Nga là ngôi sao sáng nhất của nền hòa bình hiện tại. Tầm nhìn không tưởng về việc là một quốc gia tốt nhất thế giới đã quay trở lại. Rõ ràng là những người tự cô lập mình theo cách như vậy sẽ khó tìm được bạn bè trên thế giới – và đành phải quay sang làm bạn với những người theo chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa tân quốc xã, và bài Do Thái.
Nhưng đó không đơn thuần chỉ là vấn đề chính trị. Tệ hơn nữa là những gì mà sự thù ghét và tức giận hàng ngày này ảnh hưởng đến tư tưởng của quần chúng. Ở Moskva và St. Petersburg vẫn còn một vài người theo chủ nghĩa tự do. Nhưng ở những nơi xa hơn thì thế nào? Hàng triệu người Nga sống ở các thị trấn và làng mạc thiếu thốn các dịch vụ cơ bản, trong những ngôi nhà dột nát không có cả hệ thống nước trong nhà và chỉ có một bếp củi để sưởi ấm. Nhưng ngay cả những nhà lụp xụp xa nhất đó cũng có một cái chảo truyền hình vệ tinh, “như một loại tai giả được gắn vào,” theo một nhà báo của tờ Moskovskij Komsomolets từng viết. “Vào buổi tối, cư dân của các thành phố và làng mạc nghèo kiết xác đó ngồi trước màn hình TV của họ. Họ say sưa theo dõi các phát thanh viên, những người nói với họ rằng cả thế giới ghét người Nga chỉ vì họ là người Nga.” Họ không nhận ra rằng họ đang ngày càng xa rời thực tế.
Sự sợ hãi nước Nga
Tinh thần yêu nước rộng khắp đất nước này đã làm cho ngay cả những người Nga khốn cùng và bất lực nhất ở nông thôn cũng có cảm giác vượt trội so với những người sống ở các nước dân chủ và thịnh vượng hơn nhiều. Họ hài lòng khi Putin gửi máy bay ném bom tầm xa ra ngoài Đại Tây Dương, khi ông chỉ đạo một chiến dịch “điều động ngoài kế hoạch” mới có liên quan đến hàng chục nghìn binh sĩ, khi người ta tiếp tục nói chuyện về “vũ khí kỳ diệu” mới của Nga. Và họ thích nghe rằng phương Tây lại một lần nữa phải sợ nước Nga.
Vấn đề ở chỗ cảm giác thượng đẳng này ngày càng gắn chặt với sự thù ghét. Thù ghét cả những người đồng bào có một quan điểm khác. Thù ghét Ukraine. Thù ghét phương Tây. Sự thù ghét này, trộn lẫn cùng với những lời dối trá trơ trẽn nhất, đang được truyền hình Nga nuôi dưỡng.
“Tính cách của người Nga luôn được đặc trưng bởi lòng nhân ái, độ lượng, và quan tâm tới người khác,” Andrey Zvyagintsev, đạo diễn Leviathan (Quái vật thời Putin), bộ phim mô tả bối cảnh như thời phong kiến tại một tỉnh của Nga và được đề cử giải Oscar cho bộ phim tiếng nước ngoài hay nhất, nói. “Nhưng bây giờ, vô nhân đạo, các kiểu trả thù ma quỷ, sự tự tôn và sự thù ghét đang được đánh thức từ bên trong mọi người và đưa lên màn hình – những tính cách đã chìm vào giấc ngủ sâu trong chúng ta cho đến một hoặc hai năm trước đây.”
Điều đó giải thích cho các phản ứng hận thù về vụ sát hại Boris Nemtsov. Ông phó tế tại trường đại học nơi con trai của Nemtsov theo học đã nói về vụ ám sát: Đó là những gì xảy ra với “bọn đĩ điếm.” Giờ thì, ông ta tiếp tục, “đã bớt đi một con lợn bẩn thỉu” trên đất nước này. Việc các đại biểu Duma Quốc gia đã từ chối giành một khoảng im lặng để mặc niệm cho Nemtsov – người cần nhớ từng là Phó Thủ tướng – hầu như không đáng ngạc nhiên. Cái cảm giác bị thế giới xúc phạm mà rất nhiều người Nga cảm thấy đã trở thành một phần nào đó của một huyền thoại quốc gia.
Nhưng tính cách cứng rắn không khoan nhượng này đã thấm sâu trong tâm trí người Nga lâu hơn Zvyagintsev nghĩ. Tại Moskva, người ta thường nói rằng cuộc sống của con người ít có giá trị dưới thời Liên Xô và đất nước này chỉ có thể đánh bại Đức Quốc xã vì Stalin đã nhồi sọ toàn dân tư tưởng rằng chiến thắng cuối cùng đáng giá mọi sự hy sinh, cho dù lớn như thế nào đi nữa. Người ta cũng nói rằng điều đó giúp giải thích lý do tại sao mọi cuộc chiến chính trị đều trở nên tàn nhẫn. Tác giả Svetlana Alexievich nói về một “hội chứng bạo lực” mà Nga không thể thoát ra được. Bà cho rằng nước Nga đã tham gia chiến tranh gần như liên tục trong suốt lịch sử của nó, thực tế đó đã sản sinh ra một loại người “không có khả năng cơ bản để sống một cuộc sống yên bình, văn minh.” Thay vào đó, bà tiếp tục, người Nga nhìn thấy mọi thứ qua ống kính của chiến thắng hay thất bại.
Một nhà nước trực chiến
Sau vụ sát hại Boris Nemtsov trên cây cầu bắc qua sông Moskva, đã có một khoảnh khắc ngắn ngủi khi những tiếng nói nổi bật từ cả cánh tả lẫn cánh hữu kêu gọi các bên cùng suy ngẫm. “Chúng ta phải dừng lại một chút,” Anatoly Chubais, cựu lãnh đạo của Phủ Tổng thống và bây giờ đứng đầu một công ty nhà nước nói, “những người cầm quyền, phe đối lập, phe cực tả, cộng sản, chủ nghĩa dân tộc, bảo thủ – tất cả mọi người. Chúng ta phải dành ít nhất một phút suy nghĩ về nơi mà chúng ta đang dẫn nước Nga đi đến.” Thậm chí một trong những người dân tộc chủ nghĩa quá khích nổi tiếng nhất của nước này cũng kêu gọi hòa giải. Nhưng khoảnh khắc này trôi qua thật nhanh. Và dù sao thì truyền hình cũng đã không chú ý nhiều đến những lời kêu gọi này và tiếp tục hành động như thể đất nước này đang ở trong một trạng thái chiến tranh thường trực.
Đó chính là mảnh đất mà triết học chính trị đương thời của Nga cắm rễ. Chính trị gia dân túy cánh hữu Vladimir Zhirinovsky đã khái quát nó như sau: Xung đột ở Ukraine “cho chúng ta một cơ hội để quay trở lại nhóm các cường quốc. Nga cần phải một lần nữa trở thành một đế chế như nó đã từng là dưới thời Sa hoàng hoặc thời Liên Xô. Một khi đạt được điều đó, chúng ta có thể tập trung phát triển nền kinh tế. Nhưng trước tiên, chúng ta phải giải phóng mình khỏi phương Tây.”
Triết lý như vậy là không có cơ sở và phản ánh tư duy thời Xô viết. Chẳng phải con đường dẫn đến sức mạnh và sự hấp dẫn đi đúng theo hướng ngược lại sao? Chẳng phải mọi người nên tập trung chủ yếu vào việc xây dựng sự phồn vinh của đất nước của mình thay vì theo đuổi những giấc mơ địa-chính trị hay sao? Nga đã thu được một khoản tiền lớn từ xuất khẩu nguyên liệu thô, nhưng nước này vẫn chưa xây được một con đường cao tốc nối liền Moskva với St. Petersburg. Tại các thành phố sâu trong nội địa, các nhà máy, bệnh viện, và trường học đang bị đóng cửa, trong khi những người đàn ông ở đó đang hướng tới phía Đông Ukraine để đấu tranh cho một thế giới Nga tưởng tượng. Họ được chính quyền tổ chức các lễ tiễn quân trước khi đi, với lời chúc từ những người nắm quyền. Đó thật là một tình huống kỳ cục.
Vụ sát hại Nemtsov và cuộc tập trung tại St. Petersburg là dấu hiệu cho thấy cơn cuồng ái chủ nghĩa phục thù chính trị đã nhiễm vào giới tinh hoa chính trị của Nga. Nó là một cơn cuồng ái đã tìm được sự đồng cảm với tất cả những người Nga hoặc đang không quan tâm đến việc xây dựng một cuộc sống bình thường bên trong những đường biên giới hiện tại của quốc gia, hoặc không thể làm được như vậy, theo lời một phóng viên của trang web gazeta.ru có trụ sở ở Moskva đã viết. Nó, nhà báo này viết tiếp, chỉ có thể kết thúc “bằng một thảm họa quốc gia khổng lồ.”
Christian Neef là nhà báo và tác giả người Đức. Ông làm việc cho tạp chí Der Spiegel và đã xuất bản một số cuốn sách về lịch sử nước Nga.