Đã hết những thời kỳ tăng trưởng mạnh kéo dài?

xgqjrdcx-1386554669

Nguồn: Michael J.Boskin, “Are the Good Times Over?“, Project Syndicate, 27/04/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thanh Mai | Hiệu đính: Phạm Trang Nhung

Trong vòng 25 năm trước cuộc Đại Suy thoái 2008-2009, Hoa Kỳ đã trải qua hai lần suy thoái ngắn và nhẹ cùng với hai giai đoạn dài tăng trưởng mạnh. Ở quy mô toàn cầu, thu nhập tăng cao, lạm phát giảm và thị trường chứng khoán khởi sắc. Hơn nữa, sự phục hồi sau cuộc khủng hoảng lớn gần nhất (do giá dầu – NBT) vào đầu những năm 1980 đã mang lại những thành tựu kinh tế vĩ mô lớn mạnh và ổn định chưa từng có trong suốt một phần tư thế kỷ. Tuy nhiên, ở lần khủng hoảng này, việc tăng trưởng trở lại là điều khó khăn hơn rất nhiều.

Sự phục hồi của Mỹ sau cuộc Đại Suy thoái không ổn định, mức tăng trưởng cứ nhích lên rồi lại tụt xuống. Trên thực tế, Mỹ đã chưa bao giờ trải qua được ba quý liên tiếp nào có mức tăng trưởng 3% trong suốt một thập niên qua. Mặc dù giá dầu giảm có lợi cho người tiêu dùng nhưng lợi thế này phần nào bị hạn chế bởi việc đầu tư vào ngành năng lượng bị giảm, và tác động của đồng đô la mạnh hơn sẽ ngày càng lớn.

Tình hình này không chỉ diễn ra ở Mỹ. Mặc dù giá dầu hạ và tiền mất giá có giúp hầu hết các nền kinh tế châu Âu phát triển trở lại,  nhưng  tốc độ tăng trưởng vẫn còn ở mức yếu. Tương tự, sự phục hồi của Nhật Bản cũng vẫn mong manh bất chấp những nỗ lực mạnh mẽ của chính phủ nước này. Ngay cả các nền kinh tế mới nổi quan trọng từng được coi là động cơ tăng trưởng toàn cầu trong những năm tới cũng đang phải vật lộn: Trung Quốc và Ấn Độ có chiều hướng đi xuống, trong khi đó kinh tế Bra-xin và Nga đang thu hẹp lại.

Khi một kì tăng vọt hay giảm sâu diễn ra trong thời gian dài như vậy, dường như nó sẽ kéo dài vô tận. Sáu năm sau khủng hoảng, một số nhà kinh tế lỗi lạc đang đặt ra câu hỏi rằng phải chăng sự đầu tư không đủ và/hoặc những lợi ích thu được ngày một ít đi từ việc cải tiến công nghệ đã đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một giai đoạn “bình thường mời”[1] của tăng trưởng thấp, và việc nâng cao các tiêu chuẩn sống, nếu có, cũng rất chậm chạp. Một vài nhà kinh tế gọi đây là “sự đình trệ trường kỳ” như một cách nói vui để chỉ quãng thời gian thuận lợi đã chấm dứt vĩnh viễn. Liệu rằng họ có đúng không?

Tổng mức tăng trưởng kinh tế chung quy lại là phép cộng giữa việc tăng thời lượng làm việc (tăng số nhân công hoặc tăng số giờ làm) và năng suất làm việc (số sản phẩm trên một giờ làm việc). Nếu năng suất được cải thiện ở mức 1% một năm thì mức sống của thế hệ theo sau đó sẽ tăng 1/3. Dần dần, việc nâng cao năng suất, dù chỉ là một phần nhỏ của mức 1% cũng là vô cùng quan trọng.

Năng suất có thể nâng cao nhờ vào đầu tư vốn, cải tiến công nghệ và cải thiện kiến thức, kĩ năng của lực lượng lao động cho dù các nhà kinh tế vẫn bất đồng về việc yếu tố nào trong số trên có tác động mạnh mẽ nhất. Theo một nghiên cứu của tôi với Larry Lau, công nghệ đóng vai trò lớn nhất trong việc thúc đẩy năng suất của các nền kinh tế khối G7 kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Vì vậy, mức tăng trưởng năng suất đang sụt giảm của Mỹ (chỉ đạt trung bình 0,7% mỗi năm kể từ năm 2010) đã khiến một số nhà quan sát kết luận rằng suy thoái là do thiếu những bước tiến công nghệ. Những người bi quan này, điển hình là nhà kinh tế học Robert Gordon, cho rằng những cải tiến công nghệ mới dường như không có khả năng cải thiện năng suất một cách cơ bản như điện, xe ô tô và máy vi tính ở thế kỷ trước.

Những người lạc quan  phản bác lại rằng điện thoại thông minh, dữ liệu lớn (Big Data) và những tiến bộ được kì vọng trong công nghệ nanô, chế tạo người máy và công nghệ sinh học là dấu hiệu cho một kỉ nguyên mới của việc nâng cao năng suất nhờ khoa học công nghệ. Họ lập luận rằng có lẽ không thể đoán trước được “ứng dụng sát thủ”[2] tiếp theo là gì, nhưng sẽ luôn có người phát triển ứng dụng như thế.

Cả hai phía đều viện dẫn Định luật Moore, được đặt theo tên của người đồng sáng lập hãng Intel là Gordon Moore, theo đó mật độ linh kiện bán dẫn trong một con chip có thể tăng gấp đôi sau mỗi 18 tháng. Phía bi quan cho rằng việc này đang trở nên ngày càng khó khăn và đắt đỏ, trong khi đó, bên lạc quan tin rằng định luật vẫn đúng với sự ra đời của những con chip ba chiều.

Hướng đi của những tiến bộ công nghệ rõ ràng là rất khó đoán. Trên thực tế, giá trị thương mại cốt lõi của một công nghệ mới không phải lúc nào cũng dễ thấy ngay cả với những người phát minh ra nó. Hơn một thế kỷ trước, khi Guglielmo Marconi tạo ra đường truyền tín hiệu không dây xuyên Đại Tây Dương đầu tiên, cạnh tranh với điện tín trong công nghệ liên lạc từ điểm tới điểm, ông đã không bao giờ hình dung ra hệ thống phát thanh radio đại chúng lại phổ biến đến vậy. Edison thiết kế máy quay đĩa để giúp đỡ những người khiếm thị, và ông đã từng kiện ra toà để ngăn chặn việc phát minh này được sử dụng để chơi nhạc.

Vấn đề trở nên rắc rối hơn với thực tế là làn sóng phát triển công nghệ giúp nâng cao năng suất tới đây sẽ nhiều khả năng xuất hiện ở những lĩnh vực mà ảnh hưởng kinh tế của chúng rất khó đánh giá như chăm sóc sức khoẻ chẳng hạn. Các nhà kinh tế học tin rằng việc cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ – ví dụ như những phương pháp chữa bệnh đục thuỷ tinh thể hay bệnh tim mạch hiệu quả hơn – không được phản ánh chính xác trong chỉ số GDP thực, và bị đánh giá sai lệch khi giá cả tăng. Điều quan trọng là phải có những thước đo chuẩn hơn để đánh giá chính xác những tiến bộ kinh tế do các thay đổi trên mang lại.

Sự tăng trưởng được thúc đẩy bởi công nghệ chắc chắn cũng đem tới một số rủi ro. Trong khi nỗi sợ cố hữu rằng tự động hoá và trí tuệ nhân tạo sẽ gây thất nghiệp cơ cấu[3] trên diện rộng chưa được kiểm chứng trên thực tế thì công nghệ và toàn cầu hoá đã tạo áp lực nặng nề lên mức lương của tất cả mọi người, trừ những lao động lành nghề nhất ở các nền kinh tế phát triển. Tỉ trọng đóng góp của vốn vào thu nhập quốc dân tăng lên trong khi tỉ trọng đóng góp của lao động lại giảm. Tuy nhiên việc áp dụng chính sách hạn chế những công nghệ có tiềm năng nâng cao năng suất sẽ là một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng.

Để khuyến khích tăng trưởng mạnh hơn và nâng cao mức sống, các chính phủ nên đảm bảo rằng khu vực kinh tế tư nhân có đủ động lực cho việc đổi mới, kĩ năng kinh doanh, và đầu tư vào vốn con người cũng như vốn vật chất. Ví dụ như các quan chức phải từ bỏ thói quan liêu, kiểm soát thâm hụt và nợ, thông qua chính sách thuế có lợi cho việc tích luỹ vốn, cải tổ hệ thống giáo dục và đầu tư vào nghiên cứu, phát triển.

Tất nhiên , không nên mong đợi rằng những năm tháng phát triển mạnh như trước khủng hoảng sẽ quay trở lại nếu xét đến những áp lực nhân khẩu học mà tất cả các nền kinh tế lớn, bao gồm cả Trung Quốc, đang phải đối mặt. Tuy nhiên, những động lực này vẫn là những cơ hội tốt nhất để tiếp nối dòng chảy những công nghệ giúp nâng cao năng suất, từ những dự án khởi nghiệp đến những đơn vị nghiên cứu trong những công ti lâu năm của các ngành công nghiệp, từ công nghệ đến năng lượng và chăm sóc sức khoẻ.

Michael J. Boskin,  giáo sư kinh tế học của đại học Stanford, là thành viên cấp cao của Viện Hoover. Ông cũng là chủ tịch hội đồng cố vấn kinh tế của George H. W. Bush từ năm 1989 đến năm 1993 và đứng đầu Uỷ ban Boskin – một bộ phận tham mưu của Quốc hội giúp chỉ ra các sai sót trong dự báo lạm phát chính thức ở Mỹ.

 

———————

[1] Nguyên văn “a new normal of lower growth”. New normal là một thuật ngữ trong kinh doanh và kinh tế được sử dụng để chỉ tình hình tài chính sau khủng hoảng 2007-2008 và giai đoạn suy thoái tiếp sau. Sau này “new normal” được dùng trong các ngữ cảnh khác, nhằm chỉ một sự việc vốn bất bình thường nhưng diễn ra quá lâu, dần dần trở thành thông thường (NHĐ).

[2] Nguyên văn “killer app.”, từ chỉ một chương trình máy tính có thể thể hiện được giá trị cốt lõi của một công nghệ lớn hơn, như là phần cứng máy tính, phần mềm, nền tảng phần mềm, ngôn ngữ lập trình hay hệ điều hành. Khách hàng sẽ chi trả cho phần công nghệ lớn hơn (và thường khá đắt đỏ) đó để chạy được ứng dụng này. Nói cách khác, “ứng dụng sát thủ” này có thể nâng cao đáng kể doanh số bán ra của nền tảng mà nó chạy trên đó (NHĐ).

[3] Thất nghiệp cơ cấu là hiện tượng thất nghiệp xảy ra khi có hiện tượng cung về lao động vượt quá số cầu về lao động. Hiện tượng này xảy ra khi các công nhân thiếu các kĩ năng cần thiết cho công việc hoặc bởi vì sự cách biệt về mặt địa lí khiến cung không gặp cầu (NHĐ).