Đánh giá của Putin về Donald Trump

Print Friendly, PDF & Email

putintrump

Nguồn: Christopher Smart, “What Putin Sees in Trump”, Project Syndicate, 04/08/2016.

Người dịch: Nguyễn Thanh Mai | Hiệu đính: Phạm Trang Nhung

Rất có thể khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngắm nhìn những vì sao đêm và tưởng tượng về thế giới trong mơ của mình, ông sẽ mỉm cười khi nghĩ đến việc Donald Trump là Tổng thống Hoa Kỳ. Có lẽ ông thích ý tưởng rằng có một lãnh đạo người Mỹ tập trung vào luật lệ và trật tự trong nước hơn là việc xây dựng nền dân chủ ở nước ngoài. Có thể Putin thậm chí còn ngưỡng mộ phong cách lãnh đạo ngạo mạn của Trump, điều gợi nhắc rất nhiều đến phong cách của chính ông.

Tuy nhiên khi bừng tỉnh khỏi cơn mộng tưởng, Putin hiểu rằng nước Nga không thể nào được lợi nếu Trump thắng cử vào tháng 11. Đó là lí do vì sao không thể nào có một kế hoạch nghiêm túc từ phía Kremlin – dựa vào các công cụ của không gian mạng hoặc những phương tiện khác – nhằm giúp sắp đặt chuyện này.

Tất nhiên, không khó để hình dung việc các hacker Nga đã xâm nhập được vào các máy chủ của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ hoặc những máy chủ được sử dụng trong chiến dịch của Hillary Clinton, như một phần của những nỗ lực do thám nhằm vào chính phủ và mọi tổ chức doanh nghiệp và chính trị. Trong bối cảnh thế kỷ 21, các cơ quan tình báo của Kremlin sẽ bị kết tội lơ là nhiệm vụ nếu họ không nhiệt tình thực hiện những cuộc tấn công như vậy.

Các nhà lãnh đạo Nga cũng từ lâu sử dụng kích động và tuyên truyền, hay còn gọi là “agitprop” như cách những người tiền nhiệm Xô Viết của họ gọi những chiến dịch công khai và bí mật nhằm định hình dư luận ở nước ngoài. Tuy nhiên, thành tích của những nỗ lực này rõ ràng khá thất thường, và Putin thừa hiểu rằng sự dính líu của Nga có thể dễ dàng phản tác dụng. Do đó, thời điểm và nội dung của những vụ rò rỉ gần đây được quyết định bởi Nga tới mức độ nào, hay bởi Wikileaks – nơi những tài liệu thực sự xuất hiện, vẫn là một điều chưa rõ ràng.

Tuy nhiên, điều hoàn toàn chắc chắn là bất cứ đánh giá tinh tường nào từ Kremlin đều phải đi đến kết luận rằng chiến thắng của Trump không mang lại lợi ích cho nước Nga. Có thể Nga sẽ rất khoái trá khi chứng kiến sự lúng túng của cơ chế chính trị Hoa Kỳ, cũng như thấy những đồng minh của Mỹ bó tay bất lực, song một tổng thống Trump sẽ khiến cuộc sống của Putin khó khăn hơn rất nhiều.

Lợi ích quốc gia cốt lõi của Nga chủ yếu là kinh tế, vì Nga đang phải vật lộn với những đòn giáng kết hợp giữa sự sụt giảm giá dầu, tăng trưởng yếu ở châu Âu và sự trừng phạt tài chính của phương Tây. Chắc chắn, lợi ích của Nga cũng bao gồm sự chi phối về chính trị với các quốc gia láng giềng, điều đã thúc đẩy cuộc can thiệp vụng về vào Crimea và hiện được Trump mô tả với những lời lẽ đầy thông cảm. Những lợi ích này cũng bao gồm việc duy trì sự can dự mang tính lịch sử của Nga ở Trung Đông và làm suy yếu nước Mỹ bất cứ nơi đâu có thể. Về phương diện này, nỗ lực chống lưng cho chính phủ Syria hiện tại có vẻ là một hành động nhằm cả hai mục đích.

Tuy nhiên việc tăng mức sống của người dân Nga vẫn là trọng tâm bảo đảm cho việc Putin nắm giữ quyền lực cũng như di sản lâu dài của ông. Thậm chí trước khi can thiệp vào Ukraine, Putin đã thất bại trong việc thực hiện lời hứa khoa trương ông đưa ra vào năm 2003, là tăng gấp đôi quy mô của nền kinh tế Nga trong vòng một thập niên. Xét về GDP đầu người danh nghĩa, hiện trạng của Nga vẫn chỉ tốt hơn một chút so với Mexico. Những nỗ lực mạnh mẽ nhằm đa dạng hóa và hiện đại hóa nền kinh tế đã thất bại, bởi những chiến lược công nghệ và kinh doanh mang tính đột phá không thể xuất hiện chỉ nhờ những chỉ thị từ bên trên.

Trong khi thị trường dầu là yếu tố quyết định lớn nhất triển vọng kinh tế trong tương lai gần của Nga do chiếm tới một nửa doanh thu xuất khẩu nước này, thì sự tăng trưởng dài hạn đòi hỏi Nga phải tái tham gia vào thị trường vốn quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài (và ngăn chặn tháo chạy vốn), và tái hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Tất cả những điều này đòi hỏi một nền kinh tế toàn cầu ổn định và có thể dự đoán được. Một nhiệm kỳ tổng thống của Trump sẽ dẫn tới điều ngược lại.

Những kế hoạch tài khóa của Trump, bao gồm cắt giảm thuế ở quy mô lớn mà không đi kèm việc giảm bớt chi tiêu một cách đáng tin cậy, có thể khiến lãi suất ở Mỹ tăng đột ngột, kích thích những rối loạn trong thị trường tài chính. Những đề xuất ngẫu nhiên của ông ta rằng nợ của Mỹ có thể được đàm phán lại có thể gây ra những tổn hại nặng nề cho giá trị lượng dự trữ ngoại tệ của Nga, vốn là điểm tựa của nước này trong cơn bão kinh tế giáng xuống họ kể từ năm 2014. Những lời đe dọa phát động một cuộc chiến thương mại chống lại sự cạnh tranh nước ngoài “không công bằng” của Trump dường như sẽ nhằm vào ngành xuất khẩu thép của Nga. Và việc không thể đoán trước (những chính sách) của ông ta trong những vấn đề địa chính trị và an ninh then chốt có thể làm gia tăng những rủi ro từ bên ngoài.

Tất nhiên, có một viễn cảnh là cảm tình cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo sẽ dẫn đến việc nới lỏng những đòn trừng phạt từ phương Tây sớm hơn. Tuy nhiên, dẫu sao thì những hạn chế của Liên minh châu Âu đối với quan hệ tài chính và thương mại với Nga cũng khó có thể kéo dài thêm nữa, đặc biệt là khi những quan điểm hiếu chiến của Liên hiệp Vương quốc Anh sẽ không còn định hình chính sách của EU với Nga nữa. Những đòn trừng phạt của Mỹ có thể vẫn còn tồn tại trong thời điểm này, tuy nhiên những nỗ lực tích cực của chính quyền Obama nhằm ngăn chặn các ngân hàng toàn cầu cung cấp tài chính cho Nga thông qua các ngân hàng con của họ ở châu Âu sẽ khó có thể duy trì mãi mãi.

Việc bà Clinton thành tổng thống sẽ không làm cho chương trình nghị sự quốc tế của Nga dễ chịu hơn chút nào, nhưng ít nhất người ta cũng biết được những điều khoản quan hệ giữa hai nước. Bất chấp sức hút của việc làm muối mặt các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ bằng những chiến tích trong không gian mạng, Putin sẽ không chấp nhận bất cứ điều gì có thể làm tăng cơ hội chiến thắng của Trump, dù chỉ là một chút ít.

Christopher Smart, Cố vấn đặc biệt về Kinh tế quốc tế cho Tổng thống, hiện đang là thành viên cao cấp của Trung tâm Mossavar-Rahmani về Kinh doanh và Quản lý nhà nước thuộc trường Quản lý nhà nước Kennedy, Đại học Harvard. Trước đó, ông quản lý vốn đầu tư ở những thị trường mới nổi, trong đó có Nga.

Copyright: Project Syndicate 2016 – What Putin Sees in Trump
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]