Mỹ-Nhật: Hướng tới một liên minh hi vọng

0,,18414543_303,00

Nguồn: Abe Shinzō, “Toward an Alliance of Hope,” Project Syndicate, 01/05/2015.

Biên dịch: Trần Hương Phong | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Khi Thế chiến II kết thúc ở Thái Bình Dương, người Nhật Bản chúng tôi, với cảm giác hối hận sâu sắc, đã bắt đầu bước vào con đường xây dựng lại và đổi mới đất nước. Hành động của những bậc tiền nhiệm của chúng tôi đã đem lại đau thương khôn xiết cho các dân tộc châu Á, và chúng tôi không bao giờ được phép làm ngơ trước sự thật đó. Tôi ủng hộ quan điểm mà những đời thủ tướng Nhật Bản trước đây đã bày tỏ về vấn đề này.

Với việc thừa nhận sự thật và nỗi hối hận ấy, trong nhiều thập niên qua, người Nhật Bản chúng tôi tin rằng chúng tôi phải làm tất cả những gì có thể để đóng góp vào sự phát triển của châu Á. Chúng tôi phải nỗ lực hết sức mình vì hòa bình và thịnh vượng của khu vực.

Tôi tự hào về con đường mà chúng tôi đã chọn, nhưng chúng tôi không đơn độc trên con đường đó. Bảy mươi năm trước, Nhật Bản đã biến thành đống tro tàn, và mỗi tháng, các công dân Hoa Kỳ đều gửi những món quà như sữa cho trẻ em của chúng tôi, áo len ấm, và thậm chí cả dê. Vâng, 2.036 con dê của Mỹ đã đến Nhật Bản vào những năm ngay sau chiến tranh. Những kẻ cựu thù đã trở thành bạn hữu của chúng tôi.

Và chính Nhật Bản là quốc gia được hưởng lợi sớm nhất từ hệ thống quốc tế thời hậu chiến được Mỹ thúc đẩy bằng việc mở cửa thị trường của họ và kêu gọi cho một nền kinh tế toàn cầu tự do. Từ những năm 1980 trở đi, chúng tôi đã chứng kiến sự trỗi dậy của Hàn Quốc, Đài Loan, các nước ASEAN, và không lâu sau là Trung Quốc – tất cả đều đi theo con đường phát triển kinh tế được mở ra bằng một trật tự thế giới mở mà Mỹ tạo nên.

Chắc chắn, Nhật Bản đã không đứng yên; chúng tôi đã đổ vốn và công nghệ vào để hỗ trợ sự tăng trưởng của những nước này. Cả Hoa Kỳ và Nhật Bản đều thúc đẩy sự thịnh vượng – nền tảng của hòa bình – trong khu vực. Ngày nay, cả Hoa Kỳ và Nhật Bản đều nhận thức được rằng hai nước phải tiếp tục đi đầu trong việc thúc đẩy một trật tự kinh tế quốc tế dựa trên luật pháp – công bằng, năng động, và bền vững – trong đó tất cả các nước đều có thể phát triển phồn thịnh, không bị áp đặt bởi những mong muốn tùy tiện của bất kỳ chính phủ quốc gia nào.

Trong thị trường Thái Bình Dương, trung tâm tăng trưởng lớn nhất của thế giới, chúng ta không thể coi nhẹ những công xưởng mồ hôi (sweatshops – tức những nhà máy không đạt điều kiện lao động tiêu chuẩn – NHĐ) hay những gánh nặng môi trường. Chúng ta cũng không thể để những kẻ ngồi không hưởng lợi làm suy yếu sở hữu trí tuệ. Thay vào đó, chúng ta phải truyền bá và nuôi dưỡng những giá trị chung của chúng ta: pháp quyền, dân chủ, và tự do.

Đó chính là những gì mà Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhắm tới. Giá trị chiến lược của TPP không chỉ giới hạn ở những lợi ích kinh tế mà nó hứa hẹn. Hiệp ước này cũng nhằm biến một khu vực chiếm tới 40% nền kinh tế thế giới và một phần ba khối lượng thương mại toàn cầu thành một khu vực hòa bình và thịnh vượng lâu dài vì tương lai con em chúng ta và các nước đối tác. Về phía các cuộc đàm phán Mỹ-Nhật, đích cuối đã gần đạt được. Hãy đưa TPP tới một kết thúc thành công thông qua sự lãnh đạo chung của chúng ta.

Tôi biết con đường này khó khăn ra sao. Hai mươi năm trước, chính tôi đã phản đối việc mở cửa thị trường nông nghiệp của Nhật. Tôi thậm chí còn tham gia cùng những đại biểu của nông dân trong một cuộc biểu tình trước tòa nhà Quốc hội.

Nhưng ngành nông nghiệp của Nhật Bản đã giảm sút trong suốt hai thập niên qua. Tuổi thọ trung bình của những người nông dân ở đất nước chúng tôi tăng thêm mười năm, lên trên 66 tuổi. Nếu muốn ngành nông nghiệp của đất nước chúng tôi tồn tại được, chúng tôi phải tiếp tục theo đuổi những cải cách sâu rộng, bao gồm cả các hợp tác xã nông nghiệp, vốn không hề thay đổi trong suốt 60 năm qua.

Thay đổi cũng đang diễn ra với các doanh nghiệp Nhật Bản. Quản trị doanh nghiệp tại Nhật Bản hiện nay là hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu bởi lẽ chúng tôi đã củng cố nó vững mạnh hơn. Và tôi đang đi tiên phong trong tiến trình cải cách hành chính trong các lĩnh vực y tế cũng như năng lượng.

Hơn nữa, tôi quyết tâm làm bất cứ điều gì cần thiết để đảo ngược tình hình suy giảm trong nguồn lực lao động của Nhật Bản. Chúng tôi đang thay đổi một số lề thói cũ; cụ thể là chúng tôi đang trao quyền cho phụ nữ để họ tích cực hơn trong việc tham gia vào mọi lĩnh vực xã hội.

Tóm lại, Nhật Bản đang trong tiến trình quá độ sâu rộng hướng tới một tương lai rộng mở hơn. Chúng tôi quyết tâm đẩy mạnh những cải cách cơ cấu cần thiết để đạt được thành công.

Nhưng cải cách đòi hỏi phải tiếp tục có hòa bình và an ninh, những di sản của nền lãnh đạo Mỹ. Khi còn là Thủ tướng Nhật vào những năm 1950, ông ngoại tôi là Kishi Nobusuke đã chọn con đường dân chủ và liên minh với Mỹ. Cùng với Mỹ và các nước dân chủ đồng chính kiến khác, chúng tôi đã giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh. Tôi có ý định kiên quyết đi theo con đường đó; và quả thực, không có lựa chọn nào khác.

Hai nước chúng ta cần nỗ lực hết sức để củng cố mối quan hệ của mình. Đây là lý do tại sao tôi ủng hộ chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ để tăng cường hòa bình và an ninh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nhật Bản sẽ là nước đầu tiên, cuối cùng, và luôn luôn ủng hộ nỗ lực này.

Nhật Bản đang thực hiện điều đó bằng cách làm sâu sắc hơn quan hệ chiến lược với Úc và Ấn Độ, và chúng tôi đang đẩy mạnh hợp tác với các nước ASEAN và Hàn Quốc. Có thêm các đối tác này tham gia vào cột trụ trung tâm là liên minh Mỹ-Nhật sẽ tăng cường sự ổn định trong khu vực. Và hiện nay Nhật Bản sẽ hỗ trợ tới 2,8 tỉ đô la Mỹ để giúp nâng cấp các căn cứ của Mỹ ở Guam, những căn cứ này sẽ còn có ý nghĩa chiến lược lớn hơn nữa trong tương lai.

Về những tranh chấp hàng hải đang diễn ra ở châu Á, cho phép tôi nhấn mạnh ba nguyên tắc của chính phủ chúng tôi. Thứ nhất, các quốc gia phải tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Thứ hai, họ không được sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép để thúc đẩy yêu sách của mình. Và thứ ba, họ phải giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Chúng ta phải khiến vùng biển rộng lớn trải dài từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương trở thành một khu vực hòa bình và tự do, nơi mà tất cả đều tuân thủ luật pháp. Cũng vì thế mà trách nhiệm của chúng ta là phải củng cố liên minh Mỹ-Nhật.

Chính vì vậy mà chúng tôi đang làm hết sức mình để tăng cường cơ sở pháp lý của nền an ninh của chúng tôi. Những nền tảng pháp lý được nâng cao này sẽ khiến sự hợp tác giữa quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trở nên chặt chẽ hơn, và khiến liên minh của chúng ta bền vững hơn, tạo ra sự răn đe ngăn chặn đáng tin cậy để bảo vệ hòa bình trong khu vực. Một khi những thay đổi pháp lý sâu rộng nhất trong lịch sử thời hậu chiến của chúng tôi được đưa ra vào mùa hè này, Nhật Bản sẽ có khả năng cao hơn trong việc không ngừng đối phó với khủng hoảng ở mọi cấp độ.

Bản Định hướng Hợp tác Quốc phòng mới giữa Mỹ và Nhật Bản có cùng một mục đích như vậy, và giúp bảo đảm hòa bình trong khu vực trong những năm tới.

Cuối cùng, Nhật Bản đang sẵn sàng gánh vác những trách nhiệm quốc tế của mình hơn bao giờ hết. Trong đầu những năm 1990, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã giúp tháo gỡ bom mìn ở Vịnh Ba Tư. Trong suốt mười năm qua, chúng tôi đã ủng hộ những hoạt động của Mỹ ở Ấn Độ Dương để ngăn chặn những dòng chảy khủng bố và vũ khí. Ở Campuchia, Cao nguyên Golan, Iraq, Haiti, và Nam Sudan, các thành viên của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã cung cấp hỗ trợ nhân đạo và tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình. Cho đến nay đã có khoảng 50.000 binh sĩ nam và nữ tham gia vào những hoạt động này.

Chương trình nghị sự của Nhật Bản là đơn giản và rõ ràng: cải cách trong nước và chủ động đóng góp vào hòa bình thế giới dựa trên nguyên tắc hợp tác quốc tế. Đó là một chương trình có triển vọng đưa Nhật Bản – và cả châu Á – tới một tương lai ổn định và thịnh vượng hơn.

Abe Shinzō là Thủ tướng Nhật Bản.