Mối liên hệ giữa than đá và phiến quân Maoist ở Ấn Độ

india-coal-opener-615

Nguồn: Anthony Loyd, “How Coal Fuels India’s Insurgency“, National Geographic Magazine, 4/2015.

Lược dịch: Trần Tịnh

Vùng đất rộng lớn phía Đông Ấn Độ thuộc các bang Jharkhand, Chhattisgarh, Orissa, Tây Bengal là một vùng có nhiều mỏ than trữ lượng lớn (chiếm 40% trữ lượng của toàn Ấn Độ), ngoài ra nó còn có quặng sắt và nhôm nữa. Do đó các nhà họach định chính sách của Thủ tướng Narendra Modi dự định biến vùng này thành cỗ máy năng lượng của Ấn Độ để vực vậy nền kinh tế còn yếu kém, nơi một phần ba dân số, tương đương 300 triệu người, vẫn chưa biết đến ánh sáng đèn điện hàng đêm.

Các mỏ than ở đây được Công ty trách nhiệm hữu hạn than đá trung ương, một công ty nhà nước, khai thác. Trong nhiều chục năm qua, công ty này đã trả cho dân chúng địa phương tiền, cung cấp nhà ở tái định cư, việc làm trong mỏ than… với điều kiện họ giao đất cho công ty khai thác than.

Nhiều người dân chấp nhận những khoản đền bù đó để giao đất, nhưng cũng có những người, nhất là những nông dân cảm thấy mình quá gắn bó với đất đai, lại không chấp nhận dời đi nơi khác. Những người này nói là những khoản đền bù đó không đủ vì tiền bạc rồi sẽ hết, công việc làm rồi cũng chấm dứt. Những người ở lại với đất lại phải chịu ô nhiễm nặng nề do việc khai thác mỏ gây ra.

Các mỏ than giàu có thay vì làm giảm mức chênh lệch giàu nghèo lại làm cho cộng đồng địa phương bị chia rẽ và xung đột với nhau.

Trong một khung cảnh xã hội như vậy những người cộng sản chủ trương những chính sách đất đai theo kiểu Mao Trạch Đông xuất hiện.

Phong trào Maoist này có tên gọi là Naxalites, tên gọi này xuất phát từ cuộc nổi dậy của những người cộng sản theo chủ thuyết Mao nổi dậy và bị đàn áp hồi năm 1967 tại làng Naxalbari thuộc bang Tây Bengal. Vào năm 1989 phong trào cộng sản gồm những thành phần xã hội trung lưu bị đàn áp ở tỉnh Andhra Pradesh láng giềng bỏ chạy sang vùng mỏ than miền Đông Ấn Độ. Tại đây họ được những bộ lạc nghèo khó tiếp nhận. Ngoài ra trong lực lượng Maoist còn có nhiều người thuộc thành phần gọi là Tiện dân, tức là thành phần thấp kém nhất trong xã hội Ấn Độ.

Xung đột giữa lực lượng Maoist và lực lượng của chính quyền đã làm thiệt mạng đến 12 ngàn người trong hai thập niên qua. Và cựu Thủ tướng Manmohan Singh nói rằng cuộc xung đột này là đe dọa lớn nhất cho nền an ninh của Ấn Độ.

Tuy nhiên câu chuyện về phiến quân Maoist của Ấn Độ không đơn giản là những người nghèo tham gia nổi dậy để chống lại việc khai thác than. Một mặt những nhà lãnh đạo Maoist tuyên truyền cho những người dân nghèo khổ rằng họ là những kẻ bần cùng trong một vùng đất đầy tiềm năng. Nhưng mặt khác họ lại lợi dụng các doanh nghiệp khai thác than để cung cấp tài chính cho họ. Việc cung cấp tài chính này bao gồm việc các chủ mỏ phải đóng thuế cho những người cộng sản nếu không muốn mỏ của họ bị tấn công, cho đến việc xây dựng cho riêng họ những nhà máy luyện than cốc từ chính than đá khai thác từ vùng đất này.

Như thế, một mối quan hệ kỳ lạ hình thành giữa lực lượng phiến quân cộng sản Maoist và giới doanh nhiệp than đá. Ngoài ra còn phải kể đến các quan chức tham nhũng tiếp tay cho sự móc nối này. Đối diện với tình hình đó, ông cựu Bộ trưởng các vấn đề nông nghiệp dưới thời đảng Quốc Đại cầm quyền đã từng kêu gọi việc dừng khai thác than tạm thời để giải quyết cuộc xung đột.

Như vậy, thuật ngữ Maoism (chủ nghĩa Mao) bây giờ không hoàn toàn chỉ một ý thức hệ nữa mà nó còn chỉ một cuộc nổi dậy của quân phiến loạn tìm những nguồn tài chính dồi dào để nuôi chính cuộc phiến loạn đó.

Trở lại với việc trưng dụng đất ở Ấn Độ. Nước này thừa hưởng một đạo luật từ thời thuộc địa cho phép trưng dụng đất đai để dùng vào các mục tiêu công ích. Luật này được xem xét lại vào năm 2014 với các điều luật qui định việc đền bù. Nhưng suốt trong chừng ấy năm từ thời Ân Độ giành được độc lập cho đến năm 2014 đã có đến 60 triệu người Ấn bị trưng dụng đất đai, trong đó có 24 triệu người thuộc bộ lạc nghèo khổ vùng mỏ than.

Mặc dù đạo luật về trưng dụng đất đai đã được sửa đổi nhưng việc thực hiện nó cũng không phải dễ dàng trong vùng mỏ than dưới sức ép của các doanh nghiệp.

Trong sự lừng chừng đó, cư dân vùng mỏ than giàu có này của Ấn Độ hiện là cộng đồng dân cư thất học, có tỉ lệ suy dinh dưỡng cũng như tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao nhất Ấn Độ. Mặt khác họ phải chịu sự khủng bố thường nhật của các nhóm vũ trang Maoist với hình thức tòa án nhân dân như tại Trung Quốc trước đây, đổi lại là lời hứa về một xã hội công bằng xem ra mù mờ giống như loại ý thức hệ mà thế giới đã từ bỏ.