Nguồn: Kemal Derviş, “The Paradox of Identity Politics,” Project Syndicate, 12/05/2015.
Biên dịch: Trương Thị Thanh Hiền | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Cuộc tổng tuyển cử gần đây của Vương quốc Anh đã cung cấp một ví dụ rõ ràng về cách mà vấn đề bản sắc dân tộc đang định hình lại bộ mặt chính trị của châu Âu. Đảng Dân tộc Scotland (SNP), một phiên bản cánh tả của nền chính trị bản sắc, đã vượt qua Công đảng ở Scotland, cho phép Đảng Bảo thủ giành được đa số tuyệt đối tại Quốc hội (Vương quốc Anh). Chính phủ của Thủ tướng David Cameron – người tập trung vào bản sắc của người Anh hơn là vận mệnh chung của Vương quốc Anh với châu Âu – chắc chắn sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh có nên tiếp tục tư cách thành viên của mình tại Liên minh Châu Âu, với những hệ quả không thể lường trước.
Trong nhiều thập niên, cuộc tranh luận chính trị ở châu Âu chủ yếu tập trung vào các chính sách và các thể chế kinh tế. Đảng Bảo thủ ủng hộ một nền kinh tế được định hướng bởi khu vực tư nhân, thị trường tự do, thuế thấp, giảm chi tiêu của chính phủ và hàng hóa công hạn chế. Những nhà tự do và những nhà dân chủ xã hội ủng hộ nền kinh tế dựa trên sở hữu tư nhân, thị trường, hội nhập châu Âu và tăng cường thương mại, đi kèm với việc trợ cấp cho người nghèo và mức thuế mang tính chất tái phân phối thu nhập đáng kể, mạng lưới an sinh xã hội mạnh mẽ và một phần sở hữu nhà nước trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng và tài chính.
Trong hệ thống lưỡng cực này, các bên bất đồng về các sắc thái của chính sách kinh tế, nhưng lại đồng thuận rộng rãi về các giá trị dân chủ, dự án châu Âu, và sự cần thiết phải thích nghi và quản lý toàn cầu hóa, chứ không chối bỏ toàn bộ. Tuy nhiên, với sự thành công ngày càng tăng của những lời kêu gọi cho bản sắc và chủ nghĩa dân tộc sắc tộc hay tôn giáo được phục hồi, điều đó đang thay đổi. Phải chăng những bóng ma hồi đầu và giữa thế kỷ 20 đang quay trở lại?
Vấn đề này đặc biệt liên quan đến châu Âu, nhưng nó cũng có ý nghĩa toàn cầu. Ví dụ, tại Trung Đông, nền chính trị bản sắc đang thể hiện bản thân dưới hình thái tồi tệ nhất: cuộc đụng độ hỗn loạn và bạo lực giữa người Hồi giáo dòng Sunni và Shia, được minh chứng bằng sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo.
Lòng trung thành với một bản sắc theo nhận thức có thể có các thành phần vô hại và hữu ích, chẳng hạn như thúc đẩy ngôn ngữ của khu vực. Vấn đề với nền chính trị bản sắc là nó đặt nhóm “cầm quyền” mâu thuẫn với nhóm “khác” theo nhận thức – một cách tiếp cận có thể dễ dàng nuôi dưỡng chủ nghĩa sô vanh, phân biệt đối xử ác cảm, và sự đối đầu công khai.
Một lý do chính cho sự tái trỗi dậy của nền chính trị bản sắc ở châu Âu là toàn cầu hóa, điều đã hạn chế khả năng của các quốc gia hoặc dân tộc trong việc kiểm soát nền kinh tế của họ. Thật vậy, nền kinh tế toàn cầu đã trở nên liên kết chặt chẽ lẫn nhau, và thị trường thế giới rất quyền lực, nên dường như các chính sách quốc gia ít có cơ hội làm gián đoạn các dòng vốn siêu linh hoạt.
Trong khi toàn cầu hóa đã góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng nói chung, nó lại mang lại nhiều lợi ích nhất cho những người thuộc giới tinh hoa toàn cầu mới. Trong khi đó, nhiều người ở châu Âu phải đối mặt với sự bất ổn kinh tế lớn hơn, do các công nghệ mới hay sự cạnh tranh từ những công nhân giá rẻ ở nơi khác. Trừ khi họ có thể nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng của mình – và, trong một số trường hợp, chuyển sang một ngành công nghiệp hay một địa điểm mới – họ phải đối mặt với những cơ hội kinh tế hạn chế. Những nhóm yếu thế này là đặc biệt lớn trong các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây và hiện phải vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp cao.
Nhưng ngay cả những người tương đối giàu có cũng đang thất vọng với một vài đặc điểm của toàn cầu hóa. Họ có thể phản đối việc dùng thuế của họ để “trợ cấp” cho những người nghèo hơn mà không cùng chung bản sắc với họ, chẳng hạn những người nhập cư, người Bỉ nói tiếng Pháp, người miền Nam nước Ý, hoặc người Hy Lạp.
Khi đề cập đến chủ nghĩa bảo hộ thương mại, hội nhập châu Âu, và toàn cầu hóa kinh tế, những người cực hữu và cực tả thường chia sẻ cùng quan điểm. Ví dụ, tại Pháp, nhiều người ủng hộ Đảng Mặt trận Dân tộc đã bầu cho những người cộng sản cách đây 30 năm. Và quả thật, chương trình kinh tế của Đảng Mặt trận Dân tộc khá giống với chương trình của Mặt trận Cánh tả (một khối cử tri gồm Đảng Cộng sản và Đảng Cánh tả Pháp).
Dĩ nhiên, khi đề cập đến vấn đề di cư và nhân quyền, truyền thống tư tưởng quốc tế chủ nghĩa của chủ nghĩa xã hội đã ngăn chặn những người cực tả tiếp nhận quan điểm dân tộc chủ nghĩa hay phân biệt chủng tộc cực đoan. Tuy nhiên, với việc những đảng này đang cạnh tranh với phe cực hữu để giành những cử tri đã thất vọng như nhau, chủ nghĩa nhân văn của họ về những vấn đề này đã trở thành một trở ngại chính trị nghiêm trọng, điều có thể giải thích tại sao phe cánh hữu cực đoan gần đây đã thành công hơn trong bầu cử.
Trong khi đó, sự nổi lên của các phong trào chính trị định hướng bởi bản sắc là một thách thức lớn đối với các đảng chính trị truyền thống của châu Âu. Những người bảo thủ chính thống, được nhận thức rộng rãi là đang phục vụ những lợi ích kinh tế của người giàu, phải tìm cách để thể hiện mình như những người theo chủ nghĩa dân túy – nhưng không tỏ ra thái quá như những đối thủ cực hữu về vấn đề di cư và nhân quyền. Cameron đã thành công trong hành động cân bằng tinh tế này – và đã được các cử tri tưởng thưởng. Những nhà Cộng hòa chính thống ở Hoa Kỳ, chịu áp lực từ những lực lượng cực đoan hơn trong đảng của mình, cũng phải đối mặt với thách thức tương tự.
Đối với các đảng trung tả, nhiệm vụ thậm chí còn khó khăn hơn. Họ phải mang đến cho các cử tri một chương trình kinh tế thiết thực thân thiện với thị trường và mở cửa đối với thương mại quốc tế, trong khi hứa hẹn mang lại những lợi ích rõ rệt cho khoảng 60-70% dân số nghèo hơn, những người đang thất vọng một cách dễ hiểu với sự thiếu tiến bộ kinh tế. Nếu chính sách kinh tế của một đảng cánh tả được xem là yếu ớt so với chương trình nghị sự của phe cánh hữu, nhóm dân số nghèo nhất sẽ hướng về các lực lượng sô vanh chủ nghĩa và những lời hứa giả dối của họ về việc bảo vệ người nghèo trước những hệ quả của toàn cầu hóa.
Các cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ kỳ, Đan Mạch, và Bồ Đào Nha – chưa kể đến cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm sau – sẽ cho thấy những phiên bản riêng của họ về những thách thức này. Đặc biệt, phe cánh tả sẽ phải bảo vệ các nguyên tắc bình đẳng và dân chủ, trong khi tìm cách quản lý sự toàn cầu hóa không thể đảo ngược, kể cả thông qua hợp tác quốc tế. Nghịch lý lớn là nếu sự trỗi dậy của nền chính trị bản sắc tiếp tục tiếp diễn, các chính phủ thậm chí sẽ ít có khả năng hơn trong việc giải quyết những vấn đề đang thúc đẩy điều đó.
Kemal Derviş, cựu Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và cựu Quản trị viên Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), là phó Chủ tịch Viện Brookings.
Ảnh: Lãnh đạo Đảng Dân tộc Scotland Nicola Sturgeon công bố tuyên ngôn mới của đảng tại Edinburgh. Nguồn: Telegraph.