Nguồn: Richard Kozul-Wright & Daniel Poon, “Development Finance with Chinese Characteristics?” Project Syndicate, 20/05/2015.
Biên dịch: Nghiêm Hồng Sơn | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Sau một loạt bổ sung vào phút cuối các thành viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), bây giờ người ta chuyển hướng chú ý sang việc thiết lập các luật lệ và quy tắc hoạt động của AIIB do Trung Quốc dẫn đầu. Nhưng vẫn còn những câu hỏi quan trọng – và quan trọng nhất là AIIB là một đối thủ tiềm năng hay là thành viên mới được chào đón để bổ sung cho các tổ chức tài chính đa phương hiện có như Ngân hàng Thế giới.
Kể từ khi Trung Quốc và 20 quốc gia chủ yếu là châu Á ký bản ghi nhớ thành lập AIIB hồi tháng 10 năm ngoái, 36 quốc gia khác – trong đó có Australia, Brazil, Ai Cập, Phần Lan, Pháp, Đức, Indonesia, Iran, Israel, Ý, Na Uy, Nga, Ả Rập Xê-út, Nam Phi, Hàn Quốc, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, và Vương quốc Anh – đã tham gia với tư cách là các thành viên sáng lập.
Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, các thành viên sáng lập của AIIB sẽ hoàn tất đàm phán về các Điều khoản Hiệp định trước tháng 7, để bắt đầu hoạt động vào cuối năm nay. Trung Quốc sẽ đóng vai trò là chủ tọa thường trực của các cuộc đàm phán và nước chủ nhà sẽ là đồng chủ tọa. Hội nghị các trưởng đoàn đàm phán lần thứ tư đã hoàn tất ở Bắc Kinh vào cuối tháng 4, và hội nghị lần thứ năm sẽ diễn ra tại Singapore vào cuối tháng 5. Nhà kinh tế Trung Quốc Kim Lập Quần (Jin Liqun) đã được chọn để lãnh đạo Ban thư ký đa phương lâm thời của AIIB, có trách nhiệm giám sát việc thành lập ngân hàng này.
Trong khi GDP sẽ là tiêu chí cơ bản để phân bổ vốn góp giữa các thành viên sáng lập, Bộ Tài chính Trung Quốc đã đề xuất trong tháng 10 năm ngoái rằng Trung Quốc không nhất thiết phải góp 50% cổ phần của AIIB theo tỷ trọng GDP của nó. Hơn nữa, mặc dù AIIB sẽ có trụ sở tại Bắc Kinh, Bộ Tài chính đã cho biết rằng việc thành lập các văn phòng khu vực và bổ nhiệm các nhà quản lý cấp cao sẽ phải được tham vấn và đàm phán thêm.
Cũng như Ngân hàng Phát triển Mới với số vốn đầu tư 50 tỉ đô la Mỹ được các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi) thông báo thành lập vào mùa hè năm ngoái, AIIB phải đối mặt với sự giám sát đáng kể, với việc một số lãnh đạo phương Tây đã đặt câu hỏi về cách quản trị, tính minh bạch, và động cơ của nó. Thật vậy, nhiều người phương Tây đã mô tả việc thành lập ngân hàng này là một phần của nỗ lực nhằm thay thế các ngân hàng đa phương hiện có.
Nhưng các ngân hàng phát triển mới dường như quan tâm đến việc cải thiện các tổ chức tín dụng hiện nay hơn là thay thế chúng – một mục tiêu chung của chính các tổ chức tài chính này. Như Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Sử Diệu Bân (Shi Yaobin) chỉ ra trong thời gian gần đây, bằng cách nhận ra sự cần thiết phải cải cách quản trị, những tổ chức tín dụng đa phương hiện có đã chỉ ra rằng, trên thực tế, không có “thực tiễn tốt nhất” (best practices) mà chỉ có “thực tiễn tốt hơn.” Không có lý do gì để cho rằng cải tiến không thể bắt nguồn từ những nơi khác.
Trên thực tế, với cách tiếp cận phát triển vừa làm vừa điều chỉnh của mình, Trung Quốc rất phù hợp – và như một số quan chức cấp cao đã nói bóng gió – và rất sẵn sàng đóng góp vào quá trình này. Nếu Trung Quốc có thể giúp tìm ra cách cân bằng nhu cầu cho vay theo chuẩn mực cao và đảm bảo an toàn với việc giải ngân nhanh chóng, việc quản trị kinh tế toàn cầu sẽ được lợi đáng kể.
Trong quá trình đi tiên phong tìm cách tiếp cận thực tế hơn về tài chính phát triển, mô hình thể chế của Trung Quốc có thể là Quỹ Con đường tơ lụa (SRF) trị giá 40 tỉ đô la Mỹ mà Chủ tịch Tập Cận Bình công bố cuối tháng 11 năm ngoái. SRF và AIIB sẽ là các công cụ tài chính chủ chốt trong chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, tập trung vào việc tạo ra hai Con đường tơ lụa hiện đại: “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa” (trên đất liền) và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” – trải dài trên khắp châu Á tới châu Âu. Sáng kiến này sẽ nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác kinh tế và hội nhập trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chủ yếu bằng cách cung cấp tài chính để xây dựng cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường sắt, sân bay, cảng biển, và các nhà máy điện.
Tuy nhiên, SRF lại nhận được sự chú ý rất ít từ giới truyền thông phương Tây. Điều này thật là không may, bởi vì chỉ từ những gì ta biết rất ít về nó cũng cho thấy rằng nó có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi tài chính phát triển.
Theo truyền thông Trung Quốc, SRF sẽ được cấp vốn bởi bốn cơ quan nhà nước. Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia góp 65%; Tổng công ty Đầu tư Trung Quốc (CIC, Quỹ đầu tư quốc gia của nước này) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Exim) mỗi bên góp 15%; và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) góp 5% còn lại. Quỹ được đăng ký chính thức vào tháng 12 năm 2014, và cuộc họp đầu tiên của Ban Giám đốc đã được tổ chức vào tháng sau đó.
Theo một nghĩa nào đó, SRF có thể được coi là sáng kiến về quỹ đầu tư quốc gia mới nhất của Trung Quốc, và thậm chí một số hãng truyền thông đã gọi nó là “CIC thứ hai.” Nhưng trong khi CIC thuộc sự kiểm soát quản lý của Bộ Tài chính, hoạt động của SRF có vẻ chịu ảnh hưởng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC).
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Thống đốc PBOC Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan) cho rằng SRF sẽ tập trung hơn vào “các dự án hợp tác,” đặc biệt là đầu tư vốn cổ phần trực tiếp, trước khi nói bóng gió về các đặc điểm tài chính “cân bằng” của quỹ này. Ví dụ, ông Chu nói rằng SRF sẽ áp dụng thời hạn ít nhất là 15 năm cho các khoản đầu tư, chứ không phải chỉ có 7-10 năm như nhiều quỹ đầu tư tư nhân, để tính đến khả năng hoàn vốn chậm hơn khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển.
Hơn nữa, SRF có thể hoạt động như một chất xúc tác cho các tổ chức tài chính khác của nhà nước để góp vốn sở hữu và trả nợ cho dự án được lựa chọn. SRF và các nhà đầu tư cả công lẫn tư khác trước tiên sẽ đầu tư cổ phần chung trong một dự án. China Exim và CDB sau đó có thể giải ngân các khoản vay để giúp (chủ đầu tư) trả nợ, trong khi CIC cung cấp thêm vốn đầu tư cho chủ sở hữu. Khi AIIB hoạt động chính thức, nó cũng có thể hỗ trợ quá trình này bằng cách sắp xếp cho vay trả nợ cùng với đầu tư sở hữu ban đầu của SRF.
Tất nhiên, vẫn còn nhiều điều cần phải hiểu về những sáng kiến tài chính mới này. Nhưng người ta có thể nhìn thấy những đường nét đang nổi lên của một quang cảnh tài chính hỗ trợ phát triển Nam-Nam với tiềm năng chuyển đổi phương thức tín dụng đa phương một cách rộng rãi hơn.
Richard Kozul-Wright là giám đốc Vụ Toàn cầu hóa và Chiến lược Phát triển tại Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, và là tác giả của cuốn Các nền kinh tế đang chuyển đổi: Để chính sách công nghiệp tạo ra tăng trưởng, việc làm, và phát triển (Transforming Economies: Making Industrial Policy Work for Growth, Jobs, and Development).
Daniel Poon là chuyên viên kinh tế tại Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển.