Tác giả: Nguyễn Thế Phương
Trung Quốc vừa công bố Sách trắng Quốc phòng đề cập tới chiến lược quân sự Trung Quốc trong bối cảnh an ninh khu vực và thế giới đang diễn biến phức tạp. Sách trắng tuyên bố rõ quan điểm của nước này: “Chúng tôi (Trung Quốc) sẽ không tấn công trước trừ khi bị tấn công nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ phản công nếu bị tấn công”. Theo đó, không quân Trung Quốc sẽ chuyển trọng tâm nhiệm vụ từ phòng thủ sang cả tấn công và phòng thủ. Trong khi đó, hải quân cũng sẽ mở rộng phạm vi hoạt động, từng bước chuyển đổi mô hình của lực lượng hải quân từ “phòng thủ ven bờ” sang kết hợp giữa “phòng thủ ven bờ” và “bảo vệ tầm xa”; xây dựng hệ thống tác chiến trên biển mang tính chất đa binh chủng hợp thành, đa năng và hiệu quả.
Keith Johnson trên Foreign Policy đã nêu lên 5 điểm đáng chú ý trong sách trắng quốc phòng lần này.
Thứ nhất là tuy nhấn mạnh vào xu thế chủ đạo của hoà bình và hợp tác, nhưng Trung Quốc cũng khẳng định rằng tồn tại các mối đe doạ đến từ “chủ nghĩa bá quyền, chính trị quyền lực và chủ nghĩa can thiệp mới” tới an ninh quốc gia của Trung Quốc. Trung Quốc phải đối mặt với nhiều mối đe doạ trên mọi mặt trận.
Thứ hai, sách trắng quốc phòng tiếp tục nhấn mạnh tới các vấn đề an ninh xung quanh Trung Quốc hiện nay, nổi bật là biển Đông. Bắc Kinh đảm bảo rằng sẽ “chuẩn bị nếu như đối đầu quân sự” xảy ra tại các vùng biển gần khi mục tiêu an ninh chiến lược của Trung Quốc là “bảo đảm chủ quyền lãnh thổ quốc gia, lợi ích và quyền lợi trên biển, đảm bảo hoà bình và ổn định tại khu vực ngoại vi”.
Thứ ba, sách trắng quốc phòng đã khẳng định lại một lần nữa mong muốn xây dựng một lực lượng hải quân mạnh. Sách trắng có đoạn: “Tư tưởng truyền thống đất thống trị biển phải thay đổi, trọng tâm quan trọng là phải tìm cách quản trị biển cả và đại dương cho phù hợp với lợi ích và quyền lợi hàng hải. Trung Quốc cần phải phát triển một cấu trúc quân đội hải dương hiện đại phù hợp, đảm bảo lợi ích hàng hải, bảo vệ các tuyến đường hàng hải chiến lược, tham gia vào hợp tác hàng hải quốc tế, biến quốc gia trở thành một cường quốc đại dương”.
Thứ tư, phòng thủ chủ động tiếp tục được nhấn mạnh. “Chúng ta sẽ không tấn công trước trừ khi chúng ta bị tấn công, nhưng chúng ta chắc chắn sẽ phản công nếu như bị tấn công”. Lần đầu tiên, sách trắng quốc phòng Trung Quốc đề cập đến xu hướng dịch chuyển chiến lược này. Trong đó, hải quân và không quân Trung Quốc sẽ đóng vai trò mạnh mẽ hơn. “Hải quân Trung Quốc sẽ tăng cường năng lực răn đe chiến lược, năng lực phản công, triển khai hàng hải, và phối hợp đa binh chủng trên biển, phòng thủ toàn diện cũng như hỗ trợ toàn diện”.
Thứ năm, Trung Quốc sẽ đóng một vai trò toàn cầu mạnh mẽ hơn. Trước đây, Trung Quốc tập trung vào các vấn đề đối ngoại khu vực và trong nước. Nhưng hiện tại, với những lợi ích lan rộng tại châu Mỹ, châu Phi và Trung Đông, Bắc Kinh nhận ra cần phải mở rộng năng lực quốc phòng của mình ra bên ngoài một khi sức mạnh kinh tế ngày một gia tăng. “…lực lượng quân đội Trung Quốc sẽ tham dự một cách tích cực hơn vào các hợp tác an ninh toàn cầu, đảm bảo lợi ích hải ngoại của Trung Quốc”.
Về mặt chiến thuật, học thuyết chủ đạo của quân đội Trung Quốc vẫn là tìm cách chiến thắng các cuộc chiến tranh khu vực trong điều kiện thông tin hoá cao độ. Sách trắng quốc phòng cũng nhấn mạnh tới các yếu tố công nghệ quốc phòng đang phát triển mạnh mẽ như các loại vũ khí không người lái, có độ chính xác cao, và thông minh. Môi trường không gian và môi trường mạng là những mặt trận mới trong quá trình cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Vì vậy, Trung Quốc sẽ tăng cường phát triển các khả năng chiến tranh mạng, mở rộng chương trình không gian, các năng lực tấn công chính xác tầm xa và tầm gần, hoàn thiện năng lực của không quân…
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã nỗ lực nghiên cứu chế tạo và đưa vào trang bị nhiều chủng loại vũ khí mới. Trong số này có tên lửa hành trình siêu âm chống hạm YJ-18. Theo Giáo sư Lyle J. Goldstein thuộc Học viện hải chiến Hoa Kỳ, YJ-18 có thể trở thành “cơn ác mộng” của hải quân nước Mỹ. Trong số các tài liệu được Hoa Kỳ công bố gần gần đây, YJ-18 được đánh giá là bước cải tiến quan trọng, là điểm sáng trong kho tên lửa siêu âm của Trung Quốc. Báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho rằng tên lửa này có thể đạt tầm bắn lên đến 290 hải lý, gần gấp đôi so với tên lửa Klub (phiên bản xuất khẩu) của Nga. Một số nhà phân tích cho rằng YJ-18 thực chất chỉ là sản phẩm sao chép của tên lửa Klub và việc Trung Quốc nhập khẩu tàu ngầm cũng chỉ nhắm tới mục tiêu cuối cùng là nhập khẩu vũ khí đi kèm. Giai đoạn đầu YJ-18 duy trì tốc độ hành trình là 0,8 Mach (gần vận tốc âm thanh); khi còn cách mục tiêu khoảng 20 km, tốc độ bay sẽ được đẩy lên mức 2,5 – 3 Mach. Hoa Kỳ hiện chưa sở hữu bất kỳ tên lửa chống hạm siêu âm nào, và việc này khiến cho quá trình phân tích và tìm hiểu YJ-18 có một số thiếu sót, theo Goldstein.
Bên cạnh vũ khí, ngành công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc cũng dành được nhiều sự chú ý từ các nhà phân tích quốc phòng. Andrew Erickson từ Học viện Hải chiến đã đưa ra một số thực tế liên quan tới ngành công nghiệp quan trọng này ở Trung Quốc, một phần của thành tố quyền lực biển của quốc gia. Thứ nhất, ngành công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc phát triển nhanh hơn bất cứ một quốc gia nào khác trong lịch sử hiện đại. Mặc dù về mặt phát triển tổng thể là đáng chú ý, nhưng một số lĩnh vực bên trong ngành vẫn còn có những khác biệt lớn. Thứ hai, Trung Quốc đã có khả năng “nhảy cóc” về mặt (đóng tàu) hải quân, kỹ thuật, và quy trình chế tạo, tiết kiệm được rất nhiều chi phí và thời gian nhờ thực hiện “mô phỏng đổi mới” (imitative innovation) dựa trên công nghệ của các quốc gia khác. Thứ ba, các thiết kế tàu chiến và những nỗ lực phát triển đổi mới được dẫn dắt bởi hai yếu tố. Các nghiên cứu về công nghệ và chiến lược tổng hợp từ hai cơ quan nghiên cứu chủ chốt và sự chú trọng công nghiệp đóng tàu theo các tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn của hải quân. Thứ tư, nếu xu hướng hiện tại tiếp tục được giữ vững, Trung Quốc sẽ trở thành lực lượng hải quân hùng mạnh thứ hai thế giới vào năm 2020 (vượt Nga), với số lượng và chất lượng vũ khí khí tài tương đương với hải quân Hoa Kỳ vào năm 2030. Thứ năm, vào năm 2020, Trung Quốc sẽ có thể trang bị cho các tàu chiến của mình một lượng lớn tên lửa hạm với tầm bắn xa hơn tất cả các hệ thống hiện tại của hải quân Hoa Kỳ.
Một số tin vắn đáng chú ý:
Hoa Kỳ nhắc lại cam kết hỗ trợ 18 triệu USD cho Việt Nam mua tàu tuần tra bảo vệ bờ biển trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Aston Carter tới Việt Nam. Cam kết này được đưa ra lần đầu năm 2013. “Chúng tôi cần hiện đại hóa mối quan hệ đối tác. Sau 20 năm, đã có thêm nhiều thứ để chúng tôi có thể thực hiện cùng nhau” – ông Carter nói khi tới thăm thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, khả năng chứng kiến một sự vượt trội về doanh số quốc phòng giữa hai nước có thể không chắc chắn bởi hai nhân tố chủ yếu sau. Thứ nhất, khả năng tài chính của Việt Nam có hạn do đó Hà Nội sẽ phải cân nhắc khi mua các trang thiết bị hiện đại và công nghệ cao. Thứ hai, đa số các trang thiết bị quân sự của Việt Nam hiện nay đều mua của Nga, việc tích hợp các vũ khí của Hoa Kỳ vào hệ thống chung có thể gây khó khăn cho Việt Nam. Cũng theo ông Carter, hiện Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, dự định sẽ trình bày dự luật thay đổi lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Andrew Davies nêu ra thách thức lớn nhất cho quân đội Hoa Kỳ hiện tại: tác chiến phi đối xứng: bao gồm chiến tranh du kích và chiến lược “chống xâm nhập/chống tiếp cận”. Để chống lại mối đe doạ này, Andrew đề xuất hai xu hướng. Thứ nhất là duy trì ưu thế lợi thế mang tính khoa học kỹ thuật của quân đội Hoa Kỳ, tiếp tục đầu tư vào chế tạo các loại vũ khí hiện đại. Thứ hai là chế tạo các hệ thống vũ khí có thể không quá hiện đại, nhưng với số lượng lớn và triển khai một cách phân tán. Dựa trên bộ phim khoa học viễn tưởng Chiến tranh giữa các vì sao, Andrew cho rằng sức mạnh quân sự trong tương lai nên dựa trên loại rô-bốt có trí thông minh nhân tạo như R2D2 hơn là loại vũ khí khổng lồ, chứa đựng quá nhiều công nghệ với chi phí to lớn như Death Star.
Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama vừa bổ nhiệm Đô đốc John Richardson làm Tổng tham mưu trưởng hải quân. Dù ông Richardson là một nhân vật tài giỏi, nhưng theo các nhà phân tích, điều này sẽ ảnh hưởng tới Chương trình phát triển động cơ năng lượng hạt nhân cho hải quân (Naval Nuclear Propulsion Program) do ông đang là người đứng đầu chương trình này. Richardson mới chỉ làm nhiệm vụ này được 2 năm (theo truyền thống từ trước đến nay, người đứng đầu chương trình hạt nhân của hải quân có nhiệm kỳ 8 năm). Điều này tác động hết sức to lớn tới tính hiệu quả cũng như độ tin cậy của toàn bộ chương trình hạt nhân hải quân, vốn là hòn đá tảng cho sức mạnh công nghệ của hải quân Hoa Kỳ.