Màn đi dây giữa các cường quốc của Thái Lan

0,,18366594_303,00

Nguồn: Thitinan Pongsudhirak, “Thailand’s delicate dance with the major powers,” East Asia Forum, 18/05/2015

Biên dịch: Nguyễn Thị Thúy Mai | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Thái Lan giờ đây đang đi trên sợi dây được căng giữa các nước lớn. Gần đây, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã có chuyến thăm cấp cao tới Bangkok, được đón tiếp bởi chính phủ đảo chính của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha. Chuyến thăm của Medvedev cho thấy Thái Lan đang có chiến lược tranh thủ các cường quốc độc tài, cụ thể là Nga và Trung Quốc, nhằm thách thức những chỉ trích của phương Tây về cuộc đảo chính và chính quyền quân sự ở Bangkok.

Đồng thời, chuyến thăm của Medvedev, cùng với các can dự cấp cao gần đây giữa Thái Lan và Trung Quốc, đã chỉ ra rằng chính phủ quân sự đang có các toan tính. Nó không chỉ tranh thủ sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc mà còn đang chờ thời cơ nối lại quan hệ với phương Tây ngay khi có cơ hội. Cũng như những trường hợp thường thấy trong ngoại giao và chính trị với các nước lớn, chính phủ của Chan-o-cha đang tìm kiếm sự cân bằng ở đâu đó (giữa Nga và Trung Quốc với phương Tây).

Trong những toan tính chính sách đối ngoại của Nga, chuyến thăm của Medvedev tới Bangkok, và tới bất cứ đâu ở Đông Nam Á, là một phần của chiến lược lớn hơn có tên là “xoay trục sang châu Á,” phảng phất chiến lược địa chính trị của Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama. Từng là một cường quốc Á- Âu trải rộng ra cả Đông Âu và Trung Á, dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, nước Nga hậu Xô viết đang giành lại vinh quang và lãnh thổ đã mất của mình.

Nhưng sự quyết đoán của Nga sẽ phải trả một cái giá đắt. Việc Moskva sáp nhập Crimea và trận chiến đang tiếp diễn ở miền Đông Ukraine đang phải hứng chịu sự chỉ trích và các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây. Nền kinh tế dựa trên các hàng hóa cơ bản yếu kém của Nga đã phải quay sang Trung Quốc, cả Triều Tiên và Hàn Quốc, và thậm chí là cả Nhật Bản, để tìm kiếm sự trợ giúp. Nhưng trong khi Nhật Bản bị ràng buộc bởi hiệp ước liên minh với Mỹ, giới lãnh đạo Trung Quốc lại đang chiều lòng Nga. Quan hệ Moskva – Bắc Kinh được cho là đang trong thời kỳ nồng ấm nhất kể từ thời Chia rẽ Trung-Xô những năm 1960-1980.

Đông Nam Á luôn là một phần trong những luận điệu về chính sách đối ngoại của Nga, nhưng giờ khu vực này đang trở nên một mối quan tâm thực tế. Ngoài Việt Nam, đồng minh truyền thống của Moskva từ thời Chiến tranh Lạnh, giới lãnh đạo Nga cũng đang chú ý tới Thái Lan và các nước ASEAN khác. Nga đang tìm cách dựa dẫm vào sự trỗi dậy của châu Á ở thế kỷ 21, mà Đông Nam Á là tiền phương và trung tâm của xu thế này. Về phần mình, Thái Lan có vai trò quan trọng trong tầm nhìn địa chiến lược của Nga vì vị trí và ưu thế trọng yếu của nước này.

Việc sắp xếp lại xu hướng quan hệ giữa các cường quốc đang diễn ra trên sân khấu toàn cầu này có các ảnh hưởng sâu rộng, đưa Trung Quốc và Nga và những nhà độc tài nặng ký đối chọi lại các nước phương Tây – cùng với một số nền dân chủ ở Châu Á, chẳng hạn như Nhật Bản. Là một nước tầm trung vững chắc khi thích ứng được với hoàn cảnh mới và một nước đang phát triển còn non trẻ khi không không thích ứng được, Thái Lan rõ ràng là đang nằm kẹt ở giữa.

Điều này có nghĩa là bất cứ chính quyền đang tại nhiệm nào ở Bangkok – cho dù là các chính phủ tiền nhiệm xuất phát từ guồng máy chính trị của Thaksin Shinawatra, chính phủ đối lập của Đảng Dân chủ, hay chính quyền quân sự – Thái Lan cũng phải chào đón sự trỗi dậy của Trung Quốc và hoan nghênh những đề nghị của Nga. Trung Quốc là cường quốc mới trong vùng, và Nga đem lại cho Bangkok một lựa chọn dự phòng hữu ích trong bối cảnh địa chính trị khu vực. Hơn nữa, mối quan hệ của Trung Quốc với Thái Lan đã tồn tại từ nhiều thế kỷ trước, trong khi Nga cũng từng là một người bạn lúc cần trong những giờ phút Thái Lan cần sự giúp đỡ vào những năm 1890-1900 khi các đế quốc châu Âu gây áp lực lên Bangkok từ mọi phía.

Nhưng cũng có một mức độ nào đó của cái có thể gọi là “sự xoay trục của Thái Lan sang chủ nghĩa chuyên chế bên ngoài” đang diễn ra. Dưới một chính phủ chính danh dân chủ hơn ở Bangkok, được dẫn dắt bởi các đảng do Thaksin kiểm soát hoặc Đảng Dân chủ, hành động leo dây của Thái Lan giữa các cường quốc có thể còn cân bằng hơn. Các nước phương Tây và Nhật Bản vẫn sẽ săn đón Bangkok nhiều hơn cho dù Trung Quốc và Nga có tích cực theo đuổi Thái Lan.

Nhưng chủ nghĩa chuyên chế trong nước lại củng cố cho việc Thái Lan quay sang các chế độ chuyên chế bên ngoài nào sẵn sàng bắt tay với chính quyền quân sự ở Bangkok. Những phản ứng cứng rắn đối với cuộc đảo chính và chính quyền chuyên chế trong nước từ phía Nhật Bản và phương Tây vẫn có thể sẽ tiếp tục chừng nào Bangkok còn bị tước mất một chính phủ dân chủ chính danh dựa trên chủ quyền nhân dân. Nếu điều này vẫn tiếp tục, chính quyền chuyên chế trong nước của Thái Lan, cùng với việc theo đuổi các chế độ độc tài có thiện chí và dễ dãi (với Thái Lan) ở nước ngoài, sẽ trở nên cố thủ hơn.

Nếu chính quyền quân sự không tồn tại lâu và Thái Lan trở về với cộng đồng các quốc gia dân chủ toàn cầu thì khi ấy Bangkok nhiều khả năng sẽ định vị lại chính mình trong quan hệ với các cường quốc. Vì vậy chính sách đối ngoại của Thái Lan phụ thuộc vào thời gian chính phủ đảo chính lâm thời kéo dài trong bao lâu: cuộc đảo chính càng kéo dài thì nguy cơ chủ nghĩa chuyên chế ở Thái Lan sẽ gắn kết với các cường quốc chuyên chế ở bên ngoài trong dài hạn càng lớn.

Chỉ cách đây hai thập niên, dường như vị trí của Thái Lan trong các xã hội mở, các nền kinh tế thị trường, và các chính thể dân chủ của cộng đồng toàn cầu đã được bảo đảm vững chắc. Điều này không còn đúng nữa. Nhưng ngay cả khi quân đội vẫn duy trì được quyền lực ở Bangkok trong nhiều năm, cũng khó mà tưởng tượng được Thái Lan sẽ trở thành một thành viên chính thức của câu lạc bộ chuyên chế và phi dân chủ mãi mãi.

Vấn đề quan trọng là liệu sự dân chủ hóa của Thái Lan và xã hội dân sự của nó đã tiến đủ xa để chịu đựng được chính quyền quân sự hay không. Mặc dù chủ nghĩa chuyên chế đã tạo ra một sự hồi sinh đáng chú ý, một nền văn hóa đa nguyên – được nuôi dưỡng trong những năm 1970-1990, và được củng cố bởi những chuẩn mực quốc tế và công nghệ truyền thông – có thể đã bám rễ đủ mạnh để duy trì một xã hội cởi mở và chính thể dân chủ. Phán quyết cuối cùng sẽ trở nên rõ ràng hơn trong vài năm tới. Và rất có thể đó sẽ là một quá trình lộn xộn và kéo dài.

Thitinan Pongsudhirak là Phó Giáo sư và là Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế tại Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan.