Nguồn: “Eisenhower rejects calls for U.S. ‘isolationism’,” History.com (truy cập ngày 09/6/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1953, trong một bài phát biểu mạnh mẽ, Tổng thống Dwight D. Eisenhower đã phản bác những lời chỉ trích về chính sách đối ngoại thời Chiến tranh Lạnh của ông. Eisenhower nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ đã tham gia cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản trên toàn cầu và sẽ duy trì một nền quốc phòng mạnh mẽ. Chỉ một vài tháng sau khi lên nắm quyền tổng thống, và với cuộc Chiến tranh Triều Tiên vẫn tiếp tục diễn ra dữ dội, Eisenhower đã đặt ra cách tiếp cận cơ bản cho chính sách đối ngoại của ông bằng bài phát biểu này.
Ít tuần trước đó, Thượng nghị sĩ Robert Taft và Đại tướng Hoyt Vandenberg đã đưa ra những thách thức đối với chính sách đối ngoại của Tổng thống. Taft lập luận rằng nếu nỗ lực để đạt được một thỏa thuận hòa bình tại Triều Tiên đã thất bại thì Hoa Kỳ nên rút khỏi lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc và đưa ra chính sách của riêng mình để đối phó với Bắc Triều Tiên. Còn Vandenberg đã nổi giận với đề nghị cắt giảm 5 tỉ đô la Mỹ từ ngân sách của lực lượng không quân của Eisenhower.
Eisenhower trả lời cả hai mà không nhắc đến tên họ trong một bài phát biểu tại một buổi họp của Tiểu phòng thương mại quốc gia (National Junior Chamber of Commerce) ở Minneapolis. Ông bắt đầu bài phát biểu bằng cách mô tả Chiến tranh Lạnh như một trận chiến “vì linh hồn của chính con người.” Ông bác bỏ ý tưởng của Taft rằng Hoa Kỳ cần phải theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập hoàn toàn, hay cái mà người ta “có thể gọi là lý thuyết quốc phòng ‘pháo đài’.” Thay vào đó, ông nhấn mạnh rằng các quốc gia tự do phải đứng lại cùng nhau: “Không có cái gọi là thống nhất một phần.”
Để trả lời những chỉ trích của Vandenberg về ngân sách mới dành cho lực lượng không quân, Tổng thống Eisenhower giải thích rằng một số lượng lớn các máy bay là không cần thiết trong thời đại nguyên tử mới. Chỉ cần một vài chiếc máy bay được trang bị vũ khí hạt nhân cũng có thể “giáng xuống kẻ thù sức mạnh hủy diệt tương đương những gì nước Đức đã phải gánh chịu trước toàn bộ nỗ lực của không quân Hoa Kỳ trong suốt bốn năm diễn ra Thế chiến II.”
Với bài phát biểu này, Eisenhower đã đề ra hai điểm chính của chính sách đối ngoại mà sau này được biết đến dưới tên gọi “Cái nhìn mới” (“New Look”) của ông. Thứ nhất là sự ủng hộ của ông dành cho những phản ứng đa quốc gia trước sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản thay cho những hành động đơn phương của Hoa Kỳ. Thứ hai là ý tưởng mà sau này được biết đến như là chiến lược quốc phòng “đáng đồng tiền bát gạo” (“bigger bang for the buck”). Chiến lược này mặc nhiên công nhận rằng một nền quốc phòng rẻ hơn và hiệu quả hơn có thể được xây dựng dựa trên kho vũ khí hạt nhân của quốc gia chứ không phải dựa trên sự phát triển của các lực lượng trên bộ, trên không, và trên biển thông thường.