Chế độ trọng dụng nhân tài và những giới hạn của dân chủ ở Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

_73379040_73379039

Nguồn: Daniel A. Bell, “Chinese Democracy Isn’t Inevitable,” The Atlantic, 29/05/2015.

Biên dịch: Nghiêm Hồng Sơn | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Những nhược điểm trong hệ thống chính trị của Trung Quốc là rất rõ ràng. Thậm chí chính phủ còn không thèm giả vờ tổ chức các cuộc bầu cử cấp quốc gia và trừng phạt những ai công khai kêu gọi một chính quyền đa đảng. Truyền thông bị kiểm duyệt khắt khe còn Internet thì bị chặn. Các nhà lãnh đạo cấp cao không bị giới hạn bởi các quy định của pháp luật. Thậm chí đáng lo ngại hơn là đàn áp đã được đẩy mạnh kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, cho thấy rằng chế độ ngày càng lo lắng về tính chính danh của nó.

Một số chuyên gia về Trung Quốc – gần đây nhất là David Shambaugh từ Đại học George Washington – giải thích những dấu hiệu đáng ngại này là bằng chứng cho thấy hệ thống chính trị của Trung Quốc đang trên bờ sụp đổ. Nhưng một kết cục như vậy là rất khó xảy ra trong tương lai gần.

Đảng Cộng sản đang nắm chắc quyền lực, lãnh đạo tối cao của Đảng được nhiều người ủng hộ, và hiện không có lựa chọn chính trị thay thế nào khác được ủng hộ rộng rãi. Và điều gì sẽ xảy ra nếu quyền lực của Đảng thực sự sụp đổ? Theo quan điểm của tôi, kết cục khả dĩ nhất sẽ là nước này được cai trị bởi một lãnh đạo dân túy cứng rắn và được lực lượng an ninh và quân đội ủng hộ. Vị lãnh đạo mới có thể tìm cách củng cố tính chính danh của mình bằng cách tung ra những cuộc phiêu lưu quân sự ở nước ngoài. So với một người như thế thì Chủ tịch Tập Cận Bình còn nhu mì hơn.

Một kết cục thực tế hơn, và có thể là được mong đợi hơn, sẽ liên quan đến sự thay đổi chính trị được xây dựng trên những ưu điểm của hệ thống hiện tại. Nhưng chính xác thì đâu là những phần tốt đẹp của mô hình chính trị Trung Quốc? Và làm thế nào những điểm này có thể được phát huy mà không bị đàn áp? Tôi tin rằng mô hình này có thể được cải thiện trong một môi trường chính trị cởi mở hơn và cuối cùng là để người dân quyết định qua một cuộc trưng cầu dân ý.

***

Cho đến nay, chính quyền Trung Quốc cho thấy họ không hề quan tâm đến việc tiến hành bầu cử dân chủ cho các chức danh lãnh đạo cấp cao. Nhưng đó không phải là dạng cải cách chính trị duy nhất. Ở Trung Quốc, thay đổi chính trị trong ba thập niên qua được thực hiện qua ba nguyên tắc: cấp chính quyền thấp hơn thì hệ thống chính trị sẽ dân chủ hơn; nơi tối ưu để thử nghiệm các mô hình hoạt động và thể chế mới là ở giữa các cấp thấp nhất và cao nhất của chính phủ; và ở các cấp chính quyền càng cao thì hệ thống chính trị càng trọng dụng nhân tài.

Chính phủ Trung Quốc đã giới thiệu bầu cử dân chủ cấp thôn vào cuối những năm 1980 để duy trì trật tự xã hội, chống tham nhũng tại cấp lãnh đạo địa phương; đến năm 2008, hơn 900 triệu người dân cấp thôn ở Trung Quốc đã thực hành quyền bỏ phiếu. Cử tri không chọn giữa các đảng phái chính trị; thay vào đó, họ trực tiếp đề cử các ứng viên và bỏ phiếu kín để chọn ra một ủy ban có nhiệm kỳ ba năm. Tỷ lệ cử tri đi bầu thường cao và cách tiến hành bầu cử đã được cải thiện theo thời gian.

Chính phủ Trung Quốc có lý do để ủng hộ cuộc bầu cử dân chủ ở cấp địa phương. Trong các cộng đồng nhỏ, mọi người biết rõ hơn về năng lực và đạo đức của các nhà lãnh đạo mà họ lựa chọn. So với cấp quốc gia, vấn đề chính sách ở cấp địa phương đơn giản hơn, dễ tạo ra nhận thức cộng đồng hơn, và các sai lầm cũng ít gây hại hơn.

Tại các tỉnh và thành phố, chính phủ Trung Quốc thực hiện thí điểm cải cách kinh tế và xã hội và sau đó áp dụng những mô hình thành công cho những nơi còn lại của đất nước, trong khi phát hiện ra các vấn đề và điều chỉnh chính sách trước khi chúng lây ra những nơi khác. Thử nghiệm này có nhiều hình thức, điển hình nhất là đặc khu kinh tế Thâm Quyến, trong đó các chính sách gây tranh cãi về định hướng thị trường được thử nghiệm và sau đó đã được mở rộng trên khắp Trung Quốc. Gần đây, chính phủ đã thử nghiệm các sáng kiến ​​trái ngược với các giả định chung về chế độ chuyên chế, bao gồm cả việc tuyển dụng các nhóm ngoài quốc doanh để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người già và bảo vệ quyền lợi của người lao động. Nhận thức rõ cái giá của mô hình phát triển “đặt tăng trưởng kinh tế lên trên hết” của mình, chính phủ khuyến khích các thành phố thử nghiệm với những chỉ số đa dạng hơn để đánh giá hiệu quả hoạt động của các quan chức chính phủ: ví dụ như Hàng Châu ưu tiên phát triển bền vững môi trường, và Thành Đô thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa cư dân nông thôn và thành thị.

Đó là một hình thức thử nghiệm được tạo điều kiện bởi hệ thống hiến pháp linh hoạt của Trung Quốc là không có phân cấp khắt khe về quyền hạn giữa các cấp chính quyền khác nhau. Sự ổn định chính trị ở cấp quốc gia đảm bảo rằng những thử nghiệm thành công có thể được nhân rộng ra những nơi khác ở Trung Quốc. Trong một hệ thống dân chủ với các đảng luân phiên cầm quyền thì các thử nghiệm mới sẽ không được duy trì hoặc mở rộng, và điều này sẽ không khuyến khích thử nghiệm và sáng tạo trong các lĩnh vực chính sách.

Phần đỉnh của mô hình Trung Quốc được đặc trưng bởi chế độ chính trị trọng dụng nhân tài, dựa trên ý tưởng rằng các quan chức cấp cao cần được lựa chọn và bổ nhiệm theo năng lực và đạo đức. Ý tưởng này đã được thể chế hóa dưới thời quân chủ ở Trung Quốc qua một hệ thống thi cử kỹ lưỡng được lập ra từ thời nhà Tùy trong thế kỷ thứ sáu và thứ bảy. Những kỳ thi này đã được bãi bỏ vào năm 1905 – bước đầu chấm dứt toàn bộ hệ thống quân chủ – nhưng chúng được thiết lập lại trong ba thập niên qua. Những người có tham vọng làm quan chức chính phủ phải vượt qua các kỳ thi công chức – giống như kiểm tra IQ và thêm một số nội dung về hệ tư tưởng với hàng ngàn ứng viên cạnh tranh cho mỗi vị trí công chức cấp thấp nhất. Các công chức phải hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các cấp chính quyền thấp hơn, vượt qua những kiểm tra khắt khe hơn qua từng bước, để tiến tiếp lên bậc cao hơn trong thang quyền lực chính trị. Các nhà lãnh đạo hàng đầu cũng phải tích lũy hàng chục năm kinh nghiệm hành chính đa dạng, và chỉ một tỷ lệ nhỏ trong số đó vươn tới cấp chỉ huy tối cao trong chính phủ. Ví dụ, trên con đường đi tới chức Chủ tịch nước trải qua bốn thập niên, Tập Cận Bình đã được bổ nhiệm qua 16 chức vụ từ cấp quận, thành phố, và cấp tỉnh, và sau đó là Ủy ban Trung ương, Bộ Chính trị, và các vị trí hàng đầu trong Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị, mỗi giai đoạn đều có các đánh giá về khả năng lãnh đạo của ông. Có thể cho rằng, hệ thống chính trị của Trung Quốc là cạnh tranh nhất thế giới hiện nay.

Một khi các nhà lãnh đạo đạt đến đỉnh cao của quyền lực chính trị, họ có thể lập kế hoạch dài hạn và ra các quyết định có tính đến lợi ích của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả các thế hệ tương lai và những người sống bên ngoài đất nước; các nhà lãnh đạo có nhiệm kỳ 10 năm và nhận trọng trách (và làm hết sức mình để đảm bảo) rằng Đảng vẫn tiếp tục cầm quyền trong nhiều thập niên tới. Lãnh đạo tập thể, dưới hình thức Ủy ban Thường vụ gồm bảy thành viên Bộ Chính trị, đảm bảo rằng không có một người lãnh đạo có tầm nhìn kỳ dị và thiếu thông tin nào có thể thiết lập các chính sách lệch lạc (chẳng hạn như chiến dịch Đại nhảy vọt thảm họa của Mao Trạch Đông, và chỉ của Mao mà thôi, quyết định về các chính sách quốc gia).

Quy trình trọng dụng nhân tài của Trung Quốc là phù hợp nhất cho một nhà nước độc đảng. Trong một hệ thống đa đảng, hoạt động tốt ở chính quyền cấp thấp không đảm bảo rằng sẽ được trọng dụng ở cấp cao hơn. Ngoài ra còn có ít động lực để đào tạo cán bộ trong quản trị cấp cao khi nhân sự chủ chốt thay đổi theo chu kỳ bầu cử. Các nhà lãnh đạo vốn lo lắng về cuộc bầu cử tiếp theo nhiều khả năng sẽ đưa ra các quyết định bị ảnh hưởng bởi những cân nhắc chính trị ngắn hạn hơn so với các đối tác của họ ở Trung Quốc. Lãnh đạo được bầu lên một cách dân chủ dễ bị tác động bởi hoạt động vận động hành lang từ các nhóm lợi ích đặc biệt mạnh mẽ, và quyền lợi của những nhóm ngoài cử tri bị ảnh hưởng bởi chính sách của chính phủ – ví dụ như thế hệ tương lai – có thể sẽ phải hy sinh nếu chúng xung đột với lợi ích của cử tri và các nhà tài trợ chiến dịch tranh cử. Những lãnh đạo như vậy dành nhiều thời gian để quyên tiền và lặp đi lặp lại một bài phát biểu vận động tranh cử. Ngược lại, các nhà lãnh đạo được lựa chọn theo thực tài được đánh giá bởi những gì họ làm, không phải những gì họ nói.

***

Tất nhiên, lý tưởng về mô hình Trung Quốc vẫn còn cách xa với thực tế chính trị. Ví dụ, ngay cả khi các cuộc bầu cử cấp thôn được thực hiện tự do và công bằng, việc tiếp cận quyền lực cũng không luôn (hay thậm chí thường) dẫn đến thực thi quyền lực; thẩm quyền của đại biểu dân cử được kiểm soát bởi Bí thư Đảng ủy cấp thôn và chính quyền thị trấn.

Trong trường hợp thử nghiệm chính sách ở các thành phố và các tỉnh, vấn đề nằm ở chỗ là chính quyền trung ương sẽ quyết định những gì là hiệu quả và không hiệu quả, và họ thường thiếu động lực để thực hiện đấu tranh chính trị cho những sự đổi mới nào mà đe dọa đến các nhóm quyền lực mạnh. Áp lực công chúng có thể hóa giải thách thức này; chương trình thí điểm cải cách chăm sóc sức khỏe nông thôn bắt đầu từ những năm 1980 chỉ lan rộng ra toàn quốc sau khi đại dịch hô hấp cấp tính SARS năm 2003 gây ra rất nhiều chỉ trích. Chính phủ tiếp tục có thể xoa dịu vấn đề hơn nữa bằng cách giao nhiệm vụ cho một cơ quan tư vấn gồm các chuyên gia độc lập trong các ngành khoa học xã hội để đánh giá các thí nghiệm nhạy cảm chính trị tại các vùng khác nhau của đất nước.

Chế độ chính trị trọng dụng nhân tài ở cấp cao chỉ đáng mong đợi nếu các nhà lãnh đạo được lựa chọn và bổ nhiệm dựa trên năng lực và đạo đức vượt trội. Tuy nhiên, trên thực tế, các “thái tử Đảng” thường chiếm ưu thế: một số các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, bao gồm cả Chủ tịch nước, là con cháu của các quan chức cộng sản nổi tiếng và có ảnh hưởng. Tuy nhiên, các thái tử Đảng này bắt đầu thăng tiến trước khi các kỳ thi công chức được thể chế hóa trong những năm đầu thập niên 1990, và họ được thăng tiến không phải để giữ nguyên trạng hệ thống, mà vì trình độ giáo dục và khuynh hướng cải cách tương đối cao của họ.

Ít người nghi ngờ về tầm cỡ trí tuệ của các quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc. Câu hỏi sâu hơn liên quan đến đạo đức của họ: Có thật là họ dành tâm huyết để phục vụ lợi ích công? Ví dụ, vấn nạn ô nhiễm trầm trọng của Trung Quốc đặt ra những nghi ngờ về cam kết của họ đối với lợi ích lâu dài của những người ở trong và ngoài nước. Nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã lựa chọn chính sách hợp lý từ cuối những năm 1970 cho đến gần đây để ưu tiên xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế ở một nước nghèo, và chính phủ hiện nay cũng đang nhấn mạnh hơn vào tính bền vững về môi trường. Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Obama gần đây đã cam kết cắt giảm khí thải nhà kính trong vòng hai thập niên tới. Ai có nhiều khả làm theo lời hứa đó? Hoa Kỳ có thể gạt lời hứa của mình sang một bên nếu đảng Cộng hòa thắng cử tổng thống năm 2016. Ở Trung Quốc thì không lo như vậy, trừ phi hệ thống chính trị sụp đổ.

Điểm nguy hiểm trong trọng tâm của mô hình Trung Quốc là tham nhũng. Trong một hệ thống trọng dụng nhân tài thì tham nhũng – lạm dụng công quyền để thu lợi riêng – là đặc biệt độc hại vì các nhà lãnh đạo có được tính chính danh của họ một phần, nếu không nói là toàn bộ, từ việc họ được xem là có đạo đức và tinh thần vì dân. Trong một nền dân chủ, người dân là nhân tố chính để loại trừ quan chức tham nhũng, nhưng một chế độ trọng dụng nhân tài phải dựa trên các phương tiện như các tổ chức giám sát độc lập, các hình phạt nghiêm khắc cho nạn tham nhũng, và mức lương cao hơn cho cán bộ công chức. Mức độ tổng thể của tham nhũng ở Trung Quốc đã bùng nổ trong ba thập niên qua, và nó đã trở thành một vấn đề chính trị rõ ràng hơn trong vài năm gần đây do sự soi rọi của phương tiện truyền thông xã hội và ý thức rõ hơn của giới tinh hoa chính trị. Nhận thức được mối đe dọa nghiêm trọng này, Tập Cận Bình đã đưa cuộc chiến chống tham nhũng lên ưu tiên hàng đầu của chính phủ.

Nếu mô hình Trung Quốc hứa hẹn như vậy thì tại sao chính phủ vẫn có nhu cầu đàn áp chính trị? Lý do trước mắt là chiến dịch chống tham nhũng dài nhất và có hệ thống nhất trong lịch sử Trung Quốc của Tập Cận Bình. Mặc dù có lạm dụng và định kiến ​​chính trị trong chiến dịch, nó là cần thiết để làm sạch hệ thống. Nhưng những người dẫn đầu chiến dịch ​​đã tạo ra các kẻ thù thực sự, khiến họ hạn chế các quyền dân sự và chính trị mạnh tay hơn.

Một lý do khác là tầm nhìn dài hạn. Chính phủ nhận thức rõ rằng loại hình hiện đại hóa kinh tế mà Trung Quốc áp dụng đã đem đến bầu cử dân chủ ở Hàn Quốc và Đài Loan, và gần đây các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông chỉ làm trầm trọng thêm những lo ngại trong giới quan chức rằng Trung Quốc đại lục sẽ là nơi tiếp theo.

Tôi nghĩ rằng những lo ngại đó bị phóng đại. Chế độ nhân tài chính trị đã ăn sâu bén rễ ở Trung Quốc, và các cuộc điều tra đều cho thấy đa số ủng hộ “giám hộ thuyết” (guardianship discourse), hay trao quyền cho các chính trị gia có khả năng là người sẽ đảm nhận trách nhiệm vì lợi ích của xã hội, hơn là thuyết tự do dân chủ ưu tiên bảo đảm cho người dân có quyền tham chính và chọn các nhà lãnh đạo của họ. Người ta có thể trả lời rằng những sở thích chính trị như vậy sẽ thay đổi cùng với giáo dục, nhưng sinh viên của tôi tại Đại học Thanh Hoa – một trong những trường đại học chọn lọc nhất của Trung Quốc – thường ủng hộ chế độ trọng dụng nhân tài sau khi thảo luận sâu rộng về những ưu và khuyết điểm của các cuộc bầu cử cho các nhà lãnh đạo hàng đầu so với những cơ chế như thi cử và đánh giá kết quả hoạt động trong quá khứ.

Tuy nhiên, có một nhu cầu mạnh mẽ không kém ở Trung Quốc về các giá trị “phương Tây” như tự do ngôn luận, tính minh bạch của chính phủ, và nền pháp quyền, và các nhu cầu này sẽ chỉ phát triển mạnh hơn khi Trung Quốc hiện đại hóa. Đến một lúc nào đó trong tương lai, chính phủ sẽ phải lựa chọn giữa một xã hội cởi mở hơn và phong cách đàn áp kiểu Quảng trường Thiên An Môn để duy trì ổn định. Làm thế nào chính phủ có thể cởi mở mà không cần thiết lập một loại hình bầu cử dân chủ có thể đe doạ phá hỏng hệ thống trọng dụng nhân tài được xây dựng một cách cẩn thận của mình?

Một giải pháp cho chính phủ là thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý và yêu cầu mọi người bỏ phiếu “có” để chọn mô hình Trung Quốc với nhiều quyền tự do ngôn luận và hội họp nhưng không có quyền bỏ phiếu cho các nhà lãnh đạo hàng đầu và tự do thành lập các đảng chính trị, một thách thức rõ ràng đối với sự cai trị độc đảng. Cuộc trưng cầu sẽ phải được thực hiện một cách tự do và công bằng để được coi là có tính chính danh, và nó có thể chỉ định một thời gian – như 50 năm chẳng hạn – để kết quả của cuộc bỏ phiếu có hiệu lực. Nếu mô hình Trung Quốc giành chiến thắng, thời gian đó sẽ là đủ dài để đảm bảo tính ổn định cho việc tuyển dụng và đào tạo các nhà lãnh đạo được lựa chọn dựa trên thực tài mà không ràng buộc vĩnh viễn người dân với một chế độ dựa trên nhân tài như vậy.

Chiến thắng của mô hình Trung Quốc sẽ giúp tạo tính hợp pháp dân chủ cho chế độ. Các nhà phê bình trong và ngoài nước, những người cáo buộc rằng chính quyền Trung Quốc về cơ bản là không ổn định hoặc thiếu tính chính danh vì không giành được ủng hộ của đa số dân chúng sẽ bị phủ nhận bởi người dân chứ không phải chính phủ. Và chính phủ có thể làm những gì nó phải làm: phục vụ nhân dân chứ không phải là kìm nén họ. Tất nhiên, Đảng Cộng sản sẽ phải chấp nhận một rủi ro lớn khi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý như vậy vì, nói gì thì nói, họ có thể thua. Nhân dân có thể bỏ phiếu cho bầu cử dân chủ và Đảng Cộng sản có thể phải chuyển đổi thành một đảng chính trị bình thường, mặc dù có sức mạnh vượt trội về tổ chức. Điều này có thể không phải là một thảm họa đối với Đảng, nhưng nó sẽ có hại cho chế độ chính trị trọng dụng nhân tài. Các đảng viên sẽ phải vận động tranh cử để giành chiến thắng vài năm một lần thay vì đào tạo các nhà lãnh đạo cho mục đích dài hạn.

Người dân Trung Quốc rất tự hào vì có một nền văn minh trải dài hàng ngàn năm. Không ai phản bác ý kiến ​​cho rằng Trung Quốc nên duy trì và phát triển dựa trên những thành tựu văn hóa vĩ đại của mình trong các lĩnh vực khác nhau, từ ẩm thực đến võ thuật và y học. Vậy tại sao không phát triển dựa trên truyền thống tuyệt vời của chế độ trọng dụng nhân tài? Tất nhiên, truyền thống đó cần phải chứng tỏ là nó có khả năng thích nghi và tồn tại trong thế giới hiện đại. Tôi cho rằng hệ thống này đã cho thấy tiềm năng thực sự và nên là chuẩn mực cho các cải cách chính trị. Nhưng đến một lúc nào đó, mô hình này cũng phải được người dân Trung Quốc xác nhận.

Daniel A. Bell là giáo sư chủ nhiệm Chương trình Học giả Schwarzman tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, và là Giám đốc Viện Triết học và Văn hóa Berggruen. Bài viết này được trích từ cuốn sách mới nhất của ông, The China Model: Political Meritocracy and the Limits of Democracy (Mô hình Trung Quốc: chế độ trọng dụng nhân tài và những hạn chế của nền dân chủ).