Khúc dạo đầu cải cách của Tập Cận Bình

Print Friendly, PDF & Email

0,,17754847_303,00

Nguồn: Andrew Sheng & Xiao Geng, “Xi’s Reform Gambit,” Project Syndicate, 18/12/2014.

Biên dịch: Phạm Hồng Anh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Ba mươi lăm năm trước, khi Đặng Tiểu Bình khởi xướng công cuộc cải cách nền kinh tế Trung Quốc theo định hướng thị trường, ông – và cả Đảng Cộng sản Trung Quốc – đã chấp nhận rủi ro chính trị lớn nhất kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949. Khi Chủ tịch Tập Cận Bình công bố chương trình cải cách của riêng ông tại Hội nghị TW 3 Khóa 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm ngoái, ông cũng chấp nhận một rủi ro lớn không kém. Chiến lược này của ông liệu có được đền đáp?

Năm 1979, Đặng Tiểu Bình bị mắc kẹt trong một tình thế khó khăn. Ông biết rằng sự thay đổi từ chủ nghĩa xã hội quân bình bao cấp sang chủ nghĩa tư bản định hướng thị trường có thể làm lung lay quyền lực của Đảng Cộng sản, và sự tích lũy của cải bất bình đẳng trong ngắn hạn có thể gây chia rẽ chính trị và xã hội sâu sắc. Tuy nhiên, với một Trung Quốc đã ở bên bờ vực sụp đổ cả về kinh tế lẫn xã hội do tình trạng hỗn loạn kéo dài cả thập kỷ của Cách mạng Văn hóa, ông cần phải hành động – và ông gần như không có giải pháp nào khác.

Những cải cách của Đặng Tiểu Bình thực sự hết sức thành công: sau khi triển khai, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc luôn đạt mức hai con số trong hơn ba thập kỷ sau đó. Thêm vào đó, những cải cách này cho phép Đảng Cộng sản tiếp tục giữ vững quyền lực. Nhưng một số người và một số vùng lại được hưởng lợi từ cải cách nhanh hơn nhiều so với những người và những vùng khác – một vấn đề thực sự nan giải hơn những gì Đặng Tiểu Bình tiên liệu.

Những cải cách của Tập Cận Bình, cũng như của Đặng Tiểu Bình, phản ánh sự thiếu hụt những giải pháp thay thế. Không chỉ có mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư và thâm dụng lao động bị hụt hơi, mà bộ máy chính quyền quan liêu và tham nhũng tràn lan – chưa kể đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ngày càng tệ hại – cũng đang phá hoại triển vọng lâu dài của Trung Quốc. Chỉ khi nào Trung Quốc giải quyết được những yếu kém này và chuyển sang một mô hình tăng trưởng dựa trên sức sáng tạo và bền vững với môi trường nó mới có thể tiếp tục phát triển thịnh vượng – và cuối cùng đạt mức thu nhập cao.

Sự khác biệt giữa hai cuộc cải cách này là Tập Cận Bình phải giải quyết cả những thiếu sót từ thời Đặng Tiểu Bình. Đặng Tiểu Bình đã sai lầm khi tin rằng nhà nước, khi nắm giữ vai trò trung tâm điều hành nền kinh tế, sẽ có thể sử dụng các nguồn lực mới được sản sinh từ thị trường để khắc phục tình trạng bất bình đẳng trong ngắn hạn mà công cuộc cải cách của ông gây ra. Nhưng giới công chức và mạng lưới đặc quyền của họ mới là bộ phận hưởng lợi nhiều nhất; và nguyên nhân thứ hai gây ra sự bất bình đẳng, không liên quan đến thị trường nhưng đã trở nên ăn sâu bén rễ chính là tình trạng tham nhũng tràn lan trong các quan chức. Đó là lý do tại sao chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình là một dấu hiệu quan trọng cho cải cách.

Nói cách khác, ngoài việc hoàn thành quá trình chuyển đổi Trung Quốc thành một nền kinh tế mở, định hướng thị trường, Tập Cận Bình còn phải thiết lập một hệ thống pháp quyền vững mạnh mà mọi người cần tuân thủ, đồng thời giải quyết sự bất bình đẳng trầm trọng về thu nhập, cơ hội, của cải, và phúc lợi. Do đó, Tập Cận Bình phải tiến hành những cải cách mà qua đó con người, tiền bạc, nguồn lực, thông tin, và các công ty có thể chuyển động tự do hơn giữa các ngành, các vùng, và biên giới quốc gia.

Kết quả là sự hội tụ của của cải và cơ hội sẽ đem lại những lợi ích kinh tế và xã hội to lớn. Tuy nhiên, thông qua chuyển đổi một cách hiệu quả địa kinh tế của Trung Quốc, châu Á, và thế giới, tự do hóa cũng sẽ dẫn tới sự hủy diệt sáng tạo (creative destruction – tức hủy diệt cái cũ để sáng tạo nên cái mới tốt đẹp hơn – NBT) một cách đáng kể. Hơn nữa, các lực lượng thị trường chỉ có thể thu hẹp bất bình đẳng về lâu dài khi chính quyền Trung Quốc chấp nhận những chênh lệch trước mắt mà sự biến động giá nhà ở, cổ phiếu, nhân công, tài nguyên thiên nhiên, và tiền tệ gây ra.

Vấn đề nằm ở chỗ quan chức Trung Quốc ưa thích sự ổn định hơn, và họ có động cơ mạnh mẽ để củng cố vị thế của mình trong tương quan với thị trường, qua đó làm trầm trọng hơn sự bất bình đẳng quyền lực và kìm hãm đổi mới và tăng trưởng. Trớ trêu là giới công chức lại duy trì quyền lực trung tâm trong việc thi hành bất cứ chính sách nào nhằm thúc đẩy sự gắn kết xã hội.

Để giảm thiểu những rủi ro hệ thống nghiêm trọng bắt nguồn từ quyền lực của nhóm quan lại tham nhũng ngạo mạn ở Trung Quốc, Tập Cận Bình buộc phải tái cân bằng động cơ của họ. Ông đã bắt đầu loại bỏ nạn hối lộ, hạn chế phạm vi phê duyệt hành chính, làm rõ quyền sở hữu đất đai, và đơn giản hóa phúc lợi, thuế, và các quy định tài chính. Không chỉ giảm thiểu rủi ro hệ thống, những nỗ lực này – nếu được duy trì – sẽ còn có thể tạo ra các “cổ tức cải cách” (reform dividends, tức lợi ích của cải cách – NBT) qua thời gian.

Tuy nhiên, vấn đề về động cơ không chỉ tồn tại ở bộ máy công chức. Cải cách hệ thống còn yêu cầu phải nhận thức và giải quyết được hai tội lỗi gốc: không chỉ các quan chức lạm dụng quyền lực để làm tiền, mà các nhà tư bản cũng đã làm giàu bằng cách phá luật.

Thách thức này được minh họa rõ nhất trong sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân. Sự thất bại của các doanh nghiệp tư nhân vốn không thể tiếp cận các khoản trợ cấp hoặc các nguồn tài chính với chi phí hợp lý đã ngăn cản các doanh nghiệp khác đổi mới và thách thức nguyên trạng. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước chẳng bao giờ phải tính toán cân nhắc bởi họ có khả năng đầu tư vào công suất dư thừa, chịu lỗ ròng (thường do tham nhũng và năng lực yếu kém), và dựa vào nguồn hỗ trợ từ chính phủ.

Điều này cho thấy các chính sách kinh tế vĩ mô như lãi suất thấp và dễ dàng tiếp cận với tín dụng nên được áp dụng nhằm đảm bảo sự tiếp cận tín dụng bình đẳng cho tất cả những công ty đủ điều kiện, dựa trên khả năng cạnh tranh chứ không phụ thuộc vào quyền sở hữu. Không may thay, việc tiến hành những biện pháp như vậy đòi hỏi sự can thiệp hành chính ở mức vi mô, mở đường cho quyền lực nhà nước bành trướng hơn nữa. Đó là lý do tại sao quan chức phải được trao các động lực – lương cao hơn, chỉ số đánh giá thành tích rõ ràng, và nhận thức được rằng sự lạm dụng quyền lực sẽ không được dung thứ – nhằm loại bỏ sự quản lý vi mô các hoạt động của thị trường.

Cho dù thị trường vẫn đang biến động, việc Trung Quốc nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô gần đây là một bước đi quan trọng tiến tới phá vỡ những rào cản không cần thiết để thực thi các cải cách nhằm giảm thiểu rủi ro hệ thống. Giờ đây khi chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình đã triệt hạ được một vài “con hổ” lớn nhất của Đảng Cộng sản, đã đến lúc cần tập trung vào cải cách cơ cấu.

Với cách tiếp cận đúng đắn và ý chí chính trị vững vàng, sự mạo hiểm của Tập Cận Bình có thể đem lại cho Trung Quốc sự đền đáp như Đặng Tiểu Bình đã từng mang lại – và còn hơn thế nữa.

Andrew Sheng (Thẩm Liên Đào) là Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Toàn cầu Fung (Fung Global Institute) và là thành viên Hội đồng cố vấn của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc UNEP về lĩnh vực Tài chính bền vững.

Xiao Geng (Tiếu Cảnh) là Giám đốc Nghiên cứu tại Viện Toàn cầu Fung.