17/06/1885: Tượng Nữ thần Tự do cập cảng New York

Nguồn:Statue of Liberty arrives in New York Harbor,” History.com (truy cập ngày 16/6/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1885, bức tượng Nữ thần Tự do, món quà của tình hữu nghị của người dân Pháp dành cho người dân Mỹ, cập cảng New York sau khi được vận chuyển qua Đại Tây Dương trong 350 mảnh được đóng trong hơn 200 thùng chứa. Bức tượng được làm từ đồng và sắt, được lắp ráp lại và khánh thành một năm sau trong một buổi lễ do Tổng thống Mỹ Grover Cleveland chủ trì, và đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới như một biểu tượng trường tồn của tự do và dân chủ.

Với mục đích tưởng niệm cuộc Cách mạng Mỹ và một trăm năm tình hữu nghị giữa Mỹ và Pháp, bức tượng được thiết kế bởi nhà điêu khắc người Pháp Frédéric Auguste Bartholdi, với sự trợ giúp của kỹ sư Gustave Eiffel, người sau này xây dựng nên tòa tháp biểu tượng của thành phố Paris mang tên ông.

Ban đầu, bức tượng được dự kiến hoàn thành vào năm 1876, nhân kỷ niệm 100 năm Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ. Tuy nhiên, những nỗ lực gây quỹ, trong đó có các cuộc đấu giá, xổ số, và các trận quyền Anh, lại mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến ở cả châu Âu và Hoa Kỳ, nơi bệ tượng được tài trợ và xây dựng. Chỉ riêng bức tượng đã tiêu tốn của người Pháp hơn 250.000 đô la Mỹ (tương đương hơn 5,5 triệu đô la hiện nay).

Được hoàn tất ở Paris mùa hè năm 1884, bức tượng, hình tượng một người phụ nữ mặc áo choàng với một tay cầm ngọn đuốc giơ cao, đã đến ngôi nhà mới của nó trên đảo Bedloe ở cảng New York (nằm giữa thành phố New York và quận Hudson, New Jersey) vào ngày 17 tháng 6 năm 1885. Sau khi được lắp ráp lại, bức tượng nặng hơn 200 tấn chính thức được khánh thành vào ngày 28 tháng 10 năm 1886 bởi Tổng thống Cleveland. Cao hơn 93 mét tính từ chân tượng đến đỉnh ngọn đuốc và được đặt tên là “Nữ thần Tự do soi sáng thế giới,” bức tượng là công trình cao nhất ở thành phố New York tại thời điểm đó. Bức tượng ban đầu có màu đồng đỏ, nhưng theo thời gian, nó trải qua một quá trình thay đổi màu sắc tự nhiên do đồng bị gỉ, khiến nó có màu xanh lục lam như bây giờ.

Năm 1892, đảo Ellis, nằm gần đảo Bedloe (đảo này đến năm 1956 được đổi tên thành đảo Tự do), được chọn làm trạm tiếp nhận người nhập cư chính của Mỹ, và trong 62 năm sau đó, bức tượng Nữ thần Tự do đã chứng kiến hơn 12 triệu người nhập cư cập cảng New York. Năm 1903, một tấm bảng khắc bài thơ sonnet có nhan đề “The New Colossus” (Bức tượng mới) của nhà thơ người Mỹ Emma Lazarus, được viết cách đó 20 năm trong một buổi gây quỹ để dựng bệ tượng, đã được gắn lên tường trong của bệ tượng. Những vần thơ nổi tiếng của Lazarus, trong đó có câu “Hãy trao cho tôi sự mỏi mệt, nghèo đói/ Những đám đông hỗn loạn khao khát bầu không khí tự do,” đã trở thành biểu tượng của việc Mỹ coi mình như một vùng đất của cơ hội cho những người nhập cư.

Khoảng 60 năm sau khi Tổng thống Calvin Coolidge chọn bức tượng làm di tích quốc gia năm 1924, nó trải qua một đợt tu sửa trị giá nhiều triệu đô la (trong đó có một ngọn đuốc mới và những lá vàng phủ quanh ngọn lửa) và được khánh thành trở lại bởi Tổng thống Ronald Reagan vào ngày Quốc khánh Mỹ năm 1986, trong một buổi lễ xa hoa. Sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, bức tượng bị đóng cửa; bệ tượng và đài quan sát được mở cửa trở lại vào ngày mùng 4 tháng 7 năm 2004, đến ngày mùng 4 tháng 7 năm 2009 thì mũ miện của bức tượng được mở cửa để đón khách. (Vì lý do an toàn, phần ngọn đuốc đã bị đóng cửa với khách tham quan từ năm 1916, sau một sự cố gọi là vụ nổ Black Tom, trong đó những chiếc xà lan và xe lửa chất đầy đạn được đã bị điệp viên Đức kích nổ, gây thiệt hại cho bức tượng đứng gần đó.)

Ngày nay, bức tượng Nữ thần Tự do là một trong những địa điểm nổi tiếng nhất của nước Mỹ. Trong những năm qua, nó là nơi tụ họp của nhiều cuộc biểu dương và biểu tình chính trị (từ phong trào nữ quyền đòi quyền bầu cử cho đến các hoạt động phản chiến), xuất hiện trong rất nhiều bộ phim và vô số bức ảnh, và cũng là nơi đón nhận hàng triệu lượt du khách từ khắp nơi trên thế giới.