Đặng Tiểu Bình giúp tạo nên một Trung Quốc tham nhũng như thế nào?

Print Friendly, PDF & Email

State-TV-showed-Zhou-Yongkang-admitting-his-guilt-at-the-closed-door-trial-in-Tianjin1

Nguồn: Bao Tong, “How Deng Xiaoping Helped Create a Corrupt China,” The New York Times, 03/06/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Trong suốt tháng qua, tôi bị cấm trả lời phỏng vấn, vì vậy tôi viết bài báo này nhân dịp kỷ niệm lần thứ 26 ngảy xảy ra Sự kiện Thiên An Môn (04/06/1989), khi chính phủ đàn áp những người bất đồng chính kiến ở các thành phố trên khắp Trung Quốc.

Tin tức đáng chú ý trong những ngày này là chiến dịch chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong ba năm kể từ khi diễn ra Đại hội Đảng lần thứ 18, nơi bầu ra các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện tại, chính phủ đã kêu gọi các cán bộ “đả hổ diệt ruồi” – một phép ẩn dụ có ý nhắm mục tiêu vào tất cả các loại tham nhũng, lớn và nhỏ.

Mặc dù chính phủ đã thường xuyên trấn áp tình trạng tham nhũng, nhưng chưa có một chiến dịch chống tham nhũng nào trên quy mô như vậy. Nhưng điều đó không có nghĩa là không có tham nhũng.

Trên thực tế, trong suốt hai thập niên sau chuyến thăm miền Nam Trung Quốc nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình vào năm 1992 – khi mà trong thời kỳ “bán hưu trí” của mình, ông đến tỉnh Quảng Đông để thúc đẩy mạnh mẽ tự do hóa kinh tế – cán bộ các cấp của Đảng Cộng sản đã âm thầm trở nên giàu có. Dung túng cho tham nhũng, về thực chất, là một phần của những gì Đặng Tiểu Bình đưa ra.

Đặng Tiểu Bình, lãnh đạo tối cao của Trung Quốc từ năm 1978 cho đến khi ông qua đời vào năm 1997, ngày nay được tôn kính như một vị anh hùng. Và, giống như người tiền nhiệm Mao Trạch Đông và người kế nhiệm Tập Cận Bình, Đặng Tiểu Bình được Đảng mô tả như một nhà lý luận chính trị. Nhưng không hề có cái gọi là “Học thuyết Đặng Tiểu Bình,” cũng giống như chẳng có cái gọi là “Học thuyết Tần Thủy Hoàng.”

Giống như Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên, người tập trung quyền lực chính trị của Trung Hoa, Đặng Tiểu Bình cũng sử dụng vũ lực chứ không phải lý thuyết. Ông thừa hưởng quyền lực mà Mao Trạch Đông đã giành cho Đảng Cộng sản để đưa Trung Quốc đi theo “con đường Đặng Tiểu Bình” – hướng đến một vực sâu tham nhũng.

Giữa hai người cũng có một sự khác biệt. Ngày nay, rất ít người ca tụng chính sách đốt sách chôn nho của Tần Thủy Hoàng. Nhưng khói hương ca tụng con đường Đặng Tiểu Bình vẫn tiếp tục bay lên các tầng trời.

Chỉ tập trung vào nạn tham nhũng tràn lan ở Trung Quốc ngày nay mà lãng quên vai trò của Đặng Tiểu Bình thì cũng như đổ lỗi cho bè lũ bốn tên về sự tàn phá dữ dội của Cách mạng văn hóa (1966-1976) mà bỏ qua vai trò của Mao Trạch Đông.

Hãy để một số người làm giàu trước

Đặng Tiểu Bình nổi tiếng với câu nói rằng, để mở cửa nền kinh tế, Đảng sẽ phải “để một số người làm giàu trước.” Đây là một trong những chính sách sáng tạo nhất mà một nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản từng chủ trương, vì chính nó đã mâu thuẫn trực tiếp với mục đích thành lập Đảng.

Vào thời điểm diễn ra chuyến thăm miền Nam của Đặng Tiểu Bình, tôi đang ở tù, sau khi bị buộc từ chức năm 1989 cùng với người bảo trợ của tôi, cựu Thủ tướng và Tổng Bí thư Triệu Tử Dương.

Lúc đầu, khi đọc các văn bản công bố công khai, tôi đã không thực sự hiểu được những gì Đặng Tiểu Bình đang làm. Điều làm nên ấn tượng sâu sắc chính là giọng điệu cứng rắn của ông, thể hiện qua ba câu nói được trích dẫn ở khắp mọi nơi: “Không cải cách tức là đường cùng! Ai không cải cách sẽ phải nhường bước! Hãy để một số người làm giàu trước!”

Dù có lời lẽ cứng rắn, cả đề cương lẫn bản chất chính sách của Đặng Tiểu Bình đều không rõ ràng. Ai sẽ là những người làm giàu trước?

Đặng Tiểu Bình có thể muốn nói tới những người mà Đảng Cộng sản được cho là đại diện cho họ: “Liên minh công-nông.” Hoặc có lẽ là những giai cấp chỉ vừa mới được Đảng phục hồi khi đó: “địa chủ, phú nông, phản cách, các phần tử xấu, những người hữu khuynh.” Thậm chí ông có thể đã nói về tầng lớp trí thức, với kiến thức và kỹ năng công nghệ của họ. Nhưng câu trả lời chính xác lại không phải vậy: những người giàu lên đầu tiên hóa ra là các đảng viên, cùng với gia đình, và những người thân thích của họ.

Câu hỏi ai nên làm giàu đầu tiên là không hề trừu tượng. Đặng Tiểu Bình có lẽ đã hiểu rất rõ rằng gần quan thì được ban lộc, như câu tục ngữ vẫn nói. Nói cách khác, một số nhóm nhất định sẽ có điều kiện thuận lợi nhất để tận dụng các cơ hội mới.

Trong một xã hội hậu 1989, khi quyền lực của Đảng tiếp tục đàn áp những người bất đồng chính kiến xã hội, cải cách chính trị bị bóp cổ, và các tổ chức có khả năng ảnh hưởng bị cấm gây bất ổn, triển vọng cho những người bình thường tham gia biển cả kinh doanh dường như không sáng sủa. Cơ hội làm giàu là rất xa vời, họ không bị chết đuối đã là may mắn. Hãy xem xét các nông dân bị pháp luật cấm di chuyển lên thành phố (do yêu cầu đăng ký hộ khẩu, nhằm hạn chế các gia đình chuyển chỗ ở từ tỉnh nhà của họ mà không có sự chấp thuận) hoặc các công nhân mất việc bởi các doanh nghiệp nhà nước do những cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình.

Kết quả cuối cùng trong cuộc cách mạng của Đặng Tiểu Bình là những người có quyền lực đáng kể cũng giàu lên một cách đáng kể, những người có quyền lực khiêm tốn thì giàu lên một cách khiêm tốn, còn những người không có quyền lực thì vẫn tiếp tục nghèo đói.

Làm thế nào để kinh doanh ở Trung Quốc?

Trong chuyến thăm miền Nam, Đặng Tiểu Bình đã nói câu nói nổi tiếng nhất của mình: “Mèo đen hay mèo trắng không quan trọng; miễn là nó bắt được chuột, thì đó là một con mèo tốt.” Kinh tế thị trường của Đặng Tiểu Bình đã khuấy động một làn sóng kinh doanh lan khắp Trung Quốc và vượt xa bờ biển của họ. Biển kinh doanh ở Trung Quốc rất đặc biệt do Đảng kiểm soát mọi thứ. Thực sự, nó đã tạo ra rất nhiều bãi cạn mà tàu thuyền đi trên biển phải tránh. Bên dưới mặt nước là những đợt sóng nguy hiểm.

Ở những nơi biển động như thế, nếu không trả tiền cho quyền làm kinh doanh, thì anh có thể sẽ gặp phải sự can thiệp của các cán bộ Đảng. Doanh nghiệp nhà nước cũng làm cho việc kinh doanh thêm khó khăn. Các cán bộ Trung Quốc thực sự rất có tài trong việc gây khó dễ cho người khác.

Trong câu chuyện về sự trỗi dậy của Trung Quốc, những anh hùng vô danh là “mèo tốt” của Đặng Tiểu Bình.

Họ (những người muốn kinh doanh) phải trả tiền cho ai? Nói chung là những người cầm quyền, đặc biệt là các cán bộ Đảng – từ Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang cho tới các cán bộ quận và thôn.

Những dòng suối ngầm của kinh tế thị trường vốn bị chôn vùi trong nhiều thập niên đã dần dần lộ ra và làm tràn ngập con đê xã hội chủ nghĩa. Kinh tế thị trường được gắn liền với Đảng – Nhà nước, dần đánh mất đi các đặc điểm của sự lựa chọn thật sự tự do và sự cạnh tranh. Thay vào đó, thị trường hoạt động hoàn toàn vì lợi ích của Đảng từ trên cao: Từ đầu tư mạo hiểm đến phát hành lần đầu ra công chúng , từ ký kết hợp đồng đến kiểm định chất lượng, đó là cách mà mọi điều được thực hiện. Không có ngoại lệ.

Đảng viên là cơ thể của Đảng. Trật tự kinh tế mới đồng nghĩa với việc trả tiền cho các dịch vụ của cơ thể này. Doanh nhân tham gia cùng với cán bộ để tăng GDP. Đây không chỉ là một giải pháp tốt cho doanh nhân, mà còn là cơ hội cho cán bộ tạo nên thành tựu sự nghiệp. Khái quát hơn, nó sẽ thúc đẩy sự phát triển của Đảng – Nhà nước.

Hệ thống kinh tế thị trường bị bóp méo này xóa sổ cả sinh kế, lãng phí tài nguyên thiên nhiên, hủy hoại môi trường và có nguy cơ gây hại cho các thế hệ tương lai. Nhưng ưu tiên chính trị đòi hỏi phải lãng quên các thiệt hại ngoài dự kiến này.

Những ưu tiên này được thể hiện bằng các câu khẩu hiệu như “nhìn vào bức tranh toàn cảnh,” “chú ý đến tình hình tổng thể,” “hy sinh nguyên tắc nhỏ vì nguyên tắc lớn,” và “ưu tiên chính đứng trên ưu tiên phụ.” Thay vì thừa nhận rằng họ đang làm những gì mà các nhà kinh tế gọi là tìm kiếm đặc lợi (rent-seeking)  – giành lấy một phần của cải cho mình, hơn là tạo ra của cải – các quan chức sẽ thích lừa dối bản thân rằng họ đang trung thành với đường lối của Đảng là “làm việc lớn.”

Ở Trung Quốc, nếu muốn “làm việc lớn,” anh cần có nhiểu phương án dự phòng. Cần phải trả tiền “thuê” cho cán bộ cao đến cỡ nào nào còn tùy thuộc vào việc kế hoạch của anh mong muốn đạt được tác động tới đâu: ở thôn, quận, tỉnh, hay thậm chí là cấp quốc gia. Các cán bộ Đảng ngay cả ở cấp thấp nhất cũng có quyền quyết định người nào trong khu vực họ quản lý sẽ thành công và phát đạt.

Một khi quyền lợi của mình được đảm bảo, quan chức Đảng sẽ trở thành cổ đông chính, người bật đèn xanh cho các hoạt động kinh doanh. Miễn là ông ta đạt được lợi ích của mình, thì việc kinh doanh có lợi hay gây hại cho xã hội cũng không quan trọng. Chủ doanh nghiệp có thể yên tâm rằng vị cán bộ sẽ điều phối “năng lượng tích cực” để xóa bỏ mọi trở ngại. Một thỏa thuận như vậy có thể sẽ chẳng làm gì để bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu trong nước hay thúc đẩy công bằng xã hội, nhưng chắn chắn nó sẽ làm tăng GDP.

Đã hơn 65 năm kể từ khi Trung Quốc không có một chính phủ dân chủ nào. Tính chính danh của Đảng – Nhà nước hiện nay là dựa trên số liệu thống kê về tăng trưởng kinh tế. Đối với các cán bộ, không có bằng chứng về thành tích nào tuyệt vời hơn. Tham nhũng và phát triển cùng tăng lên.

Mao Trạch Đông đã biến tài sản tư nhân thành tài sản nhà nước. Đặng Tiểu Bình chuyển giao tài sản quốc gia, ở mức giá hào phóng và mang tính tượng trưng, cho những người cầm quyền trong Đảng. Kết quả là “thái tử Đảng” ngày nay – hậu duệ của thế hệ sáng lập cách mạng của Đảng – đang kiểm soát phần lớn tài sản của Trung Quốc.

Những sự kiện này đã được công chúng nhận ra, nhưng phần lớn hàng ngũ Đảng viên vẫn im lặng. Họ biết những gì đã xảy ra, và cũng biết họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thông qua chính sách này. Đó là mục đích của chuyến thăm miền Nam, để đảm bảo sự ổn định trong nội bộ Đảng khi thực thi chính sách mới.

Di sản lục tứ

Ngày mùng 4 tháng 6 năm 1989, Đặng Tiểu Bình ra lệnh cho Quân Giải phóng Nhân dân buộc phải ngăn chặn các đoàn biểu tình hòa bình – tại Quảng trường Thiên An Môn và các thành phố khác trên khắp Trung Quốc – những người kêu gọi chấm dứt tham nhũng và thúc đẩy tiến độ cải cách.

Vết thương ngày mùng 4 tháng 6 là một sự thay đổi lớn. Trong một tình hình mà không ai dám lên tiếng, mọi người đều mất quyền phát ngôn, mọi người đều mất quyền định hình cải cách, và mọi người đều có thể bị quấy nhiễu. Một kết quả của tình trạng này là mục tiêu của cải cách trong những năm 1980 đã hoàn toàn bị đảo lộn. Việc tự do hóa kinh tế dưới sự lãnh đạo của Đảng vốn dĩ sẽ giải phóng cho cả người lao động và chủ doanh nghiệp, phát huy năng lực của họ và cho phép tạo ra và chia sẻ lợi nhuận. Nhưng sau biến động năm 1989, lợi nhuận và các nguồn lực lại được phân bổ theo quyền lực.

Thông qua những hành động của mình vào ngày mùng 4 tháng 6, Đặng Tiểu Bình đã vẽ nên những ranh giới mới để xác định kẻ thù. Đảng sẽ bảo vệ tham nhũng, và bất cứ ai phản đối việc Đảng bảo trợ tham nhũng là kẻ thù nguy hiểm của cả Đảng và quân đội.

Sau Đại hội Đảng lần thứ 18, phong trào “đả hổ diệt ruồi” đánh vào Trung Quốc như một loạt tia sét. Cuộc đàn áp chống tham nhũng dường như là một sự kiện lịch sử, nhưng có lẽ sự hữu dụng lớn nhất của nó là giúp người dân mở mắt. Lá cờ đỏ của Trung Quốc, nhuộm trong máu của các liệt sĩ, đã trở thành nơi trú ẩn cho cái ác. Các cán bộ tham nhũng đã bị lộ có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, nhưng những tiết lộ này đã vượt quá các báo cáo về các trường hợp tham nhũng khác ở Trung Quốc hay nước ngoài. Không còn cách nào để che giấu nạn tham nhũng từ trên xuống dưới này, không còn cơ hội nào để xóa đi nhận thức về vấn đề này trong tâm trí người dân.

Nhưng trong khi cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng được mô tả là công vụ, thì nếu các công dân độc lập – thành viên của xã hội dân sự – tham gia vào công việc này, nó lại trở thành tội phạm.

Các phong trào quần chúng chống tham nhũng, giống như trong năm 1989, sẽ bị đàn áp nghiêm khắc. Các công dân bị lợi dụng và sách nhiễu của Trung Quốc bị từ chối giải quyết pháp lý, dù là thông qua hệ thống tòa án hoặc các bản kiến nghị với chính quyền trung ương. Thật vậy, những người tố cáo tham nhũng đều bị đưa ra xét xử hoặc bị tù giam. Những giá trị phổ quát như tính minh bạch và trách nhiệm giải trình bị bôi nhọ như những công cụ gây rắc rối của thế lực thù địch bên ngoài. Trong khi đó, quyền can thiệp không giới hạn của Đảng lại chỉ có tăng, khi nó áp dụng thêm các khái niệm như pháp quyền, công nghệ, và toàn cầu hóa.

Liệu Đảng – Nhà nước có thật tâm chống tham nhũng, thậm chí đến mức mạo hiểm có nguy cơ làm sụp đổ Đảng? Như nhiều người đã nói, chỉ các nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng mới thực sự biết điều đó.

Tôi muốn nói hai điều. Thứ nhất, nếu Trung Quốc tiếp tục đi trên con đường của Đặng Tiểu Bình, nó sẽ không chấm dứt tham nhũng một cách cơ bản. “Đả hổ diệt ruồi” không phải là cách chữa bệnh tận gốc; thậm chí nó còn không thể làm giảm các triệu chứng tồi tệ nhất. Hổ vẫn dạo chơi nơi hoang dã, và ruồi vẫn bay che kín mặt trời: Anh có thể tấn công 100 hoặc 1.000 trong số chúng, nhưng bản chất thật của con đường tham nhũng vẫn không thay đổi. Nhưng tôi vẫn lạc quan, bởi nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng từ bỏ con đường của Đặng Tiểu Bình thì vẫn còn hy vọng.

Thứ hai, chúng ta lại một lần nữa kỷ niệm sự kiện mùng 4 tháng 6. Nhiều người vẫn mong chờ các lãnh đạo Đảng tự nguyện thừa nhận sự bất công và bất hợp pháp của vụ thảm sát. Đây cũng là niềm hy vọng của tôi. Nhưng tôi lại không lạc quan về điều này, bởi vì cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy rằng nó sẽ xảy ra. Nhưng nó có thể xảy ra vào một ngày nào đó trong tương lai hay không thì tôi không thể đoán trước.

Bao Tong (Bào Đồng) là cố vấn lâu năm của Triệu Tử Dương, cựu Thủ tướng và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, người bị buộc từ chức năm 1989 và qua đời vào năm 2005. Bản tiếng Anh do The New York Times dịch từ tiếng Trung.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]