Nguồn: “United States and Soviet Union will establish a ‘hot line’,” History.com (truy cập ngày 19/6/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1963, để giảm bớt nguy cơ bất ngờ bùng nổ chiến tranh hạt nhân, Hoa Kỳ và Liên Xô đã đồng ý thiết lập một hệ thống thông tin liên lạc “đường dây nóng” giữa hai nước. Thỏa thuận này là một bước tiến nhỏ trong việc giảm bớt căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Liên Xô sau cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba diễn ra hồi tháng 10 năm 1962, vốn đã đưa hai nước tới sát bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Sự cần thiết cần có một hệ thống thông tin tức thời và thường xuyên giữa chính phủ Hoa Kỳ và Liên Xô trở nên rõ ràng sau cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba. Hoa Kỳ phát hiện ra Liên Xô đã xây dựng những căn cứ có khả năng bắn tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ở Cuba. Cuối cùng, chính quyền Tổng thống John F. Kennedy đã thiết lập một chiến dịch “phong tỏa” hải quân xung quanh Cuba để ngăn chặn Liên Xô cung cấp những tên lửa đó.
Khả năng xảy ra xung đột hạt nhân chỉ được loại bỏ khi lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đồng ý rằng Liên Xô sẽ không lắp đặt tên lửa ở Cuba. Để đổi lại, Mỹ tuyên bố không đe dọa đến chủ quyền của Cuba. Trước khi vấn đề được giải quyết, thế giới đã trải qua nhiều ngày căng thẳng để chờ xem liệu một cuộc Thế Chiến III có thể bùng nổ hay không.
Trong một nỗ lực để giảm bớt những căng thẳng mà cuộc khủng hoảng hồi tháng 10 năm 1962 mang lại, và với hi vọng ngăn ngừa bất cứ sự hiểu lầm nào có thể gây ra một cuộc xung đột hạt nhân trong tương lai, tháng 6 năm 1963, Hoa Kỳ và Liên Xô đã đồng ý thiết lập một “đường đây nóng.” Nó là một hệ thống liên kết thông tin liên lạc phục vụ 24/24 giữa Washington, D.C. và Moskva. Tổng thống Kennedy tuyên bố: “Thời đại của những sự kiện diễn ra chớp nhoáng này đòi hỏi một hệ thống thông tin liên lạc nhanh chóng và đáng tin cậy trong những lúc khẩn cấp.” Thỏa thuận này là “bước đầu tiên giúp giảm bớt nguy cơ chiến tranh xảy ra do tai nạn hoặc do tính toán lầm.”
Hệ thống này đã được thiết lập một vài tháng sau khi thỏa thuận được ký kết. May mắn là đường dây nóng này chưa bao giờ được sử dụng để ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân.