Nguồn: David Shambaugh, “China and the US are now engaged in all-out competition”, South China Morning Post, 11/6/2015.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Quan hệ Mỹ – Trung đã được mô tả một cách chính xác là mối quan hệ quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế. Đó cũng là mối quan hệ phức tạp và đáng lo ngại nhất. Hai gã khổng lồ này là hai cường quốc hàng đầu thế giới và được kết nối với nhau theo nhiều cách: song phương, khu vực và toàn cầu. Do đó, việc hiểu được động lực làm nền tảng và vận hành mối quan hệ đang thay đổi này là điều rất quan trọng.
Dù Washington và Bắc Kinh hợp tác trong những lĩnh vực họ có thể hợp tác, vẫn có sự cạnh tranh đang gia tăng đều đặn trong mối quan hệ giữa hai bên. Sự cân bằng giờ đây đã thay đổi, với cạnh tranh là yếu tố chi phối. Có nhiều lý do cho thực trạng này – và một trong số đó là vì an ninh bây giờ đã quan trọng hơn so với kinh tế trong mối quan hệ này.
Cạnh tranh ở đây không chỉ là cạnh tranh về chiến lược, mà thực sự là cuộc cạnh tranh toàn diện về thương mại, tư tưởng, chính trị, ngoại giao, công nghệ, thậm chí ngay cả trong giới học thuật, khi mà Trung Quốc đã cấm một số học giả Mỹ và đang bắt đầu gây áp lực đối với các đại học liên doanh tại nước này.
Không tin tưởng lẫn nhau là tình trạng phổ biến trong cả hai chính phủ, và cũng là điều hiển nhiên đối với người dân hai nước. Theo dữ liệu mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Pew về thái độ toàn cầu, trong năm 2013, sự mất lòng tin gia tăng ở cả hai quốc gia. Khoảng hai phần ba người dân hai nước xem quan hệ Mỹ – Trung là “cạnh tranh” và “không đáng tin” – một sự thay đổi đáng kể so với năm 2010, khi phần lớn người dân hai nước vẫn có quan điểm tích cực về bên còn lại.
Chúng ta có thể cảm nhận được sự dịch chuyển cơ bản trong mối quan hệ này. Nhìn từ phía Washington, ngày càng khó khăn để họ tìm được dòng quan điểm và con đường tích cực hướng tới tương lai. “Liên minh can dự” đang sụp đổ và một “liên minh cạnh tranh” đang lớn dần. Theo quan điểm của tôi, mối quan hệ này về cơ bản đã gặp khó khăn trong nhiều năm và thất bại trong việc tìm kiếm điểm chung để tạo nên một quan hệ đối tác thực sự và lâu dài. “Chất keo” dường như đang níu giữ mối quan hệ này chính là sự lo sợ nó đổ vỡ. Nhưng chất keo ấy khác xa một cơ sở vững chắc cho quan hệ đối tác lâu dài giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Lộ trình vĩ mô trong thập niên qua là một con đường đi xuống một cách đều đặn, được ngắt quãng bởi những hội nghị thượng đỉnh cấp cao giữa các nguyên thủ của hai bên, điều giúp cho lộ trình này tạm ngừng đi xuống trong những khoảng thời gian ngắn. Đây là trường hợp của bốn hội nghị thượng đỉnh gần nhất. Thỉnh thoảng, các cuộc họp song phương như Đối thoại Chiến lược và Kinh tế – sẽ được nhóm họp tại Washington trong hai tuần nữa – đem đến sự ổn định tương tự và động lực thay đổi trong các lĩnh vực chính sách cụ thể. Nhưng tác động của chúng thường ngắn ngủi, chỉ kéo dài một vài tháng trước khi hai nước gặp phải những cú sốc mới và sự tiếp tục suy thoái trong quan hệ.
Chấn động gần đây nhất trong quan hệ giữa hai bên, chỉ một vài tháng kể từ khi Tập Cận Bình và Barack Obama cùng đi dạo trong khu Trung Nam Hải (còn gọi là Hội nghị thượng đỉnh Yingtai), thì đã có sự leo thang về luận điệu và căng thẳng xung quanh việc xây dựng đảo của Trung Quốc ở Biển Đông. Đằng sau tình trạng phức tạp này là sự gia tăng lo ngại về khả năng quân sự của Trung Quốc, về hoạt động quân sự của Mỹ ở gần Trung Quốc, và sự cân bằng quyền lực nói chung ở châu Á.
Nhưng cũng có một số vấn đề khác, nhỏ hơn, nhưng không phải là không quan trọng, những vấn đề mà gần đây đã vùi dập quan hệ hai bên trong các lĩnh vực khác nhau – như trong thực thi pháp luật (vụ bắt giữ người Trung Quốc vì hành vi trộm cắp công nghệ và gian lận hồ sơ ứng tuyển vào các đại học Hoa Kỳ), lập pháp (dự thảo luật về an ninh quốc gia và các tổ chức phi chính phủ của Trung Quốc), nhân quyền (việc kết án các luật sư nhân quyền và các vụ đàn áp nói chung ở Trung Quốc kể từ năm 2009), tội phạm an ninh mạng (gần nhất là vụ tấn công Văn phòng Quản lý nhân sự Mỹ) và các vấn đề về thương mại và đầu tư. Hầu như không một ngày nào trôi qua mà ta không đọc thấy trên báo nhiều vụ xích mích tương tự và thậm chí nghiêm trọng hơn.
Đây là tình trạng “bình thường mới” mà cả hai bên tốt hơn nên làm quen với nó – chứ không phải là ngây thơ tin vào một mối quan hệ hài hòa vốn chẳng thể đạt được.
Điều này đã tạo động lực cho một làn sóng bình luận và báo cáo chưa từng có của các viện chính sách tại Washington trong những tháng gần đây. Tôi đã sống và làm việc ở đó một thời gian dài, nhưng chưa từng thấy một “cơn sóng thần” các ấn phẩm về quan hệ Mỹ – Trung nào như vậy – và tất cả đều mang tính tiêu cực, chỉ trừ một ngoại lệ (báo cáo “Cộng đồng châu Á” của Kevin Rudd), kêu gọi đánh giá lại các chính sách hiện tại của Mỹ đối với Trung Quốc, cũng như kêu gọi một chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc về mọi mặt.
Một sự thay đổi về chất trong tư duy của người Mỹ về Trung Quốc đang diễn ra. Về bản chất, chiến lược “can dự” mà họ theo đuổi kể từ thời Nixon qua tám đời tổng thống, có tiền đề dựa vào ba trụ cột, đang bị đổ vỡ. Sự kỳ vọng của người Mỹ bao gồm: Thứ nhất, khi Trung Quốc hiện đại hóa kinh tế, họ sẽ tự do hóa chính trị; thứ hai, khi vai trò của Trung Quốc trên thế giới tăng lên, họ sẽ trở thành một “bên liên quan có trách nhiệm” (responsible stakeholder) – như Robert Zoellick đã nói – trong việc giữ gìn trật tự tự do toàn cầu; và thứ ba, Trung Quốc sẽ không thách thức kiến trúc an ninh do Mỹ thống trị và trật tự trong khu vực Đông Á.
Tiền đề đầu tiên rõ ràng là không xảy ra – ngược lại, khi Trung Quốc phát triển mạnh mẽ về kinh tế, đàn áp chính trị cũng nhiều lên, chứ không ít đi. Có rất nhiều ví dụ, nhưng đàn áp chính trị ở Trung Quốc ngày nay là tồi tệ nhất trong vòng 25 năm kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn. Đối với hai tiền đề còn lại, chúng ta không được chứng kiến cuộc tấn công trực diện của Trung Quốc lên các kiến trúc thể chế trong khu vực và toàn cầu. Nhưng chúng ta đang chứng kiến việc Bắc Kinh thiết lập một loạt các thể chế thay thế như một tín hiệu rõ ràng cho thấy sự khó chịu của Trung Quốc với trật tự hậu chiến do Mỹ dẫn đầu. Không còn nghi ngờ gì: Trung Quốc đang cố gắng xây dựng một trật tự quốc tế khác một cách bài bản.
Sự vỡ mộng về Trung Quốc của Mỹ có lẽ nói lên nhiều điều về Mỹ hơn là về Trung Quốc. Một mẫu hình đã lặp đi lặp lại trong quan hệ hai bên suốt hai thế kỷ vừa qua: “sứ mệnh cải hóa” của người Mỹ nhằm thay đổi hình ảnh của Trung Quốc đã nhiều lần bị thất bại vì họ không hiểu được sự phức tạp trong thực tế tại Trung Quốc, và vì Trung Quốc không sẵn lòng đáp ứng những mong đợi của người Mỹ. Vì vậy, một lần nữa, điều này dường như có liên quan tới Mỹ và những kỳ vọng không thực tế của họ, hơn là với Trung Quốc.
Dù môi trường tổng thể về mặt vĩ mô của quan hệ hai bên là như vậy, Mỹ và Trung Quốc vẫn phải cùng tồn tại, và cùng tồn tại hòa bình nếu có thể. Cả hai đều có nhiều việc để bàn với nhau – cả về thương mại lẫn ngoại giao.
Có lẽ cơ hội gần nhất – và là cơ hội mang lại sự thúc đẩy rất lớn cho mối quan hệ – sẽ là việc ký kết một hiệp định đầu tư song phương. Nhưng đàm phán hiệp định này đang bị xếp sau Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu xét những khó khăn mà Nhà Trắng đang gặp phải trong việc hoàn tất Hiệp định này và thông qua Quốc Hội, thì có thể thấy Washington chẳng mặn mà gì với việc ký kết một hiệp định đầu tư với Trung Quốc trong năm nay.
Cũng được ưu tiên trong chương trình nghị sự hiện nay là nhu cầu thực sự về xúc tiến hợp tác thực tế trong một số vấn đề gọi là “quản trị toàn cầu”, bao gồm vấn đề Bắc Triều Tiên, Iran, Nhà nước Hồi giáo, Afghanistan, chống khủng bố, chống cướp biển, biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải, ổn định kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh đường biển, và thiết lập các quy tắc toàn cầu cho hoạt động mạng.
Cho đến nay, Trung Quốc đã rất miễn cưỡng hợp tác công khai với Mỹ trong các vấn đề quản trị toàn cầu đó, nhưng bây giờ việc hợp tác này dường như khả thi hơn. Đó là do Chủ tịch Tập Cận Bình đã đích thân ủng hộ “ngoại giao chủ động” hơn của Trung Quốc trong lĩnh vực quản trị toàn cầu. Điều này tuy không trực tiếp giải quyết các vấn đề trong quan hệ Mỹ – Trung, nhưng nó vẫn sẽ có ích phần nào.
Cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế sắp tới và chuyến thăm cấp quốc gia của Tập Cận Bình tới Washington vào tháng 9 là những cơ hội vàng để thảo luận về những vấn đề này, cố gắng hợp tác thực sự, và chấm dứt các chuyển động tiêu cực trong mối quan hệ. Câu hỏi đặt ra là: liệu xu hướng đó sẽ một lần nữa chỉ là tạm thời, hay sẽ trở nên vững chắc hơn? Nếu lấy quá khứ làm chỉ dấu, thì chúng ta không nên trông đợi quá nhiều.
Điều khiến tôi lo lắng là trong bầu không khí ngày càng tiêu cực và nghi ngờ này, “các thử thách sự khả tín” sẽ tăng lên. Điều tốt nhất mà chúng ta có thể hy vọng trong khoảng 2 – 3 năm tới – khi Tổng thống Obama trở thành một “con vịt què”[1] và chu kỳ bầu cử sẽ mang lại nhiều luận điệu “nóng” hơn về Trung Quốc – là việc quản lý chiến thuật mối quan hệ này: nhạy cảm hơn với “ranh giới đỏ” và “lợi ích cốt lõi” của mỗi bên, đồng thời hy vọng rằng sẽ không có “sự kiện bất ngờ” nào xảy ra. Điều này có thể bao gồm một cuộc tập trận trên không hoặc trên biển, hay tái lập căng thẳng trong vấn đề Đài Loan.
Ngay cả tình hình hiện nay ở Biển Đông cũng tiềm ẩn khả năng xung đột thực sự, vì Trung Quốc sẽ không ngừng hoạt động xây dựng đảo và do đó sẽ không đáp ứng yêu cầu của Mỹ muốn họ phải làm vậy. Hoặc nếu Trung Quốc, sau khi xây dựng kiên cố các đảo, tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Khi đó Washington phải làm gì? Khả năng đối đầu quân sự không phải là không đáng kể.
Vì vậy, khi nhìn về tương lai, trách nhiệm chính của cả hai quốc gia là tìm hiểu làm thế nào để quản lý sự cạnh tranh, ngăn chặn nguy cơ xung đột, trong khi cố gắng mở rộng hợp tác trên thực tiễn.
Cả hai nước đều không có bất kỳ cuốn sách nào hướng dẫn một mối quan hệ như vậy. Henry Kissinger đã hình dung ra cái mà ông gọi là “cùng tiến hóa” giữa hai cường quốc, nhưng ngay cả ông cũng nhận định rằng điều này đòi hỏi “sự khôn ngoan và kiên nhẫn.” Nhưng tôi chưa thực sự hiểu được làm thế nào nền văn hóa chính trị và hệ thống chính trị hiện tại, bản sắc dân tộc, các giá trị xã hội, và thế giới quan ngày nay của hai nước có thể đạt được một thế mặc cả đại chiến lược kiểu như vậy.
Cho nên, hai cường quốc này sẽ nhận thấy rằng việc cùng nhau tồn tại là ngày càng khó – nhưng họ buộc phải làm vậy. Dù có khó khăn đến thế nào, thì đây là một cuộc hôn nhân mà trong đó ly dị không phải là một lựa chọn. Bởi ly dị có nghĩa là chiến tranh.
David Shambaugh là Giáo sư Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Đại học George Washington, và là thành viên cao cấp không thường trú tại Viện Brookings. Bài báo này được trích từ một bài giảng của ông tại Phòng Thương mại Mỹ ở Hồng Kông hôm thứ Tư.
————————
[1] Vịt què (lame duck) chỉ một tổng thống khi sắp hoàn thành nhiệm kỳ, nhất là trong thời kỳ tổng thống kế nhiệm đã được bầu nhưng chưa nhậm chức.