Tác giả: Lê Hồng Hiệp
Hiệp ước Nam Cực là hiệp ước được ký kết năm 1959 bởi 12 quốc gia, bao gồm 7 quốc gia có yêu sách lãnh thổ ở khu vực Nam Cực (Achentina, Australia, Chile, Pháp, New Zealand, Na Uy, Liên hiệp Vương quốc Anh), 2 siêu cường (Mỹ, Liên Xô) cùng 3 nước khác (Bỉ, Nhật Bản và Nam Phi). Tất cả các nước này đều có các trạm nghiên cứu đặt trên lãnh thổ Nam Cực trong Năm Vật lý địa cầu quốc tế 1957-1958. Trong năm này, các quốc gia tham gia đã cùng nghiên cứu các hoạt động của điểm đen mặt trời và tác động của chúng đối với trái đất và khí quyển. Các nghiên cứu này đã dẫn tới những khám phá khoa học quan trọng, đặc biệt là khám phá ra lỗ thủng tầng ozone trong tầng khí quyển Nam Cực.
Hiệp ước Nam Cực có hiệu lực vô thời hạn kể từ năm 1961. Mục đích của Hiệp ước là nhằm bảo tồn lục địa Nam Cực với toàn bộ vùng lãnh thổ cùng vùng biển nằm dưới vĩ tuyến 60o Nam dành cho các mục đích hòa bình, đặc biệt là nghiên cứu khoa học. Từ khi được ký kết đến nay, Hiệp ước đã được bổ sung bởi một số công ước và nghị định thư liên quan đến sinh thái/ môi trường và cho đến nay đã tạo thành một định chế quốc tế quan trọng đề cập tới các vấn đề về tài nguyên, quân sự và môi trường.
Châu Nam Cực |
Châu Nam Cực có diện tích 14 triệu km2, là châu lục lớn thứ năm và được phát hiện muộn nhất trong số bảy châu lục của địa cầu. Các nhà thám hiểm lần đầu tiên nhìn thấy Châu Nam Cực vào đầu thế kỷ 18 và đặt chân tới châu lục này vào năm 1911. Sau đó, trạm nghiên cứu khoa học đầu tiên được thiết lập ở đây vào năm 1940.
Châu Nam Cực được bao phủ bởi một khối lượng băng tương đương khoảng 29 triệu km3. Nếu khối lượng băng này tan chảy hoàn toàn, mực nước biển sẽ tăng cao 60m. Châu Nam Cực trong tiếng Anh có tên gọi là Antarctica, có nghĩa là “đối diện với Bắc Cực (Arctic)” |
Hiệp ước Nam Cực có một ý nghĩa quan trọng mang tính chất đột phá vì vào thời điểm năm 1959 đây là hiệp ước giải trừ quân bị đầu tiên có sự tham gia của Mỹ và Liên Xô, và trên thực tế hiệp ước này đã biến Nam Cực thành một vùng lãnh thổ không có vũ khí hạt nhân.
Hiệp ước dựa trên một định chế bao gồm năm nguyên tắc chính như sau:
-
- Thừa nhận một “Cộng đồng Nam Cực” cùng có trách nhiệm sử dụng và quản lý châu lục này
- Duy trì tình trạng phi quân sự hóa ở Nam Cực
- Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học
- Đảm bảo bảo vệ môi trường Nam Cực; và
- Treo lại các yêu sách về lãnh thổ của các quốc gia thành viên trong giai đoạn Hiệp ước có hiệu lực
Cụ thể về nội dung, Hiệp ước bao gồm 14 điều, trong đó quy định cấm các hoạt động quân sự, việc sử dụng vũ khí nguyên tử và thải chất thải hạt nhân ở Nam Cực; khuyến khích việc tự do trao đổi thông tin về các nghiên cứu khoa học ở Nam Cực, và cấm các quốc gia đưa ra các yêu sách lãnh thổ mới đối với châu lục này. Tuy nhiên Hiệp ước không đề cập các yêu sách lãnh thổ được đưa ra từ trước.
Bên cạnh Hiệp ước Nam Cực còn tồn tại một loạt các thỏa thuận liên quan khác được ký kết giữa các thành viên nhằm hỗ trợ cho việc thực thi Hiệp ước Nam cực một cách hiệu quả. Trong số này có thể kể tới một số thỏa thuận tiêu biểu như Thỏa thuận về các biện pháp nhằm bảo tồn hệ động thực vật Nam Cực năm 1964 (Agreed Measures for the Conservation of Antarctic Fauna and Flora), Công ước về bảo tồn hải cẩu Nam Cực năm 1972 (Convention for the Conservation of Antarctic Seals), Công ước về bảo tồn các loài sinh vật biển sống ở Nam Cực năm 1980 (Convention for the Conservation of Antarctic Marine Living Resources), hay Nghị định thư về bảo vệ môi trường gắn liền với Hiệp ước Nam Cực năm 1991 (Protocol on Environmental Protection to the Antarctic Treaty)… Những thỏa thuận này được đàm phán và thông qua tại các Cuộc họp Tham vấn về Hiệp ước Nam Cực được tổ chức hàng năm với sự tham dự của các quốc gia thành viên Hiệp ước. Những thỏa thuận này cùng với Hiệp ước Nam Cực được gọi chung là Hệ thống Hiệp ước Nam Cực.
Cho tới tháng 6/2011 đã có tổng cộng 46 quốc gia tham gia Hiệp ước Nam Cực, bất chấp lập luận cho rằng việc mở rộng số lượng thành viên sẽ làm cho Hiệp ước trở nên lỏng lẻo và khó quản lý. Trong số 46 quốc gia kể trên có 28 quốc gia, bao gồm 12 quốc gia sáng lập Hiệp ước ban đầu và 16 quốc gia thành viên mới, có quyền biểu quyết đối với Hiệp ước trong các Cuộc họp Tham vấn thường niên. Mười sáu quốc gia thành viên mới có quyền biểu quyết này đều là những quốc gia đã chứng minh được việc theo đuổi lợi ích của mình ở Nam Cực bằng cách tiến hành những hoạt động nghiên cứu khoa học cụ thể và đáng kể ở đây.
Cuộc họp Tham vấn thường niên là cơ chế chủ yếu để quản lý và giải quyết các vấn đề liên quan đến Nam Cực cũng như Hiệp ước Nam Cực. Ngoài ra, Cuộc họp Tham vấn thường niên về Hiệp ước Nam Cực năm 1994 cũng đã quyết định thành lập một Ban Thư ký Hiệp ước đặt trụ sở tại thủ đô Buenos Aires của Achentina. Nhiệm vụ của Ban Thư ký chủ yếu là giúp tổ chức các Cuộc họp Tham vấn thường niên về Hiệp ước Nam Cực và cuộc họp của Ủy ban Bảo vệ Môi trường, hỗ trợ trao đổi thông tin giữa các quốc gia thành viên của Hiệp ước cũng như giúp cung cấp, phổ biến thông tin về Hiệp ước và các hoạt động tại Nam Cực.
Đến nay Hiệp ước Nam Cực vẫn đang hoạt động bên ngoài khuôn khổ Liên Hiệp Quốc. Điều này đã dẫn tới việc một số quốc gia không tham gia ký kết Hiệp ước, đứng đầu là Malaysia, kêu gọi đưa hiệp ước này vào trong phạm vi được điều chỉnh bởi nguyên tắc Di sản chung của nhân loại. Các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là những tổ chức về môi trường, cũng đã kêu gọi biến Nam Cực thành khu vực “bảo tồn thiên nhiên hoang dã thế giới”. Điều này cũng có nghĩa Hiệp ước sẽ được đưa vào khuôn khổ của quản trị toàn cầu.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).