Nguồn: Paolo Mauro, ‘Why America Should Join the AIIB’, Project Syndicate, 12/06/2015.
Biên dịch: Trần Anh Phúc | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Hoa Kỳ, cùng với Canada và Nhật Bản, đã vắng mặt khỏi các cuộc bàn thảo về việc thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Tổng cộng có 57 quốc gia – từ châu Âu, châu Á và Mỹ Latinh – đã tham gia ngân hàng do Trung Quốc khởi xướng với mục tiêu chi 100 tỷ USD vào các tuyến đường bộ, đường sắt, cầu cống, bến cảng trên khắp khu vực (châu Á). Nhưng chính quyền Tổng thống Barack Obama vẫn không sẵn lòng tham gia – phần nhiều do sự hoang mang, lo ngại về chính phủ Trung Quốc.
Việc tiếp tục giữ lập trường đó sẽ là một sai lầm. Mỹ có cơ hội để gây ảnh hưởng đến thiết kế của AIIB mà không trông có vẻ như là đang bơi ngược dòng. Để đổi lại việc tham gia vào định chế này, chính quyền Obama có thể và nên yêu cầu rằng AIIB cần tập trung vào cung cấp tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng nào giúp làm giảm lượng khí thải CO2 và đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường cao nhất.
Nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nền kinh tế mới nổi của châu Á là rất lớn. Nói chung, khi thu nhập hộ gia đình của một quốc gia tăng lên, tỷ lệ chi tiêu cho lương thực giảm, trong khi chi tiêu vào giao thông vận tải tăng mạnh. Và hầu hết các nước đang phát triển ở châu Á đã đạt đến một giai đoạn kinh tế mà tại đó phần lớn dân số của họ sẽ sớm có thể đủ khả năng sở hữu xe hơi và đi máy bay lần đầu tiên.
Theo nghiên cứu do tôi (tác giả) tiến hành cùng với đồng nghiệp Tomas Hellebrandt, thu nhập hộ gia đình trung bình ở các nền kinh tế mới nổi của châu Á sẽ tăng gấp đôi trong vòng hai thập niên tới; trong khi đó, chi tiêu cho giao thông vận tải sẽ tăng gấp bốn lần. Các lựa chọn đang được quyết định lúc này liên quan đến loại cơ sở hạ tầng nào sẽ được xây dựng – các hệ thống tàu điện ngầm hoặc đường bộ; năng lượng xanh hoặc năng lượng than – sẽ có tác động lớn đến khả năng kiểm soát biến đổi khí hậu của thế giới.
Mỹ và Trung Quốc có lợi ích chung trong việc đảm bảo cả hai yếu tố là duy trì mức tăng trưởng kinh tế mạnh ở châu Á và kiềm chế lượng khí thải CO2. Hai nước cũng đang tìm kiếm các sáng kiến cụ thể, điều sẽ cho thấy khả năng hợp tác của hai nước và họ đã tạo lập được những thành tựu trong hợp tác về các vấn đề liên quan đến môi trường. Tháng 11 năm ngoái, Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra một tuyên bố chung về biến đổi khí hậu, phác thảo các chính sách tương ứng của mỗi bên và mô tả các sáng kiến chung của cả hai nước. Điều quan trọng là động lực đó sẽ được duy trì để chuẩn bị cho Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Paris vào tháng 12 tới.
May mắn thay, cả hai nước dường như thừa nhận tầm quan trọng của việc tìm kiếm một hướng đi tương lai đối với AIIB. Hồi tháng 5, Nhật Bản, đồng minh châu Á chủ chốt của Mỹ, đã đưa ra một thông báo mang tính cạnh tranh rằng nước này sẽ cung cấp 110 tỉ USD cho các dự án “cơ sở hạ tầng chất lượng cao” tại châu Á trong 5 năm tới. Nhưng quan điểm của Mỹ dường như đã dịu đi phần nào trong những tháng gần đây. Vào tháng 4, Obama tuyên bố rằng Mỹ không phản đối AIIB và rằng ông sẽ “hoàn toàn ủng hộ ngân hàng này” nếu nó đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cao trong việc cấp vốn cho các dự án.
Thật vô nghĩa nếu cố gắng dự đoán liệu nỗ lực thành lập AIIB của Trung Quốc có phản ánh mong muốn tăng cường vị thế toàn cầu của Trung Quốc hay chỉ nhằm thúc đẩy các lợi ích thương mại đơn thuần của nước này. Lời giải thích khả dĩ nhất là cả hai động cơ trên đều đang được cân nhắc. Ví dụ, chắc chắn rằng Trung Quốc có lợi ích trong việc phân bổ nguồn dự trữ tiền tiết kiệm khổng lồ để sử dụng hiệu quả cho các dự án được thực hiện ở nước ngoài.
Chắc chắn rằng miền Tây Trung Quốc vẫn cần phải được đô thị hóa và hiện đại hóa, nhưng thị trường đó có thể sớm trở nên quá nhỏ, ít nhất là so với khả năng vượt trội của các công ty Trung Quốc trong việc cung cấp các dự án cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, việc các nước láng giềng phát triển về mặt kinh tế sẽ tạo ra các cơ hội mới cho thương mại khu vực. Quan hệ thương mại cũng có thể giúp duy trì sự ổn định chính trị trong khu vực, đặc biệt là nếu những thành tựu của phát triển kinh tế được tất cả các bên cảm nhận là được chia sẻ một cách hợp lý công bằng.
Các quyết định kiểu như điều Mỹ đang phải đối mặt – có tham gia AIIB hay không – không nên dựa trên sự suy đoán về động cơ của các nước khác, mà nên dựa trên một đánh giá về những gì có thể đạt được bằng cách chọn lựa cách này hay cách khác. Khi tham gia vào AIIB, các nền kinh tế tiên tiến sẽ có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng này, đảm bảo rằng các quy trình của nó là minh bạch và áp dụng ưu đãi cho các dự án bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới và kiểm soát biến đổi khí hậu. Mỹ ở một vị thế tốt để đóng vai trò mang tính xây dựng trong nỗ lực đó.
Paolo Mauro là một học giả cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.
Copyright Project Syndicate – Why America Should Join the AIIB