Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (15/07/2015)

taubuom-2_dajt

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Cội nguồn chiến lược A2/AD của Trung Quốc xuất phát từ chính nỗi sợ trong quá khứ của họ, Harry J. Kazianis – cựu biên tập của tờ The National Interest khẳng định trong bài viết của mình. Theo Kazianis, mục tiêu mà chiến lược A2/AD của Trung Quốc muốn nhắm tới là ngăn chặn các lực lượng Hoa Kỳ tiến gần bờ biển, xuất phát từ những bài học trong quá khứ. Đô đốc Wu Shengli, cựu tư lệnh hải quân Trung Quốc đã từng nói: “Trong lịch sử Trung Quốc hiện đại, các thế lực thực dân và đế quốc đã tiến hành hơn 470 cuộc xâm lược Trung Quốc, trong đó có 84 lần xâm lược lớn là đến từ biển”. Thêm vào đó, khi trực tiếp đụng độ với các nước phương Tây, người Trung Quốc thật sự bị sốc. Khoan nói về những yếu tố khác, nhưng chính sự vượt trội về công nghệ là điều khiến Trung Quốc lép vế trong cuộc đối đầu.

Lịch sử đã từng chứng kiến 2 cuộc chuyển giao hình thức vũ khí chiến tranh. Lần đầu tiên là từ chiến tranh vũ khí lạnh (dao hoặc các loại tương tự) sang chiến tranh vũ khí nóng (chẳng hạn súng hỏa mai). Lần thứ hai là từ chiến tranh vũ khí nóng sang chiến tranh vũ khí cơ giới (ví dụ như xe tăng, tàu bọc thép, máy bay). Cả 2 lần Trung Quốc đều vuột mất cơ hội “cách mạng hóa” vũ khí. Khi người phương Tây xâm lược Trung Quốc cách đây hai thế kỷ, Bắc Kinh bị hụt hơi trước công nghệ nước ngoài. Và khi các nước phương Tây phát triển vũ khí cơ giới trong và sau Thế chiến thứ hai, Trung Quốc vẫn bị chiếm đóng và chìm vào nội chiến. Điều này đã ngăn cản Trung Quốc bắt kịp sự phát triển của các công nghệ vũ khí mới.

Thêm vào đó, người Trung Quốc bị ám ảnh bởi “thế kỷ ô nhục” – cách mà các học giả Trung Quốc nói về thời kỳ nước này bị chiếm đóng và nô dịch bởi nước ngoài. Khởi đầu từ Chiến tranh Nha phiến với nước Anh, Trung Quốc thua cuộc và chấp nhận bị cắt đất. Tiếp theo đó là chiến tranh Trung – Nhật (1894 -1895). Thất bại trước Nhật Bản là một nỗi ô nhục và có tác động lớn đến nhận thức của người Trung Quốc. Việc thất bại trước một quốc gia phương Tây với công nghệ vượt trội dù sao cũng có thể chấp nhận hơn là việc bị đánh bại hoàn toàn bởi một nước láng giềng châu Á. Thập niên 1930, người Trung Quốc lại một lần nữa bị nô dịch bởi người Nhật, kéo dài cho đến hết Thế chiến thứ hai.

Như vậy, có thể thấy, xuất phát từ những bài học trong lịch sử và sự thua kém về công nghệ, Trung Quốc đã thúc đẩy phát triển chiến lược A2/AD nhằm ngăn chặn Hoa Kỳ tiến vào vùng biển của mình. Đây được coi là điều cần thiết trước khi Bắc Kinh nghĩ đến viễn cảnh các lực lượng Trung Quốc có thể đối đầu trực tiếp và tương xứng với Hoa Kỳ.

Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên tại Djibouti. Tổng thống Djibouti Ismail Guelleh trong cuộc phỏng vấn với tờ Al-Hayahon thuộc Saudi Arabia khẳng định mọi công việc đàm phán đang được tiến hành một cách suôn sẻ. Ông Guelleh cũng khẳng định, thêm một căn cứ quân sự Trung Quốc đã là quá đủ và sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia nào đặt căn cứ tại đây nữa. Vậy tại sao lại là Djibouti mà không phải là quốc gia khác trong khu vực? Cũng cần nói thêm, các nước Hoa Kỳ, Pháp và Nhật Bản đều có căn cứ quân sự tại Djibouti.

Thứ nhất, yếu tố địa lý. Djibouti đâm thẳng ra vịnh Aden, nằm gần Bab al-Mandeb – con đường vận tải năng lượng chiến lược toàn cầu. Điều này khiến Djibouti trở thành điểm nút năng lượng bận rộn thứ 4 thế giới. Từ Djibouti, tàu thuyền cũng có thể tiến vào bán đảo Ả Rập, tây bắc Ấn Độ Dương, và đặc biệt, chỉ mất một vài ngày là có thể đi từ Djibouti vào Địa Trung Hải.

Thứ hai, Djibouti là nơi an toàn và có mức độ ổn định chính trị cao nhất trong số các lợi ích hàng hải và đất liền Trung Quốc có ở khu vực.

Thứ ba, các cảng ở Djibouti có khả năng đón hầu hết tất cả các tàu chiến hiện có của Hải quân Trung Quốc. Tàu chiến gần đây nhất cập bến Djibouti là tàu đổ bộ Type 071. Con tàu có lượng mớn nước 7m trong khi các cảng ở Djibouti có thể đón tàu có lượng mớn nước lên đến 18m. Về lý thuyết, độ sâu này đủ cho một tàu sân bay vào neo đậu. Dù chưa rõ Bắc Kinh sẽ triển khai loại tàu chiến nào ở Djibouti, song khả năng của các cảng biển ở quốc gia này mở ra nhiều cơ hội lớn hơn cho Trung Quốc.

Thứ tư, Djibouti phù hợp với chiến lược thiết lập mạng lưới cung cấp và hỗ trợ trên Ấn Độ Dương của Trung Quốc.

Ở một khu vực nhạy cảm khác, Jakarta được cho là đang có kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự mới trên biển Đông. Theo Jakarta Post, Bộ Quốc phòng Indonesia và Ban Phát triển Kế hoạch Quốc gia (Bappenas) đã tổ chức một cuộc họp vào thứ 6 vừa rồi nhằm tìm kiếm một địa điểm thích hợp cho căn cứ mới. Theo ông Andrinof Chaniago, người đứng đầu Bappenas, các khu vực được đề xuất bao gồm Sambas, Tây Kalimantan; quần đảo Natuna, quần đảo Riau và Tarakan, Bắc Kalimantan. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia, Ryamizard Ryacudu đã bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch.

Ông Ryamizard Ryacudu nói. “Tôi từng làm việc ở Tây Kalimantan trước đây và tôi tin việc xây dựng một căn cứ quân sự ở khu vực này là quyết định đúng đắn. Chúng ta có những nguồn tài nguyên thiên nhiên cần được bảo vệ”.

Indonesia không phải là một trong những quốc gia đưa ra yêu sách chủ quyền trên biển Đông. Tuy nhiên, đường yêu sách 9 đoạn mà Trung Quốc đưa ra lại bao gồm cả quần đảo Natuna thuộc chủ quyền của Indonesia. Điều này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ giới chức Indonesia. Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Indonesia Moeldoko tuyên bố: “Quân đội Indonesia đã quyết định tăng cường các lực lượng của mình trên Natuna. Chúng ta cũng cần chuẩn bị các máy bay chiến đấu để đáp trả bất kỳ tình huống nào xuất phát từ những căng thẳng tăng cao ở một trong những tuyến đường thủy quan trọng của thế giới”.

Một số tin vắn quốc phòng đáng chú ý:

Việt Nam sắp nhận tàu buồm huấn luyện mang tên Lê Quý Đôn từ hãng đóng tàu Marine Projects (Ba Lan). Hãng này cho hay, về cơ bản tàu Lê Quý Đôn đã hoàn tất và có thể bàn giao trong tháng 8 năm 2015. Tàu khởi công ngày 2 tháng 7 năm 2014, hạ thuỷ ngày 1 tháng 6 năm 2015 và đang trong giai đoạn hoàn tất để chuẩn bị chạy thử và bàn giao cũng như huấn luyện thuỷ thủ đoàn Việt Nam. Tàu Lê Quý Đôn dài 67 m, ngang 10 m, diện tích buồm 1.400 m2, lượng giãn nước 857 tấn, 3 cột buồm có chiều cao 40 m, mớn nước của tàu từ 3,6 – 5,75 m. Thuỷ thủ đoàn là 30 người và có thể lên đến 80 người khi có yêu cầu. Tàu được trang bị 4 khẩu súng máy 12,7 mm.

Trung Quốc chi 1,3 tỷ USD cho các hệ thống vũ khí nước ngoài trong năm 2014, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm. Nga tiếp tục là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Trung Quốc. Giá trị các đơn hàng nhập khẩu từ Nga là khoảng 909 triệu USD trong giai đoạn 2013 – 2014. Trong số này, phần lớn là động cơ máy bay, được Bắc Kinh sử dụng cho các tiêm kích J-10, J-15; máy bay ném bom H-6K và máy bay vận tải Y-20. Báo cáo của Viện Stockholm cũng tiết lộ việc Trung Quốc tiếp tục mua 175 tên lửa không đối đất KH-59MK2 từ Nga. Một thông tin ít được biết đến rộng rãi hơn, Pháp là nhà cung cấp vũ khí quan trọng thứ hai cho Trung Quốc trong những năm gần đây. Tổng cộng, Bắc Kinh đã dành 230 triệu USD cho các hệ thống vũ khí Pháp trong năm 2014. Các nhà cung cấp còn lại bao gồm Ukraine, Anh, Thụy Điển và Đức với chủ yếu là động cơ, radar và hệ thống điện tử.

Hải quân Hoa Kỳ và Singapore bắt đầu cuộc tập trận chung ngày 13 tháng 7. Tập trận thường niên Hoa Kỳ – Singapore thường được biết đến với tên gọi tắt là CARAT. CARAT 2015 diễn ra từ ngày 13 tháng 7 đến ngày 24 tháng 7 với sự tham gia của 1400 nhân viên đến từ hai nước. Đây là một phần trong chuỗi các hoạt động tập trận song phương giữa Hoa Kỳ và 9 nước ở Nam và Đông Nam Á là Bangladesh, Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Timor-Leste. Theo Bộ Quốc phòng Singapore, nội dung chủ yếu của cuộc tập trận năm nay tập trung vào huấn luyện năng lực tác chiến thông thường trên biển. Cụ thể, bao gồm cả các khoa mục chống tàu mặt nước, phòng không và chống tàu ngầm.

Trung Quốc cần phải phát triển một loại máy bay ném bom chiến lược mới, AFP đã trích dẫn lại từ tờ Nhân Dân Nhật Báo. Loại máy bay ném bom mới phải có khả năng tấn công các mục tiêu ở trong phạm vi Chuỗi đảo thứ hai, với tầm hoạt động tối thiểu là 8.000 km mà không cần tiếp liệu. Ngoài ra, tải trọng vũ khí của của loại máy bay mới này vào khoảng 10 tấn (vũ khí không đối đất). Theo trang blog Hàng không quân đội Trung Quốc (Chinese Military Aviation), các thiết kế máy bay ném bom chiến lược mới đang được phát triển bởi Viện thiết kế hàng không 603 trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp hàng không Tây An.