19/07/1956: Hoa Kỳ rút viện trợ cho Ai Cập

image (1)

Nguồn:United States withdraws offer of aid for Aswan Dam,” History.com (truy cập ngày 18/7/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1956, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Foster Dulles tuyên bố rằng Mỹ đang rút đề nghị viện trợ tài chính cho Ai Cập để giúp đỡ xây dựng đập Aswan trên sông Nile. Động thái này đã khiến Ai Cập tiến xa hơn nữa tới một liên minh với Liên Xô và là một nhân tố đóng góp vào cuộc khủng hoảng kênh đào Suez diễn ra cuối năm 1956.

Trước đó, vào tháng 12 năm 1955, Ngoại trưởng Dulles tuyên bố rằng Hoa Kỳ, cùng với Vương quốc Anh, đang cung cấp gần 70 triệu đô la tiền viện trợ cho Ai Cập để giúp đỡ xây dựng đập Aswan. Tuy nhiên, Dulles chỉ miễn cưỡng đồng ý cho khoản hỗ trợ này. Ông có mối nghi ngờ sâu sắc về lãnh đạo Ai Cập Gamal Abdel Nasser, người mà theo Dulles là một nhà dân tộc chủ nghĩa nôn nóng và nguy hiểm. Những người khác trong chính quyền Eisenhower đã thuyết phục Dulles rằng khoản viện trợ của Mỹ có thể kéo Nasser ra khỏi mối quan hệ với Liên Xô và ngăn chặn sự gia tăng quyền lực của Liên Xô ở Trung Đông.

Nhưng chỉ 7 tháng sau khi công bố, khoản viện trợ bị thu hồi. Dulles viện dẫn những khó khăn trong việc sắp xếp hệ thống tài chính cho khoản hỗ trợ của Mỹ với chính phủ Ai Cập, nhưng động cơ thực sự của ông lại là bởi những cuộc tấn công không ngừng của Nasser nhằm vào chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc phương Tây, cùng sự ve vãn liên tục của Ai Cập với Liên Xô.

Có thể Dulles đã tin rằng nếu không có sự trợ giúp của Mỹ thì dự án xây dựng đập Aswan sẽ phải gác lại. Về điểm này, ông đã nhầm. Liên Xô nhanh chóng bù đắp viện trợ cho Ai Cập, và đạp Aswan được chính thức khai trương từ năm 1964. Dĩ nhiên nhà lãnh đạo Ai Cập Nasser rất giận dữ trước hành động của Mỹ. Ngay cả Anh cũng không hài lòng vì tin rằng việc Mỹ rút viện trợ cho Ai Cập đã mở đường cho sự thâm nhập của Liên Xô vào Ai Cập.

Tháng 10 năm 1956, các lực lượng Anh, Pháp, và Israel cùng tấn công Ai Cập với tuyên bố để bảo vệ kênh đào Suez. Sự việc này gần như đã khơi mào cho một cuộc đối đầu Mỹ-Xô, nhưng Tổng thống Dwight D. Eisenhower đã vừa nghiêm khắc cảnh báo bất kỳ hành động quân sự nào của Liên Xô, vừa từ chối hỗ trợ cho Anh, Pháp, và Israel. Các lực lượng tấn công bắt đầu rút khỏi Ai Cập từ năm 1957. Tuy nhiên, quan hệ giữa Mỹ và Trung Đông từ đó đã sứt mẻ, khiến Trung Đông trở thành một điểm nóng Chiến tranh Lạnh trong suốt 35 năm sau đó.

Ảnh: Lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev cạnh Tổng thống Ai Cập Gamal Abdal Nasser trong lễ cắt băng khánh thành đập Aswan tháng 5 năm 1964. Nguồn: AP.