So sánh chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa trọng thương

container_2244981b

Nguồn: Dani Rodrik, “The New Mercantilist Challenge,” Project Syndicate, 09/01/2013.

Biên dịch: Ninh Thị Thanh Hà | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Lịch sử kinh tế học phần lớn là cuộc đấu tranh giữa hai trường phái tư tưởng đối lập là “chủ nghĩa tự do” và “chủ nghĩa trọng thương.” Chủ nghĩa tự do kinh tế mà trọng tâm là kinh tế tư nhân và thị trường tự do là học thuyết thống trị ngày nay. Nhưng chiến thắng về mặt trí tuệ của nó đã làm chúng ta không nhận ra sự hấp dẫn tuyệt vời – và thành công thường xuyên – của những tập quán theo phái trọng thương. Trên thực tế, chủ nghĩa trọng thương vẫn sống khỏe, và xung đột không dứt của nó với chủ nghĩa tự do nhiều khả năng sẽ là lực lượng chính định hình tương lai của nền kinh tế toàn cầu.

Ngày nay, chủ nghĩa trọng thương thường bị coi là một hệ thống tư tưởng lạc hậu và hiển nhiên sai lầm về chính sách kinh tế. Trong những ngày hoàng kim của mình, phái trọng thương đã bảo vệ một số khái niệm kỳ quặc, mà chủ đạo là quan điểm cho rằng chính sách quốc gia phải nhằm hướng tới sự tích lũy các kim loại quý – vàng và bạc.

Khảo luận Của cải của các quốc gia năm 1776 của Adam Smith đã khéo léo đánh đổ rất nhiều ý tưởng như thế. Đặc biệt, Smith chỉ ra là không nên nhầm lẫn số tiền đó với của cải. Ông cho rằng “của cải của một quốc gia không chỉ bao gồm vàng và bạc, mà còn gồm đất đai, nhà cửa, và tất cả các loại hàng hóa tiêu thụ khác nhau.”

Nhưng sẽ chính xác hơn khi nghĩ về chủ nghĩa trọng thương như một cách khác để tổ chức quan hệ giữa nhà nước và nền kinh tế – một tầm nhìn ngày nay có sự phù hợp không kém gì thế kỷ 18. Các nhà lý thuyết trọng thương như Thomas Mun thực tế là những người ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa tư bản; họ chỉ đề xuất một mô hình khác thay vì chủ nghĩa tự do.

Mô hình tự do nhìn nhận nhà nước mang bản chất bóc lột và khu vực tư nhân có bản chất tìm kiếm đặc lợi. Vì vậy nó ủng hộ sự phân chia rõ ràng giữa nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Ngược lại, chủ nghĩa trọng thương, cung cấp một tầm nhìn theo tư tưởng nghiệp đoàn, trong đó nhà nước và doanh nghiệp tư nhân là đồng minh và hợp tác để theo đuổi các mục tiêu chung, chẳng hạn như tăng trưởng kinh tế nội địa và sức mạnh quốc gia.

Mô hình trọng thương có thể bị chế giễu là chủ nghĩa tư bản nhà nước hoặc chủ nghĩa thân hữu. Nhưng khi nó hoạt động, như thường thấy ở châu Á, “sự hợp tác chính phủ – doanh nghiệp” hay “nhà nước ủng hộ kinh doanh” của mô hình này nhanh chóng thu hút được nhiều lời khen ngợi. Các nền kinh tế lạc hậu đã nhận ra chủ nghĩa trọng thương có thể là bạn của họ. Ngay cả ở Anh Quốc, chủ nghĩa tự do cổ điển chỉ đến vào giữa thế kỷ 19 – sau khi đất nước đã trở thành cường quốc công nghiệp thống trị thế giới.

Sự khác biệt thứ hai giữa hai mô hình nằm ở việc lợi ích của người tiêu dùng hay của nhà sản xuất sẽ được ưu tiên. Đối với chủ nghĩa tự do, người tiêu dùng là thượng đế. Mục tiêu cuối cùng của chính sách kinh tế là để tăng tiềm năng tiêu dùng của hộ gia đình, điều đó yêu cầu cần cho họ tiếp cận một cách tự do đối với hàng hóa và dịch vụ với giá rẻ nhất có thể.

Ngược lại, chủ nghĩa trọng thương nhấn mạnh vào khía cạnh năng suất của nền kinh tế. Đối với họ, một nền kinh tế mạnh đòi hỏi một cơ cấu sản xuất hợp lý. Và tiêu dùng cần phải được củng cố bằng tỉ lệ việc làm cao với mức lương thỏa đáng.

Các mô hình khác nhau này có những tác động có thể dự đoán được đối với chính sách kinh tế quốc tế. Logic của phương pháp tiếp cận của chủ nghĩa tự do là lợi ích kinh tế của thương mại phát sinh từ nhập khẩu: nhập khẩu được càng rẻ thì càng tốt, kể cả khi kết quả là thâm hụt thương mại. Tuy nhiên, phái trọng thương coi thương mại như một phương tiện hỗ trợ sản xuất trong nước và việc làm, và muốn thúc đẩy xuất khẩu hơn là nhập khẩu.

Trung Quốc ngày nay là người dẫn đầu mang bó đuốc của phái trọng thương, mặc dù các nhà lãnh đạo nước này sẽ không bao giờ thừa nhận nó – quá nhiều điều tai tiếng vẫn gắn với cụm từ này. Phần lớn kỳ tích kinh tế của Trung Quốc là sản phẩm của một chính phủ đã hỗ trợ, khuyến khích, và công khai trợ cấp cho những nhà sản xuất công nghiệp – cả trong nước và nước ngoài.

Mặc dù Trung Quốc đã loại bỏ nhiều trợ cấp xuất khẩu công khai của nước này như một điều kiện để trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (mà nước này gia nhập năm 2001), phần lớn hệ thống ủng hộ chủ nghĩa trọng thương vẫn được duy trì. Đặc biệt, chính phủ đã can thiệp vào tỉ giá hối đoái để duy trì lợi nhuận cho các nhà sản xuất, dẫn đến thặng dư thương mại khá lớn (dù đang giảm gần đây, nhưng phần lớn lại là hệ quả của suy thoái kinh tế). Hơn nữa, những doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục được hưởng lợi từ một loạt các ưu đãi thuế.

Từ quan điểm tự do, những trợ cấp xuất khẩu này làm nghèo người tiêu dùng Trung Quốc trong khi mang lại lợi ích cho người tiêu dùng ở phần còn lại của thế giới. Nghiên cứu mới đây của hai nhà kinh tế Fabrice Defever và Alejandro Riano của Đại học Nottingham ước tính “thiệt hại” của Trung Quốc vào khoảng 3% thu nhập trong nước, và phần lợi mà phần còn lại của thế giới thu được ở vào khoảng 1% thu nhập toàn cầu.Tuy nhiên, theo quan điểm trọng thương thì đây chỉ đơn thuần là chi phí của việc xây dựng một nền kinh tế hiện đại và chuẩn bị cho sự thịnh vượng lâu dài.

Như ví dụ về trợ cấp xuất khẩu cho thấy, hai mô hình có thể cùng tồn tại tốt đẹp trong nền kinh tế thế giới. Phái tự do nên vui vẻ khi tiêu dùng của họ được trợ cấp bởi những người theo thuyết trọng thương.

Thật vậy, tóm lại thì đó là câu chuyện của sáu thập niên qua: một loạt các nước châu Á tìm cách tăng trưởng nhảy vọt bằng cách áp dụng các biến thể khác nhau của chủ nghĩa trọng thương. Phần lớn chính phủ các nước giàu còn lại nhìn nhận theo cách khác trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc bảo hộ thị trường trong nước, chiếm đoạt “tài sản trí tuệ,” trợ cấp các nhà sản xuất, và quản lý đồng tiền của mình.

Chúng ta hiện đã đi tới cái kết của sự chung sống vui vẻ này. Các mô hình tự do đã bị hoen ố nghiêm trọng do sự gia tăng của bất bình đẳng và hoàn cảnh khó khăn của tầng lớp trung lưu phương Tây, cùng với cuộc khủng khoảng tài chính phát sinh từ việc phi điều tiết hóa. Triển vọng tăng trưởng trung hạn của kinh tế Mỹ và châu Âu dao động từ trung bình đến ảm đạm. Thất nghiệp vẫn là vấn đề đau đầu và là mối bận tâm chủ yếu của các nhà hoạch định chính sách. Vì vậy, những áp lực trọng thương có khả năng sẽ tăng cường ở các nước phát triển.

Kết quả là môi trường kinh tế mới sẽ sinh ra nhiều căng thẳng hơn là sự thỏa hiệp giữa các nước theo đuổi con đường tự do và trọng thương. Nó cũng có thể khơi mào lại cuộc tranh luận đang ngủ yên về loại hình chủ nghĩa tư bản nào sẽ tạo ra sự thịnh vượng lớn nhất.

Dani Rodrik là Giáo sư Khoa học xã hội tại Viện nghiên cứu cao cấp Princeton, New Jersey. Ông là tác giả cuốn One Economics, Many Recipes: Globalization, Institutions, and Economic Growth và gần đây nhất là cuốn The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy.

Copyright: Project Syndicate 2013 – The New Mercantilist Challenge

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]