Cách dung hòa toàn cầu hóa và các giá trị dân chủ

Print Friendly, PDF & Email

glob

Nguồn: Dani Rodrik, “Put Globalization to Work for Democracies,” The New York Times, 17/09/2016.

Biên dịch: Nguyễn Hồng Nhung | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Một sinh viên Trung Quốc từng mô tả cho tôi chiến lược toàn cầu hóa của đất nước cậu. Trung Quốc, cậu nói, mở một ô cửa sổ với nền kinh tế thế giới, nhưng cũng phủ một tấm màn lên đó. Đất nước đã có bầu không khí tươi mới cần thiết – gần 700 triệu người đã thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực kể từ đầu những năm 1980 – nhưng lũ muỗi cũng không thể vào được.

Trung Quốc đã hưởng lợi từ sự phát triển của thương mại và đầu tư xuyên quốc gia. Đối với nhiều người, đây là sự kỳ diệu của toàn cầu hóa.

Nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Hãy xem xét kỹ các nền kinh tế hội tụ về phía các đối tác giàu có hơn – Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc – và ta sẽ thấy rằng mỗi bên đều tham gia toàn cầu hóa một cách có chọn lọc, có chiến lược. Trung Quốc thúc đẩy xuất khẩu, nhưng cũng đặt các rào cản lên nhập khẩu để bảo hộ việc làm trong các doanh nghiệp nhà nước và yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao bí quyết cho các công ty trong nước.

Các nước khác cũng dựa vào toàn cầu hóa làm động lực tăng trưởng cho mình nhưng không đưa ra được một chiến lược quốc gia đã trở nên vỡ mộng. Ví dụ, một số quốc gia như Mexico đã cố gắng hết sức để hòa nhập với nền kinh tế thế giới, thông qua NAFTA và các chính sách tài chính và thương mại tự do. Nhưng tăng trưởng kinh tế của nước này trong những thập niên gần đây đã chững lại, ngay cả theo những tiêu chuẩn khiêm tốn của Mỹ Latinh.

Mối lo ngại lớn hơn ngày nay là toàn cầu hóa không được quản lý đang làm suy yếu chế độ dân chủ. Nền chính trị dân chủ vẫn gắn chặt với các quốc gia-dân tộc, trong khi những thể chế thiết lập nguyên tắc cho các thị trường toàn cầu thì hoặc yếu kém hoặc dường như quá xa vời, đặc biệt là đối với các cử tri thuộc tầng lớp trung lưu và thấp hơn.

Toàn cầu hóa đã làm sâu sắc thêm sự chia rẽ về kinh tế và văn hóa giữa những người có thể tận dụng lợi thế của nền kinh tế toàn cầu và những người không có đủ nguồn lực và kỹ năng để làm điều đó. Các chính trị gia theo chủ nghĩa bản địa bài ngoại (nativist) như Donald J. Trump đã chuyển sự bất mãn đi kèm thành sự thù địch với người ngoài: những người nhập cư Mexico hay Ba Lan, các nhà xuất khẩu Trung Quốc, hay các nhóm dân thiểu số.

Chúng ta cần giải thoát toàn cầu hóa không chỉ khỏi những người theo chủ nghĩa dân túy, mà còn khỏi những người cổ vũ chính nó. Những nhà truyền giáo toàn cầu hóa đã gây tổn hại lớn đến mục đích của họ không chỉ bằng việc xem nhẹ những nỗi sợ hãi và lo ngại thực sự mà những Donald Trump của thế giới này gây ra, mà còn bằng việc xem nhẹ những lợi ích của một hình thái toàn cầu hóa hợp lý hơn.

Chúng ta phải đánh giá lại sự cân bằng giữa quyền tự chủ quốc gia và toàn cầu hóa kinh tế. Nói một cách đơn giản, chúng ta đã đẩy toàn cầu hóa kinh tế đi quá xa – tới một phiên bản phi thực tế mà chúng ta có thể gọi là “siêu toàn cầu hóa” (hyperglobalization).

Sự chuyển dịch sang siêu toàn cầu hóa gắn liền với hai sự kiện đặc biệt: quyết định năm 1989 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhằm loại bỏ mọi hạn chế trên các dòng chảy tài chính xuyên quốc gia; và sự thành lập, sau gần một thập niên đàm phán, của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 1995, với những tác động sâu rộng về các quy tắc an toàn và sức khỏe trong nước, trợ cấp và các chính sách công nghiệp.

Mô hình mới của toàn cầu hóa là ưu tiên hàng đầu của các tổ chức này, về cơ bản đưa chế độ dân chủ phục vụ cho nền kinh tế toàn cầu, thay vì ngược lại. Bản thân việc loại bỏ các rào cản thương mại và tài chính đã trở thành một mục đích, hơn là một phương tiện hướng tới các mục tiêu kinh tế và xã hội căn bản hơn. Các xã hội được yêu cầu thay đổi nền kinh tế trong nước theo những ý tưởng bất chợt của các thị trường tài chính toàn cầu; ký những hiệp ước đầu tư tạo ra những đặc quyền cho các công ty nước ngoài; và giảm thuế cho doanh nghiệp và những người thu nhập top đầu để thu hút các tập đoàn vốn thường xuyên dịch chuyển.

Một số nguyên tắc đơn giản sẽ định hướng lại chúng ta cho đúng hướng. Thứ nhất, không có con đường duy nhất nào dẫn đến sự thịnh vượng. Các quốc gia có những lựa chọn của riêng mình về những thể chế phù hợp nhất. Ví dụ, một số quốc gia, như Anh, có thể chịu đựng sự bất bình đẳng và bất ổn tài chính cao hơn để đổi lấy tăng trưởng cao hơn và nhiều đổi mới tài chính hơn. Họ sẽ lựa chọn mức thuế thấp hơn đối với tư bản và những hệ thống tài chính phóng khoáng hơn. Các quốc gia khác, như các nước châu Âu lục địa, sẽ đi theo hướng ủng hộ sự bình đẳng lớn hơn và chủ nghĩa bảo thủ tài chính. Các doanh nghiệp quốc tế sẽ phàn nàn rằng những khác biệt trong quy tắc và luật lệ sẽ làm gia tăng chi phí kinh doanh xuyên biên giới, nhưng những đòi hỏi của họ phải được đánh đổi để có được những lợi ích từ sự đa dạng.

Thứ hai, các nước có quyền bảo vệ những sắp đặt thể chế và gìn giữ tính toàn vẹn trong các quy định của mình. Các quy định về tài chính hoặc bảo hộ lao động có thể bị phá vỡ và làm cho suy yếu bằng việc các công ty chuyển các hoạt động sang các quốc gia khác có tiêu chuẩn thấp hơn đáng kể. Các nước cần có khả năng ngăn chặn tình trạng “chênh lệch pháp lý” như vậy bằng cách đặt rào cản lên các giao dịch xuyên biên giới – cũng giống như việc họ có thể ngăn chặn đồ chơi hoặc các sản phẩm nông nghiệp không đáp ứng được các tiêu chuẩn về sức khỏe trong nước.

Ví dụ, việc nhập khẩu từ các quốc gia vi phạm nghiêm trọng quyền lao động, như Pakistan hay Việt Nam, có thể phải đối mặt với những rào cản khi những hàng hóa nhập khẩu này cho thấy nguy cơ gây tổn hại cho các tiêu chuẩn lao động tại nước nhập khẩu. Nếu không, sự đa dạng về các thể chế quốc gia sẽ là vô nghĩa. Việc nhấn mạnh tính ưu việt của các chuẩn mực và các thương lượng xã hội đính kèm trong các quy định trong nước sẽ đảm bảo rằng thương mại toàn cầu sẽ không được lợi dụng để vô hiệu hóa chúng. Điều này cũng sẽ bảo vệ chúng ta khỏi chủ nghĩa bảo hộ sai lầm trong đại đa số các trường hợp khi thương mại không gây nguy hiểm.

Thứ ba, mục đích của đàm phán kinh tế quốc tế phải là tăng quyền tự chủ về chính sách trong nước, đồng thời lưu tâm đến những tác hại có thể có đối với các đối tác thương mại. Chế độ thương mại của thế giới được định hướng bởi một logic của chủ nghĩa trọng thương: Anh hạ thấp rào cản của anh, đổi lại tôi hạ thấp rào cản của tôi. Nhưng thiếu cởi mở không còn là một hạn chế cơ bản đối với nền kinh tế thế giới; thiếu tính chính danh dân chủ mới là hạn chế.

Đã đến lúc đón nhận một logic khác, nhấn mạnh giá trị của quyền tự chủ chính sách. Các nước giàu cũng như nghèo cần một không gian lớn hơn để theo đuổi mục tiêu của mình. Các nước nghèo cần tái cấu trúc nền kinh tế và thúc đẩy các ngành công nghiệp mới, và các nước giàu cần giải quyết những lo ngại trong nước về bất bình đẳng và phân phối thu nhập công bằng. Cả hai mục tiêu trên đòi hỏi phải làm chậm lại quá trình toàn cầu hóa. Ví dụ, các nước đang phát triển có thể được phép trợ cấp một số ngành công nghiệp, đổi lại các nước giàu được áp thuế quan đối với các nước “phá giá” hàng hóa sản xuất trong điều kiện không đạt tiêu chuẩn lao động hoặc môi trường.

Thứ tư, nền quản trị toàn cầu nên tập trung vào tăng cường dân chủ, không phải vào toàn cầu hóa. Quản trị toàn cầu không thể khắc phục những vấn đề lớn như bất bình đẳng, gạt ra lề xã hội một số tầng lớp (social exclusion), hoặc tăng trưởng thấp, nhưng có thể hữu ích bằng cách đặt ra các quy chuẩn giúp cải thiện quá trình hoạch định chính sách trong nước, như những yêu cầu về tính minh bạch, thảo luận công cộng, đại diện rộng rãi, trách nhiệm giải trình và việc sử dụng bằng chứng khoa học hay kinh tế trong các thủ tục trong nước. WTO vốn đã ủng hộ các nguyên tắc này ở một mức độ nhất định. Chúng xứng đáng được ưu tiên hơn tự do hóa thương mại và việc hài hòa hóa các nguyên tắc.

Và cuối cùng, các nước phi dân chủ như Nga, Trung Quốc, và Ả Rập Saudi – nơi pháp quyền thường xuyên bị vi phạm và các quyền tự do dân sự không được bảo vệ – không thể được hưởng các quyền và đặc quyền trong hệ thống quốc tế như các nền dân chủ. Khi một quốc gia không dân chủ, chúng ta không còn có thể giả định rằng các thể chế của nó phản ánh những ưu tiên của người dân. Do vậy nó thiếu một lập luận prima facie (mặc định đúng cho tới khi bị chứng minh là sai) để bảo vệ các nguyên tắc thị trường của mình khỏi sự giám sát quốc tế. Sẽ là phù hợp nếu các nền dân chủ cân nhắc những nguyên tắc ít dễ dãi hơn đối với họ – ví dụ, bằng cách yêu các nước phi dân chủ cung cấp nhiều bằng chứng hơn so với bình thường khi họ nộp đơn kiện thương mại chống lại các nước dân chủ.

Khi tôi trình bày những ý tưởng này với những người ủng hộ toàn cầu hóa, họ nói rằng hệ quả sẽ là một cú trượt nguy hiểm sang hướng chủ nghĩa bảo hộ. Nhưng ngày nay những rủi ro ở phía bên kia lại lớn hơn, cụ thể là các áp lực xã hội của siêu toàn cầu hóa sẽ tạo ra một phản ứng dữ dội của những người ủng hộ chủ nghĩa dân túy, qua đó làm suy yếu cả toàn cầu hóa lẫn dân chủ. Đặt toàn cầu hóa dựa trên những nguyên tắc dân chủ hợp lý là sự bảo hộ tốt nhất cho quá trình toàn cầu hóa.

Toàn cầu hóa, nằm trong giới hạn, tốt cho nền kinh tế. Toàn cầu hóa, nằm trong giới hạn, cũng có thể tốt cho các nền dân chủ của chúng ta.

Dani Rodrik, giáo sư Kinh tế Chính trị Quốc tế tại Trường Quản trị Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard, là tác giả của Economic Rules: The Rights and Wrongs of the Dismal ScienceThe Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]