Lập trường của Đài Loan về Biển Đông đang thay đổi

1569966_-_main

Nguồn: Lynn Kuok, “Tides of Change: Taiwan’s evolving position in the South China Sea and why other actors should take notice“, East Asia Policy Paper No. 5, 05/2015.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Cùng với Trung Quốc và bốn quốc gia Đông Nam Á, Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, dù điều này đôi khi lại bị bỏ qua. Trên giấy tờ, Đài Loan và Trung Quốc có các tuyên bố tương tự nhau. Đường chín đoạn hay đường chữ U bao lấy hầu hết Biển Đông xuất hiện trên các tấm bản đồ của cả Đài Loan và Trung Quốc.

Cả Trung Quốc và Đài Loan đều chưa chính thức làm sáng tỏ ý nghĩa của đường chín đoạn, vốn có thể được xem như một yêu sách đối với vùng nước mênh mông bên trong các đường đứt đoạn đó hoặc (đơn thuần chỉ là yêu sách đối với) các thực thể đảo nằm bên trong và các khu vực hàng hải tính từ các hòn đảo đó theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và luật pháp quốc tế.

Trong những năm qua, Đài Loan đã có những bước tiến nhỏ nhưng quan trọng hướng tới việc làm rõ rằng các yêu sách chủ quyền nó xuất phát từ đất liền và phù hợp với UNCLOS và luật pháp quốc tế. Đài Loan cũng thông qua một lập trường mang tính hòa giải hơn bằng cách chủ trương rằng Sáng kiến Hòa bình trên Biển Hoa Đông, vốn kêu gọi các bên gác lại tranh chấp và thúc đẩy thăm dò và phát triển chung ở Biển Hoa Đông (nơi Trung Quốc, Đài Loan, và Nhật Bản có tranh chấp chủ quyền), cũng có thể được áp dụng ở Biển Đông.

Những động thái này có ý nghĩa quan trọng do chúng có thể có tác dụng giúp ổn định Biển Đông. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kế thừa những yêu sách của họ từ Trung Hoa Dân Quốc sau cuộc Nội chiến Trung Quốc. Do đó, cách diễn giải của Trung Hoa Dân Quốc về những yêu sách của họ cũng liên quan đến những tuyên bố của Trung Quốc. Đáng chú ý, một cách hiểu bó hẹp hơn về những yêu sách này sẽ không mâu thuẫn với lập trường chính thức của Trung Quốc được đưa ra trong những phát biểu năm 2009 và 2011 trước Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, phần lớn những đề nghị của Đài Loan đã bị bỏ qua. Căn nguyên của điều này là nguyên tắc “một nhà nước Trung Quốc” của Trung Quốc, vốn từ lâu đã làm Đài Loan bị lu mờ. Bài viết này lập luận rằng để tạo ra được một không gian chính trị khiêm tốn cho mình ở Biển Đông thì Đài Loan nên:

  1. Làm rõ rằng các tuyên bố chủ quyền của mình là phù hợp với UNCLOS và luật pháp quốc tế mà không cần từ bỏ một cách rõ ràng đường chín đoạn.
  2. Cẩn thận trong việc giáo dục công chúng về các tuyên bố chủ quyền của Đài Loan ở Biển Đông để tránh làm bùng nổ các tình cảm dân tộc chủ nghĩa, điều vốn có thể làm hạn chế các lựa chọn chính sách.
  3. Tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch của Tổng thống Mã Anh Cửu về việc áp dụng sáng kiến đối với Biển Hoa Đông ở Biển Đông.
  4. Thúc đẩy tham gia vào các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử và các hoạt động hợp tác liên quan đến tất cả các bên tranh chấp.
  5. Cung cấp bằng chứng chứng tỏ Đảo Ba Bình (Taiping Island) là một “hòn đảo” có khả năng duy trì sự sống của con người và đời sống kinh tế riêng theo Điều 121 của UNCLOS.

Nghiên cứu này cũng lập luận rằng tất cả các bên quan tâm đến việc quản lý tốt hơn các tranh chấp và một khu vực hòa bình hơn – trong đó có Trung Quốc – cũng cần quan tâm đến việc ủng hộ Đài Loan tham gia các cuộc đàm phán và các hoạt động liên quan đến Biển Đông. Điều này có thể được thực hiện theo những cách phù hợp với nguyên tắc một nhà nước Trung Quốc của Trung Quốc. Việc quản lý các tranh chấp cần có sự tham gia của Đài Loan: Đài Loan kiểm soát thực thể đảo lớn nhất ở Biển Đông, các tàu tuần duyên của Đài Loan thường xuyên tuần tra khu vực, và Đài Loan có một trong những ngành công nghiệp đánh bắt cá lớn nhất ở Thái Bình Dương.

Đối với Trung Quốc, việc hỗ trợ sự tham gia của Đài Loan trong các hoạt động hợp tác sẽ đồng thời hỗ trợ cho mong muốn của Bắc Kinh về một mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai bờ eo biển, cũng như hỗ trợ cách tiếp cận kép của nó về các tranh chấp ở Biển Đông, vốn tìm cách đàm phán song phương về các vấn đề chủ quyền và các dàn xếp đa phương trong khu vực để thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Nghiên cứu đưa ra các lập luận này bằng cách tìm hiểu kỹ càng những lời kêu gọi của Mỹ rằng Đài Bắc nên “làm rõ” hoặc “từ bỏ” đường chín đoạn; khảo sát các tuyên bố chủ quyền và lập trường đang thay đổi của Đài Loan về Biển Đông; và làm nổi bật những phản ứng rõ ràng của Trung Quốc và bối cảnh lớn hơn của Đài Loan như một phương tiện để đánh giá tính khả thi của các kế hoạch hoạt động khác nhau.

Đây là phần tóm tắt của báo cáo có tiêu đề “Tides of Change: Taiwan’s evolving position in the South China Sea and why other actors should take notice”. Toàn văn báo cáo có thể download tại ĐÂY.

Lynn Kuok là nghiên cứu viên không thường trú tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á, và nghiên cứu viên khách mời cấp cao tại Trung tâm Luật Quốc tế, Singapore.

Hình: Đảo Itu Aba (Ba Bình) thuộc Quần đảo Trường Sa đang do Đài Loan kiểm soát. Nguồn: Janes.com.