Nguồn: “Germany and France declare war on each other,” History.com (truy cập ngày 02/8/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Chiều mùng 3 tháng 8 năm 1914, hai ngày sau khi tuyên bố chiến tranh với Nga, Đức tuyên chiến với Pháp, đẩy mạnh một chiến lược dài hạn được định hình bởi cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Đức Alfred von Schlieffen cho một cuộc chiến trên cả hai mặt trận chống Pháp và Nga. Chỉ vài giờ sau đó, Pháp cũng tuyên chiến với Đức, sẵn sàng điều động quân đội vào các tỉnh Alsace và Lorraine, những vùng đất mà Pháp phải bồi thường cho Đức theo thỏa thuận kết thúc Chiến tranh Pháp-Phổ năm 1871.
Việc Đức chính thức tuyên chiến với Pháp và Nga, cùng với vụ Thái tử Franz Ferdinand của Áo và vợ ông bị một người Serbia theo chủ nghĩa dân tộc ám sát tại Sarajevo ngày 28 tháng 6 năm 1914, và cơn bế tắc ngoại giao sau đó giữa một bên là Áo-Hung và một bên là Serbia và quốc gia Slavơ ủng hộ mạnh mẽ của nó là Nga, cuộc xung đột ban đầu tập trung tại khu vực Balkan hỗn loạn đã bùng lên thành một cuộc chiến tranh toàn diện.
Cũng trong ngày mùng 3 tháng 8, làn sóng quân đội đầu tiên của Đức đã hiện diện trên biên giới của nước Bỉ trung lập, nơi Đức dự định sẽ hành quân qua để tiến hành xâm lược Pháp theo Kế hoạch Schlieffen. Một ngày trước đó, Đức đã gửi tối hậu thư tới Bỉ và Vua Albert để yêu cầu nước này cho phép quân đội Đức hành quân qua lãnh thổ của mình.
Mối đe dọa này đối với Bỉ, quốc gia có lập trường trung lập vĩnh viễn theo một hiệp ước được ký kết giữa các cường quốc châu Âu – bao gồm cả Anh, Pháp, và Đức – vào năm 1839, đã giúp thống nhất một chính phủ Anh vốn đang chia rẽ để đối đầu với sự xâm lăng của Đức. Vài giờ trước khi Đức tuyên chiến với Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Edward Grey đã tới Quốc hội và thuyết phục chính phủ và đất nước Anh ủng hộ Anh tham chiến nếu Đức xâm lược Bỉ.
Ngày mùng 4 tháng 8, Anh gửi tối hậu thư đến Berlin để yêu cầu Đức hoặc dừng cuộc xâm lược Bỉ, hoặc sẵn sàng đối mặt với chiến tranh với Anh. Tối hậu thư này yêu cầu Đức phải trả lời trước nửa đêm hôm đó. Buổi trưa cùng ngày, Vua Albert đã gửi thư thỉnh cầu đề nghị được giúp đỡ tới Pháp và Anh, hai quốc gia nhận trách nhiệm bảo đảm tính trung lập của Bỉ theo Hiệp ước Luân Đôn 1839. Nếu Vua Albert kêu gọi sự giúp đỡ của Pháp và Anh sớm hơn thì sẽ là mạo hiểm xâm phạm đến tính trung lập của đất nước ông trước khi Đức thực sự xâm phạm. Khi Luân Đôn không nhận được câu trả lời cho tối hậu thư của mình – thực tế là những binh lính Đức đầu tiên đã vượt qua biên giới của Bỉ tại Gemmerich, cách thành phố pháo đài Liège của Bỉ gần 50 kilômét từ sáng ngày hôm đó – Anh tuyên chiến với Đức.
Tháng 8 năm 1914, khi các cường quốc châu Âu chuẩn bị các đội bộ binh và hải quân của họ để sẵn sàng cho một cuộc chiến, không ai nghĩ đến một cuộc xung đột lâu dài – cả hai bên đều trông chờ vào một cuộc xung đột ngắn mang tính quyết định đem lại kết thúc có lợi cho họ. “Các anh sẽ được về nhà trước khi những chiếc lá bắt đầu rơi [tức mùa thu],” Hoàng đế Wilhelm đã trấn an đội quân của Đức sắp ra trận trong tuần đầu tiên của tháng 8 năm 1914 như vậy.
Mặc dù một số nhà lãnh đạo quân sự, trong đó có cả Tổng Tham mưu trưởng quân đội Đức Helmuth von Moltke và người đồng cấp của ông ở Pháp là Joseph Joffre, đã thấy trước được một cuộc xung đột lâu dài, họ vẫn không thay đổi chiến lược chiến tranh của mình để chuẩn bị cho tình huống này. Bộ trưởng Chiến tranh mới được bổ nhiệm và gây nhiều tranh cãi của Anh, Lord Horatio Kitchener, dựa trên niềm tin của ông là cuộc chiến sẽ kéo dài, đã kiên quyết khẳng định từ đầu cuộc chiến rằng nước Anh cần phải xây dựng một lực lượng vũ trang lâu dài, bất chấp nhiều quan điểm đối lập đáng kể. “Một quốc gia như Đức,” Kitchener lập luận, “sau khi đã đẩy vấn đề đến mức này thì sẽ chỉ đầu hàng sau khi bị đánh bại hoàn toàn. Điều này sẽ mất một thời gian dài. Dài bao lâu thì không ai còn sống mà biết được.”
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]