03/12/1912: Chiến tranh Balkan lần I đình chiến

Print Friendly, PDF & Email

Tropas-otomanas

Nguồn:First Balkan War ends,” History.com (truy cập ngày 02/12/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1912, Bulgaria, Serbia, Hy Lạp, và Montenegro đã ký một hiệp ước đình chiến với Thổ Nhĩ Kỳ, kết thúc Chiến tranh Balkan lần I. Trong cuộc xung đột kéo dài hai tháng, một liên minh quân sự giữa Hy Lạp, Serbia, Bulgaria, và Montenegro – được gọi là Liên minh Balkan – đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi mọi vùng lãnh thổ châu Âu trước đây của đế quốc Ottoman, ngoại trừ Constantinople (nay là Istanbul). Vào tháng 1 năm 1913, một cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến cuộc chiến tiếp tục bùng nổ, nhưng Liên minh Balkan sau này đã giành được chiến thắng một lần nữa.

Đến năm 1913, Chiến tranh Balkan lần II nổ ra sau khi Serbia và Hy Lạp yêu cầu Bulgaria nhượng cho họ vùng đất Macedonia. Serbia và Hy Lạp đã thành lập một liên minh chống Bulgaria, và Macedonia bị chia cắt cho những nước chiến thắng. Căng thẳng dân tộc chủ nghĩa nổi lên trong khu vực Balkan, và Serbia trở nên đặc biệt bất mãn với việc bị Đế quốc Áo-Hung buộc phải từ bỏ một số cuộc chinh phục của mình.

Ngày 28 tháng 6 năm 1914, sự thù địch giữa Serbia và Áo-Hung về vùng Bosnia-Herzegovina thuộc sở hữu của Áo đã đạt đến điểm bùng nổ khi phần tử dân tộc chủ nghĩa người Serbia Gavrilo Princip ám sát Thái tử Franz Ferdinand của Áo tại Sarajevo. Áo-Hung đổ lỗi lên chính phủ Serbia về cuộc tấn công và hy vọng sẽ sử dụng vụ việc như một cái cớ để biện minh cho việc giải quyết dứt điểm vấn đề chủ nghĩa dân tộc Serbia. Tuy nhiên, do Nga ủng hộ Serbia, Áo-Hung đã trì hoãn việc tuyên chiến cho đến khi các nhà lãnh đạo nước này nhận được sự đảm bảo từ Quốc vương Wilhelm của Đức rằng Đức sẽ hỗ trợ họ nếu có sự can thiệp của Nga.

Ngày 28 tháng 7, Áo-Hung tuyên chiến với Serbia, nền hòa bình mong manh giữa các cường quốc châu Âu sụp đổ. Chỉ trong một tuần, Nga, Bỉ, Pháp, Anh, và Serbia đã đứng lên chống lại Áo-Hung và Đức. Thế chiến I bắt đầu.

Ảnh: Quân đội Ottoman trong chiến tranh Balkan. Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp.