Những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản cộng sản Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

20101211_bkd001

Nguồn: Pranab Bardhan, “The Contradictions of China’s Communist Capitalism”, Project Syndicate, 16/07/2015.

Biên dịch: Trần Văn Thắng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Sự tuột dốc chóng mặt gần đây của hai sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến đã đặt ra một cuộc thử nghiệm độc đáo cho các nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc. Chừng nào các thị trường còn tăng lên, nghịch lý về sự phát triển tư bản chủ nghĩa mạnh mẽ dưới sự giám sát của đảng Cộng sản lớn nhất và mạnh nhất trên thế giới chỉ khiến các học giả và các nhà Mác-xít theo trường phái cũ thêm bối rối. Khi giới tinh hoa của Đảng Cộng sản Trung Quốc và họ hàng của họ, các thiết chế tài chính nước ngoài và nhiều nhà đầu tư nhỏ của Trung Quốc (được phép vay ký quỹ) hái ra tiền nhờ chứng khoán, không một ai quan tâm tìm hiểu “sinh vật đột biến gien mà họ đang vỗ béo”.

Tuy nhiên, hiện nay, do nhận thức rõ giá cổ phiếu Trung Quốc sẽ không tiếp tục tăng vô hạn định, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp kiểm soát tuyệt vọng, vụng về để kiểm soát quá trình điều chỉnh. Tất cả các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu mới đều đã được tạm dừng và phần nhiều giao dịch đã bị hạn chế; ngân hàng trung ương Trung Quốc đã được đề nghị giúp Tập đoàn Tài chính Chứng khoán Trung Quốc lôi kéo các nhà đầu tư mua cổ phiếu, thông qua đó ổn định thị trường. Quả thực, ngay cả quỹ đầu tư quốc gia của nước này cũng đã được huy động tham gia hoạt động này.

Tuy nhiên, không giống như nhiều nền kinh tế tư bản khác, tiền không phải là công cụ sẵn có duy nhất của chính quyền. Nếu những người môi giới của bạn ở Trung Quốc khuyên bạn bán cổ phiếu, họ phải cẩn trọng để không bị coi là người phao tin đồn, một tội phải chịu hình phạt chính thức. Và có những báo cáo cho rằng việc bán số lượng cổ phiếu lớn có thể dẫn đến các cuộc điều tra của nhà chức trách. Gây rối trật tự công cộng và làm mất ổn định tài chính có thể là những hành vi phạm tội nghiêm trọng ở Trung Quốc, nơi có rất nhiều các thuyết âm mưu về nỗ lực của những người nước ngoài nhằm làm suy yếu nền kinh tế đất nước.

Điều mà các quan chức Trung Quốc mong muốn là một thị trường chứng khoán tư bản không có khả năng thua lỗ lớn, điều có thể làm lung lay niềm tin vào uy tín và sự điều hành của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, đó là một thị trường vẫn chưa một ai phát minh ra.

Cảnh tượng của một chính quyền cộng sản đang cố gắng kích thích một thị trường tư bản may rủi chỉ là một trong nhiều mâu thuẫn đã và đang tích tụ trong hầu hết mọi ngóc ngách của nền kinh tế và chính trị của Trung Quốc. Và hiện nay, gánh nặng của chúng có lẽ đang trở nên quá lớn đối với bộ máy của đảng.

Quả thực, thành phần của Đảng Cộng sản Trung Quốc bản thân nó cũng là một sự mẫu thuẫn. Đảng cách mạng của nông dân và công nhân này hiện được lãnh đạo bởi các doanh nhân, sinh viên đại học và các chuyên viên ngành nghề chuyên nghiệp. Một phần ba những người được liệt kê trong Báo cáo Hurun về những người giàu nhất Trung Quốc là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tài sản trung bình của 70 đại biểu giàu nhất thuộc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức quốc hội của nước này, vượt xa mức 1 tỷ USD. (70 thành viên giàu nhất trong Nghị viện Ấn Độ, và ngay cả Quốc hội Mỹ, vốn hiện do các đảng chính trị cánh hữu kiểm soát, đều kém giàu hơn đáng kể).

Lẽ dĩ nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng ở cấp cao lẫn cấp thấp mới đây của Chủ tịch Tập Cận Bình đã khiến nhiều người quyền thế trong Đảng Cộng sản Trung Quốc lo lắng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi về việc liệu các cáo buộc tham nhũng chống lại các con “hổ” có phải chỉ là bình phong cho một cuộc thanh trừng các đối thủ của ông Tập Cận Bình trong đảng và quân đội hay không.

Những người dân Trung Quốc bình thường nhìn chung ủng hộ cuộc tấn công chống tham nhũng này; chính họ là những người đề xướng các cuộc biểu tình và chỉ điểm các quan chức không trung thực. Tuy nhiên, nếu những cuộc biểu tình như vậy thu hút sự quan tâm quá lớn, chúng chắc chắn sẽ bị đàn áp và những nhà lãnh đạo các cuộc biểu tình này cũng chịu cảnh tương tự hơn là việc tham nhũng sẽ được ngăn chặn.

Chẳng hạn, năm 2008, sau trận động đất ở Tứ Xuyên, hàng ngàn trẻ em đã thiệt mạng khi những ngôi trường được xây dựng kém chất lượng của các em sụp đổ. Trong chốc lát, những câu chuyện về tham nhũng trong các công trình trường học thậm chí đã tràn ngập trên báo chí chính thống. Tuy nhiên, cuối cùng, chính các bậc cha mẹ và các thầy cô giáo của những trẻ em thiệt mạng tiến hành biểu tình đã bị nhà nước ngăn cản và sách nhiễu.

Điều mà Đảng Cộng sản Trung Quốc từ chối thừa nhận là, tham nhũng không thể được nhổ tận gốc nếu đảng này duy trì vai trò độc quyền về quyền lực chính trị. Với việc không có một đảng đối lập có tổ chức hoặc các thiết chế xã hội dân sự hoạt động, các quan chức sẽ tiếp tục sử dụng chức vụ của họ trong chính quyền như là một phương tiện để làm giàu cá nhân. Hội nghị TW 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 đã ưu tiên nguyên tắc cạnh tranh thị trường; song, như một nhà quản lý ngân hàng cao cấp của Trung Quốc nhận xét trong một bối cảnh liên quan vài năm về trước: “Thật quá khó để cạnh tranh khi bạn đang chơi với chính các trọng tài”.

Quan sát đó cũng áp dụng được với nền pháp quyền và chủ nghĩa hiến pháp. Dưới thời ông Tập, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh rằng nền pháp quyền là một “giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi” và cam kết sẽ thúc đẩy sự thượng tôn hiến pháp. Tuy nhiên, nền pháp quyền trong mắt đảng chỉ là một đạo luật mà nó quy định, diễn giải và thực thi. Việc người dân Trung Quốc đề cập đến Hiến pháp (đặc biệt là Điều 35, đảm bảo quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp và lập hội) và chủ nghĩa hiến pháp nói chung thường xuyên bị kiểm duyệt, và các luật sư trích dẫn hiến pháp tại tòa án thường xuyên bị giam giữ.

Mao Trạch Đông đã từng nổi tiếng khi suy đoán về bản chất của các mâu thuẫn trong một bài viết năm 1937: “Quy luật mâu thuẫn tồn tại trong mọi vật, hay quy luật thống nhất giữa các mặt đối lập, là một quy luật căn bản của tự nhiên và xã hội”. Mặc dù vậy, người ta vẫn tự hỏi liệu ông có hiểu rõ, chưa nói tới quản lý được, các mâu thuẫn của của chủ nghĩa tư bản cộng sản hay không.

Pranab Bardhan là giáo sư tại Đại học California, Berkeley. Những cuốn sách mới đây nhất của ông là: Globalization, Democracy and Corruption: An Indian Perspective và Awakening Giants, Feet of Clay: Assessing the Economic Rise of China and India.

Copyright: Project Syndicate 2015 – The Contradictions of China’s Communist Capitalism