Chiến lược bù đắp trong Chiến tranh Lạnh: “Phá công” và cách mạng RSTA

Nguồn: Robert Tomes, “The Cold War Offset Strategy: Assault Breaker and the Beginning of the RSTA Revolution”, War on the Rocks, 14/8/2015.

Biên dịch: Hà Minh Trường | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Frank Kendall, người phụ trách vấn đề quân dụng hiện tại của Bộ Quốc phòng đã từng nói: “Chúng ta đang gặp một vấn đề nghiêm trọng”. Ông quay lại làm việc cho chính phủ vào năm 2010 và ngay lập tức trở nên khó chịu trước các thông tin tình báo về khả năng phát triển quân sự của các quốc gia khác.

Kendall cảnh báo: Ưu thế về công nghệ của nước Mỹ đã không còn được đảm bảo. Ông than thở: Các đối thủ tiềm năng trong tương lai hoặc các quốc gia bán vũ khí cho những đối thủ đó rõ ràng đang trong quá trình phát triển các hệ thống vũ khí phức tạp được thiết kế để đánh bại lực lượng quân đội Hoa Kỳ.

Nhưng có phải nước Mỹ đang bắt đầu xoay chuyển tình thế? Là Thứ trưởng Quốc phòng đặc trách vấn đề Quân dụng, Kỹ thuật và Hậu cần, Kendall đang giám sát một kế hoạch chiến lược dài hạn mới nhằm nhân rộng các tiến bộ chưa từng có liên quan đến chiến lược bù đắp trong Chiến tranh Lạnh, vốn đã được thảo luận trong các bài viết trước đây. (Dự án mới này được Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel nêu lên tại Diễn đàn An ninh Reagan).

Kendall đặc biệt có đủ phẩm chất để hồi sinh sự gắn kết giữa mức độ sáng tạo, khả năng quản lý và điều hành cần thiết để tái tạo lại những thành tựu trong chiến lược bù đắp thời kỳ Chiến tranh Lạnh: Ông đã giám sát sự phát triển của khái niệm Follow-On-Forces-Attack (FOFA – tạm dịch: tấn công theo đuôi) từ năm 1989 đến năm 1994. Mục tiêu của FOFA là trì hoãn, làm gián đoạn và phá hủy phòng tuyến phía sau của các lực lượng mặt đất thuộc khối Hiệp ước Warsaw.

Bài này phân tích mối nguy hiểm đến từ các lực lượng quy ước của khối Warsaw, vốn là khởi nguồn cho chiến lược bù đắp trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và đánh giá khái niệm cốt lõi của chiến lược này là Ngăn chặn Tấn công (hay “Phá công” – Assault Breaker). Được thiết kế để “xé toạc trái tim” của bất kỳ lực lượng tấn công quy ước nào của Liên Xô vào NATO, khái niệm “Phá công” cho thấy một chiến lược bù đắp được hình thành và thực hiện một cách nhanh chóng đã hỗ trợ đắc lực như thế nào cho quá trình định vị các học thuyết và chiến lược tiếp nhận vũ khí. “Phá công” là một trong các chương trình mang tính đổi mới đã dẫn tới sự ra đời của khái niệm FOFA.

Phương thức giao chiến dưới mặt đất của quân đội Liên Xô dựa vào nhiều lớp đơn vị thiết giáp (echelons) tiến công nhằm xuyên phá tuyến phòng thủ của NATO. Lớp thứ hai và thứ ba có nhiệm vụ lợi dụng sơ hở trong khả năng phòng thủ của NATO. Nghệ thuật tấn công của Liên Xô đã chuyển hóa từ các kế hoạch đơn giản dễ đoán trong thập niên 1960 sang các chiến dịch tinh xảo, biến chuyển không ngừng trong những năm 1970, trong đó có việc sử dụng các đơn vị đột kích hoạt động độc lập để có thể nhanh chóng xâm nhập vào lãnh thổ NATO. Theo hướng này, sự ra đời của Đơn vị cơ động cấp chiến dịch (Operational Maneuver Group) được coi là mối đe dọa mới tới tính ổn định của quá trình ngăn chặn, nhắc nhở về một cuộc tấn công bất ngờ. Đơn vị cơ động cấp cấp chiến dịch không chỉ đơn giản là lực lượng tiếp viện của lớp tiến công thứ hai.

Các đơn vị tiền phương của NATO sẽ phải đối mặt với các làn sóng tấn công dồn dập của thiết giáp Liên Xô mà ít có khả năng chuyển thế phòng thủ thành phản công. Một tiểu đoàn quân NATO ở tuyến đầu có thể phải đối mặt với 120 xe tăng Liên Xô chỉ trong vòng nửa tiếng. Các cuộc tập trận và học thuyết quân sự của Liên Xô cũng bắt đầu xoay quanh xung đột phi hạt nhân, khiến nhiều chuyên gia phân tích của phương Tây tin rằng có khả năng xảy ra một cuộc chiến chỉ xuất hiện vũ khí quy ước. Họ còn tin rằng một cuộc chiến như vậy sẽ bắt đầu bằng một cuộc đột kích để ngăn NATO có thời gian điều động quân dự phòng hay ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân cấp chiến thuật.

Ngoài ra còn có một cuộc bàn luận sôi nổi về khả năng quân Liên Xô bất ngờ tấn công, và nếu có thì liên NATO sẽ chống đỡ lực lượng xe tăng Liên Xô như thế nào. Một số nhà phân tích nhận định khối Warsaw có ưu thế về một số nhân tố không gian và thời gian – một hàm số của năng lực tác chiến được tạo ra trong một thời gian ngắn và do sự thiếu kinh nghiệm tác chiến của NATO. Việc phục hồi khả năng phòng thủ của NATO đồng nghĩa với việc phải tăng cường độ sát thương của lực lượng này bằng cách cải tiến vũ khí, tốc độ bắn, độ chính xác cũng như hỗ trợ từ pháo binh. Các loại đạn dược có độ chính xác cao trở thành trọng tâm trong chính sách phát triển công nghệ của Mỹ cùng thời điểm khi các nhà hoạch định quân sự áp dụng phương pháp tiếp cận hệ thống nhằm nhận diện các điểm yếu của quân đội Liên Xô, cũng như tìm cách giúp “bù đắp” lại sự vượt trội của Xô Viết về mặt số lượng và trong nhiều trường hợp là về mặt công nghệ.

Chấn động từ Chiến tranh Tháng Mười

Chiến thắng của Israel trước liên quân Ai Cập – Syria trong Chiến tranh Tháng Mười năm 1973 có thể là lần đầu tiên các nhà hoạch định chiến lược quốc phòng Mỹ phải vò đầu bứt tóc trước chiến thắng của một đồng minh thân cận. Lầu Năm Góc không lo ngại vì Israel thắng liên minh Ả rập sau trận phục kích tại Yom Kippur mà là sợ hãi trước khả năng của các hệ thống vũ khí mới. Các hệ thống vũ khí định hướng chính xác và hệ thống phòng không được ra mắt trong các trận chiến tại Cao nguyên Golan và sa mạc Sinai đã khiến Lầu Năm Góc phải chú ý. Khả năng thực tế của chúng đã thách thức các chiến thuật phối hợp đa binh chủng.

Cho đến thập kỷ 1970, nòng pháo chính của xe tăng là thứ vũ khí chiến trường duy nhất có khả năng hạ gục xe tăng, do đó xe tăng trở thành nhân tố chính trong các hoạch định quân sự mang tính quy ước. Các phương pháp diệt tăng khác hoặc bất tiện khi triển khai, hoặc ít chính xác, hoặc hỏa lực quá yếu hay tầm bắn bị giới hạn. Cuộc Chiến tranh Tháng Mười cho thấy các vũ khí diệt tăng cá nhân dễ sản xuất có độ chính xác cao mà binh lính Ai Cập sử dụng để bào mòn các cuộc phản công của Israel có thể giúp quân đội Liên Xô vô hiệu hóa xe tăng Mỹ. Nếu xe tăng không còn được sử dụng để diệt tăng, thiết giáp của Mỹ có thể bị các hệ thống vũ khí khác của Liên Xô tấn công trong khi các xe tăng của Liên Xô tiến hành đột kích.

Biện pháp khả dĩ nhất là sử dụng lực lượng không quân NATO, song lưới phòng không của Ai Cập do Liên Xô cung cấp đã tỏ ra hiệu quả trong Chiến tranh Tháng Mười dù chiến thắng chung cuộc thuộc về Israel. Quân đội Liên Xô đã tích hợp một lượng lớn các hệ thống chống tăng vào lực lượng thiết giáp. Tính hiệu quả của bộ binh Liên Xô được nâng cao cho thấy một cuộc tấn công bất ngờ có thể phá hủy khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân cấp chiến thuật của NATO, hệ thống phòng không tiên tiến của Liên Xô có khả năng vô hiệu hóa hệ thống vũ khí hạt nhân trên không của NATO. Các nhà hoạch định khi so sánh các tổn thất trong cuộc Chiến tranh Tháng Mười với các dự đoán tổn thất khi giao chiến ở các đồng bằng Trung Âu đã bất ngờ bởi lượng đạn dược tiêu thụ và các tổn thất gia tăng nhanh chóng, và đặt câu hỏi về mức độ hiệu quả của các kho vũ khí có sẵn cũng như mức độ trang bị của NATO. Số lượng tiêu hao trong giao chiến quả rất lớn. Quân Ả rập và Israel mất nhiều thiết giáp và pháo binh hơn so với những gì quân đội Mỹ đang sở hữu tại châu Âu trong thời điểm đó. Các bên giao chiến tiêu tốn rất nhiều đạn dược. Một số người tin rằng nếu số lượng đạn hao mòn và tiêu tốn tương tự xảy ra ở châu Âu, NATO sẽ phải sử dụng đến vũ khí nguyên tử sớm hơn cả dự tính bởi đây là lựa chọn duy nhất còn lại.

Đến lúc phải làm một điều gì đó.

Cuộc cách mạng tấn công chính xác

Các lực lượng quân đội Mỹ được trang bị các hệ thống vũ khí tương tự, được hỗ trợ bởi các tiểu hệ thống viễn thám và định vị mục tiêu, có khả năng tấn công thiết giáp Liên Xô hiệu quả hơn. Tướng Wiliam E. Depuy, Tư lệnh đầu tiên của Bộ Tư lệnh Chiến lược và Huấn luyện của Lục quân (Army’s Training and Doctrine Command), đã nghiên cứu về cuộc Chiến tranh Tháng Mười. Bài viết của ông năm 1974 nhận định, “Cái gì có thể bị nhìn thấy thì có thể bị đánh trúng. Cái gì có thể bị đánh trúng thì có thể bị tiêu diệt.”

Trong suốt bốn thập kỷ, tư tưởng này đã trở thành tư duy đổi mới chủ đạo của quân đội Mỹ. Mặc dù các nhà hoạch định trong những năm 1970 đã nghĩ đến việc nhìn thấy, bắn trúng và hạ gục các đội hình thiết giáp lớn trên chiến trường hẹp, các nhà hoạch định ngày nay đã mở rộng quan niệm này để bao hàm các hệ thống do thám và định vị liên tục hoạt động trên toàn cầu, có khả năng tác chiến khắp mọi nơi, các loại vũ khí năng lượng định hướng tốc độ ánh sáng, các bầy đàn thiết bị bay không người lái có khả năng tự động theo dõi mục tiêu và phối hợp tác chiến.

Nhiều nghiên cứu, các buổi trình diễn công nghệ cùng nhiều chương trình phát triển quan trọng đã được tiến hành trong thập kỷ 1970 trong bối cảnh cân bằng quân sự đang suy yếu tại châu Âu. Điển hình của các nghiên cứu này là báo cáo về Hệ thống Tấn công và Định vị mục tiêu Tích hợp (Integrated Target Acquisition and Strike System) của Phòng thí nghiệm Lincoln và Nghiên cứu mùa hè của Ban Khoa học Quốc phòng năm 1976 về phản công một cuộc tấn công qui ước của Liên Xô. Tình báo cấp chiến thuật là lỗ hổng đáng lưu ý. Nhu cầu cải thiện khả năng thu thập thông tin chiến trường đòi hỏi phải giải quyết được nhiều vấn đề đang gặp phải hiện nay: tăng cường tích hợp INT, xử lý thông tin và liên lạc tốt hơn, tự nhận diện mục tiêu, phối hợp thông tin giữa các cảm biến, và truyền trực tiếp thông tin mục tiêu về hệ thống vũ khí. Nhiều sáng kiến trong giai đoạn này hướng đến khắc phục các vấn đề trên, và đặt nền tảng cho ưu thế tuyệt đối của quân đội Mỹ, cũng như góp phần xây dựng viễn cảnh về khía cạnh chiến tranh trong tương lai lấn át các tư tưởng quân sự thời Chiến tranh Lạnh – như là tìm kiếm ưu thế về thông tin, nhận thức chiến trường, khả năng thăm dò liên tục, ra quyết định nhanh chóng và khả năng tấn công phủ đầu tổng lực.

Hai chương trình góp phần củng cố khả năng thông tin chiến trường là CELT (Coherent Emitter Location Testbed) và sáng kiến BETA (Battlefield Exploitation and Target Acquisition). Cả hai chương trình này đã góp phần cải tổ ưu thế thu thập thông tin chiến trường của Mỹ bằnh việc cho thấy rằng, hoặc ít nhất là trong các cuộc thử nghiệm, các hệ thống tình báo và thông tin liên lạc có thể trở nên hữu dụng hơn với người chỉ huy. Đây là các ví dụ đầu tiên về hệ thống tự động cảm biến – bắn (automated sensor-to-shooter systems). Nhiều chương trình thu thập thông tin chiến trường trong giai đoạn này gồm có Hệ thống Thông tin Tác chiến Phối hợp (Joint Tactical Information System) và Chương trình Phối hợp Tác chiến (Joint Tactical Fusion Program).

Nhiều cải tiến khác liên quan đến công nghệ hỗ trợ định vị mục tiêu toàn cầu. Tháng 4 năm 1973, Không Quân Mỹ được chỉ định là cơ quan tiên phong của Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm tích hợp các chương trình vệ tinh định vị của Không quân, Hải quân, và Lục quân vào một chương trình phát triển đơn nhất, ban đầu được gọi là Hệ thống Vệ tinh Định vị Quốc phòng (Defense Navigation Satellite System). Kết quả là hệ thống này đã phát triển thành Hệ thống Định vị toàn cầu Navstar (Navstar Global Positioning System), hay được biết rộng rãi với cái tên GPS. Năm 1977, một tên lửa Altas đã đưa vệ tinh GPS Block-I đầu tiên lên quĩ đạo và ba lần phóng nữa vào năm 1978 đã lần đầu tiên hình thành nên khả năng định vị toàn cầu ba chiều. Đến nay, hệ thống này vẫn được dùng để dẫn đường cho tên lửa cũng như các phương tiện dân sự.

Trong thời điểm đó, Phó Giám đốc Nghiên cứu và Kỹ thuật Quốc phòng William Perry cho rằng các tiến bộ trong tấn công chính xác đã mang lại “một tiềm năng chưa từng có trong việc mở rộng lực lượng” nhằm đương đầu với mối họa Liên Xô tại châu Âu bởi chúng có “tiềm năng cách mạng hóa chiến tranh,” và sẽ “tăng cường khả năng kết thúc chiến tranh mà không phải đem xe tăng chọi xe tăng, tên lửa chọi tên lửa.” Quan điểm của Perry đã trở thành tâm điểm của cách thức tiến hành chiến tranh của Mỹ: “có khả năng phát hiện toàn bộ các mục tiêu có giá trị trên chiến trường bất cứ lúc nào; có khả năng giáng đòn trực tiếp lên bất cứ mục tiêu nào quan sát được, và tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào quan sát được.”

Thử nghiệm cho khái niệm “Phá công” tiến hành năm 1978 dưới dạng một thử nghiệm vũ khí phản ứng nhanh, chuyên dùng để đánh giá các khía cạnh công nghệ và khả năng tác chiến của các thiết bị do thám, viễn thám, xác định mục tiêu (reconnaissance, surveillance and target acquisition – RSTA).

Cản phá tấn công (Assault Breaker)

Dựa theo lịch sử của Cục Nghiên cứu Dự án Quốc phòng Cấp cao (DARPA), “câu hỏi cần được giải quyết là liệu việc phát triển các công nghệ cảm biến, điện toán, liên lạc, chỉ dẫn, và đạn dược có thể cho phép tấn công chính xác vào các mục tiêu di động hạng nặng hay không.” Các lãnh đạo quân đội của Mỹ và NATO phải nhanh chóng nhận dạng, theo dấu, xác định mục tiêu và tiêu diệt các lực lượng cố định và di động trước khi đối phương kịp huy động quân tiếp viện cho đợt tấn công đầu tiên vốn đang diễn ra tại phòng tuyến của NATO.

“Cản phá tấn công” là một trong số các chương trình công nghệ đã góp phần thúc đẩy sự hợp tác của Không quân và Lục quân Hoa Kỳ. Tướng Don Starry, người đứng đầu Bộ chỉ huy Chiến lược và Huấn luyện, cùng với William Creech, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến thuật Không quân là những người ủng hộ các nỗ lực này. “Cản phá tấn công” không đe dọa đến các chương trình hiện có. Bên cạnh các yếu tố của BETA và CELT, “Cản phá tấn công” còn tích hợp các hệ thống vũ khí tầm xa với công nghệ viễn thám và hệ thống cảnh báo sớm. Tấn công chính xác yêu cầu đạn dược có độ chính xác cao. Do vậy “Cản phá tấn công” củng cố nhu cầu của cả dự án chống thiết giáp diện rộng (Wide Area Anti-Armor – WAAM) của Không quân và chương trình đạn dược dẫn đường dùng cho tên lửa và pháo binh (Terminally Guided Sub-Munition – TGSM) của Lục quân. Tên lửa hạt nhân Lance về sau đã được tích hợp vào Hệ thống pháo phản lực đa nòng (Multiple Launch Rocket System – MLRS) được sử dụng trong Chiến tranh Vùng Vịnh lần I.

“Cản phá tấn công” thúc đẩy tăng cường năng lực viễn thám trên không hiện tại và các chương trình xác định mục tiêu: ví dụ như hệ thống xác định mục tiêu từ xa (Stand Off Target Acquisition System) được gắn trên trực thăng, một hệ thống định vị mục tiêu trên không có khả năng tác chiến tương tự Hệ thống Điều khiển và Cảnh báo trên không của máy bay E-3 Sentry. Phiên bản sản xuất đầu tiên của Sentry được triển khai thử nghiệm và đánh giá vào năm 1975 và đến năm 1977 thì được đi vào hoạt động tại Đoàn Không quân kiểm soát và cảnh báo sớm số 552 tại Oklahoma. Trong các đợt bay biểu diễn tại châu Âu, tổ bay Sentry phát hiện thấy tín hiệu radar từ luồng giao thông trên đường cao tốc quốc gia Đức, từ đó nảy ra sáng kiến về hệ thống radar dành cho việc phát thiện các mục tiêu di động dưới mặt đất.

Các cố gắng hiện có nhằm phát triển một hệ thống radar đồng bộ tầm xa cho máy bay viễn thám TR-1 được áp dụng để cải tiến hệ thống radar cũ trên máy bay mang tên PAVE MOVER – sau đó đã trở thành nền tảng cho Hệ thống radar do thám xác định mục tiêu tấn công hỗn hợp (Joint Surveillance Target Attack Radar System – JSTARS). JSTARS vẫn là di sản lớn của “Cản phá tấn công”.

Các thử nghiệm thành phần của “Cản phá tấn công” bắt đầu được tiến hành từ năm 1979 và đến năm 1981 thì thành công. Mô hình thử nghiệm ra mắt gồm có một hệ thống radar xác định mục tiêu di động được tích hợp với hệ thống tên lửa phóng từ mặt đất và trên không, cũng như các loại vũ khí phụ để tiêu diệt xe tăng từ khoảng cách 90 dặm. Các mục tiêu thử nghiệm, dù chỉ ở quy mô nhỏ, cho thấy khả năng nhận diện, xác định và tiêu diệt các xe thiết giáp Liên Xô nằm trong lớp tấn công sau cùng – chúng ta gọi là các lực lượng theo đuôi (follow-on-forces).

Khi nghiên cứu về các tiến bộ trong tấn công chính xác từ xa của Mỹ, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Liên Xô Nikolai Ogarkov đã đề xuất “trì hoãn chiến lược” (strategic pause) quá trình tiếp nhận vũ khí do các nỗ lực hiện đại hóa của Mỹ và NATO đã vô hiệu hóa các lợi thế về số lượng của quân đội Liên Xô.

Tấn công theo đuôi (FOFA)

Thành công của khái niệm “Cản phá tấn công” là cực kỳ quan trọng đối đối với các nhà hoạch định quốc phòng đang chới với khi căng thẳng gia tăng rõ rệt giữa hai khối NATO và Warsaw. Năm 1981, CIA ước tính chi tiêu quân sự thường niên của Liên Xô đã xấp xỉ gấp đôi chi tiêu của Mỹ. Các nhà máy Liên Xô sản xuất gấp ba đến bốn lần số máy bay tiêm kích và gấp ba lần số xe tăng của Mỹ. Quân đội Liên Xô còn đóng nhiều tàu ngầm tấn công nhằm ngăn cản Hải quân Mỹ triển khai quân và thiết bị để củng cố chiến trường châu Âu cũng như các nơi khác.

Nguy cơ chiến tranh quy ước có vẻ là vô cùng to lớn trong bối cảnh khủng hoảng Ba Lan và các thay đổi trong bố trí quân sự của Liên Xô vào năm 1981. Các đơn vị Liên Xô sử dụng kỹ thuật phá sóng radio, ngăn Mỹ truyền thông tin tình báo về các động thái quân sự. Vào mùa đông, độ dài của một ngày ngắn đi cũng có nghĩa là ít ánh sáng ban ngày hơn cho vệ tinh chụp ảnh các động thái quân sự. Nhiều động thái quân sự đã không bị phát hiện trong nhiều ngày, dẫn đến nỗi sợ một cuộc tập trận sắp tới sẽ là tiền đề cho một cuộc tấn công bất ngờ. Cần chú ý là quân Ai Cập đã dùng đợt diễn tập như là vỏ bọc cho cuộc tấn công trong cuộc chiến tranh năm 1973.

Được xây dựng dựa trên mô hình “Cản phá tấn công”, FOFA là giáo lý trọng tâm của học thuyết chiến tranh không – bộ, cùng với học thuyết tấn công thọc sâu của quân đội Mỹ, và các mô hình không đối không tiên tiến của Không quân. FOFA được Tổng tư lệnh liên quân châu Âu (SACEUR), Tướng Bernard W. Rogers phác thảo như là một mô hình nhiệm vụ mới giúp tổ chức lại các nỗ lực của Mỹ và NATO nhằm bù trừ tương quan với lực lượng quy ước của Liên Xô. FOFA được NATO đưa vào sử dụng vào tháng 11 năm 1984. Một số điểm yếu của NATO được các chương trình FOFA chỉ ra gồm có:

  • Thiếu tên lửa thích hợp phóng từ mặt đất
  • Không có khả năng triển khai máy bay vào ban đêm hay trong điều kiện thời tiết xấu.
  • Không có khả năng xác định các phương tiện di chuyển trong đêm và khi có nhiều mây
  • Không có khả năng nhận dạng và xác định các mục tiêu thiết giáp đang di chuyển ra hay vào vùng đô thị hoặc các khu vực khác (làm mất dấu mục tiêu khi tái xác định)
  • Thiếu hiệu quả phối hợp giữa các sư đoàn, quân đoàn, tiểu đoàn để hỗ trợ vận động lực lượng giữa các vùng chiến thuật khác nhau.
  • Phải tiêu diệt lưới phòng không của đối phương kể cả các hệ thống tên lửa vác vai bộ binh
  • Nhu cầu luôn gia tăng nhằm tăng diện quét của cảm biến và năng lực của các hệ thống xác định mục tiêu và tấn công thọc sâu.
  • Đòi hỏi sự cần thiết của các hệ thống phương tiện bay không người lái

Tấn công FOFA và học thuyết Tác chiến Không – Bộ tập trung kết hợp các hoạch định quân sự và phát triển vũ khí vào các cơ chế không gian và thời gian: khái niệm hóa phương thức ngăn chặn các lực lượng theo đuôi của Liên Xô cách xa 24, 48 hoặc 72 giờ so với các vị trí phòng thủ của NATO; các nỗ lực hiệp đồng tác chiến Không – Bộ cách 150 km sau tuyến đầu của quân Liên Xô (tức khoảng 72 giờ trước khi đợt tấn công cuối cùng đến được các vị trí phòng thủ của NATO theo học thuyết quân sự Liên Xô); lên mục tiêu cho không quân thọc sâu vào 300 km phía sau tuyến đầu và phát triển công nghệ và phương án cho phép bộ chỉ huy nhanh chóng điều chỉnh các mục tiêu tấn công và đánh chặn. FOFA chính là cấu trúc “hệ thống trong hệ thống” đầu tiên. Gần 100 hệ thống hiện có và dự kiến của NATO đã được đưa vào kế hoạch tấn công FOFA, tạo ra nhiều dự án con được đưa vào ứng dụng cho tới tận ngày nay.

Di sản

Lần thực nghiệm tác chiến đầu tiên của các tổ hợp hệ thống “Cản phá tấn công” diễn ra tại Vịnh Ba Tư, không phải tại các đồng bằng Trung Âu. Trong chiến tranh Vùng Vịnh, khoảng 2/3 hệ thống tên lửa chiến thuật được sử dụng chung với JSTARS. Đây cũng là lần đầu tiên các chỉ huy quân sự nắm được quan cảnh chiến trường gần như theo thời gian thực, và đủ an toàn để chia sẻ thông tin từ các nguồn tin mật. Các quan sát viên Liên Xô xem các kết quả này là một biến thể quy ước của cái họ gọi là tấn công chiến lược trên chiến trường, với tính hiệu quả của tổ hợp do thám – tấn công được tăng cường.

Các chương trình “Cản phá tấn công”, Ngăn chặn hỗn hợp chính xác (Joint Precision Interdiction) hay FOFA – tất cả được xem xét và triển khai như một phần của Chiến lược Bù đắp – đã tạo nên các cơ cấu hoạch định và tác chiến hệ thống trong hệ thống được gọi là RSTA (Reconnaissance, Surveillance, and Target Acquisition).

Tiến sĩ Robert R. Tomes là Chủ tịch của MapStory Foundation và là phó giáo sư về nghiên cứu chính sách an ninh tại Đại học Georgetown. Các ấn phẩm của ông bao gồm Chiến lược quốc phòng Mỹ từ Chiến tranh Việt Nam đến Chiến dịch Tự do Iraq: Đổi mới quân sự và các phương thức chiến tranh mới của Mỹ, 1973-2003 (Routledge, 2007), trong đó phân tích chiến lược bù đắp thời kỳ Chiến tranh Lạnh như là một trường hợp điển hình để nghiên cứu vấn đề đổi mới quân sự.