Tác giả: Lê Thành Lâm
Vào những thập niên đầu của thế kỷ 19, phong trào cách mạng ở Trung và Nam Mỹ nổ ra mạnh mẽ, tư tưởng tự do đã khuấy động nhân dân Mỹ Latinh từ thời các thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ giành được độc lập. Và cho đến năm 1822, tất cả các nước trong khu vực nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ở Châu Mỹ – từ Achentina và Chile ở miền Nam tới Mexico ở miền Bắc – đều đã giành được độc lập. Nhân dân Mỹ ngày càng phản đối việc duy trì các thuộc địa của Châu Âu ở Tân Thế giới, họ cũng mong muốn Mỹ tăng cường ảnh hưởng và mở rộng các mối quan hệ trao đổi tới Nam Mỹ. Trước áp lực ngày càng lớn của dư luận, năm 1822, Tổng thống James Monroe đã cho phép công nhận các quốc gia mới ở Mỹ Latinh và nhanh chóng trao đổi công sứ với các quốc gia này. Tổng thống đã công nhận họ là các quốc gia độc lập thực sự, hoàn toàn tách khỏi những mối ràng buộc trước kia với Châu Âu.
Trước tình hình cách mạng đang diễn ra sôi sục, tháng 9 năm 1815, Liên minh Thần thánh gồm Nga, Áo, Phổ đã được thiết lập nhằm bảo vệ những nước này trước các cuộc cách mạng. Với những hoạt động thuộc phạm vi Cựu Thế giới, Liên minh Thần thánh không gây lo lắng cho Hoa Kỳ. Nhưng khi Liên minh này tuyên bố ý định muốn khôi phục các thuộc địa cũ của Tây Ban Nha và có những dấu hiệu cho thấy việc Nga đang mở rộng sự có mặt của nước này về phía Nam từ Alaska đến Oregon thì người Mỹ bắt đầu lo lắng.
James Monroe (1758 – 1831) |
James Monroe sinh ngày 28/4/1758 tại hạt Westmoreland, bang Virginia. Ông là tổng thống thứ 5 của Hoa Kỳ (1817 – 1825) và là đồng minh thân cận của Thomas Jefferson (tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ). Dưới thời Tổng thống James Madison, ông đã từng vừa giữ chức Bộ trưởng chiến tranh, vừa là Ngoại trưởng và đã giúp Mỹ giành phần thắng trong cuộc chiến tranh với Anh năm 1812. Trúng cử năm 1816, nhiệm kỳ của ông được đánh dấu bằng việc dành được tiểu bang Florida (1819) và ký Thỏa hiệp Missouri (1820). Ông rời chức Tổng thống năm 1825 và mất ngày 4/7/1831 ở New York. |
Về phần mình, người Anh cũng quan tâm mạnh mẽ đến việc chấm dứt chủ nghĩa thực dân Tây Ban Nha ở Mỹ Latinh do những lợi ích thương mại quan trọng của Anh ở khu vực này. Đầu năm 1823, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Canning đã đề nghị với phía Mỹ rằng hai nước nên đưa ra một tuyên bố chung để ngăn chặn bất kỳ cường quốc nào khác can thiệp vào Trung và Nam Mỹ. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ John Quincy Adams phản đối mạnh mẽ việc hợp tác với Vương quốc Anh, ông cho rằng một tuyên bố mang tính song phương như đề nghị của Anh có thể giới hạn sự mở rộng của Hoa Kỳ trong tương lai. Adams cũng chỉ ra rằng người Anh không thực sự thừa nhận nền cộng hòa của các nước Mỹ Latinh và chắc chắn nước Anh có động cơ đế quốc nào đó phía sau ý định như vậy.
Ngày 02 tháng 12 năm 1823, Tổng thống Monroe nhân dịp gửi thông điệp hàng năm tới Quốc hội đã công bố những điều mà sau này được gọi là Học thuyết Monroe. Tổng thống thông báo như một nguyên tắc rằng: “Các lục địa châu Mỹ với địa vị tự do và độc lập đã được thừa nhận và duy trì, từ nay về sau không còn bị xem là đối tượng của thực dân hóa trong tương lai do bất cứ một cường quốc Châu Âu nào tiến hành”.
Tiếp đó, trong bài phát biểu chuyển tới Liên minh Thần thánh, Tổng thống Monroe đã tuyên bố rằng “chúng ta coi tất cả nỗ lực nhằm mở rộng hệ thống của các cường quốc Châu Âu tại bất kỳ phần nào của Tây bán cầu đều là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh của chúng ta. Với sự tồn tại của các thuộc địa hoặc các xứ phụ thuộc của bất cứ cường quốc Châu Âu nào, chúng ta đã và sẽ không can thiệp. Nhưng với những chính phủ đã tuyên bố nền độc lập của mình và bảo vệ nền độc lập ấy, và được chúng ta thừa nhận thì chúng ta sẽ coi bất kỳ một sự can thiệp nào nhằm mục đích đàn áp, hoặc kiểm soát vận mệnh của họ bằng bất kỳ phương thức nào do bất cứ cường quốc châu Âu nào thực hiện đều thể hiện khuynh hướng thù nghịch đối với nước Mỹ.” Người ta có thể hiểu tuyên bố này như sự cách ly khỏi Châu Âu, một tuyên bố đơn phương nhằm thúc đẩy mở rộng chủ nghĩa biệt lập trong khu vực Tây bán cầu và từ chối tham gia những liên minh bắt buộc.
Học thuyết Monroe không phải là một điều gì mới mà là tổng hợp các nguyên tắc cũ và áp dụng chúng trong hoàn cảnh hiện tại. Các nguyên tắc cũ ở đây chính là tư tưởng biệt lập mà nước Mỹ đã theo đuổi trong quá trình hoạch định chính sách của mình trong giai đoạn đầu khi mới lập quốc. Học thuyết còn là một sự biện hộ mang tính lý thuyết cho chính sách phục vụ lợi ích nước Mỹ dựa trên ba nguyên tắc: “Không thuộc địa”, nghĩa là không cường quốc châu Âu nào có thể thiết lập các thuộc địa trong tương lai ở cả Bắc và Nam Mỹ; “Không can thiệp”, cảnh báo Châu Âu không được can thiệp vào công việc của Mỹ; và “Không can thiệp vào công việc của Châu Âu”, ngụ ý rằng hệ thống chính trị Châu Âu khác biệt với hệ thống chính trị ở Tây bán cầu.
Về cơ bản, nội dung của Học thuyết Monroe thể hiện mong muốn đưa Mỹ trở thành người bảo trợ cho an ninh và sự ổn định của khu vực Tây bán cầu, và không một lực lượng nào khác có quyền can thiệp vào công việc này của Mỹ. Những biểu hiện cho thấy việc Mỹ theo đuổi học thuyết này là cuộc cách mạng Mexico năm 1848, can thiệp ở Cuba (1898), quốc hữu hóa kênh đào Panama (1912), xâm lược Haiti (1915), cho đến chính sách chống chính quyền cộng sản Cuba (từ 1959). Trong đó, việc xây dựng kênh đào Panama từ quan điểm địa chiến lược và địa chính trị được coi là một trong những thành công lớn nhất mà Học thuyết Monroe có được trong khu vực.
Học thuyết Monroe đã ghi dấu ấn trong mối quan hệ chính trị và kinh tế của Mỹ với các nước Mỹ Latinh trong suốt nửa cuối thế kỷ 19 và phần lớn thế kỷ 20. Học thuyết này lúc đầu được các quốc gia Mỹ Latinh nhìn nhận rất tích cực. Họ coi đó là một sự hứa hẹn của Mỹ giúp họ duy trì nền độc lập và được coi như một văn kiện có tính ràng buộc cho việc xây dựng một liên minh toàn Châu Mỹ. Tuy nhiên, học thuyết đã cho thấy tính vị kỷ cường quốc khu vực, muốn nắm gọn trong tay những gì bên cạnh và không muốn bên ngoài can thiệp.
Trong thời kỳ đầu lập quốc, các Tổng thống Mỹ luôn theo tư tưởng chủ nghĩa biệt lập trong việc hoạch định chính sách đối ngoại. Học thuyết Monroe được cho là cũng theo tư tưởng đó. Tuy nhiên, về thực chất, Học thuyết Monroe không phải là một thứ chủ nghĩa biệt lập thuần túy mà là luận thuyết phân chia khu vực ảnh hưởng, phân chia thị trường của Mỹ. Người Mỹ bề ngoài mong muốn xây dựng một mối quan hệ đặc quyền với vùng Caribê và Trung Mỹ, nhưng trên thực tế, đó là sự bắt đầu của một chính sách can thiệp thật sự. Điều này được lý giải là do ở thời kỳ này, Mỹ còn yếu hơn rất nhiều cả về thế và lực so với các cường quốc khác ở Châu Âu, đặc biệt là Anh và Pháp. Vì vậy, Mỹ chỉ có thể thực hiện chính sách mở rộng ảnh hưởng ở khu vực nếu như không gặp phải sự can thiệp của các cường quốc Châu Âu.
Từ đây có thể thấy, không phải Mỹ muốn biệt lập, không có tham vọng dính líu gì tới bên ngoài mà thực chất Mỹ muốn ngăn cản các cường quốc châu Âu, không cho các cường quốc này bành trướng ảnh hưởng và trao đổi thương mại với các quốc gia Châu Mỹ vì Mỹ muốn coi đây là “sân sau” tự nhiên, là khu vực ảnh hưởng của riêng Mỹ. Như vậy, với Học thuyết Monroe và phương châm “châu Mỹ là của người Mỹ”, Châu Mỹ từ chỗ vốn là thuộc địa của chủ nghĩa thực dân Châu Âu đã dần trở thành khu vực ảnh hưởng độc quyền của một nước Mỹ ngày càng lớn mạnh.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).