Frederick Douglass – Từ nô lệ đến nhà vận động bãi nô

Print Friendly, PDF & Email

frederick_douglass_cc_img

Nguồn: 100 Leaders (truy cập ngày 21/8/2015)

Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

Frederick Douglass là một nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Phi trong phong trào bãi nô. Ông hùng biện trước công chúng và dùng ngòi bút để bác bỏ suy nghĩ rằng do nô lệ thiếu năng lực trí tuệ nên họ cần có sự giám sát của chủ nô. Trong ba cuốn tự truyện và các bài giảng ở Châu Âu, Douglass giải thích về sự bất công của chế độ nô lệ và sự phân biệt chủng tộc. Ông đấu tranh cho sự bình đẳng và ủng hộ quyền bầu cử của phụ nữ. Ông được mời đến đàm thoại với các tổng thống Abraham Lincoln và Andrew Johnson.

Khi còn nhỏ, Frederick Douglass bị tách khỏi người mẹ và bị đưa tới Baltimore. Ở đây, vợ của người chủ đã dạy ông đánh vần. Sau khi ông chủ cấm việc đó, Douglass vẫn tiếp tục học.

Khi Douglass bị phát hiện đang dạy các nô lệ học đọc, ông bị đem cho Edward Covery – một người chuyên tra tấn nô lệ. Ngày 3/9/1838, Douglass trốn thoát tới thành phố New York sau một vài lần thất bại. Một năm sau, ông trở thành mục sư được cấp phép và trông coi việc xây dựng nhà thờ. Douglass bắt đầu du hành và nói về những trải nghiệm khi còn là nô lệ.

Douglass xuất bản tờ báo đầu tiên có tên Ngôi sao phương Bắc (The North Star) kêu gọi bãi bỏ chế độ nô lệ. Dẫu ban đầu chịu ảnh hưởng của William Lloyd Garrison, Douglass đã tách khỏi lập trường chống Hiến pháp Hoa Kỳ[1] của Garrison. Douglass hoàn thành cuốn tự truyện đầu tiên của mình vào năm 1845, với tên gọi “Chuyện kể về cuộc đời của Frederick Douglass, một người nô lệ Mỹ” (Narrative of the Life of Frederick Douglass, An American Slave). Tác phẩm này không chỉ gây ảnh hưởng đến phong trào bãi nô, mà còn nhanh chóng trở thành cuốn sách bán chạy nhất. Mười năm sau (1855), ông xuất bản cuốn tự truyện thứ hai dài hơn, có tựa đề “Tình cảnh nô lệ và sự tự do của tôi” (My Bondage and My Freedom).

Tới thập niên 1850, Douglass nhận ra giáo dục ở ngay cả những trường học miền Bắc dành cho người Mỹ gốc Phi cũng thua xa trường học dành cho người da trắng. Phát hiện này khiến ông càng củng cố mong muốn đấu tranh cho sự bình đẳng chủng tộc. Khi cuộc Nội chiến nổ ra, Douglass gặp Tổng thống Abraham Lincoln, và sau này là Tổng thống Andrew Johnson để bàn luận về việc chấm dứt chế độ nô lệ. Ông thậm chí còn tuyển mộ binh sĩ cho Trung đoàn 54 Bộ binh Massachusetts.

Sau chiến tranh, Douglass là chủ tịch Ngân hàng Freedman’s Savings và ủng hộ Ulysses S. Grant trong cuộc bầu cử năm 1868. Sau khi ngân hàng phá sản, tổng thống Rutherford B. Hayes bổ nhiệm ông vào một vị trí công vụ.

Douglass đột ngột qua đời sau khi ông tham dự một hội nghị của Hội đồng Phụ nữ quốc gia tại Washington DC. Ông được chôn cất tại nghĩa trang Rochester, New York, cùng nơi với Susan B. Anthony[2]. Di sản mà Douglass để lại là cảm hứng đấu tranh cho sự bình đẳng của tất cả mọi người, không phân biệt chủng người và sắc tộc.

——————————————————–

[1] Lúc đầu Douglas đồng ý với Garrison rằng bản Hiến pháp ủng hộ chế độ nô lệ do những thỏa hiệp liên quan đến qui trình bổ nhiệm các chức vụ trong quốc hội dựa trên cách đếm số nô lệ trên tổng số dân mỗi tiểu bang cũng như quan điểm bảo vệ việc buôn bán nô lệ trong năm 1807. Tuy nhiên, sau khi cuốn The Unconstitutionality of Slavery của Lysander Spooner xuất bản năm 1846 chứng minh rằng Hiến pháp Hoa Kỳ là một văn kiện chống chế độ nô lệ thì Douglass cũng thay đổi quan điểm và tách rời khỏi Garrison trong khoảng năm 1847. Douglas tuyên bố rằng Hiến pháp nên được sử dụng như là một công cụ hữu ích chống lại chế độ nô lệ. (Theo Wikipedia).

[2] Nhà hoạt động người Mỹ, đấu tranh cho quyền bầu cử của phụ nữ. [ND]