Tác giả: Nguyễn Thế Phương
Nước là nguồn gốc của các xung đột trong tương lai? Đó là câu hỏi được đặt ra bởi hai tác giả Peter Engelke đến từ Hội đồng Đại Tây Dương và Russell Sticklor thuộc Chương trình Môi trường An ninh Stimson (Hoa Kỳ). Trước đó, luồng ý kiến cho rằng nước không thể là nguồn gốc của những xung đột trong tương lai vì lịch sử đã chứng minh có rất ít các cuộc chiến nổ ra vì nguồn nước. Lập luận này đã bị hai tác giả bác bỏ bởi hoàn cảnh được dự đoán trong quá khứ khác hẳn với bối cảnh hiện tại.
Việc dân số thế giới không ngừng tăng là một trong những lý do chính khiến việc dự đoán tương lai từ bối cảnh hiện tại khác với dự đoán từ quá khứ. Dân số thế giới tăng kéo theo sự thay đổi của tự nhiên. Một số nhà khoa học lập luận trái đất và con người đang ở ngưỡng cửa bước vào một kỉ nguyên mới – kỷ nguyên Anthropocene. Nếu kỷ nguyên cũ – Holocene, với sự ổn định và cân bằng về khí hậu, thì con người, với nhiều hoạt động tiêu cực của mình, làm ảnh hưởng đến vòng tròn carbon và làm gián đoạn tiến trình của lõi Trái Đất, đã tự đưa mình bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của sự biến đổi khí hậu.
Trong số những thành phần tự nhiên, nước là nhân tố quan trọng đã góp phần tạo ra và duy trì sự sống trên Trái Đất, trong đó có cả con người. Và nếu khí hậu biến đổi, một trong những thành tố bị ảnh hưởng chắc chắn sẽ là nguồn nước, kéo theo môi trường sống của con người bị biến đổi.
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng ¾ bề mặt Trái Đất được bao phủ bởi nước nhưng không phải tất cả đều có thể sử dụng được. Con người chỉ có thể dùng các nguồn nước sạch cho các hoạt động sinh hoạt và sinh kế. Và trong bối cảnh khí hậu toàn cầu đang ấm dần, dẫn tới băng tan và mực nước biển dâng, nguồn nước sạch sẽ ngày càng trở nên khan hiếm và khó dự đoán.
Nguồn nước là một đặc ân và có sự khác biệt về trữ lượng nước giữa các quốc gia. Nếu đặt trong bức tranh toàn cảnh về nhu cầu nước trên thế giới ngày càng tăng, điều này có thể tạo ra ưu thế cho các quốc gia sở hữu nhiều nguồn nước. Và bởi nguồn nước không thể vận chuyển từ nơi này sang nơi khác, đây chính là địa chính trị về nguồn nước. Cũng giống như dầu hoả đã từng làm khuynh đảo và định hình trật tự thế giới trong thế kỷ 20, nguồn nước cũng sẽ sớm làm được điều tương tự trong một vài thế kỷ tới.
Tàu sân bay Liêu Ninh là bước khởi đầu mang tính chuẩn bị cho tham vọng sở hữu hạm đội tàu sân bay của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh có khả năng sở hữu một nhóm tác chiến tàu sân bay có thực sự đáng lo ngại? Tác giả Dave Majumdar của The National Interest nhận định Bắc Kinh có thể xây dựng được một hạm đội tàu sân bay với cơ cấu đầy đủ tương đương Hoa Kỳ nhưng không thể làm chủ được chúng trong thời gian ngắn. Trung Quốc có thể đóng hàng chục tàu sân bay, chế tạo hàng trăm tiêm kích hạm và hàng chục tàu khu trục hộ tống, song đó chỉ là phần cứng. Bắc Kinh vẫn không thể làm chủ được phần mềm, vốn là yếu tố cốt lõi quyết định sự thành bại của hạm đội tàu chiến.
Khi quyết định mua xác tàu sân bay Varyag và cải tạo thành tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc không thể học được gì khác ngoài phần cứng và “chập chững” thực hành cách thức vận hành một tàu sân bay. Trong khi đó, Hoa Kỳ đã có hàng chục năm vận hành hạm đội tàu sân bay, thống trị gần như khắp các khu vực đại dương trên thế giới.
Xét về lực lượng máy bay trên hạm, cho đến thời điểm mua xác tàu Varyag và tiến hành cải tạo, Trung Quốc vẫn chưa sở hữu một tiêm kích hạm nào đúng nghĩa. Bắc Kinh tiến hành sao chép và cải biên tiêm kích trên hạm Su-33 của Hải quân Nga thành phiên bản mang tên J-15 với vai trò như một tiêm kích chiếm ưu thế trên không. Bắc Kinh cũng tiến hành cải tiến một số loại trực thăng sẵn có thành các phiên bản phù hợp với hoạt động trên biển, như trực thăng chống ngầm Z-18F, trực thăng cảnh báo sớm Z-18J và trực thăng cứu hộ Z-9C.
Theo Trung Quốc, tàu sân bay Liêu Ninh có khả năng triển khai tác chiến 24 máy bay J-15, 6 máy bay Z-18F, 4 máy bay Z-18J và 2 máy bay Z-9C. Tuy nhiên, trong báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ gửi Quốc hội về sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2015, Lầu Năm Góc cho rằng Liêu Ninh và phi đội tiêm kích của nó, với cấu hình như hiện tại, sẽ không thể tác chiến ở một quy mô rộng lớn. Những hạn chế về động cơ cũng như tầm hoạt động và boong tàu Liêu Ninh quá nhỏ sẽ khiến con tàu không thể đảm nhiệm vai trò phòng không hạm đội. “Tàu sân bay Liêu Ninh sẽ không thể cho phép triển khai sức mạnh tầm xa tương tự như các tàu sân bay lớp Nimitz của Hoa Kỳ”, báo cáo của Lầu Năm Góc chỉ rõ.
Và mặc dù J-15 có thiết kế khí động học tốt hơn F/A-18E/F của Hải quân Hoa Kỳ, song các máy bay của Washington có ưu thế về hệ thống điện tử cũng như không phải tác chiến một mình. Lầu Năm Góc cũng chỉ ra những vấn đề của tàu Liêu Ninh: “Kích thước nhỏ của Liêu Ninh hạn chế số lượng máy bay có thể được triển khai, trong khi thiết kế boong tàu theo kiểu nhảy phóng lại khiến máy bay tốn nhiều năng lượng và hạn chế tải trọng vũ khí”.
Chính Trung Quốc cũng đã phải thừa nhận những khiếm khuyết trên và nỗ lực khắc phục. Nhưng bằng cách nào?
Có 2 hướng:
- Thứ nhất, Trung Quốc sẽ tiếp tục chế tạo một loạt các tàu sân bay lớn hơn Liêu Ninh để có thể triển khai thêm nhiều tiêm kích hơn. Điều này gặp vấn đề ở chỗ từ trước đến nay Bắc Kinh chưa bao giờ bắt tay vào việc chế tạo một tàu sân bay mới, ngay cả một tàu với kích thước nhỏ như Liêu Ninh. Vì thế, nỗ lực chế tạo nhiều tàu lớn hơn thật sự là công việc khó khăn.
- Thứ hai, phát triển phi đội tiêm kích trên hạm thế hệ mới. Điều này càng không có cơ sở khi chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh đang chế tạo một tiêm kích mới thay thế J-15. Hải quân Trung Quốc càng không có những máy bay chuyên về tác chiến điện tử như Hoa Kỳ. Đó là chưa kể những hạn chế về công nghệ động cơ và hệ thống điện tử của ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc.
Như vậy, tóm lại, Bắc Kinh có thể chế tạo hàng loạt tàu sân bay cỡ lớn, nhiều máy bay mới nhưng cốt lõi vẫn nằm ở yếu tố công nghệ và cách thức vận hành. Nếu thiếu đi hai yếu tố trên, những gì mà Trung Quốc nỗ lực chế tạo ra chỉ là một đống sắt thép vô ích.
Một số tin vắn quốc phòng đáng chú ý:
Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật an ninh nhằm mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) ở nước ngoài, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ phía các nghị sĩ đối lập. Động thái này đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách an ninh của Nhật Bản, lần đầu tiên cho phép binh sĩ nước này tham chiến ở nước ngoài kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, ngay cả khi nước Nhật không bị tấn công trực tiếp. Dự luật được đưa ra dựa trên hai nền tảng chính: Môi trường an ninh bên ngoài Nhật Bản đang xấu đi nhanh chóng và sức mạnh răn đe của Hoa Kỳ ở châu Á cũng đang bị suy giảm.
Hoa Kỳ – Nhật Bản hợp tác phát triển hệ thống giám sát tàu ngầm Trung Quốc ở tây Thái Bình Dương. Một nguồn tin giấu tên từ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tiết lộ, hệ thống giám sát mới – được biết đến với tên viết tắt SOSUS đang được triển khai bởi Hải quân Hoa Kỳ và Nhật Bản để theo dõi tàu ngầm Trung Quốc đi từ biển Hoa Đông đến biển Hoàng Hải. Nguyên tắc hoạt động chủ yếu dựa trên thu thập các âm thanh đặc trưng của tàu ngầm Trung Quốc khi hoạt động. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ triển khai một hệ thống giám sát nhắm trực tiếp đến Trung Quốc.