Tinh trạng “phá hoại văn hóa” ở Hoa Kỳ

022815_snowball-1

Nguồn: Robert P. Crease, “Cultural Vandalism in America”, Project Syndicate, 03/09/2015.

Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Cứ mỗi khi nghe tin các phiến quân Nhà nước Hồi giáo san bằng các di chỉ khảo cổ, đập vỡ các tác phẩm điêu khắc cùng những bức tượng, tôi lại nghĩ đến cuộc tấn công vào tiến trình khoa học mà các chính khách Mỹ đang tiến hành. Cơ sở hạ tầng khoa học của chúng ta – phương tiện chủ yếu để chúng ta thấu hiểu thế giới, nhận dạng và đẩy lùi các hiểm họa, và theo đuổi một tương lai tốt đẹp hơn – đang phải chịu sự công kích từ các nhà lập pháp, những người xem khoa học như chướng ngại vật trên con đường đạt đến những mục tiêu của mình, và do đó trở thành một mục tiêu phải bị loại bỏ.

Sự so sánh này có vẻ quá phóng đại. Người ta có thể lập luận rằng việc cản trở các ý tưởng thì không thể xếp cùng loại với việc phá hoại bảo vật; và các quan chức dân cử can thiệp vào các văn bản pháp luật thì không thể so với các phiến quân chặt đầu và chân tay người vô tội. Bất kỳ ai so sánh như vậy có vẻ đã bị đầu độc bởi các luận điệu chính trị phi lý vốn đang tràn ngập các chiến dịch vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ.

Nhưng hãy nhìn nhận điều này: Vào năm 2010, bằng các biện pháp tiên tiến, Ban Khoa học của Ủy ban Tài nguyên Duyên hải Bắc Carolina đã dự báo sự dâng cao của mực nước biển có thể đe dọa đến một số cộng đồng ở các vùng trũng trong thế kỷ tới. Các nhà lập pháp bang đã đáp trả bằng việc thông qua một dự luật cấm các nhà hoạch định chính sách sử dụng các kết quả nghiên cứu của Ban Khoa học, kết quả là làm suy giảm khả năng của các quan chức trong việc đáp ứng các nhiệm vụ chủ chốt của họ nhằm bảo vệ đường bờ biển, tài nguyên và người dân của bang.

Ở cấp độ quốc gia, Hạ viện Mỹ vừa thông qua Đạo luật gia hạn luật COMPETES[1] năm 2015, cấm sử dụng các nghiên cứu được hỗ trợ tài chính từ Bộ Năng lượng trong hoạch định chính sách. Ngôn từ xuất hiện trong phần nói về năng lượng hình như được đưa vào để bảo vệ các nhóm lợi ích dầu khí khỏi bị phát hiện về các tác động đến biến đổi khí hậu xuất phát từ hoạt động của họ. Nhưng nếu dự luật được Thượng viện thông qua và được Tổng thống ký ban hành, tầm ảnh hưởng của nó sẽ còn vượt xa hơn vấn đề biến đổi khí hậu, với việc các quan chức không thể sử dụng bất kỳ nghiên cứu nào được Bộ Năng lượng hỗ trợ tài chính bằng tiền thuế của dân để bảo vệ người dân Mỹ.

Trong khi đó, Lamar Smith, một hạ nghị sĩ Cộng hòa của bang Texas – người đã từng ủng hộ Đạo luật COMPETES, sau hai năm vẫn kiên trì sử dụng Ủy ban Hạ viện Mỹ đặc trách về Khoa học, Vũ trụ, và Công nghệ, nơi ông làm Chủ tịch, để thay đổi tiến trình đánh giá của các học giả và trao tài trợ nghiên cứu tại Quỹ Khoa học Quốc gia, cơ bản khiến cho Quỹ này trở thành đối tượng đánh giá của quốc hội.

Đây không phải là vấn đề các chính khách bất đồng về việc có giải quyết hay không hoặc giải quyết những nguy cơ như mực nước biển dâng và biến đổi khí hậu như thế nào; đó là những vấn đề chính trị và là chủ đề thích hợp để thảo luận trong một hệ thống dân chủ. Thay vào đó, chúng là các ví dụ về việc các chính khách sẵn sàng bưng bít các thông tin quan trọng về những nguy cơ nghiêm trọng vì các lý do hoàn toàn mang tính đảng phải, nếu không nói là vì những lý do cá nhân. Họ quyết định rằng chính sách phải được dựa hoàn toàn trên những gì họ tin vào hơn là những chứng cứ thực tiễn do tiến trình khoa học thu được.

Ở đây có một mối liên hệ giữa các chính khách Mỹ và Nhà nước Hồi giáo: cả hai đều tham gia vào việc phá hoại văn hóa do tư tưởng thúc đẩy. Điểm khác biệt là các chính khách sẽ không thừa nhận động cơ ý thức hệ của mình. Thay vào đó, họ bào chữa cho lập trường của mình bằng cách gieo rắc sự hoài nghi vào cơ sở hạ tầng khoa học, nơi tìm ra những phát hiện mà họ không thích, rồi đưa ra những lập luận yếu ớt về “sự mơ hồ trong khoa học”. Điều này không những sai sự thật mà còn hạn chế những cuộc thảo luận mang tính xây dựng về những vấn đề quan trọng; và tệ hơn nữa là gợi ra những nghi vấn về các tiến trình và thể chế khoa học mà nền văn minh hiện đại phụ thuộc vào.

Nói theo cách khác, giả dụ rằng quan niệm trực giác của bạn về du lịch khiến bạn khởi hành một hành trình dài bằng ô tô mà không mang theo những vật dụng thiết yếu như một cái kích và một cái lốp dự phòng hay các loại bản đồ và thiết bị định vị. Trước khi đi, bạn xóa thông tin liên lạc của một nhà cung cấp dịch vụ ven đường trong điện thoại vì một niềm tin vô căn cứ rằng những nhà cung cấp như vậy thường hay lừa đảo và chỉ biết tư lợi. Cuối cùng, bạn mang theo vài người đồng hành trong chuyến đi mà không hề báo cho họ biết bạn đã trang bị kỹ (hay chưa kỹ) cho chuyến đi như thế nào.

Theo luật pháp Mỹ, những hành động như thế tương đương với “gây ra mối nguy hiểm một cách bất cẩn” (reckless endangerment) hay “tội coi thường tính mạng người khác” (culpable negligence). Nhưng các chính khách rõ ràng đang dẫn dắt người dân vào những hành trình như thế nhưng lại ít gặp phải sự phản kháng.

Những lập luận dựa trên các sự thật (facts), như những lập luận trong một bài xã luận gần đây trên tạp chí Science, đáng lẽ đủ để khiến các nhà lãnh đạo Mỹ phải thay đổi cách tiếp cận. Nhưng sự thật lại không thể cạnh tranh với hệ tư tưởng. Quả thực, bất kỳ sự phản đối nào – thậm chí khi được chứng cứ thực chứng hậu thuẫn – đều được khắc họa như là một màn tấn công vào hệ tư tưởng (ưu việt hơn) của các chính khách, dù đó là tư tưởng tự do hay tư tưởng tôn giáo chính thống (cực đoan).

Trong bối cảnh này, các so sánh gây sốc hay có thể gây giận dữ như so sánh với Nhà nước Hồi giáo có vẻ là hy vọng duy nhất để phơi bày quy mô tổn thất mà những chính khách đó gây ra. Có lẽ trong cuộc tranh luận tới giữa các ứng cử viên tổng thống, những người tham gia nên phải phân biệt – theo lập trường đạo đức – các chính trị gia tấn công vào tiến trình khoa học với các phiến quân Nhà nước Hồi giáo phá hủy các cổ vật. Như vậy cuộc đối thoại mới có thể tiếp tục.

Robert P. Crease là Giáo sư Triết học tại Đại học Stony Brook, New York, và là đồng Tổng Biên tập của Tạp chí Physics in Perspective.

Hình: Thượng nghị sĩ John Inhofe ném quả banh tuyết lên sàn Thượng viện để phản bác các cảnh báo về tình trạng ấm lên toàn cầu. Nguồn: Fox News.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Cultural Vandalism in America

—————

[1] Đạo luật năm 2007 về thúc đẩy Khoa học, Công nghệ và Giáo dục của Hoa Kỳ (America Creating Opportunities to Meaningfully Promote Excellence in Technology, Education, and Science Act).