Mổ xẻ Trump dưới lăng kính văn hóa chính trị Nga

Print Friendly, PDF & Email

trump_16

Nguồn: Nina L. Khruschcheva, “Trump Through Russian Eyes”, Project Syndicate, 27/09/2016.

Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Tôi là một người Mỹ được sinh ra tại Moskva. Và cũng vì lí do đó, chất Mỹ trong tôi, không giống như Augie March trong tác phẩm của Saul Bellow, đã từng châm ngòi cho một cuộc tranh luận ở cấp độ quốc gia tại Nga. Ở vài nơi, sách giáo khoa từng đặt câu hỏi cho học sinh rằng việc Nina Khrushcheva trở thành công dân Mỹ là đúng hay sai (tác giả Nina Khrushcheva là cháu của Nikita Khrushchev, cố tổng bí thư ĐCS Liên Xô – NBT). Tôi sẽ để các bạn tự đoán xem thử hầu hết mọi người, đặc biệt là những người thuộc thế hệ Xô Viết, có quan điểm gì.

Mặc dù một người Nga có thể rời tổ quốc nhưng cuối cùng bạn vẫn không thể bỏ được chất Nga của cô ấy. Vì vậy vào lúc nền chính trị Mỹ trải qua một cuộc chuyển giao kì lạ, có lẽ lăng kính đậm chất Nga của tôi có thể giúp người dân Mỹ nhìn thấu được phần nào.

Theo quan điểm của tôi, thực ra nhiều đặc trưng tệ hại và vô lý nhất của nền chính trị Nga có vẻ đang hiện diện tại Mỹ. “Lộng giả thành chân” (The Big Lie – những lời nói dối được lặp đi lặp lại sẽ thành chân lí) vốn do Đức Quốc xã tạo ra, được toàn thiện bởi Liên Xô và được Tổng thống Nga Vladimir Putin vận dụng tài tình, là yếu tố cốt lõi trong chiến dịch tranh cử tổng thống hiện nay của Donald Trump.

Tính đến hiện tại, những lời dối trá của Trump vẫn chưa gây ra hậu quả lớn. Truyền thông đã trở thành “những kẻ dốt nát hữu dụng” như Lenin từng gọi, hăm hở sử dụng hình ảnh của Trump để tăng lượt xem mà không hề để ý hay bận tâm rằng chính họ đang giúp đỡ ông ta. Cũng không có gì ngạc nhiên khi sau đó Trump lại càng nói dối táo tợn hơn nữa.

Ví dụ, sau khi dành vài năm dẫn dắt phong trào đòi xác minh nguồn gốc khai sinh của Tổng thống Obama (birther movement) – cáo buộc rằng Tổng thống Obama không phải được sinh ra tại Mỹ, nên theo hiến pháp, ông không được giữ chức tổng thống –  Trump tuyên bố rằng đối thủ của mình, bà Hillary Clinton, mới là người gây nên cuộc tranh cãi này vào năm 2008. Vì vậy Trump phải là người “chấm dứt” việc này. “Tổng thống Barack Obama,” ông ta tuyên bố một cách dõng dạc (như thể chưa hề nghi ngờ bao giờ), “được sinh ra tại Mỹ. Chấm hết.”

Một vài người cho rằng, giữa lúc đầy rẫy những lời dối trá như thế này, truyền thông đang bất ngờ tấn công Trump. Thực ra tuyên bố của Trump về bà Clinton và vụ giấy khai sinh của Tổng thống Obama đơn giản là quá nực cười nên không thể bỏ qua được. Nhưng tỉ lệ bỏ phiếu cho ông ta trên toàn quốc vẫn cao, điều này cho thấy rất nhiều người ủng hộ ông ta vẫn sẵn lòng tin tưởng – hay ít nhất là xem nhẹ – những lời dối trá trắng trợn đó.

Điều này có thể phản ánh một đặc trưng “rất Nga” khác trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ hiện nay: quyền lực của các đầu sỏ chính trị. Tổng thống đầu tiên của nước Nga hậu Xô Viết, Boris Yeltsin, đã thỏa thuận với tầng lớp giàu có nhất: họ sẽ hỗ trợ tài chính cho chiến dịch tái tranh cử của ông để đổi lấy quyền được ưu tiên tiếp cận các ngành công nghiệp hàng đầu của nước Nga khi tư nhân hóa.

Ngày nay, những thỏa thuận bẩn tương tự cũng có tại nước Mỹ nhờ vào một nhóm những kẻ dốt nát hữu dụng khác: các thẩm phán bảo thủ thuộc Tòa án Tối cao Mỹ, những người đã đưa ra phán quyết trong vụ kiện tai tiếng Citizens United năm 2010. Bằng cách mở rộng áp dụng sự bảo vệ quyền tự do ngôn luận trong hiến pháp cho các hình thức gây quỹ trong những chiến dịch chính trị, tất cả những hạn chế nhằm ngăn cản ảnh hưởng của đồng tiền lên chính trị Mỹ đã bị dỡ bỏ. Tại Nga, các đầu sỏ chính trị phải giải trình với Putin. Ngược lại, tại Mỹ, có vẻ các chính trị gia phải giải trình với các đầu sỏ chính trị, những kẻ sử dụng đồng tiền để thao túng những người dân thường.

Ví dụ điển hình là Rupert Murdoch, Chủ tịch và cựu CEO của News Corporation và 21st Century Fox. Trong những năm qua, những tờ báo của Murdoch đóng vai trò hàng đầu trong việc bôi bẩn Liên minh Châu Âu, dẫn đến kết quả Brexit trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 6. Hiện tại Murdoch đã thay thế vị trí CEO Fox News của Roger Ailes – sau khi Ailes phải từ chức vì một loạt các cáo buộc bê bối tình dục – ông ta có vẻ tự giao cho mình sứ mệnh thúc ép các cử tri Mỹ phải đưa ra một quyết định thảm họa tương tự. Trên thực tế, kể từ khi Murdoch nắm quyền vào tháng 7, Fox News đã trở thành kênh của Trump, không phải kênh tin tức. Những người dẫn chương trình từng thể hiện quan ngại về Trump giờ chỉ nói những điều sáo rỗng. Cũng như Ailes, Murdoch công khai cố vấn cho chiến dịch tranh cử của Trump.

Có lẽ điểm tương tự đáng thất vọng nhất giữa quá khứ của nước Nga và hiện tại của nước Mỹ là điều mà tôi gọi là sự im lặng của bầy cừu: những người có sức ảnh hưởng lại không đứng ra ngăn chặn những điều điên rồ ấy. Năm 1917 tại Nga, Cách mạng Tháng Mười thành công trên quy mô lớn bởi vì các đối thủ của các đảng viên Bolshevik thường quá bận tâm đến việc bảo vệ lợi ích và danh tiếng của riêng mình nên không thể đoàn kết với nhau chống lại họ.

Ngày nay tại Mỹ, những đảng viên Đảng Cộng hòa quyền lực cũng đi theo con đường ấy. Một số đảng viên hàng đầu đã công khai chống lại Trump. Cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney đã làm việc cực lực trong những tháng qua để vạch trần bản chất dối trá nguy hiểm của Trump.

Hơn nữa, 50 quan chức an ninh quốc gia cấp cao nhất của Đảng Cộng hòa đã kí một lá thư cảnh báo về việc Trump “sẽ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và sự thịnh vượng của đất nước.” Các Thượng Nghị sĩ như Lindsey Graham và Ben Sasse cũng lên án Trump là mối đe dọa cho tự do ở Mỹ cũng như hòa bình thế giới. Cựu Tổng thống George H. W. Bush được cho là sẽ bầu cho bà Clinton. Những đảng viên này cho thấy lòng yêu nước đích thực, đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi đảng phái.

Nhưng còn Paul Ryan, Chủ tịch đương nhiệm của Hạ viện lại hành động như thể Trump rất xứng đáng làm tổng thống, đặt cả đảng và đất nước vào vòng nguy hiểm chỉ vì Trump vừa ban hành một vài chính sách mà Ryan ủng hộ? Nếu Ryan thật sự là một lễ sinh Công giáo trưởng thành như ông thường khắc họa bản thân, ông ta nên lên án những phát ngôn bài ngoại, mối liên hệ sâu sắc với hệ tư tưởng phân biệt chủng tộc cánh hữu (Alternative Right), việc kinh doanh gian dối và quan điểm chính sách đối ngoại thất thường của Trump. Ông ta sẽ được lợi gì khi toàn bộ chính sách được thông qua nhưng lại đánh mất đi lương tri của mình?

Cuối cùng, những chú sư tử gạo cội của Đảng Cộng hòa đang ở đâu? Nếu họ muốn ngăn cản Trump làm ảnh hưởng uy tín của đảng – và tương lai của quốc gia – họ phải nhanh chóng lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa. Mặc dù cựu Tổng thống George W. Bush vẫn còn đứng bên lề, có vẻ vẫn còn cay cú việc Trump đánh bại em trai Jeb Bush của ông trong các cuộc bầu cử sơ bộ chứ không phải vì mối nguy mà Trump tạo ra. James Baker, đã từng làm việc với Ronald Reagan và George H. W. Bush vẫn chưa công khai lên tiếng; George Shultz, Henry Kissinger, Condoleezza Rice hay Dick Cheney cũng vẫn im lặng. Chúng ta đều biết Colin Powell rất ghét Trump nhưng chúng ta chỉ biết điều đó vì email của ông bị rò rỉ (chứ không phải do ông công khai nói ra).

Khi Yeltsin nghỉ hưu, ông phó mặc nước Nga cho người kế nhiệm do chính ông lựa chọn là Putin. Vì lợi ích của đảng cũng như danh dự và uy tín của mình, những chú sư tử gạo cội kia nên công khai bác bỏ Trump, để những tổn thất tương tự sẽ không diễn ra trên đất nước họ – và cũng là đất nước của tôi.

Nina L. Khrushcheva, tác giả của các cuốn sách “Imagining Nabokow: Russia Between Art and Politics”, và “The Lost Khrushchev: A Journey into the Gulag of the Russian Mind”, là Giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế và Phó Hiệu trưởng Trường Đại học The New School tại New York. Bà cũng là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Chính sách Thế giới.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Trump Through Russian Eyes
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]