Nguồn: Martin Feldstein, “Why Is the Fed Still Raising Interest Rates?”, Project Syndicate, 27/12/2018.
Biên dịch: Lê Hồng Hiệp
Đầu tháng này, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã bỏ phiếu nhất trí tăng lãi suất ngắn hạn thêm 0,25%, đưa tỷ lệ này từ mức 2,25% lên 2,5%. Đây là lần tăng thứ tư trong 12 tháng, một chuỗi diễn tiến đã được dự kiến một năm trước, và các thành viên FOMC cũng chỉ ra rằng sẽ có thêm hai lần tăng nữa, mỗi lần 0,25%, trong năm 2019. Thông báo này sớm gặp phải sự phản đối rộng khắp.
Các nhà phê bình lưu ý rằng tăng trưởng kinh tế đã chậm lại trong quý hiện tại và biện pháp tính lạm phát ưa thích của Fed (dựa trên tỷ lệ tăng giá của chi tiêu tiêu dùng) đã giảm xuống dưới mục tiêu chính thức là 2%. Do Fed từ lâu đã nói rằng chính sách lãi suất của cơ quan này được quyết định dựa trên dữ liệu, vậy tại sao Fed lại tiếp tục kế hoạch được công bố trước đó nhằm tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ?
Thông báo của FOMC về việc tăng lãi suất lần mới nhất không đưa ra lý do rõ ràng nào cho việc này. Phát biểu của Chủ tịch Fed Jay Powell tại cuộc họp báo của ông cũng không đưa ra lý do nào cho việc tiếp tục tăng lãi suất theo kế hoạch ban đầu mặc dù kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Xác định mức lãi suất phù hợp phụ thuộc vào việc cân bằng một loạt các yếu tố vốn thay đổi thường xuyên. Vì vậy, FOMC có thể đã dựa vào những cân nhắc nào khi quyết định tăng lãi suất trong tháng này và dự kiến tiếp tục tăng trong năm 2019?
Có ba khả năng. Thứ nhất, mức hiện tại của lãi suất thực (sau khi đã trừ lạm phát) vẫn đang rất thấp. Tỷ lệ lạm phát hàng năm gần đây nhất dựa theo sự gia tăng của Chỉ số giá tiêu dùng là 2,2%. Nếu lấy tỉ lệ lãi suất danh nghĩa 2% trừ đi tỉ lệ lạm phát nêu trên thì mức lãi suất thực vẫn còn hơi âm trước lần tăng lãi suất gần đây và xấp xỉ bằng 0 ngay cả sau khi đã tăng.
Một tỷ lệ lãi suất thực bằng 0 có thể phù hợp trong một nền kinh tế rất suy thoái, nhưng không phải vậy trong một nền kinh tế mà GDP thực tế tăng trưởng trong năm nay ở mức hơn 3% và tỷ lệ thất nghiệp là cực kỳ thấp ở mức 3,7%. Ước tính riêng của Fed về mức độ thất nghiệp dài hạn ở một mức cao hơn đáng kể, 4,4%.
Một mức lãi suất thực tế cực thấp có thể gây ra một loạt các vấn đề nghiêm trọng. Các doanh nghiệp phản ứng trước chi phí vốn thấp bằng cách vay nợ quá mức. Các ngân hàng và những người cho vay khác tìm lợi suất bằng cách cho vay ngay cả với những người đi vay chất lượng thấp và áp đặt ít điều kiện hơn đối với các khoản vay. Các nhà đầu tư tài chính có thể đẩy giá cổ phiếu lên mức không bền vững. Các chính phủ sẽ muốn chấp nhận thâm hụt lớn vì chi phí trả lãi vay tương đối thấp.
Lý do thứ hai để tăng lãi suất là FOMC cần mức cao hơn bây giờ để có thể giảm lãi suất sau này, trong thời kỳ suy thoái kinh tế tiếp theo, khi cần kích cầu. Chu kỳ tăng trưởng kinh tế hiện tại, một trong những chu kỳ dài nhất kể từ Thế chiến II, đã kéo dài 114 tháng kể từ khi xu hướng tăng trưởng bắt đầu vào tháng 6 năm 2009. Mặc dù sự tăng trưởng không nhất thiết chấm dứt vì yếu tố thời gian, nhưng đã có đủ các dấu hiệu cảnh báo – bao gồm giá cổ phiếu giảm, suy yếu trong lĩnh vực nhà ở, suy thoái tại các nước lớn ở châu Âu và mức độ xuất khẩu không chắc chắn của Hoa Kỳ – cho thấy cuộc suy thoái tiếp theo có thể bắt đầu trong hai năm tới.
Trong ba lần suy thoái gần đây, Fed đã cắt giảm lãi suất cho vay lần lượt ở mức 5%, 4,8%và 5,3%. Nhưng với mức lãi suất khởi điểm là 2%, Fed chỉ có thể giảm lãi suất tối đa 2% trước khi lãi suất về bằng 0. Mặc dù Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ và Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã giảm lãi suất cơ bản xuống mức âm, nhưng điều đó đã tạo ra vấn đề cho các ngân hàng và công ty bảo hiểm của họ. Hơn nữa, vẫn chưa rõ vấn đề gì khác nữa sẽ xảy ra khi các ngân hàng trung ương này bình thường hóa lãi suất.
Lý do thứ ba khiến FOMC có thể muốn tăng lãi suất là để đưa tỷ lệ lãi suất thực lên mức “trung tính” (neutral). Một số nhà kinh tế đã nói rằng tỷ lệ trung tính, tức mức lãi suất mà không làm tăng hay giảm mức cầu tổng thể, thường được gọi là r*, đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Nhưng r* không phải là một con số được tính theo cách đơn giản như tỷ lệ lạm phát. Nó phải được ước tính theo một mô hình kinh tế phức tạp. Powell và những người khác đã nhấn mạnh rằng rất khó để xác định được giá trị của tỉ lệ trung tính này.
Quan điểm của tôi là các tính toán ngụ ý rằng giá trị ước tính của r* đã giảm mạnh trong những năm gần đây đã thực sự phản ánh mức lãi suất giảm mà Fed và các ngân hàng trung ương khác đưa ra. Trước đây, người ta thường cho rằng giá trị thực của tỷ lệ trung tính bằng khoảng 2%. Bởi vì tỷ lệ lãi suất thực hiện tại gần bằng không, cần tăng đáng kể lãi suất thực để đưa nó về mức trung tính truyền thống.
Ba lý do này, và có thể có những lý do khác, đã lý giải cho quan điểm của FOMC rằng lãi suất hiện tại vẫn quá thấp và cần phải tăng lên. Thật không may, đúng ra vẫn phải nói rằng các lần tăng lãi suất gần đây có thể vẫn là quá ít và quá muộn.
Martin Feldstein là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Harvard, Chủ tịch danh dự của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ, chủ trì Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Ronald Reagan từ năm 1982 đến năm 1984.