Nguồn: Stéphanie Giry, “Autopsy of a Cambodian Election”, Foreign Affairs, September/October 2015 Issue.
Biên dịch: Trần Anh Đức | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Quyền lực nhân dân?
Bên cạnh một vài bài phát biểu, Thủ tướng Hun Sen phần lớn giữ yên lặng trong những tuần sau bầu cử. Có những tin đồn về sự sửng sốt trong giới lãnh đạo của CPP (với câu hỏi sao cử tri có thể vô ơn với họ như vây?) và cả về những rạn nứt ngày càng tăng trong nội bộ Đảng. Tuy vậy, đảng CPP vẫn triển khai nhiệm vụ mới của mình với đầy đủ nghi thức, nhấn mạnh rằng bất kỳ khiếu nại nào về cuộc bầu cử phải được gửi đến các cơ quan chức năng có liên quan, nhưng trong số này không có một cái tên nào được cho là độc lập. Đảng CNRP phản đối bằng cách tuyên bố họ sẽ tẩy chay Quốc hội cho đến khi một cuộc điều tra được tiến hành. Và trong tháng 9, CNRP bắt dẫu dẫn đầu các cuộc biểu tình trong Công viên Tự do, một khu vực bê tông lát gạch thô ở giữa Phnom Penh, vốn do chính phủ xây dựng như là một địa điểm cho tự do ngôn luận.
Các buổi tụ họp đôi khi giống như các cuộc họp nghiêm túc, đôi lúc lại giống như những phiên chợ vùng quê. Trong khi các chính trị gia phát biểu trên sân khấu và những người dân chia sẻ bất bình của họ, những người bán hàng đi qua đám đông rao bán ngao và mía hấp. Khi các cuộc biểu tình ban ngày kéo dài tới buổi đêm, người dân vùng nông thôn xuất hiện tràn ngập trong thành phố. Sinh viên và nhân viên văn phòng trẻ tuổi, những người tham gia biểu tình trước bầu cử, giờ đây nhường chỗ cho những nông dân chân lấm tay bùn.
Các cuộc biểu tình ở Phnom Penh có quy mô nhỏ hơn và mang tính dân sự so với những cuộc biểu tình đã lật đổ chính phủ Ai Cập và Ukraine trong những năm gần đây, nhưng đối với Campuchia, đây là những cuộc biểu tình có quy mô lớn và tính chất táo bạo chưa từng có. Liệu Hun Sen sẽ mất bao lâu để đối phó với thách thức này? Đảng CNRP đã rất cẩn thận nêu rõ cam kết của mình với đấu tranh bất bạo động, đồng thời dung dưỡng, đôi khi khơi gợi, tâm lý chống Việt Nam ở Campuchia. Các tiết mục hài kịch đắt sô tại các sân khấu ở Công viên Tự do. Với việc các vụ ẩu đả nghiêm trọng nhất được báo cáo trong ngày bầu cử, một số là đánh hội đồng nhắm vào những người bị nghi ngờ là người Việt Nam, cam kết của đảng CNRP đang vỗ về chủ nghĩa dân túy và có vẻ như thật vô trách nhiệm.
Cách làm này của đảng CNRP có vẻ như ngầm thừa nhận điểm yếu của chính mình. Đảng CNRP được thành lập nhằm chống lại cả bộ máy đồ sộ của đảng CPP, trong khi họ có rất ít phương tiện để đối đầu lại. Tài sản chủ yếu của CNRP là sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân, nhưng nó có một hạn chế: CNRP đang cố gắng tiến hành một cuộc bỏ phiếu thông qua biểu tình, nhưng bước đi này được nhận định là sẽ không tác động nhiều tới Hun Sen. Và trong nỗ lực để giành được một cái gì đó vốn không hoàn toàn của mình, đã có thời điểm CNRP đi ngược lại dư luận khi quan điểm của họ không những trịch thượng mà còn đậm chất phong kiến về mối quan hệ giữa người dân và quyền lực.
Một ngày cuối tháng 9, phe đối lập thúc giục những người ủng hộ họ yêu cầu nhà vua rút lại lá thư triệu tập Quốc hội mới. Khoảng chục người phụ nữ ngồi bên rào chắn cách một quãng với đồn gác cung điện hoàng gia, tay ôm hộp kiến nghị với dấu vân tay của 265.788 người. Họ đang chờ đợi một đại diện của hoàng gia tới nhận. Mây đen kéo đến, một cơn mưa phùn đe dọa đổ xuống, rồi họ phủ một tấm bạt màu xanh lên trên các hộp. Cuối cùng, một người đại diện ra thông báo rằng nhà vua sẽ nghe lời thỉnh cầu của họ. Một chiếc xe kéo với người lái xe gầy gò được đưa tới để đưa mấy chiếc hộp xếp chồng lên nhau đi về phía cổng hoàng gia.
Một vài ngày sau, Quốc hội Campuchia họp như dự kiến, dù không có sự có mặt của phe đối lập. Tuy nhiên, vào cuối tháng 10, đảng CNRP một lần nữa kích động những người ủng hộ mang kiến nghị thư tới một nơi có thẩm quyền cao hơn cả nhà vua. Hàng trăm người biểu tình tuần hành đến văn phòng nhân quyền của Liên Hợp Quốc với hàng xe tải giấy tờ, yêu cầu điều tra cuộc bầu cử tháng Bảy với hai triệu dấu vân tay đồng ý, chiếm gần 13 phần trăm dân số cả nước. Các hộp thỉnh nguyện thư được đặt tại phòng lưu trữ trong nhiều tuần để chờ được gửi tới trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York.
Lao Mong Hay khấp khởi hy vọng rằng những người Campuchia cuối cùng đã được coi là những công dân. Trước đây người dân thường ở vị trí đi cầu xin và tiếng nói của họ không có sức ảnh hưởng. Ngày càng có nhiều hơn các quốc gia chính thức công nhận chính phủ mới của ông Hun Sen. Các nhà ngoại giao ở Phnom Penh đã chán nản với những trò lố của đảng CNRP, và nói họ mong đảng này sẽ nhận ghế tại quốc hội cũng như tiếp tục công việc khó khăn của một đảng đối lập. Đám đông trong Công viên Tự do đã bắt đầu trở nên thưa thớt.
Thế tiến thoái lưỡng nan của người tù
Đảng CPP đang tái tập hợp lực lượng. Một vài đảng viên có kinh nghiệm và năng động đã được đưa vào chính phủ. Bộ Thương mại Campuchia công bố một chiến dịch cắt giảm các khoản thanh toán không chính thức bằng cách tự động hóa các hồ sơ mà doanh nghiệp phải thực hiện. Ngân sách giáo dục được tăng lên. Một thành viên nội các nói với tôi rằng kết quả bầu cử là một hồi chuông cảnh tỉnh: Sự sống còn của đảng phụ thuộc vào việc đẩy mạnh cải cách.
Ngày hôm nay, hơn bao giờ hết, vấn đề quan tâm nhất đối với người dân Campuchia là Việt Nam. Nhưng vẫn còn đó nhiều trở ngại. Chống tham nhũng trên quy mô lớn sẽ khiến mạng lưới bảo trợ giới tinh hoa của Đảng không hài lòng. Xử lý một vài vụ nhỏ lẻ thì không thể làm hài lòng người dân Campuchia, những người đã quá quen với cách trấn an này, mặc dù nó có thể dọa được một số quan chức, những người cần tham nhũng do họ bị trả lương rất thấp. Cũng có nhiều kỳ vọng mới: Công nhân may yêu cầu tăng lương lên hơn 150 đô la mỗi tháng, giáo viên đòi 250 đô, và công chức đòi 500 đô. Vài tuần trước, tôi đã hỏi Sam Rainsy liệu ông có lo rằng CPP có thể làm suy yếu đảng CNRP bằng cách thúc đẩy các chương trình ưu việt hơn hay không. Ông trả lời: “Vấn đề này phức tạp hơn nhiều. Hun Sen không chỉ là người đứng đầu, mà còn là tù nhân của chính hệ thống CPP.”
Đến cuối mùa thu, có vẻ như Sam Rainsy cũng là tù nhân của hệ thống đó. Đảng CNRP đạt được rất ít tiến bộ trong việc đàm phán với CPP, ngay cả sau khi hạ thấp điều kiện để họ nhận ghế tham gia Quốc hội. Tới lúc này, về cơ bản, CNRP chỉ đòi được cấp giấy phép thành lập một đài truyền hình và ghế chủ tịch một số ủy ban Quốc hội. Nếu đảng CNRP có thể lên nắm quyền, thì với rất ít kinh nghiệm quản lý chính phủ, họ sẽ phải dựa vào các quan chức trung thành với CPP. Ngay cả chính sách đấu tranh bất bạo động của đảng này cũng là con tin của một giả định rằng bất cứ lúc nào, chính phủ vẫn có thể sử dụng vũ lực đối với phe đối lập.
Như đã nói, Hun Sen thường được gọi là “lãnh đạo chuyên quyền của Campuchia”, nhưng danh hiệu này chưa nói được hết khả năng của Hun Sen trong việc thao túng vũ lực. Ban đầu chính phủ chỉ sử dụng quân đội, vòi rồng, và rào chắn dây thép gai để đối phó với các cuộc biểu tình sau bầu cử, sau đó lực lượng an ninh quốc gia vào cuộc. Đã xuất hiện một vài cuộc trấn áp các vụ biểu tình nhỏ và ở xa Công viên Tự do. Hun Sen thỉnh thoảng cảnh báo về thế lực thứ ba, ám chỉ những kẻ côn đồ, du thủ du thực, và các thế lực thù địch kích động, những người có thể gây ra rắc rối cho những người biểu tình.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 12, đảng CNRP gia tăng áp lực, khi thông báo sẽ tổ chức các cuộc tuần hành thường xuyên cho đến khi Thủ tướng Hun Sen từ chức và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm. Phong trào công nhân may cũng lên cao. Một nhóm các nghiệp đoàn độc lập đã công bố các cuộc đình công hàng loạt khi công nhân yêu cầu chỉ quay trở lại làm việc khi nào mức lương tối thiểu tăng từ 80 lên 160 đô la mỗi tháng, mức mà chính phủ ước tính là một mức lương đủ sống. Do dệt may chiếm khoảng 80 phần trăm doanh thu xuất khẩu của Campuchia, việc này có thể dẫn đến thâm hụt ngân sách lớn. Sam Rainsy đã đến một nhà máy gần biên giới Việt Nam và kêu gọi công nhân đình công: “Chúng ta phải kề vai sát cánh cùng nhau. Tôi ủng hộ các bạn cho đến khi các bạn thành công. Tôi sẽ ở bên và bảo vệ tất cả các bạn.”
Buổi diễu hành của đảng CNRP ngày 29 tháng 12 qua trung tâm của Phnom Penh là cuộc biểu tình lớn chưa từng có, với sự tham gia của khoảng 100.000 người và cũng là lần đầu tiên công nhân may tham gia với số lượng lớn như vậy. Bộ Lao động Campuchia trước đó mới công bố tăng lương tối thiểu của người lao động lên 95 đô la mỗi tháng, bây giờ đồng ý tăng lên 100 đô, đồng thời yêu cầu các công nhân đình công phải trở lại nhà máy trước ngày 2 tháng 1. Cùng ngày, biểu tình tại một nhà máy ở ngoại ô Phnom Penh đã bị trấn áp bởi một đơn vị bán quân sự tinh nhuệ. Một cuộc biểu tình khác tại một nhà máy gần đó cũng bị giải tán và ngày hôm sau, lực lượng an ninh trấn áp bằng cách bắn vào đám đông, giết chết 5 người.
Ngày hôm sau, vỏ đạn được cho là của vụ bắn súng tại nhà máy đã được đưa vào trưng bày tại trụ sở của đảng CNRP. Sam Rainsy lên án các vụ giết người và khẳng định cam kết của đảng với đấu tranh bất bạo động. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra một phép toán dài, lạnh lùng chứng minh rằng mức lương tối thiểu có thể được nâng lên đến 160 đô la mỗi tháng mà không làm giảm khả năng cạnh tranh của Campuchia. Sam Rainsy nói đảng CNRP ủng hộ các công nhân may mặc bằng cách cung cấp cho họ “lý luận” và “hỗ trợ tri thức.” Với các vụ việc chết người của ngày hôm trước, đây là một kiểu hỗ trợ có vẻ rất không thiết thực.
Nếu thông điệp của Sam Rainsy được coi như là một cử chỉ hòa giải với Hun Sen, nó thật hời hợt hoặc đã quá muộn. Chỉ vài giờ sau khi Sam Rainsy phát biểu, lực lượng an ninh nhà nước và côn đồ bịt mặt đã dùng dùi cui và ống kim loại đổ vào Công viên Tự do đàn áp những người ủng hộ phe đối lập. Các nhà chức trách cũng ban hành một lệnh cấm bất cứ cuộc hội họp nào quá 10 người.
Vụ tấn công vào Công viên Tự do tước đi vũ khí lớn nhất của phe đối lập. Nhưng nó cũng bộc lộ sự phòng thủ đầy tàn nhẫn của chính phủ Campuchia. Kết quả là một trận hòa. Nhân dân ủng hộ Sam Rainsy, còn Hun Sen được các lực lượng nhà nước bảo vệ, nhưng chẳng ai có được nhân tố quyết định.
Cái giá của thỏa hiệp
Mùa xuân năm 2014 đã yên bình như nhiều người dự đoán. Một số nhà hoạt động đã bị bắt giữ. Lực lượng an ninh đã được tán dương. Trong khi Sam Rainsy viếng thăm một loạt thủ đô nước ngoài, Mu Sochua, cựu Bộ trưởng Bộ Phụ nữ và Cựu chiến binh và là thành viên CNRP trong Quốc hội, một mình bắt đầu chiến dịch để đòi lại Công viên Tự do, tự tiến hành các buổi biểu tình phản đối tại nơi này. Ngày 15 tháng 7, Mu có thêm những người ủng hộ. Đụng độ và bắt giữ đã xảy ra. Sam Rainsy bay về nước và thương lượng với Hun Sen: Chính phủ sẽ thả các thành viên CNRP đã bị bắt, và tất cả mọi người sẽ đồng ý nhận ghế của mình trong Quốc hội. “Văn hóa đối thoại” ra đời.
Đối với đảng CPP, những lợi ích này rất rõ ràng: chấm dứt cuộc khủng hoảng, tăng thu hút đầu tư nước ngoài, và cơ hội để thu nạp các thành viên CNRP. Đối với CNRP, kết quả lẫn lộn hơn. Kem Sokha sẽ trở thành phó chủ tịch Quốc hội. Đảng CNRP sẽ đứng đầu năm ủy ban quốc hội, trong đó có một ủy ban mới về chống tham nhũng. Một ủy ban bầu cử mới, với trách nhiệm lập danh sách cử tri, sẽ được thiết lập. Nhưng rất nhiều trong số các mặt lợi trên đều mang tính hình thức, và những yếu tố quan trọng hơn phụ thuộc vào chi tiết thực hiện vốn sẽ được xác định sau.
Thỏa thuận cũng bộc lộ những yếu kém của CNRP. Các thành viên cao cấp và cố vấn đảng này phàn nàn rằng Sam Rainsy thỏa thuận với Hun Sen mà không tham vấn họ một cách đầy đủ. Ủy ban bầu cử mới sẽ không bao gồm các thành viên từ bất kỳ đảng phái chính trị nào khác ngoài CPP và CNRP. Mu Sochua sau đó biện minh điều này với tôi khi nói rằng đó là vì không có đảng nào khác giành được ghế tại cuộc bầu cử năm 2013, cho thấy 2 đảng này không quan tâm tới việc để các đảng nhỏ hơn có tiếng nói trong việc định hình hệ thống. Mục tiêu của đảng CNRP không phải là đa nguyên, cũng chẳng phải tạo ra sân chơi công bằng hơn, mà chỉ tập trung đảm bảo quyền lực.
Một năm sau, đảng CNRP đã có giấy phép để hoạt động truyền hình, nhưng sẽ phải gia hạn hàng năm. Mặc dù tất cả các nhà hoạt động CNRP từng bị bỏ tù đã được thả, các vụ án chống lại họ giờ được cho là đã “đóng băng”, như cách Sam Rainsy nói, đồng nghĩa với việc chúng có thể được kích hoạt trở lại bất cứ khi nào. Ủy ban bầu cử mới phải đăng ký lại khoảng mười triệu cử tri đủ điều kiện để kịp cho các cuộc bầu cử địa phương vào đầu năm 2017. Tính đến tháng 7, tổng thư ký sắp tới của ủy ban này, người được chính quyền ủy thác giám sát việc cử tri đăng ký, vẫn chưa được chọn. Trong thời gian đó, vị tổng thư ký của ủy ban cũ và đáng ngờ vẫn tại nhiệm.
Quốc hội Campuchia đã thông qua một loạt điều luật mà nhiều tổ chức NGO đã công khai chỉ trích, do sự kiểm soát của chúng đối với xã hội dân sự và công đoàn. Đảng CNRP phản đối các dự luật này, đôi lúc khá dữ dội. Nhưng những cam kết của CNRP về “văn hóa đối thoại” đóng vai trò như giới hạn của các chỉ trích trên. Sau khi một nhà lập pháp CNRP đặt câu hỏi về sự quản lý của Hội Chữ thập đỏ, một tổ chức do vợ Hun Sen đứng đầu, Hun Sen đã thách Sam Rainsy phải thề tại một ngôi đền nổi tiếng rằng sẽ “chết bởi đạn bắn, sấm sét và bất cứ thứ gì” nếu tố cáo đó hay những cáo buộc gian lận bầu cử năm 2013 là sai sự thật.
Lãnh đạo CNRP dường như đã tự trói tay mình, và điều này đang khiến một lượng người ủng hộ đảng này xa lánh họ, điều có thể thấy rõ nhất trên phương tiện truyền thông xã hội và cộng đồng người Campuchia ở Hoa Kỳ, một nguồn tài trợ quan trọng. Khi tôi nói chuyện với Kem Sokha vào cuối tháng Sáu, ông ước tính việc xích lại gần với Hun Sen có thể khiến CNRP mất đi 10% lượng người ủng hộ và thêm 50% khác đang hoài nghi, chờ đợi để xem kết quả cụ thể.
Tuy vậy, Mu Sochua đã khen ngợi “văn hóa đối thoại” là đã tạo điều kiện cho CNRP “xâm nhập vào cơ sở” và bắt đầu xây dựng lực lượng ủng hộ tại các địa phương cho cuộc bầu cử năm 2017 và cuộc tổng tuyển cử năm 2018. Mu giải thích, với việc cải thiện quan hệ giữa 2 đảng giờ là một chính sách chính thức của chính phủ, mật vụ CPP cũng không còn đe dọa những người ủng hộ phe đối lập nữa.
Đối với Sam Rainsy, thời gian đứng về phía đảng CNRP: dân số Campuchia đang ngày càng trẻ hơn. Sam Rainsy tin rằng sự thay đổi về mặt nhân khẩu học này sẽ chỉ có lợi cho CNRP. Nhưng câu chuyện vui vẻ này của Rainsy cũng gợi ý về một dạng từ nhiệm khác. Trong một cuộc phỏng vấn vào cuối tháng Sáu, ông ta nhắc tới việc chấm dứt chế độ Apartheid ở Nam Phi, các lệnh ân xá, và các ủy ban sự thật và hòa giải để lập luận rằng Hun Sen cần đảm bảo không bị truy tố sau khi rời nhiệm sở. Việc Sam Rainsy nói càng nhiều về cách khuyến khích Hun Sen từ bỏ quyền lực càng cho thấy dường như ông ta dựa dẫm vào lòng thương xót của Hun Sen.
Hội chứng Việt Nam
Hun Sen cho thấy rất ít dấu hiệu muốn ra đi. Tại đại hội đảng CPP vào tháng Sáu, việc ông làm ứng cử viên cho cuộc bầu cử năm 2018 đã được công bố và ông được bầu làm chủ tịch đảng, thay thế vị trí của đối thủ lâu năm của mình là Chea Sim, người qua đời gần đây. Bộ trưởng Nội vụ, em rể của Chea Sim, được thăng chức phó chủ tịch đảng do là một đảng viên CPP lâu năm với kiến thức tuyệt vời về bộ máy tổ chức đảng. CPP đang dần hoàn thiện đội ngũ lãnh đạo. CPP cũng đã thăng chức một loạt con em lãnh đạo và mở rộng Ủy ban Trung ương Đảng với nhiều cán bộ, viên chức chỉ huy lực lượng an ninh.
CPP cũng tiếp tục cải cách, đặc biệt là ở các lĩnh vực những người dân thường có thể dễ dàng nhìn thấy như giáo dục. Mức lương tối thiểu cho công nhân may được tăng lên 128 đô la mỗi tháng, và David Welsh, một nhà hoạt động về quyền lao động, dự báo về các mức tăng khác, dù có thể không đáng kể cho đến trước cuộc bầu cử. Theo chuyên gia khoa học chính trị Kheang Un, đảng CPP đã đưa các nhóm làm việc về cơ sở sau cuộc bầu cử năm 2013 để điều tra ý kiến cử tri ở các khu vực bầu cử, không phân biệt việc họ ủng hộ đảng nào. CPP cuối cùng hiểu rằng họ phải đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhiều người, không chỉ những người ủng hộ họ.
Chưa rõ liệu những biện pháp này có thể giành lại phiếu bầu của những cử tri Campuchia đã bầu cho CNRP vào năm 2013 hay không, nhưng chúng vẫn là lời nhắc nhở về sự chênh lệch rõ rệt các nguồn lực giữa hai bên, điều có thể giải thích tại sao đảng CNRP thường khó chịu khi phải phải chơi theo luật của Hun Sen, dẫn tới việc không thể tránh khỏi những quan điểm bối rối và chiến thuật kém. Ví dụ như khi Sam Rainsy nói rằng CNRP cam kết đấu tranh bất bạo động, ông không chỉ ám chỉ rằng đảng của ông sẽ không dùng đến vũ lực, mà còn muốn nói rằng đảng CNRP không muốn những người ủng hộ họ bị trấn áp bằng bạo lực. Nhưng liệu một phong trào bất bạo động sẽ có thể phát triển mạnh tới mức nào nếu họ không thể chịu đòn? Và như vậy khi Sam Rainsy nhiều lần kêu gọi bình tình, ông dường như đang rụt rè chơi với lửa. Sam Rainsy ủng hộ phong trào công nhân và kêu gọi tinh thần chống Việt Nam như thể ông không ngại làm bùng nổ một cuộc cách mạng, nhưng chỉ khi ông có thể phủ nhận sự liên quan của mình./.
Stéphanie Giry là Biên tập viên mục Ý kiến của tờ New York Times phiên bản quốc tế.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”680″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]