05/10/1989: Đức Dalai Lama được trao giải Nobel Hòa bình

Nguồn:Dalai Lama wins Peace Prize,” History.com (truy cập ngày 4/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1989, Đức Dalai Lama, nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị lưu vong của Tây Tạng, được trao giải Nobel Hòa bình để ghi nhận chiến dịch bất bạo động của ông nhằm chấm dứt sự thống trị của Trung Quốc ở Tây Tạng.

Đức Dalai Lama thứ 14 được sinh ra với tên Tenzin Gyatso (Đăng-châu Gia-mục-thố) ở tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc, năm 1935. Cha mẹ ông là người Tây Tạng, và các nhà sư Tây Tạng đã đến tìm ông năm ông ba tuổi và công bố ông là hóa thân của Đức Dalai Lama thứ 13 quá cố. Các nhà sư đã được chỉ dẫn đến nơi có thể tìm thấy hậu thân của Đức Dalai Lama bằng các điềm báo và giấc mơ. Lên năm tuổi, Tenzin Gyatso được đưa tới thủ phủ Tây Tạng Lhasa và tôn làm nhà lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng.

Tây Tạng, một khu vực rộng lớn nằm trên các cao nguyên và miền núi Trung Á, đã được cai trị bởi các Dalai Lama từ thế kỷ 14. Người dân Tây Tạng đã chống lại những nỗ lực của Trung Quốc nằm giành quyền kiểm soát lớn hơn đối với khu vực trong những năm đầu thế kỷ 20, và trong suốt cuộc cách mạng Tân Hợi (1911–12), người Tây Tạng đã trục xuất các quan chức và dân chúng Trung Quốc và chính thức tuyên bố nền độc lập của họ.

Tháng 10 năm 1950, các lực lượng Trung Quốc cộng sản đã xâm chiếm Tây Tạng và nhanh chóng áp đảo quân đội thiếu thốn trang bị của đất nước này. Đức Dalai Lama trẻ tuổi kêu gọi Liên Hợp Quốc hỗ trợ, nhưng lời thỉnh cầu của ông đã bị từ chối. Năm 1951, một thỏa thuận hòa bình Tây Tạng-Trung Quốc đã được ký, theo đó Tây Tạng trở thành một “khu tự trị” của Trung Quốc, danh nghĩa là dưới sự cai trị của Dalai Lama nhưng trên thực tế lại là dưới sự kiểm soát của một ủy ban Trung Quốc cộng sản. Người dân Tây Tạng vốn mộ đạo nay phải chịu đựng dưới các đạo luật chống tôn giáo của Trung Quốc.

Sau nhiều năm biểu tình rải rác ở Tây Tạng, một cuộc nổi dậy quy mô lớn đã nổ ra vào tháng 3 năm 1959, và Đức Dalai Lama đã buộc phải đào thoát với 100.000 người Tây Tạng khác khi quân đội Trung Quốc nghiền nát cuộc nổi dậy. Ông bắt đầu lưu vong ở Ấn Độ, lưu trú ở thị trấn Dharamsala dưới chân dãy Himalaya, nơi ông thành lập một Hội đồng Dân cử Tây Tạng dựa trên cơ chế dân chủ. Trong khi đó, Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp đàn áp dã man đối với người dân Tây Tạng, cáo buộc Đức Dalai Lama tội diệt chủng. Cùng sự khởi đầu của Cách mạng Văn hóa, cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với Phật giáo Tây Tạng gia tăng nhanh chóng, việc thực hiện các nghi lễ tôn giáo bị cấm và hàng ngàn tu viện đã bị phá hủy.

Dù lệnh cấm thực hành các hành vi tôn giáo đã được dỡ bỏ năm 1976, các cuộc đàn áp ở Tây Tạng vẫn tiếp diễn. Từ cơ sở của mình ở Dharamsala, Đức Dalai Lama đã đi khắp thế giới, kêu gọi sự chú ý quốc tế về cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với người dân Tây Tạng và tôn giáo của họ. Nhiều cuộc bạo loạn lớn chống Trung Quốc đã bùng lên ở Lhasa năm 1987, và năm 1988 Trung Quốc đã tuyên bố thiết quân luật trong khu vực. Để tìm kiếm hòa bình, Đức Dalai Lama đã từ bỏ đề nghị độc lập cho Tây Tạng và kêu gọi một chính quyền tự trị thật sự cho Tây Tạng, còn Trung Quốc phụ trách các vấn đề quốc phòng và đối ngoại. Trung Quốc đã từ chối đề nghị này. Một năm sau đó, Đức Dalai Lama được trao giải Nobel Hòa bình năm 1989. Cuốn tự truyện của ông, Freedom in Exile (Tự do trong lưu vong), đã được xuất bản năm 1990.

Tây Tạng tiếp tục phải chịu đựng tình trạng bất ổn trong những năm 1990, và Trung Quốc đã bị nhiều chính phủ phương Tây chỉ trích vì sự đàn áp về chính trị và tôn giáo ở đây. Kể từ đó chính phủ Trung Quốc đã có một số nỗ lực để làm dịu lập trường của mình trong khu vực, nhưng Tây Tạng hiện vẫn chưa có một chính quyền tự trị thật sự. Sau hơn bốn thập niên lưu vong, Đức Dalai Lama vẫn tiếp tục chu du, quảng bá cho sự nghiệp của những người Tây Tạng.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]