06/10/1973: Chiến tranh Yom Kippur bùng nổ

Print Friendly, PDF & Email

yom-kippur-wreck-2

Nguồn:Yom Kippur War begins,” History.com (truy cập ngày 05/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1973, với hy vọng giành lại được phần lãnh thổ đã mất trước Israel trong cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel lần thứ ba, các lực lượng Ai Cập và Syria đã bắt đầu một cuộc tấn công phối hợp nhằm vào Israel vào đúng ngày Yom Kippur, một trong những ngày lễ linh thiêng nhất trong năm của người Do Thái. Tấn công Lực lượng Quốc phòng Israel một cách bất ngờ, quân đội Ai Cập đã quét sâu vào bán đảo Sinai, trong khi Syria cố gắng đánh bật quân đội Israel đang đồn trú ra khỏi cao nguyên Golan.

Chiến thắng rực rỡ của Israel trong Chiến tranh sáu ngày năm 1967 đã giúp đất nước của người Do Thái này giành quyền kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng tới bốn lần diện tích trước đây của mình. Ai Cập đã mất bán đảo Sinai rộng tới 60.000 kilômét vuông và Dải Gaza, Jordan mất Bờ Tây và Đông Jerusalem, và Syria mất cao nguyên chiến lược Golan. Khi trở thành Tổng thống Ai Cập năm 1970, Anwar Al-Sadad phải lên làm lãnh đạo một đất nước đang gặp khó khăn về kinh tế và chắc chắn không thể có đủ khả năng để tiếp tục cuộc thập tự chinh vô tận chống lại Israel.

Ông muốn hòa bình và từ đó đạt được sự ổn định và thu hồi lại Sinai, nhưng sau chiến thắng 1967 của Israel thì các điều kiện thỏa thuận hòa bình của Israel thật khó có khả năng có lợi cho Ai Cập. Bởi vậy Sadad đã thai nghén một kế hoạch táo bạo nhằm tấn công Israel một lần nữa, một cuộc chiến dù có không thành công cũng có thể buộc người Israel tin rằng hòa bình với Ai Cập là điều cần thiết.

Năm 1972, Sadad trục xuất 20.000 cố vấn Liên Xô ra khỏi Ai Cập và mở các kênh ngoại giao mới với Washington, vốn là đồng minh quan trọng của Israel nên sẽ đóng vai trò một trung gian cần thiết cho bất cứ cuộc đàm phán hòa bình nào trong tương lai. Ông thành lập một liên minh mới với Syria, và một cuộc tấn công phối hợp nhằm vào Israel đã được lên kế hoạch.

Khi cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel thứ tư bắt đầu vào ngày 6 tháng 10 năm 1973, nhiều binh sĩ Israel không có mặt ở nơi đồn trú của họ để đi dự lễ Yom Kippur, và quân đội Ả Rập đạt được nhiều bước tiến đầy ấn tượng bằng kho vũ khí Liên Xô hiện đại của họ. Iraq sớm tham chiến, và Syria nhận được sự hỗ trợ từ Jordan. Sau ít ngày chiến đấu, quân đội Israel đã được huy động đầy đủ, và Lực lượng Quốc phòng Israel bắt đầu phản công lại và gây ra những tổn thất nặng nề về nhân lực và trang thiết bị cho phe Ả Rập. Cuộc không vận vũ khí của Mỹ đã tiếp sức cho Israel, nhưng việc Tổng thống Richard Nixon trì hoãn viện trợ quân sự khẩn cấp cho Israel trong bảy ngày là một tín hiệu ngầm cho thấy Mỹ cảm thông với Ai Cập. Cuối tháng 10 cùng năm, Liên Hợp Quốc đã ban bố một lệnh ngừng bắn giữa Ai Cập và Israel.

Mặc dù Ai Cập một lần nữa phải chịu thất bại về mặt quân sự dưới tay của người hàng xóm Do Thái, những thành công ban đầu của Ai Cập đã giúp gia tăng đáng kể uy tín của Sadad ở Trung Đông và cho ông một cơ hội để tìm kiếm hòa bình. Năm 1974, thỏa thuận đầu tiên trong hai thỏa thuận rút quân giữa Ai Cập và Israel đã được ký, quy định việc Israel trao trả lại một phần bán đảo Sinai cho Ai Cập. Vào năm 1979 Saddad và Thủ tướng Israel Menachem Begin đã ký thỏa thuận hòa bình đầu tiên giữa Israel và một trong các nước láng giềng Ả Rập của mình. Năm 1982, Israel thực hiện hiệp ước hòa bình năm 1979 bằng cách trao trả lại phần đất cuối cùng của bán đảo Sinai cho Ai Cập.

Đối với Syria, cuộc chiến tranh Yom Kippur là một thảm họa. Thỏa thuận ngừng bắn bất ngờ giữa Ai Cập và Israel đã khiến Syria gặp thất bại quân sự, và Israel thậm chí còn giành được thêm nhiều phần lãnh thổ trên cao nguyên Golan. Năm 1979, Syria bỏ phiếu cùng các nước Ả Rập khác để trục xuất Ai Cập ra khỏi Liên đoàn Ả Rập. Cũng trong ngày mùng 6 tháng 10 nhưng là năm 1981, Sadad bị những kẻ cực đoan Hồi giáo ám sát ở Cairo trong khi ông đang theo dõi một cuộc diễu binh kỷ niệm cuộc chiến Yom Kippur.